Giáo dục trong tương lai sẽ thay đổi thế nào?
Giáo dục trong tương lai sẽ rất khác so với hiện tại, đòi hỏi người giáo viên không chỉ giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên môn mà còn phải giỏi về công nghệ và cách hướng dẫn học sinh học bằng công nghệ. Xã hội cũng cần ứng phó với vấn đề bất bình đẳng số để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.
Khi Chương trình GDPT mới chính thức được triển khai, học sinh sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với những điều mới mẻ để khám phá và phát huy năng lực. Ảnh: INT
Công nghệ số tích hợp sâu trong chương trình
GS.TS Nguyễn Hữu Châu – giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) cho rằng, các chương trình giáo dục trong tương lai sẽ rất khác so với các chương trình hiện tại. Xu hướng cá nhân hóa triệt để sẽ không chấp nhận sự phân hóa một cách khá hình thức theo kiểu phân ban như hiện nay.
Trong tương lai, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, quá trình dạy học sẽ được phân hóa tới mức “cá nhân hóa triệt để”. Các chương trình học trên máy tính sẽ cho phép mỗi học sinh (HS) chọn môn học, một số phần của nội dung môn học, cách thức, các kĩ thuật, công cụ học và cả thời gian học phù hợp với bản thân để đạt được chuẩn chung.
Mặc dù học với công nghệ số sẽ càng thể hiện rõ hơn vị trí trung tâm của người học nhưng người thầy càng trở nên quan trọng hơn với vai trò hướng dẫn và trợ giúp. Dạy học sẽ thực sự là “dạy cách học”, “dạy cách khám phá kiến thức”. GV không chỉ cần giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên môn mà phải giỏi về công nghệ và giỏi về cách hướng dẫn học sinh học bằng công nghệ. Sứ mệnh của người giáo viên càng trở nên nặng nề hơn. Phải chuẩn bị đào tạo đội ngũ GV với rất nhiều phẩm chất khác biệt ở các trường sư phạm. Cũng cần chuẩn bị chương trình bồi dưỡng cho các GV đang hành nghề.
Vì việc học có thể diễn ra mọi nơi và mọi lúc nên các nhà trường với ý nghĩa vật chất trong tương lai không còn như trước. Ở nhiều nước, người ta dự báo về tình trạng không còn trường học truyền thống và HS có thể chọn học ở những nơi thích hợp nhất. Nhờ sự xâm nhập mạnh của CNTT, các tư tưởng dạy học tích cực vốn rất khó thực hiện trong khuôn khổ các lớp học truyền thống chật hẹp, với thời gian hạn chế và với người giáo viên (GV) đóng vai trò nguồn cung cấp tri thức duy nhất sẽ được thể hiện trong quá trình dạy học với công nghệ số.
Video đang HOT
Để thích ứng với chương trình giáo dục trong tương lai, theo GS Nguyễn Hữu Châu, cần phải bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị xây dựng Chương trình giáo dục mới. Thông thường, chu kì của một chương trình giáo dục là 15, 16 năm. Do đó ngay từ bây giờ, cần bắt đầu ngay việc xây dựng chương trình của thời kì công nghệ số. Trong khi chờ đợi chương trình mới, các chương trình tích hợp STEM (Khoa học – Công nghệ – Kĩ thuật – Toán học) cần được khích lệ ở Việt Nam. Các chương trình và khóa học STEM nhằm chuẩn bị kĩ năng cho người lao động tham gia vào thị trường lao động tự động hóa.
Ảnh minh họa/ INT
Tình trạng bất bình đẳng số
CNTT sẽ mang đến cho giáo dục những cuộc cách mạng về phương pháp, cách thức dạy học. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin vào những yếu tố tích cực cũng cần tỉnh táo để nhận thức được những thách thức và bất lợi có thể xảy ra trong giáo dục ở tương lai, trong đó có việc đối phó với tình trạng bất bình đẳng số. GS Nguyễn Hữu Châu chia sẻ: Thuật ngữ “bất bình đẳng” số (Digital divide) nói đến sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận công nghệ số giữa những nước giầu và những nước nghèo, giữa những vùng phát triển và vùng chậm phát triển, giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp.
