Giáo dục trẻ, có cần hình phạt?
Giáo dục học sinh theo hình thức nào, phạt hay không phạt, là điều được rất nhiều người quan tâm.
Giáo dục là con đường để đưa đứa trẻ từ sơ sinh đến với cuộc sống của xã hội đương đại.
Những ngày gần đây, bài chia sẻ của TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội về việc “giáo dục con bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ” đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Chỉ khuyên nhủ rất khó giáo dục trẻ
Trong bài viết, TS Vũ Thu Hương nói rằng: Cách đây gần 10 năm, ở nước ta xuất hiện phong cách giáo dục “không phạt”. Người ta lên án gay gắt mọi hình phạt dành cho trẻ. Dĩ nhiên, đánh, chửi, xúc phạm trẻ là không được rồi. Nhưng giờ, họ lên án cả “chép phạt”, “phạt tập thể dục”… thì thật sự không thể hiểu nổi. Hậu quả đã đến và đám trẻ phải gánh chịu.
Một lượng không nhỏ trẻ 6 tuổi không thể học được do bố mẹ dạy theo phong cách này. Trung bình một trường có từ 5-10 em. Cái gì cũng dỗ dành, thương lượng. Đi học là vất vả, là vượt khó. Trẻ, sau vài buổi đầu hào hứng với cái mới thì chán, không thích. Lúc này, trẻ bắt đầu ăn vạ, phá phách, gây sự để khỏi học hành gì.
Gia đình bối rối, nhà trường hoảng sợ. Các cô giáo sợ phụ huynh kiện nên cũng không dám phạt, chỉ dỗ dành khuyên nhủ. Bọn trẻ càng được đà lấn tới. Vì thế, có không ít trẻ không vượt qua được lớp 1.
Hậu quả nữa là việc trẻ phản ứng với mọi hình thức kỉ luật của cô giáo. Mới đây, một giáo viên trẻ dạy lớp 3 chia sẻ: Cô lấy “tập viết” ra để làm hình thức phạt cho trẻ ngoan. Các con ăn cơm trưa xong sớm, các bạn khác ngồi chơi còn các bạn bị phạt phải “tập viết”.
Một ngày nọ, một bạn học sinh vi phạm kỉ luật vào buổi chiều, cô giáo hẹn bạn ấy chép phạt vào trưa hôm sau. Đúng giờ trưa, các học sinh vừa ăn xong, gia đình bạn ấy lập tức đón con về để né tránh hình phạt. Đó là chưa kể họ rêu rao nói xấu cô giáo khắp nơi và nói, con họ sợ đi học…
“Rõ ràng chính các phụ huynh đã tìm mọi cách để cô giáo không làm gì nổi con họ, dù các con hư đến đâu. Và bây giờ, trong giới giáo viên truyền nhau phong cách giáo dục “mặc kệ” để họ được sống yên ổn. Tư cách đạo đức của bọn trẻ, kĩ năng và kiến thức của trẻ sẽ ra sao với kiểu giáo dục “không phạt” này”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương: Vì không bị phạt, bọn trẻ không hề có ý thức tuân thủ các quy định. Phá quy định là đương nhiên. Ngoài ra, bọn trẻ còn tìm cách giật dây người lớn, tìm cách để cha mẹ phản ứng với cô giáo hòng tránh cho chúng những thứ chúng không mong muốn…
Bọn trẻ không bị phạt còn dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép. Thái độ coi thường ngông nghênh đó có thể tới đỉnh điểm khi các con dám phản ứng dữ dội với cha mẹ (viết giấy từ mặt bố mẹ, tuyên bố con không cần bố mẹ…), hỗn láo với giáo viên, gây sự với người xung quanh…
“Phạt” không phải là đánh, mắng
Video đang HOT
Trao đổi với báo chí, TS Vũ Thu Hương khẳng định, hoàn toàn không đồng ý với việc đánh đập hay hành hạ trẻ em nhưng hãy cứ “phạt”. Từ “phạt” nghe không “lọt tai” nhưng cần hiểu là có nhiều hình thức “phạt” sẽ tốt cho trẻ. Trong khi dùng từ “khuyên nhủ nhẹ nhàng”, thoạt nghe rất “lọt tai” nhưng hoàn toàn không ổn với đứa trẻ.
Phần lớn mọi người đều nghĩ, phạt là đánh mắng. Nhưng hình phạt tôi đề cập đến hoàn toàn không phải như vậy. Khi con đánh bạn, nhà giáo dục có thể đưa hình phạt để giáo dục trẻ đơn giản là bắt chép phạt. Con phải chép nhiều hơn các bạn trong lớp một trang vở. Nếu học sinh đó chép nhiều hơn các bạn khác trong lớp một trang, tôi nghĩ không vấn đề gì về cả tâm lý lẫn sức khỏe.
Thế nhưng tác dụng của hình phạt đó đưa đến cho đứa trẻ có thể rất lớn. Lần sau cứ mỗi lần đánh bạn, nghĩ lại hình thức phải chép phạt trong giờ đáng ra được chơi, đứa trẻ sẽ không dám đánh bạn nữa.
Với những đứa trẻ bé hơn, chưa có khả năng viết, hình phạt có thể yêu cầu con ngồi yên một chỗ không được đi lại trong khoảng 5-10 phút để nghĩ về những việc con đã làm. Dần dần, với cách thức áp dụng như trên, đứa trẻ sẽ hình thành ý thức hành vi nào được và không được phép. Điều này vừa đảm bảo an lành cho đứa trẻ, vừa giúp lập lại trật tự.
Tôi vẫn muốn nhắc lại hình thức “phạt” ở đây là gì. Chẳng hạn một giáo viên tiểu học than phiền với tôi: “Ôi em rất ức chế vì cháu bé ấy viết rất xấu, ở trong lớp thường hay phá lớp. Em lấy việc tập viết để phạt một lúc trước giờ ăn. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trẻ nhưng sau đó, phụ huynh lại kiện”.
Vấn đề tôi đặt ra ở đây sau câu chuyện này, khi chúng ta quá nâng cao vấn đề, khiến sự việc trở nên trầm trọng.
Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều trẻ em từ nhỏ đến lớn và tôi luôn có hình phạt. Khi tôi hỏi “đi với bác các con cảm thấy thế nào”? Nhiều trẻ trả lời: “Đi với bác chúng con rất thoải mái vì biết được phép làm gì và không được phép làm gì. Bọn con chỉ cần tránh những điều bác phạt là được”. “Phạt” mà tôi nói ở đây có khi chỉ là yêu cầu trẻ chép nhiều hơn các bạn khác một trang vở.
Thực tế không phải tất cả trẻ con nào ở cạnh tôi đều bị phạt, thậm chí chúng trở nên rất ngoan bởi khi thấy một bạn nào đó trong lớp bị phạt, chắc chắn chúng sẽ tránh. Lấy thí dụ tầm 6h tối, tôi yêu cầu các con phải tắm, nếu giờ đó chưa tắm sẽ bị phạt. Như thế chúng sẽ phải kéo nhau đi tắm trước 6h. Dần dần, điều đó sẽ thành nếp và không trẻ nào vi phạm nữa.
Cho nên khi giáo dục trẻ con, chúng ta cũng đặt ra những quy định, quy tắc để hướng đến sự đối xử công bằng. Còn khi áp dụng việc khuyên nhủ, nghĩa là người lớn đang đặt vai trò mình là “bề trên” nói với người dưới và trẻ sẽ có phản ứng tâm lý không muốn lắng nghe nữa. Vì thế, việc cho trẻ làm quen với cách sống theo luật pháp chính là điều chúng ta phải thực hiện.
Giáo dục là con đường để đưa đứa trẻ từ sơ sinh trở về với cuộc sống của xã hội đương đại. Làm quen với xã hội đó càng nhiều, con càng có nhiều kĩ năng và kinh nghiệm để sống tốt. Vì thế, không có một nền giáo dục nào lại không sử dụng hình phạt để kéo đứa trẻ hoạt động trong vòng cho phép của mọi quy định.
Nuông chiều thái quá, con sẽ sinh hư
Trước quan điểm của TS Vũ Thu Hương, nhiều giáo viên và phụ huynh đã có những phản ứng trái chiều. Bên cạnh một số ý kiến cho rằng, TS Hương nói quá, hoặc có thể dùng từ “kỷ luật” thay cho từ “phạt” sẽ nhận được sự đồng cảm hơn, thì nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình.
Chị Trần Lệ Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói rằng: Việc phạt là để trẻ nhận ra lỗi sai và sửa, không sống bản năng và vượt qua quy tắc quy định của nhà trường, gia đình và xã hội.
“Nuông chiều thái quá khiến cái cây sẽ yếu đuối và không vững chãi được, uốn nắn cũng phải từ khi là mầm non. Vấn đề là hình thức và phương pháp phạt như thế nào cho không phản giáo dục. Ngày xưa, phạt có thể là đi dọn vệ sinh. Điều này tôi thấy cũng tốt, vì giúp cho môi trường sạch đẹp và cho trẻ lao động để thấy giá trị của lao động…”, chị Hằng nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: Đâu phải cứ phạt là dùng bạo lực. Cái gì cũng đều phải có khen thưởng và có phạt, thì mới có nề nếp quy củ. Một đứa trẻ mà không bao giờ bị phạt, lớn lên sẽ chẳng biết tuân thủ theo ai, và sau này khi có ai trách nó làm sai chuyện gì, nó sẽ không thể vượt qua được vì cho rằng việc phạt là một điều gì đó rất to tát.
“Đồng ý là phải có hình phạt, tuy nhiên hình phạt khác với bạo hành, bạo lực. Khuyên nhủ không nghe phải có biện pháp cứng rắn hơn. Không thể duy trì một tập thể hay lớn hơn là một xã hội mà không có quy chế, không có chế tài để xử lý với những người thực hiện không đúng quy chế”, vị phụ huynh này nói.
Cô giáo Triệu Thị Thanh Nga – giáo viên Trường Tiểu học Đồng Trúc (Hà Nội) chia sẻ rằng: Ở trường, tôi vẫn thường sử dụng một số hình phạt nhẹ nhàng để giáo dục các học sinh mắc lỗi như giờ ra chơi không được ra khỏi chỗ, hoặc phạt đọc sách. Ví dụ với những bạn mắc lỗi đánh nhau, tôi cho các em đọc những cuốn sách về tình bạn. Hoặc thỉnh thoảng cũng phạt các em chép bài nhưng cách này tôi thấy không hiệu quả lắm, vì có nhiều phụ huynh không chờ được con viết đã viết hộ…
“Tôi cho rằng, để giáo dục tốt cho trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mỗi phụ huynh, giáo viên cần nắm bắt được tâm lý trẻ. Với những trẻ thiếu sự quan tâm của bố mẹ thì thường rất mong nhận được sự quan tâm, động viên của thầy cô, bạn bè. Khi đó, trẻ mắc lỗi cũng có thể khuyên nhủ trẻ.
Tuy nhiên, khuyên nhủ không được phải có những hình phạt phù hợp để giáo dục trẻ, giúp đỡ trẻ tiến bộ. Với những phụ huynh khác, mặc dù rất thương con nhưng cũng cần phải hiểu, giáo dục con là cả một quá trình, không thể nuông chiều con quá. Cho nên, cũng rất cần có sự hợp tác, phối hợp với giáo viên để chăm sóc, hướng dẫn trẻ phát triển toàn diện”, cô Nga chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng giáo dục Nguyễn Tùng Lâm: Trong trường học phải có kỷ luật để giáo dục trẻ, nhưng không phải cứ sai là phạt!
"Khuyên nhủ là dẫn dắt học trò, dẫn dắt bọn trẻ làm những điều đúng từ việc nhận thức được lỗi sai của chính mình và lựa chọn phương án thay đổi để trở nên tích cực. Đây là cả một quá trình, không phải chỉ dựa vào phạt!" - TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói.
Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, là một chuyên gia giáo dục có bài chia sẻ về quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" đang gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Cũng trong bài chia sẻ này, nữ tiến sĩ giáo dục cho rằng, trẻ không bị phạt dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép.
Trao đổi với PV Dân trí rõ hơn về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương cho rằng, từ "phạt" nghe không "lọt tai" nhưng thực ra nên hiểu hình thức "phạt" như thế nào. Trong khi dùng từ "khuyên nhủ nhẹ nhàng", thoạt nghe rất "lọt tai" nhưng hoàn toàn không ổn với đứa trẻ.
"Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc đánh đập hay hành hạ trẻ em nhưng hãy cứ phạt theo cách mà tôi nói ở trên, tôi tin sẽ tốt cho chúng", TS Hương nói.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cũng là người thầy nổi tiếng với cái tên "30 năm "cảm hóa" hàng nghìn học trò ngỗ ngược".
"Trẻ dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép là bởi nhiều nguyên nhân, không phải do bị phạt hay không!"
Trước khi làm rõ vấn đề, thầy giáo Tùng Lâm khẳng định.
Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, thay vì chăm chăm tìm cách phạt trẻ, hãy khiến trẻ tự nhận thức được lỗi sai của mình.
Theo đó, để trả lời cho lời khẳng định trên của mình, thầy giáo Tùng Lâm cũng đưa ra ví dụ về việc nguyên nhân đó có thể tới từ những lý do, tác động ngoại cảnh, chẳng hạn việc trẻ có một nguyên nhân nào đó khiến nảy sinh tâm lý bất mãn với thầy cô. Thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, việc thầy cô giáo tạo ra được cảm hứng, sức hút với học sinh là điều vô cùng cần thiết.
"Nếu thầy cô không tạo ra được cảm hứng, sức hút với học sinh thì nhiều lần như thế có thể sẽ khiến học trò vô tình nảy sinh sự bất mãn và trở thành vô nghĩa với tất cả những hành động về sau mà thầy cô làm cho trẻ." - TS. Nguyễn Tùng Lâm lý giải.
Cũng theo thầy Tùng Lâm, chúng ta không nhất thiết phải chăm chăm tìm ra điểm sai trái của trẻ mà hãy làm những điều phù hợp với trẻ trước tiên. Nếu trẻ làm được và làm tốt, đừng ngại ngần khích lệ trẻ để trẻ tự nhìn nhận ra những điều thiếu sót của bản thân chứ không thể áp đặt suy nghĩ và quy định như người lớn, chẳng hạn như việc ra đường vượt đèn đỏ là bị phạt thì trẻ cũng phải như vậy.
Trong trường học phải có kỷ luật để giáo dục trẻ, nhưng không phải cứ sai là phạt!
Chia sẻ với chúng tôi, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, trong trường học phải có kỷ luật để giáo dục học sinh phát triển nhân cách bằng cách chỉ dạy, hướng dẫn cho trẻ biết, không phải thích làm gì thì làm. Bởi vì chỉ có thông qua kỷ luật, học sinh mới tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Song, cũng chính điều này lại gây ra nhiều hiểu lầm.
"Với trẻ em ở từng lứa tuổi, chúng ta cần có những hình thức kỷ luật riêng, phù hợp chứ không phải đưa ra một hình mẫu, quy tắc chung cho tất cả. Và việc này là theo yêu cầu của giáo dục chứ không phải để trừng phạt trẻ. Đây là điểm mà hiện nay nhiều người hiểu sai." - thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.
Đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm gợi ý rằng, với mỗi trẻ, chúng ta cần phải tìm ra cách giáo dục thế nào cho phù hợp tùy theo nhận thức của trẻ, tìm ra được những cái chưa đúng của mình và tự nguyện chịu trách nhiệm với điều đó, rút kinh nghiệm để thay đổi. Tuy nhiên, quá trình thay đổi nhận thức theo từng giai đoạn, lứa tuổi của trẻ không phải lúc nào chúng ta cũng làm ngay được. Đó là điều quan trọng nhất và nó đòi hỏi người giáo dục phải nắm bắt được tâm lý của trẻ, tìm nhiều cách tác động khác nhau đến một đứa trẻ.
Như đã nói ở trên, có những lỗi bỏ qua được thì bỏ qua trước. Bố mẹ hãy cứ cho trẻ làm những gì tụi nó thích rồi mới nói với trẻ về những điều trẻ không làm thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ và thường thì chúng ta sẽ đưa ra yêu cầu trước khi trẻ hành động. Điều này sẽ giúp trẻ học cách thảo luận và chấp nhận, ví dụ như: "Nếu con làm điều mà không được như ý thì nên làm gì để bù đắp lại..."
Hãy để cho trẻ tự nhìn nhận và suy nghĩ chứ không được áp đặt lên trẻ là con đã sai rồi đưa ra những hình phạt. Còn đã là "phạt" mà còn coi đó là nhẹ nhàng thì không đúng.
"Nếu cứ chăm chăm đi tìm hình phạt để trừng phạt trẻ thì bao giờ chúng ta mới có thể khiến trẻ nhận thức được lỗi sai của mình?"
Trong môi trường giáo dục nói chung và với bọn trẻ nói riêng, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng không nên sử dụng từ phạt vì từ này khiến người nghe cảm thấy nặng nề. Do đó, chúng ta nên dùng từ "kỷ luật tích cực" và thay vì chăm chăm tìm cách phạt trẻ, hãy khiến trẻ tự nhận thức được lỗi sai của mình.
"Cụm từ kỷ luật tích cực có vẻ hơi dài nhưng tôi nghĩ chúng ta nên dùng nó, vì nếu "phạt" thì có nghĩa là chúng ta đang dùng cách ngăn cản trước. Điều này không được khuyến khích trong giáo dục, bởi muốn trẻ thay đổi thì phải cho trẻ tự nhận thức được tính kỷ luật chứ không phải cứ không phạt thì trẻ sẽ nhờn! Đấy mới là bài toán khó." - TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Giáo dục khuyên nhủ: Lấy mục tiêu "trẻ ngoan" để biện minh gây tổn hại trẻ Quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" đang lấy mục tiêu "trẻ ngoan" để biện minh cho mọi phương tiện có thể gây tổn hại trên tinh thần đứa trẻ. Ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty Tâm lý chuyên nghiệp WE Link, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục...