Giao lưu trực tuyến về tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2014: Băn khoăn với nhiều thông tin mới
Cùng với những trăn trở trước quyết định lựa chọn ngành nghề cho tương lai, hàng trăm câu hỏi của thí sinh gửi đến chương trình giao lưu trực tuyến tuyển sinh năm 2014 do Báo SGGP tổ chức ngày 10-4 đã xoáy sâu vào những thông tin mới trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2014 tại Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT. Ảnh: Mai Hải
Điểm mới hút thí sinh
Theo nhận định của các chuyên gia tham gia tư vấn, những thay đổi từ quy chế cũng như thông tin tuyển sinh riêng của các trường năm nay thật sự khiến đông đảo thí sinh quan tâm rất nhiều. Không chỉ vậy, bản thân những người làm công tác tuyển sinh cũng thấy rối rắm.
Video đang HOT
Rất nhiều thắc mắc của thí sinh, phụ huynh và bạn đọc thường tập trung vào những nội dung như: “Làm thế nào để biết được thôn, xã em đang cư trú có thuộc thôn xã đặc biệt không?”; “Thông tin tuyển sinh riêng của trường như thế nào?”; “Trường có xét tuyển những khối thi mới hay không?”.
Giải đáp những vấn đề chung nhất của quy chế tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, lưu ý: “Thí sinh khi làm hồ sơ phải chú ý đến mục tuyển sinh riêng. Nếu trường nào tổ chức tuyển sinh riêng thì nên chọn cả hai để tránh bị thiệt thòi. Tuy nhiên, thông tin về tuyển sinh riêng các em phải tìm hiểu kỹ, có thể tham khảo trên webstie của Bộ GD-ĐT hoặc trên website của các trường. Nếu chưa rõ thì liên hệ trực tiếp với trường để được tư vấn. Đối với những trường tuyển sinh riêng họ vẫn tính điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng đúng như Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014″.
Đại diện các trường có tuyển sinh riêng theo đề án đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt như Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng chia sẻ: “Thí sinh muốn tìm hiểu bất cứ thông tin gì về tuyển sinh riêng của các trường nên trực tiếp gọi điện vào đường dây nóng để được giải đáp. Hơn nữa, khi đăng ký tuyển sinh riêng vào từng ngành cụ thể, thí sinh cũng cần tham khảo các điều kiện xét tuyển của mỗi ngành”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình tìm hiểu thông tin trong quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi năm 2014.
Đối với những ngành thuộc khối nghệ thuật và năng khiếu như thể dục thể thao, đạo diễn sân khấu, quay phim… tại các trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, năm nay đều kết hợp 2 phương thức thi tuyển và xét tuyển.
Các chuyên gia cũng lưu ý thêm: “Thí sinh nếu đăng ký thi vào 10 trường thuộc nhóm ngành nghệ thuật (được tổ chức thi tuyển sinh riêng từ năm 2013) thì sẽ không được dùng kết quả để xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo phương thức “3 chung” của Bộ GD-ĐT”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý những thí sinh thi khối V1, H1 của Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đừng quá lo lắng nếu không đậu NV1. Các trường khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung khối thi này có thể sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cho bổ sung thêm chỉ tiêu các khối trên để xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Quan tâm nhiều đến ngành nghề
Mỗi mùa tuyển sinh đến là công tác hướng nghiệp đối với học sinh THPT lại bộc lộ rõ nét những lỗ hổng. Tuy nhiên, trước những thay đổi quá nhiều từ chính sách tuyển sinh, khuyến cáo sự bão hòa của ngành nghề trong tương lai… năm nay thí sinh có sự quan tâm, tìm hiểu đến từng ngành nghề cụ thể về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm cũng như những chính sách dành cho sinh viên trong quá trình học.
Các chuyên gia giải đáp thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức.
Đối với học sinh THPT, thời hạn nộp hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 17-4 nên rất nhiều thí sinh đã nhờ các chuyên gia giải đáp cụ thể về thông tin ngành học mà mình lựa chọn. Bạn đọc có địa chỉ thunguyen@yahoo.com gửi đến ban tư vấn tìm hiểu về ngành tâm lý học sẽ học những gì, ra trường làm việc được ở đâu? Th.S Vương Thanh Long, Trường ĐH Văn Hiến, chia sẻ: “Ngành tâm lý học là một trong những ngành sẽ có nhu cầu cao trong tương lai. Ngành trang bị kiến thức căn bản về tâm lý học, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, tâm lý học tham vấn, tâm lý học trị liệu… Sinh viên được đào tạo về các kỹ năng mềm và các kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng thiết kế và triển khai nghiên cứu; kỹ năng nghề nghiệp trong từng lĩnh vực chuyên sâu của ngành tâm lý học… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành giáo viên tham vấn, tư vấn tâm lý tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trị liệu viên và tham vấn viên tâm lý trong các bệnh viện tâm thần, bệnh viện nhi, viện thực hành tâm lý, viện pháp y…”.
Bên cạnh đó, không ít thí sinh cũng đang đứng trước quyết định khó khăn là chọn ngành theo sở thích hay chọn ngành theo nhu cầu thị trường. Trăn trở của bạn Trung Dũng là một minh chứng điển hình: “Em đã chọn ngành quản trị kinh doanh nhưng em thấy nhiều bạn nói ngành này học ra trường giờ khó kiếm việc làm lắm. Vậy em có nên thay đổi sở thích của mình?”.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: “Em nên kiên định với sở thích của mình. Nếu em có kiến thức tốt, chuyên môn vững cùng với việc tự trang bị thêm kỹ năng trong suốt quá trình học thì em sẽ có nhiều cơ hội tốt trong nghề nghiệp. Nếu em chỉ lựa chọn theo bạn bè thì dù em có học ngành được cho là nóng hay đang có nhu cầu cao nhưng em không thích, không đam mê thì chắc chắn em sẽ học không tốt”.
Ngoài ngành nghề, thí sinh cũng quan tâm, tìm hiểu nhiều đến thông tin về các chương trình học bổng, những chính sách ưu tiên của các trường dành cho sinh viên diện chính sách, sinh viên ở những vùng khó khăn…
Theo VNE