‘Giáo dục Việt Nam đậm tính bác học, ít thực tế’;'Chương trình vừa quá tải, vừa thiếu tải’
“Không được học cách xử trí khi bị rơi xuống nước, bị xâm hại, lúc động đất… nên Việt Nam mới nằm trong nhóm các quốc gia có trẻ em bị chết nhiều nhất bởi các lý do như đuối nước”, TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm dẫn chứng.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng chương trình giáo dục Việt Nam cần thay đổi lại kết cấu, coi trọng và tăng thời lượng cho các môn học gắn bó với cuộc sống thực tiễn của con người. Ảnh: NVCC
- 20 năm đào tạo giáo viên tiểu học, bà đánh giá thế nào về chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?
- Chương trình của ta đề cao tính bác học, đưa nhiều lý thuyết, công thức mà ít chú ý đến thực tế, tính ứng dụng. Điều này khiến mọi người nghĩ khoa học tách bạch với hiện tượng trong cuộc sống và học một đằng, ra đời là một nẻo. Tôi thì thích chương trình có tính ứng dụng thực tế hơn vì nó giải quyết được khâu học để làm gì.
Các môn học trong chương trình giáo dục được đánh giá chưa đều. Chúng ta quá đề cao Văn, Toán, coi nhẹ các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, văn hóa sống (Sinh vật, Lịch sử, Địa lý…). Điều này thể hiện ở khắp các cấp, nhưng rõ nhất là ở bậc tiểu học. Học sinh học quá nhiều tiết Toán (5 tiết/tuần), Tiếng Việt (8 tiết/tuần), còn những bộ môn được coi là phụ kia thì chỉ có 1-2 tiết.
Việc phân biệt môn chính, môn phụ dẫn đến giáo viên cũng giảng dạy theo kiểu môn chính chú trọng, môn phụ chẳng để tâm. Ví dụ, nếu môn học của thầy cô A được coi trọng thì cô A sẽ làm mọi cách để trở thành người quan trọng. Tuy nhiên, nếu cô A là người quan trọng mà môn học của cô bị coi nhẹ thì cô cần gì tổn công hao sức nghĩ ra phương pháp hay. Không ít giáo viên dạy môn chính chưa thực sự tốt nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền, đặc biệt từ việc dạy thêm. Trong khi giáo viên môn phụ như Lịch sử, dù dạy hay đến mấy vẫn chỉ nhận về chút lương ít ỏi, như thế khó có thể giữ được nhiệt huyết lâu dài.
Những môn gắn bó mật thiết với con người, cuộc sống như: Thể dục, Thủ công, Kỹ năng sống… thì không được coi trọng. Học sinh Việt Nam đâu có được học cách xử lý thế nào khi bị rơi xuống nước, bị xâm hại, lúc động đất… Bởi thế nên chúng ta mới nằm trong nhóm các quốc gia có trẻ em bị chết nhiều nhất bởi các lý do như đuối nước. Trong khi ở nhiều nước học sinh được học nấu ăn từ mẫu giáo thì rất nhiều em lớp 9 ở Việt Nam vẫn không biết tự nấu ăn hay chăm sóc bản thân. Đó là hệ quả một phần của nền giáo dục và sự thiếu quan tâm trong giáo dục kỹ năng sống của bố mẹ đến con cái. Một số môn Thủ công, Âm nhạc nội dung kiến thức vừa dễ quá mà những điều cần học thì chưa được đưa vào.
Video đang HOT
Môn Thể dục là vấn đề bất cập lớn của chương trình giáo dục Việt Nam. Người Việt ta vóc dáng vốn nhỏ bé mà môn rèn luyện thể chất này lại bị coi là rất phụ, một tuần có 1-2 tiết. Như vậy, nếu chiến tranh xảy ra mà thể lực dân ta không có thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ngay trong thực tế thôi, thể thao Việt Nam mới ở tầm khu vực, chưa ra được thế giới. Nếu môn học này ngay từ cấp tiểu học đã được chú trọng thì rất có thể một ngày không xa chúng ta sẽ thấy đoàn thể thao Việt Nam xuất hiện trong những giải đấu lớn.
