Giáo sư dạy Đại học chưa chắc có thể dạy tốt Tiểu học
Thầy Dong ví von: Một người được công nhận là Giáo sư cũng chưa chắc làm tốt công việc của một hiệu trưởng trường Tiểu học. Đây là nghịch lý của bằng cấp.
Một trong những điểm mới của Luật giáo dục 2019 đó chính là việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo.
Theo thống kê, nếu căn cứ theo điều 72, Luật giáo dục sẽ có khoảng 300.000 – 400.000 giáo viên (tương đương khoảng 40%) không đạt chuẩn và phải đào tạo lại.
Giáo sư Phạm Tất Dong, đưa ra một góc nhìn mới về chuyện bằng cấp, trình độ trong ngành sư phạm.Xung quanh câu chuyện này còn nhiều tranh cãi: Chất lượng của giáo viên nên được đánh giá theo trình độ, năng lực trong quá trình công tác hay theo chuẩn bằng cấp.
Theo thầy Dong, trong ngành sư phạm tồn tại 2 xu hướng rất rõ ràng, Việc đánh giá trình độ, năng lực của giáo viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Giáo sư Phạm Tất Dong nói: “Để đánh giá chất lượng trong sư phạm nó hơi phức tạp. Thực tế có những người rất giỏi về mặt chuyên môn.
Chẳng hạn có những sinh rất giỏi toán, học trong trường được học bổng nọ, học bổng kia.
Nhưng khi đi dạy lại diễn đạt dở, nghiệp vụ sư phạm không tốt cho nên học sinh lại chẳng hiểu gì thành ra dạy dở.
Ngược lại có những người học bình thường chỉ tầm tầm thôi nhưng dạy rất hay, nói đến đâu học sinh hiểu đến đấy.
Như vậy thực tế hiện nay có 4 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất, chuyên môn rất giỏi, bằng nọ cấp kia nhưng khi đi dạy thực tế, yêu cầu quá cao học sinh không hiểu được.
Nhóm thứ 2, học hành cũng vừa vừa thôi nhưng họ lại dạy rất hay, học sinh rất hiểu.
Nhóm thứ 3 đã chuyên môn cao lại còn dạy hay. Nhóm thứ 4 đã không có chuyên môn lại dạy dở.
Cho nên không phải cứ học giỏi là sẽ dạy giỏi, tương tự không phải bằng nọ cấp kia là sẽ dạy giỏi.
Bên cạnh yếu tố bằng cấp, đánh giá năng lực còn phải xem giáo viên có yêu nghề hay không?
Anh có dạy giỏi nhưng không yêu nghề thì cũng là một cái rất dở. Người ta nói: Làm thầy vừa là một nhà sư phạm vừa là một người bạn của học sinh”.
Theo thầy Dong đào tạo giáo viên phải gắn liền với chuyên môn, công việc (Ảnh:T.L)
Theo thầy Dong, để nâng chuẩn đội ngũ giáo viên có rất nhiều thông số quyết định không chỉ riêng chuyện bằng cấp:
“Nếu anh giỏi chuyên môn mà không thân thiết với học sinh, không yêu nghề thì cũng không thể đánh giá đó là giáo viên giỏi được. Có nhiều thông số quy định chất lượng của giáo viên.
Muốn đánh giá, sàng lọc chuẩn giáo viên phải xem anh nào thực sự dạy được, anh nào dạy kém chứ không phải căn cứ vào mỗi tấm bằng. Học giỏi không quan trọng bằng việc phù hợp với nghề.
Video đang HOT
Ví dụ có anh học toán rất giỏi, lẽ ra anh nên đi học Bách Khoa nhưng anh lại vào sư phạm cho nên khi đi dạy chuyên môn thì cao nhưng nghiệp vụ sư phạm lại kém vì không phù hợp.
Đây cũng là một câu chuyện để chúng ta nhìn nhận lại công tác đào tạo cán bộ”.
Nói về câu chuyện bằng cấp, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: Người có bằng thạc sĩ mà đào tạo không đúng chuyên môn phụ trách thì cái bằng đấy cũng chỉ để có cho đẹp.
Việc đào tạo thạc sĩ phải gắn liền với chuyên môn, công việc (Ảnh minh họa:Ndiep)
Thầy Dong kể: “Tôi đã từng chấm nhiều luận án thạc sĩ cho giáo viên ở các huyện. Họ thường liên hệ với một số trường Đại học để đưa trường phỏng, phó phòng đi học thạc sĩ. Vì theo tiêu chuẩn là phải có những cái bằng ấy để làm lãnh đạo.
Nhưng vấn đề là có nhiều anh đi học thạc sĩ quản lý xong về làm ở bộ phận đào tạo, giảng dạy. Như vậy thì anh ta thực chất có giỏi về chuyên môn đâu.
Bây giờ chẳng hạn có người học thạc sĩ quản lý trường tiểu học, luận văn 70-80 trang xong xin về trường phụ trách môn toán thì chết rồi.
Bằng thạc sĩ quản lý lại đi dạy toán thì chắc chắn là chuyên môn sẽ không đảm bảo.
Cho nên ngay cái đào tạo thạc sĩ của mình đã có vấn đề. Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không ăn nhập với nghề.
Theo quan điểm của tôi, anh muốn giỏi về một lĩnh vực nào đó thì anh phải học và đào tạo theo đúng cái lĩnh vực đấy.
Cũng là người có bằng thạc sĩ đấy nhưng anh đưa người học quản lý trường tiểu học nên là không đúng rồi.Ví dụ muốn đưa một người lên làm trưởng bộ môn toán của trường thì anh phải học về việc giảng dạy môn Toán.
Mà tôi nói bây giờ bằng thạc sĩ cũng có 1 số trường hợp báo chí phản ánh là mua được.
Ý đồ nâng chuẩn, nâng trình độ giáo viên là tốt nhưng anh không đi học đúng chuyên môn hoặc anh đi mua bằng thì cũng chết đúng không?
Nhưng cơ chế hiện nay lại yêu cầu muốn đề bạt, thăng chức thì phải có bằng. Điều này cũng có những cái hạn chế của nó”.
Theo thầy Dong, việc nâng chuẩn phải căn cứ theo việc đào tạo đúng ngành nghề. Không phải yêu cầu chung chung có bằng nọ, bằng kia.
“Ở nước ta có một cái hiểu rất sai về công tác tổ chức cán bộ. Ví dụ muốn đề bạt một anh vụ trường thì phải có bằng Tiến sĩ.
Nhưng cái dở là yêu cầu bằng Tiến sĩ còn bất chấp bằng Tiến sĩ có chuyên môn gì, có thực chất hay không?
Đây là một biểu hiện của tình trạng chạy đua bằng cấp, coi trọng bằng cấp, chạy đua thành tích.
Việc lấy thước đo bằng cấp đôi khi là không đúng. Ví dụ kể cả có một ông giáo sư Đại học cũng chưa chắc về trưởng tiểu học làm hiệu trưởng được.
Anh có thể dạy rất tốt ở Đại học nhưng chưa chắc anh đã quản lý được một ngôi trường tiểu học vì không phù hợp và không đúng chuyên môn”.
Bồi dưỡng giáo viên gắn trình độ chuyên môn với bằng cấp là phương pháp hài hòa (Ảnh:vietnammoi.vn)
Giáo sư Phạm Tất Dong cũng cho rằng: Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên cần quan tâm đến mấy yếu tố.
Thứ nhất: Phải sàng lọc trong số giáo viên hiện nay có bao nhiêu người đạt chuẩn.
Việc đạt chuẩn hay không đạt chuẩn phải căn cứ vào nhiều yếu tố như chuyên môn, thành tích công tác, bằng cấp, chứng chỉ, hiệu quả công việc thậm chí là cả lòng yêu nghề.
Thứ hai: Không nên sử dụng thước đo duy nhất là bằng cấp để đánh giá trình độ giáo viên. Nếu có, phải xem xét loại bằng cấp có phù hợp với công việc chuyên môn hay không? Không thể có tình trạng chỉ yêu cầu chuẩn bằng cấp nhưng lại bất chấp loại bằng cấp thuộc chuyên ngành, chuyên môn nào.
Thứ ba: Những giáo viên dù đạt chuẩn hay không chuẩn đều là sản phẩm của Bộ giáo dục.
Không thể nói quăng bỏ họ đi được, để họ thất nghiệp. Cần có giải pháp nâng cao trình độ, nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên này.
Đề xuất của thầy Dong: “Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn phải đứng ra bồi dưỡng trình độ cho họ.
Người làm việc này phải là Phòng giáo dục các huyện. Vì họ hiểu nhu cầu giáo viên của huyện mình chứ không thể giao cho các trường Đại học.
Việc đào tạo giáo viên, bồi dưỡng giáo viên phải được thực hiện tại nơi anh công tác, tại nơi anh làm việc và phải phục vụ cho công việc chuyên môn.
Chứ không phải là đưa giáo viên lên tận những cái trường nọ trường kia rồi học những thứ không liên quan.
Bồi dưỡng giáo viên hàng tuần sau đó đưa anh trở về công tác. Đối với các công việc đánh giá qua bằng cấp thì phải xem bằng đó có phải là bằng thật, học thật hay đi mua và phải gắn với chuyên môn công việc”.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Đặt mốc 90-95% học sinh tham dự cuộc thi, không là bệnh thành tích thì là gì!
Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh, đã là cuộc thi thì phải là tự nguyện, ai tham gia thì tham gia, các cháu không thích thì thôi, đặt chỉ tiêu làm gì.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đã chia sẻ một số ý kiến của thầy xung quanh việc triển khai cuộc thi Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến trong các nhà trường ở Hà Nội.
Theo thầy Phạm Tất Dong, hiện nay xã hội của chúng ta đã phát triển hướng đến một nền kinh tế số hóa thì các dịch vụ qua mạng là rất cần thiết.
Thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: TTXVN
"Người dân đi mua hàng giờ cũng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh mà thôi.
Thậm chí ở nhà, cần mua gì, khách hàng đặt online là xong.
Việc Hà Nội triển khai các dịch vụ công trực tuyến để thuận tiện, cắt giảm thời gian, bớt phiền hà cho người dân là điều cần thiết.
Tuy nhiên, đối với trẻ con, các con học cái đó làm gì vội. Người lớn, các cơ quan công sở hiểu và làm được việc này là đủ", thầy nói.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc này thiên về các kỹ năng, thao tác thì cần tổ chức huấn luyện ở các cơ quan. Tại các xã, phường có người hướng dẫn cho người dân.
Việc này phải thành kỹ năng chứ không chỉ là nhận thức.
"Câu hỏi hoành tráng nhưng trả lời bằng cách tra cứu trên mạng, thi cho xong có khi được giải thật nhưng lại chẳng làm được khi cần.
Thậm chí kể cả có bộ đáp án nhưng nếu các con chưa cần dùng đến các dịch vụ này thì để làm gì?.", Giáo sư Phạm Tất Dong băn khoăn.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, các con sử dụng thành thạo máy tính thì Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, các phòng giáo dục, các trường nên hướng dẫn các con kỹ năng học trực tuyến thì tốt hơn.
"Sở, phòng, trường hãy đưa các tài liệu cập nhật lên mạng, hướng dẫn các con tìm tài liệu và bằng cách nào có thể truy cập được, có thể học trực tuyến.
Việc đó thiết thực, lợi ích với các con hơn nhiều là tham dự các cuộc thi vì thành tích phải đạt 90-95% tham gia. 90-95% học sinh tham dự không là bệnh thành tích thì là gì.
Đã là cuộc thi thì phải là tự nguyện, ai tham gia thì tham gia, các cháu không thích thì thôi, đặt chỉ tiêu làm gì.
Cá nhân tôi mong những người quản lý giáo dục tập trung làm tốt nhiệm vụ dạy và học, giúp các con thành người tử tế thay vì trường học thành nơi thống kê số lượng người tham gia cho các cuộc thi", Giáo sư Dong nói.
Ông nhấn mạnh: "Cái gì cũng vậy. Một khi người ta thấy lợi ích thiết thân, hiệu quả thì chả bắt người ta thi người ta cũng làm.
Nhiều phần mềm ứng dụng có tổ chức thi cử gì đâu mà người ta vẫn tải app, vẫn làm ầm ầm đấy thôi.
Không chỉ Giáo sư Phạm Tất Dong, sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải 2 bài viết Bảo học sinh cấp 2 thi về dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội thực sự muốn gì?, Chủ trương của Sở, nói không bắt buộc nhưng áp chỉ tiêu cao nhất là 95%, nhiều độc giả cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này.Quan trọng, các dịch vụ công trực tuyến tiện lợi, dễ thao tác, nhanh chóng, hệ thống chạy tốt thì không bắt thi người dân cũng tự tìm đến".
Bạn đọc Lê Tuấn cho rằng, rất nhiều địa phương, ban ngành phát động các "cuộc thi tìm hiểu" đủ các loại và để có số lượng bài tham gia, học sinh là đối tượng được hướng đến.
"Quản lí giáo dục phải xem xét cuộc thi nào có lợi cho học sinh và phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện", độc giả nêu quan điểm.
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
Loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên tại Thái Bình - Bài 2: Cần sớm có giải pháp đồng bộ Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp có tính tạm thời. Mỗi địa phương một cách làm Theo ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo...