‘Giáo dục xuống cấp như thế sao lại kêu gọi bình tĩnh?’
PGS Văn Như Cương nhận định điểm chuẩn ngành sư phạm báo hiệu cuộc cải cách giáo dục toàn diện sẽ thất bại. Bộ GD&ĐT cần có biện pháp khắc phục kịp thời thay vì kêu gọi bình tĩnh.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học diễn ra sáng 11/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập những vấn đề “ nóng” liên quan công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm nay.
Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập, gây hoang mang trong dư luận, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng xã hội cần nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, thấu đáo.
&’Bình tĩnh thế nào được!’
Nhận định và lời kêu gọi của bộ trưởng có vẻ không khiến dư luận ngừng lo lắng về kỳ thi năm tới.
“12 năm học, lúc quan trọng bước ngoặt cuộc đời lấy đó làm thử nghiệm, rồi lại yêu cầu bình tĩnh. Một thế hệ đi qua ai giải quyết cho họ? Sao không để các em yên tâm học hành mà lúc nào cũng phải suy nghĩ hay lo lắng về thi cử”, độc giả Trần Quang bức xúc bình luận.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh, nhận định kỳ thi THPT quốc gia vừa qua “có những bất thường”.
Ông chia sẻ bản thân cảm thấy rất khó hiểu trước việc lấy điểm chuẩn 30,5. Sau này, ông mới biết đó là do điểm ưu tiên và hàng loạt việc điểm cao vẫn trượt đại học do không được cộng điểm.
PGS cho rằng bộ cần nhìn nhận lại cách ra đề, cung cách thi chứ không thể đổ lên hình thức trắc nghiệm.
Điểm trúng tuyển cao nhất của ngành sư phạm vẫn thấp hơn so với các ngành khác. Ảnh: Nguyễn Sương.
Ông nói thêm trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định năm nay, sẽ không có tình trạng “mưa” điểm 10 song thực tế hoàn toàn trái ngược, không những “mưa” mà còn “mưa to” thậm chí “lụt lội” điểm 10.
“Bộ bảo đây là chuyện bình thường và kết luận sang năm cứ thế ổn định mà làm. Như thế là không được, cần rút kinh nghiệm thêm”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Ông cho rằng kỳ thi vừa rồi giải quyết được vấn đề học sinh không phải đi xa nhưng kết quả tổng thể về ma trận đề, phổ điểm, về mặt tuyển sinh đại học, tỷ số tốt nghiệp đều có vấn đề.
Bên cạnh đó, là nhà giáo, thầy Văn Như Cương trăn trở rất nhiều về tình trạng ngành sư phạm “rớt giá”. Theo ông, Bộ GD&ĐT cần nhìn thẳng vào thực tế điểm chuẩn ngành này nhìn chung thấp, đây là báo động rất nguy hiểm.
PGS ví tình trạng này như lửa cháy, đã cháy mấy năm, người trong cuộc phải mất bình tĩnh.
“Bình tĩnh làm gì? Giáo dục xuống cấp như thế sao lại kêu gọi bình tĩnh?”, ông bức xúc đặt câu hỏi.
Video đang HOT
Ông Cương khẳng định trước hiện tượng này, bộ phải tìm cách giải quyết, không để nó kéo dài năm này qua năm khác, tương lai của giáo dục phụ thuộc vào điều đó.
Đặt sàn 21, không tuyển được thì thôi
PGS Văn Như Cương nhấn mạnh việc lấy điểm chuẩn sư phạm như một số trường là không thể chấp nhận được. Điểm trúng tuyển ngành này ở mức 12,75 hay 15,5 là dấu hiệu cho thấy cuộc cải cách giáo dục toàn diện sẽ thất bại.
Bộ cùng các chuyên gia đề ra nguyên tắc, chương trình nhưng người chịu trách nhiệm thực hiện chính lại là giáo viên.
Theo PGS Văn Như Cương, điểm chuẩn sư phạm thấp báo hiệu cuộc cải cách giáo dục toàn diện thất bại. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.
Trong khi đó, ngành sư phạm lấy điểm chuẩn 15,5, mỗi môn chỉ hơn 5 điểm -trình độ trung bình, thậm chí yếu – thì khó thực hiện được chương trình mới.
“Dự thảo khung chương trình như thế mà đưa cho giáo viên yếu kém thực hiện thì càng sai lầm. Chúng ta làm từ ngọn, tức làm cây, lá, hoa, hoành tráng mà chưa chú trọng gốc vững, đủ sức nuôi nấng không”, ông Cương nhận định.
Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh cho rằng thay vì kêu gọi bình tĩnh, bộ nên chấn chỉnh để năm sau không xảy ra tình trạng tương tự như năm nay. Ông đề xuất trường sư phạm phải lấy điểm cao, có mức sàn riêng. Ngành này đào tạo người phục vụ hệ thống giáo dục, dạy dỗ để người khác đạt trình độ giáo dục phổ thông thì bản thân họ phải thực sự giỏi.
Ông gợi ý bộ nên đặt sàn cho ngành sư phạm, ví dụ mức 21 điểm, tuyển được bao nhiêu sinh viên thì đào tạo bấy nhiêu, không tuyển được thì thôi.
Vị chuyên gia nêu ví dụ một số nước còn tổ chức tuyển sinh riêng nghiêm ngặt cho sư phạm, thậm chí tuyển 100 người nhưng sau quá trình đào tạo, 30 đạt yêu cầu thì chỉ bổ nhiệm 30 người này. Chương trình giáo dục tại đại học sư phạm cũng bám sát nội dung chương trình phổ thông.
Về trường hợp giảng viên đại học thất nghiệp do không tuyển được thí sinh, PGS đề xuất giải quyết bằng cách để lực lượng này đào tạo lại các giáo viên phổ thông một cách bài bản. Như vậy, sau khi tốt nghiệp và công tác, giáo viên phải học thêm một năm hoặc 6 tháng để đáp ứng nhu cầu cải cách giáo dục.
Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm
Trước đó, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thông tin trong năm học 2016-2017, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục.
* TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT: Tôi cầu mong các sinh viên sư phạm những năm qua với đầu vào là điểm sàn 15,5 – hoặc điểm quy chuẩn 12,75 – sau này không làm việc trong ngành sư phạm mà chọn việc khác, nếu không thì chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
* TS Đàm Quang Minh: Chúng ta nên loại bớt các trường sư phạm để tiết kiệm nguồn lực xã hội. Muốn làm nghề giáo cần có hai điều kiện tiên quyết là đủ kiến thức và yêu nghề.
* TS Vũ Thu Hương – ĐH Sư phạm Hà Nội: Mức điểm trúng tuyển vào ngành chỉ hơn 3 điểm một môn ở hệ cao đẳng và bằng điểm sàn với hệ đại học là điều đáng suy ngẫm, lo ngại so với trình độ dân trí hiện tại.
* TS Trần Nam Dũng – ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): Vấn đề đáng lo là dù sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, không có cơ hội việc làm ổn định, trường sư phạm vẫn tuyển nhiều và bằng mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu, trong đó có việc hạ quá thấp điểm tuyển.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, định hướng đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2030 để trình Thủ tướng ban hành.
Dự thảo chủ yếu đánh giá các trường so với quy chuẩn đặt ra đã được đến đâu và tiếp tục củng cố như thế nào, trên cơ sở đó sẽ có chính sách đầu tư cho trường sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đầu tư của nhà nước, tạo ra các trường đầu ngành, chuẩn quốc tế để làm đầu tàu dẫn dắt toàn hệ thống giáo dục.
Khi thực hiện quy hoạch sẽ có sự phân khúc giữa các trường, có trường được đầu tư trọng tâm, có trường tự chủ đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trường yếu kém sẽ lựa chọn tích cực đầu tư hoặc xác nhập vào trường lớn để làm vệ tinh của trường đó, hoặc đóng cửa để hệ thống đạt chất lượng.
Các trường sư phạm sẽ có chuẩn đánh giá chất lượng riêng và dựa trên quy mô dân số để biết số lượng đào tạo. Ngoài ra, phần dự thảo cũng đề ra sinh viên giỏi sẽ có việc làm, trước mắt tập trung khối trường chất lượng và sinh viên chất lượng. Khi khảo sát trên toàn hệ thống, sẽ tiến tới quy hoạch chất lượng hơn từ chỉ tiêu cho đến đầu ra.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, trong 3 năm trở lại đây, các trường sư phạm đã giảm 10-25% chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn bộ hệ thống.
Đối với các trường sư phạm, ngoài việc đào tạo giáo viên còn mới còn nhiệm vụ đào tạo đạt chuẩn trong thời gian tới khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường đủ năng lực, còn các địa phương sẽ có trách nhiệm rà soát giáo viên để cử đi học.
“Chủ trương của Bộ GD&ĐT là rà soát giáo viên để đào tạo nếu chưa đạt chuẩn chứ không phải loại ra khỏi ngành”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin.
Theo Zing
Bộ trưởng GD&ĐT: 'Chúng ta phải hết sức bình tĩnh'
Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập sau kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng xã hội cần nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, thấu đáo.
Sáng 11/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học. Hội nghị được tổ chức tại 3 điểm cầu, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Nhiều vấn đề được xã hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề cập nhiều vấn đề "nóng" của giáo dục mà thời gian qua xã hội đặc biệt quan tâm trong kỳ thi tuyển sinh và xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2017. Đó là "mưa" điểm 10, thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, điểm chuẩn sư phạm thấp...
Về hiện tượng nhiều điểm 10, Bộ trưởng GD&ĐT nói vấn đề này không đúng như dư luận lo lắng. Bản chất của hiện tượng là do phương thức thi 2017 có nhiều đổi mới, nhiều môn chuyển từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm. Trong đó, tỷ lệ điểm 9, 10 là 3%-4% nhưng điểm trunh bình vẫn chiếm đa số.
Người đứng đầu ngành giáo dục nói: "Cần hết sức bình tĩnh để nhìn nhận hiện tượng này. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung hơn về vấn đề kỹ thuật để hoàn thiện ngân hàng, chuẩn hóa đề thi để tạo niềm tin cho xã hội".
Ngành giáo dục sẽ khắc phục bằng cách rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa rõ nét hơn nữa.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Năm đầu tiên chúng ta triển khai đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa, kết quả như vậy đã là một sự cố gắng lớn, tuy nhiên cần phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để năm sau đề thi có sự phân hóa tốt hơn nữa".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017. Ảnh: Quyên Quyên.
Về việc nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng một, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải do tuyển sinh 2017 ứng dụng công nghệ thông tin tốt, tính minh bạch cao nên nhiều thí sinh đã tập trung xét tuyển vào số ngành "hot" dẫn đến điểm chuẩn một số trường lên cao.
Ngoài ra, các trường quân đội, công an giảm chỉ tiêu nên đẩy điểm chuẩn lên cao. Ngành Y đa khoa năm nào cũng điểm chuẩn cao. Ông Nhạ khẳng định cần hết sức bình tĩnh, không nên nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất, bất cứ vấn đề nào cũng cần nhìn nhận toàn diện khách quan, bình tĩnh đánh giá.
Về điểm ưu tiên, bộ trưởng cho rằng duy trì là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của dư luận để có những khảo sát thực tế và điều chỉnh phù hợp.
Trước sự quan tâm của dư luận về điểm chuẩn đầu vào trường sư phạm thấp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm nhìn cả quá trình chứ không chỉ 1-2 năm gần đây. Trên thực tế, điểm chuẩn sư phạm của các trường đại học không thấp, chỉ thấp ở một số trường cao đẳng và trường không chuyên về sư phạm.
Bên cạnh đó, có những ngành không chỉ cần kiến thức mà còn là tài năng, ví dụ như giáo viên mầm non, thì rất cần kỹ năng về múa hát, phẩm chất yêu trẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nói: ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin trình độ đội ngũ giảng viên và tiến sĩ của ngành sư phạm tốt hơn so với toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa hoàn thành quy hoạch riêng cho các trường sư phạm, chưa ban hành bộ quy chuẩn đánh giá cơ sở sư phạm, chưa kiểm soát được trình độ đầu vào và đầu ra cũng còn nhiều băn khoăn, gây bức xúc cho dư luận.
Bộ trưởng GD&ĐT cam kết sẽ giải quyết nhanh vấn đề này, quy hoạch lại các trường sư phạm, chỉ tập trung một số đại học sư phạm lớn, còn những trường khác làm vệ tinh, ban hành chuẩn giáo viên để các trường sư phạm triển khai.
Ngoài ra, có những chính sách nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GD&ĐT, bộ sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để từng bước giải quyết. Tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với các trường sư phạm về vấn đề này để đưa ra giải pháp.
Điểm yếu là có thật
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu trong công cuộc đổi mới giáo dục, chúng ta phải chấp nhận những sự việc gây "sóng sánh", bởi đổi mới mà không thay đổi gì là sai.
"Chúng ta cần hết sức bình tĩnh, cần nhìn mọi sự việc có căn cứ, thấu đáo, để xác định đâu là trách nhiệm của bộ trưởng, địa phương hay các cơ sở giáo dục, tránh việc không phải nhiệm vụ của mình mà bức xúc", ông Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng việc thi và xét tuyển, điểm yếu là có thật, nhưng toàn ngành rất cố gắng, có cố gắng là có thành công. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là sự nỗ lực cao của các đơn vị, hai nhóm xét tuyển miền Bắc, miền Nam và các trường, tuyển sinh đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, có những hạn chế không phải bây giờ mới có nhưng vì sự minh bạch thông tin nên bây giờ mới bộc lộ. Có những hạn chế không phải khắc phụ được luôn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - đề xuất năm 2018, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định phương thức thi và xét tuyển, cần điều chỉnh một số chi tiết kỹ thuật nhỏ để việc xét tuyển hợp lý hơn. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh để đề thi phân hóa tốt hơn, xem xét điểm ưu tiên để ấp dụng phù hợp hơn trong bối cảnh mới.
Theo Zing
'Cần mạnh dạn loại bớt các trường sư phạm' Đó là giải pháp được TS Đàm Quang Minh đưa ra để giải quyết bài toán cung cầu của ngành sư phạm nói chung và câu chuyện điểm chuẩn thấp nói riêng. Có quá nhiều điều bất thường xung quanh bức tranh điểm chuẩn các trường đại học năm 2017. Trong khi điểm trúng tuyển các trường khối công an, quân đội, y...