Những vấn đề tồn tại trên không phải lỗi của Bộ GD&ĐT hiện nay mà do cả quá trình, chúng ta không trách thời nào được.
- Có ý kiến cho rằng chương trình của Việt Nam đẩy nhanh tiến trình tiếp nhận kiến thức, ví dụ cùng một phép Toán học sinh Việt Nam được học trước học sinh cùng lứa tuổi của Anh, Mỹ nhiều năm. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Các nước khác họ cũng dạy các môn học và chương trình học như ở Việt Nam. Về tổng thể kiến thức là như nhau nhưng mỗi nước có cách phân chia kiến thức cho các bậc học khác nhau. Ví dụ Australia dạy số âm cho bậc tiểu học, còn Việt Nam phải lên cấp hai mới học số âm. Có nước đặt nhẹ môn Toán ở cấp dưới nhưng khi lên cấp trên hoặc với nhóm thi ĐH, họ sẽ dồn kiến thức.
Việt Nam đặt nặng Toán khó, chú trọng lý thuyết, một số nước lại coi trọng Toán thực tế hơn. Nếu học chỉ nhận lý thuyết, không chú ý thực hành thì thời gian sẽ dư ra và phải dạy kiến thức khác. Do đó cùng một phép tính, học sinh Việt Nam có thể học sớm hơn các bạn cùng lứa tuổi của nước khác.
Đúng là chương trình của chúng ta bị đẩy nhanh tiến trình tiếp nhận cho học sinh và bị lý thuyết hóa nhưng vấn đề này cũng phải giải quyết từ từ.
- Những bất cập bà chỉ ra nhiều năm nay đã được nói tới và ai cũng mong chờ sự thay đổi. Theo bà, điều gì khiến việc đổi mới giáo dục phải chờ đợi lâu?
- Có ba lý do chính theo tôi ảnh hưởng đến việc đổi mới giáo dục. Thứ nhất là nếp suy nghĩ, quan niệm của phụ huynh. Chỉ ví dụ thông tư 30 về thay đổi đánh giá thường xuyên học sinh, bao nhiêu năm nay chúng ta đã quen với chấm điểm giờ thay đổi toàn bộ, rất nhiều phụ huynh phản ứng. Giáo viên Việt Nam được đào tạo theo lối mòn nên khi có cái mới, một số người sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện rồi không ủng hộ. Tư tưởng là điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chứ không phải chương trình học hay phương pháp dạy… Nếu tất cả cùng có tư tưởng coi trọng cả quá trình chứ không phải điểm số của mỗi năm thì học sinh sẽ không bị ép học ngày đêm để cải thiện điểm số.
Điều thứ hai gây khó khăn cho việc đổi mới là chương trình học đã được xây dựng khá kín lịch rồi, nếu muốn thay đổi thì phải nghiên cứu kỹ càng xem giảm cái gì, tăng cái gì cho hiện quả.
Lý do thứ ba và không kém phần quan trọng là điều kiện thực hiện những cái mới. Ví dụ, nếu nhà trường không có bể bơi thì sao dạy được môn bơi trong giờ thể dục? Nếu không có sân thể thao thì sao dạy được bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông…
- Trong khả năng của mình, giáo viên có thể làm gì để giảm tính bất cập của chương trình?
- Đầu tiên giáo viên phải chia sẻ với phụ huynh để có sự đồng cảm thống nhất tư tưởng với nhau. Giáo viên nên dành thời gian, sự tâm huyết cho công việc của mình. Đặc biệt, cần sự “cởi trói” của cấp trên để các thầy cô được sáng tạo và giải quyết những bất cập. Ví dụ, thay vì cho học sinh ngồi một chỗ học Toán trong sách vở, giáo viên có thể mang các vật dụng, khối hình đến giúp trò hiểu được tính thực tiễn của môn học.
Bài thực vật chúng ta có thể giao cho mỗi bé một cốc có đất và hạt giống để các cháu tự quan sát, tìm hiểu quá trình nảy mầm của cây. Khi dạy bài phát hiện hoả hoạn, phòng tránh đuối nước, các thầy cô có thể mở rộng hướng dẫn các em cách xử lý để giảm sát thương nếu gặp tình huống đó. Không ai cấm việc mở rộng bài giảng, liên hệ với thực tế cả.
- Bộ GD&ĐT sắp tới sẽ thay đổi chương trình, sách giáo khoa, bà có những đề xuất gì để giải quyết các tồn tại trong chương trình hiện nay và học tập được điều hay của thế giới?
- Về kết cấu môn học, theo tôi nên tăng thời lượng môn thể dục, thủ công, kỹ năng sống… lên gấp 2-3 lần so với hiện nay. Quan trọng nhất là các môn phải được đánh giá đồng đều, Toán, Văn có đánh giá, chấm điểm cuối kỳ thi các môn khác cũng phải đánh giá, chấm điểm như thế, học sinh, giáo viên mới coi trọng được.
Chúng ta có thể học tập thế giới cách bố trí thời gian chương trình, cách giảng dạy đưa nhiều kiến thức thực tế, bài thực hành vào giờ học.
Đặc biệt, Việt Nam cần học hỏi cách quan tâm đến người học đúng với thực chất lứa tuổi của chúng, tôn trọng ý kiến, sở thích của trẻ và tạo điều kiện để các em phát huy được hết khả năng của mình.
TS Nguyễn Kế Hào: “Chương trình vừa quá tải, vừa thiếu tải”
TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học. Ảnh: Quỳnh Trang.
TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, cho rằng sau 2 lần giảm tải, chương trình giáo dục Việt Nam đã linh hoạt, khoa học và hợp lý hơn, nhưng vẫn còn những phần nội dung quá tải, biểu hiện của thiếu chất lượng là học nhiều mà phần chất thu được lại thấp. Bên cạnh đó cũng có những nội dung đang bị thiếu tải.
Quá tải học tập có nhiều nguyên nhân đến từ cả phía gia đình, giáo viên, xã hội và đặc biệt là điều kiện kinh tế cơ sở vật chất thiếu thốn. Các phụ huynh luôn có tâm lý “muốn thêm” nên hay cho con tham gia các lớp học ngoài giờ. Giáo viên thì bị quá tải học sinh, lương thấp nên cũng muốn dạy thêm để có thu nhập. Các nhà quản lý chưa làm tốt công tác của mình nên để tình trạng lớp học đáng lý chỉ phục vụ 30-40 em, nhưng được sử dụng cho 60-70 học sinh.
Việt Nam hiện nay vẫn duy trì hình thức học ứng thí, môn nào có điểm mới học nên thể dục, nghệ thuật… bị coi nhẹ. Bên cạnh đó, do thiếu thốn cơ sở vật chất nên giáo dục Việt Nam chưa đủ điều kiện đẩy mạnh những môn học hoạt động, thực hành nhằm phát triển toàn diện cho học sinh. Thay vào thời gian bị dư ra của những môn thực hành ấy, thầy cô dạy thêm kiến thức, ra bài tập khiến học trò có thể căng thẳng.
Con trẻ của chúng ta đang chịu sức ép về học tập từ người lớn. Giáo viên nhất là bậc Tiểu học cũng phải chịu áp lực khi đảm nhận tất cả các môn trừ như Hát nhạc hay tiếng Anh. Điều đó cho thấy hiện nay quá tải không chỉ ở học sinh mà ngay cả giáo viên.
“Tôi thấy điều chúng ta chưa làm được là sau tất cả những cuộc cải cách vẫn chưa có tổng kết đánh giá. Phải có việc tổng kết này mới rút ra những kinh nghiệm. Công thức tôi đưa ra cho việc làm sách giáo khoa là: Kế thừa – ổn định – phát triển – tránh lai căng”, TS Hào nói.
Theo tamnhin.net