Trong tương lai khi công nghệ số càng phát triển, khoảng cách số này càng lớn, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của giáo dục ở các vùng miền khác nhau. Đây là những khoảng cách không thể san lấp. Sự bù đắp cho vùng khó chỉ bằng cách đổ tiền trang bị nhiều hơn máy tính và các phương tiện CNTT là thực sự không hiệu quả. Người ta lo ngại về sự khác biệt không chỉ ở cơ hội tiếp cận CNTT mà quan trọng hơn là ở những gì người học thu nhận được từ các phương tiện công nghệ số.
Cả hai khoảng cách như vậy sẽ làm cho HS nghèo, các vùng khó chịu đựng thua thiệt nhiều hơn. Ở Việt Nam, tình trạng phân biệt này là rất rõ và có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai. Điều này sẽ làm cho mục tiêu giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục rất khó đạt. Giống như ở nhiều nước không thể san lấp các khoảng cách số, ở Việt Nam cần có những nỗ lực để cải thiện tình hình cho các địa phương khó khăn. Có thể học được một số bài học kinh nghiệm về vấn đề này từ các quốc gia khác như tăng cường việc học di động.
Học bằng điện thoại di động là rất tiện tích với tất cả mọi người, vì có thể học ở mọi nơi và mọi lúc. Học bằng điện thoại di động càng thích hợp hơn với những vùng khó và với học sinh có khó khăn về tài chính khi mà các em rất khó có điều kiện để có máy tính riêng mà chỉ có thể có điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng sách giáo khoa điện tử. Đây vừa là nguồn cung cấp tri thức, vừa là phương tiện cho HS thực hiện khám phá, kiến tạo kiến thức và tự đánh giá kết quả học.
Với các chức năng như vậy, sách giáo khoa điện tử là hữu ích với tất cả HS nhưng càng hữu ích hơn với HS ở những nơi không có Internet hoặc Internet phập phù, không ổn định. Tuy nhiên, cần xây dựng sách giáo khoa điện tử theo đúng nghĩa của nó mà không phải chỉ là những bản chụp PDF của các sách giáo khoa in trên giấy. Cuối cùng một bài học rất đáng học từ những nước đang phát triển khác là sử dụng công nghệ cũ theo những cách thức mới. Radio, TV vẫn cần được tận dụng khai thác sử dụng ngay cả trong thời kì phát triển ồ ạt các công nghệ mới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng, miền khó khăn.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Tăng tính chủ động cho giáo viên
Điểm mới thứ hai là việc huy động các trường sư phạm chủ động tham gia vào quá trình bồi dưỡng trực tiếp là đơn vị được Bộ GDĐT giao việc về công tác tổ chức phù hợp với giáo viên để phù hợp với giáo viên cốt cán.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm, để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đáp ứng với Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT) mới, hoạt động bồi dưỡng giáo viên cốt cán trong khuôn khổ Chương trình ETEP đã tạo hiệu ứng tích cực với người học với nhiều điểm mới mang tính đột phá, trong đó vừa kết hợp bồi dưỡng qua mạng và bồi dưỡng trực tiếp.
Ảnh minh họa.
Bồi dưỡng kết hợp cho giáo viên cốt cán
Giáo viên cốt cán được cấp tài khoản để học trực tuyến và có 5 ngày để tự nghiên cứu bài học, tài liệu trên mạng với một hệ thống bài giảng video đã được biên tập kỹ lưỡng. Sau đó tập trung 3 ngày với hình thức chủ yếu là thành lập nhóm, thực hành tạo ra các sản phẩm theo yêu cầu, như xây dựng kế hoạch bài học, cách đánh giá theo năng lực học sinh. Cô giáo Trần Thị Như, Trường THCS Khánh Hòa, Cam Ranh cho biết, mình và đồng nghiệp rất hài lòng với phương thức tập huấn lần này
"Lần tập huấn này rất khác biệt so với các đợt trước đây. Đó là học thật và làm thật, mới mẻ và khác biệt . Chúng tôi phải tự học tự tìm hiểu để trả lời 2 nội dung theo yêu cầu trực tuyến, sau đó chúng tôi sẽ có 3 ngày được làm việc trực tiếp với giáo viên để có hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi được cảm thấy được nâng cao năng lực và đặc biệt đòi hỏi giáo viên phải biết sử dụng công nghệ thông tin thành thạo để hoàn thành được khóa học. Tôi cảm thấy tự tin, có thể chia sẻ được những điều mình đã học tập được cho đồng nghiệp"- cô Như chia sẻ.
Cô giáo Trần Thị Phương Anh, giáo viên Trường THPT Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn cho biết: Sau khóa bồi dưỡng giáo viên cốt cán có đủ khả năng triển khai hỗ trợ các giáo viên khác tại địa phương, giúp các thầy cô giáo bước vào giảng dạy Chương trình GDPT mới một cách chủ động: "Bản thân tôi khi tìm hiểu chương trình GDPT 2018, đặc biệt là chương trình môn Ngữ văn, với các điểm mới của chương trình so với chương trình 2006 chúng tôi thấy rằng điểm mới đó được thể hiện rõ nét ở những nội dung như mục tiêu chuyển từ biết sang làm, sự phân hóa, tính tích hợp, tính liên thông và tính mở. Qua mục tiêu đó đòi hỏi giáo viên phải thay đổi về phương pháp để có thể khơi nguồn cảm hứng cho học sinh được tốt nhất.
Kết thúc khóa tập huấn bổ sung, giáo viên sẽ có 7 ngày tự tìm hiểu sâu các nội dung, phương pháp giáo dục mới và làm bài tập để đánh giá. Cô giáo Đinh Thị Mai Hương, người dân tộc Chứt, Trường Tiểu học Hòa Hợp, huyện Ninh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Trong đợt tập huấn này tôi được trải qua các phương pháp của các giảng viên như thảo luận nhóm, chia sẻ... Qua đó tôi cảm thấy học tập rất thoải mái, mình chủ động tích cực tìm hiểu qua các tài liệu văn bản tiếp thu được tất cả các điểm mới truyền đạt một cách chủ động. Bản thân tôi thấy rất hài lòng".
Nhiều điểm mới
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Bộ GDĐT đã sử dụng hình thức bồi dưỡng kết hợp để các thầy cô tự học qua mạng từ trước, sau đó mới đến giai đoạn trực tiếp. Đội ngũ được bồi dưỡng qua hình thức bồi dưỡng trực tiếp và qua mạng này được lựa chọn từ các địa phương giới thiệu lên và được lựa chọn từ giáo viên cốt cán. Cách tiếp cận là từ hình thức đó khi bồi dưỡng đại trà, các giáo viên cốt cán sẽ hỗ trợ các giáo viên khác tự học qua hình thức qua mạng. mô hình học bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ.
Điểm mới thứ hai là việc huy động các trường sư phạm chủ động tham gia vào quá trình bồi dưỡng trực tiếp là đơn vị được Bộ GDĐT giao việc về công tác tổ chức phù hợp với giáo viên để phù hợp với giáo viên cốt cán. Về sau này sẽ bồi dưỡng cho giáo viên đại trà ở địa phương.
Theo TS Lê Thu Hương- Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH sư phạm Thái Nguyên, giảng viên bồi dưỡng giáo viên cốt cán các tỉnh phía Bắc, việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên là công việc quan trọng khi triển khai chương trình GDPT mới: "Đây là một khóa bồi dưỡng nằm trong khuôn khổ chương trình ETEP với mục đích là nâng cao năng lực cho giáo viên các cấp từ tiểu học đến THCS, THPT để có thể đáp ứng tốt nhất những đổi mới của chương trình GDPT 2018. Học viên có được những điểm mới nhất của chương trình 2018 so với chượng trình môn học đó hiện hành. Đồng thời học viên cũng được trải qua việc phân tích các giáo án mịnh họa để từ đó vận dụng để thực hành xây dựng những giáo án mới theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh. Thời gian tới các trường ĐH Sư phạm tham gia đào tạo ETEP tiếp tục phối hợp với các Sở GDĐT bồi dưỡng 8 mô đun còn lại cho các giáo viên cốt cán đồng thời tiến hành bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đại trà theo phương thức cốt cán theo phương thức giáo viên tự học ở nhà trường, ở nhà, theo công việc. Từ đó trở thành cộng đồng phát triển giáo viên phổ thông và hỗ trợ giáo viên phổ thông thường xuyên và liên tục. Việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán là bước đi quan trọng trong bối cảnh Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện từ năm học 2020-2021.
Thu Hương
Theo daidoanket
Sáp nhập trường cao đẳng Nghệ thuật với trường Sư phạm thì đào tạo kiểu gì? Nhiều địa phương đã nóng vội trong việc sáp nhập trường cao đẳng, trung cấp dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng đào tạo cũng như phát triển nhà trường. Ngày 12/12, tại Đà Nẵng, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp) đã tổ chức tọa đàm khoa học: "Quy hoạch mạng...