Giáo dục THPT trước đòi hỏi đổi mới
Theo GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý GD, những vấn đề của thời đại, thế giới và Việt Nam đã tác động mạnh mẽ, đòi hỏi GD phải thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, phát triển kinh tế – xã hội.
Hiệu trưởng phải là người biết thuyết phục hơn ra lệnh. Ảnh: Minh Phong
Nhận diện đổi mới GD THPT
GS Phạm Quang Trung trao đổi, sự thay đổi của GD thể hiện ở một số điểm như: Nhà trường từ chỗ khép kín chuyển sang mở cửa ra xã hội, đối thoại với xã hội và gắn bó chặt chẽ với nghiên cứu KHCN và ứng dụng. Việc dạy học chuyển từ chủ yếu truyền thụ nội dung sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học.
Người thầy thay vì chỉ truyền đạt tri thức, chuyển sang là người hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập, hoạt động GD, thu hút người học tham gia tích cực, qua đó từng bước hình thành, phát triển ở người học năng lực tư duy, năng lực hành động, hướng dẫn người học phương pháp học để họ có thể chủ động khám phá, tìm hiểu, tiếp thu những tri thức mới, biết vận dụng vào giải quyết các vấn đề của đời sống.
Đầu tư cho GD từ chỗ được xem là phúc lợi xã hội chuyển sang đầu tư cho phát triển. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp hình thức tổ chức dạy học, GD theo hướng hiện đại. Điều chỉnh cơ cấu và quy mô, nâng cao trình độ đào tạo đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thực tiễn, tăng hiệu quả GD, nhạy bén và thích ứng nhanh với những biến động của nhu cầu nhân lực…
Cũng theo GS Phạm Quang Trung, đối vớiGD THPT cần có những đổi mới sau: Một là, đổi mới mục tiêu GD THPT, hướng tới phát triển toàn diện về đạo đức, tri tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản của học sinh nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho HS tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, đổi mới căn bản các yếu tố GD như: Nội dung GD, nội dung dạy học, hình thức, phương pháp GD, kiểm tra – đánh giả kết quả GD-ĐT…
Ba là đổi mới quản trị trường học, đổi mới cách đầu tư, trang bị, khai thác cơ sở vật chất thiết bị theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động dạy học GD theo chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất HS.
Hiệu trưởng phải đảm nhiệm nhiều vai
GS.TS Phạm Quang Trung
Video đang HOT
Cho rằng, yêu cầu đổi mới GD đòi hỏi phải lấy nhà trường làm cơ sở, GS Phạm Quang Trung nhấn mạnh: Hiệu trưởng nhà trường ngày nay phải đảm nhiệm nhiều “vai” trong một. Theo đó, với ý nghĩa rộng nhất, cán bộ quản lý đóng các vai trò người điều khiển; Người thực hiện; Người theo dõi; Người phối hợp; Người cố vấn; Người thúc đẩy; Người đổi mới và Người môi giới.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng trường THPT phải đảm nhiệm nhiều chức năng, đáp ứng yêu cầu là một nhà giáo. Theo đó, họ phải có năng lực của một nhà giáo, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp GV và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí của họ.
Mặt khác, hiệu trưởng là nhà lãnh đạo trường học nên cần có năng lực của một nhà lãnh đạo. Hiệu trưởng là một nhà quản lý trường học nên cần phải có các năng lực quản trị hiệu quả. Đặc biệt, hiệu trưởng còn phải là nhà hoạt động xã hội, kết nối nhà trường với cộng đồng, thực hiện chức năng phối hợp và phục vụ cộng đồng nên cần có năng lực hoạt động xã hội, quan hệ công chúng và vận động cộng đồng…
Có thể khẳng định, hiệu trưởng trường THPT có vai trò quan trọng trong quá trình lãnh đạo chuyển đổi nhà trường, hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực phát triển, xây dựng văn hóa trường học và GD toàn diện học sinh. Những thay đổi của môi trường bên trong, bên ngoài nhà trường và yêu cầu của sự phát triển xã hội đã làm cho chức năng nhà trường thay đổi dẫn đến chức năng của hiệu trưởng có nhiều điểm khác trước.
Hiệu trưởng điều hành nhà trường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó trong một cơ chế quản lý mới, với một đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên, những người lao động có trình độ cao… nên hiệu trưởng phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể thông qua sự định hướng, dẫn dắt, trao quyền, tạo động lực cho mọi người làm việc. Cùng với đó, hiệu trưởng phải biết xây dựng nhà trường thành hệ thống để đón nhận các phản ánh, yêu cầu và sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội.
“Trên cơ sở thực tiễn bối cảnh GD, có thể xem xét chất lượng đội ngũ CBQL trường THPT theo các lĩnh vực chính: Lãnh đạo và quản trị các hoạt động trong nhà trường; hoạt động cộng đồng, xã hội” – GS Phạm Quang Trung đề xuất, đồng thời nhấn mạnh: Hiệu trưởng phải hoạch định sự phát triển; đề xướng sự thay đổi; thu hút và phát triển nguồn lực; thúc đẩy sự phát triển; duy trì sự phát triển bền vững cho nhà trường.
“Xu thế đổi mới GD trong thế kỷ XXI, cán bộ quản lý trường THPT phải là người coi trọng giá trị của sự tương tác giữa con người với nhau, xây dựng được mạng lưới quan hệ, có giao tiếp tốt, phản hồi nhanh; Hiệu trưởng phải có khả năng xử lý thông tin tốt; biết thuyết phục hơn ra lệnh; phải biết quyết đoán trên cơ sở thu hút nhiều người; phải là người trung thực và liêm khiết; biết tư duy sáng tạo và hành động hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, đòi hỏi hiệu trưởng phải có sự thay đổi trong lãnh đạo, quản lý nhà trường”. GS Phạm Quang Trung
Minh Phong
Theo GDTĐ
Viễn cảnh giáo dục mới: Đẩy mạnh giáo dục "cá nhân hóa" tránh dạy kiểu "đồng phục"
Mỗi học sinh có một năng lực khác nhau vậy làm thế nào để giáo viên nhận ra năng lực khác nhau của đứa trẻ hay chúng ta chỉ thực hiện dạy một bài giống hệt nhau, dạy kiểu "đồng phục" cho tất cả học sinh?
Đó là ý kiến của đại biểu tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2019 với chủ đề "Những viễn cảnh giáo dục mới" (Vietnam Educamp 2019), do Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam kết hợp với Câu lạc bộ Giáo dục mới tổ chức, đã diễn ra ngày 17/8 tại Hà Nội.
3 chữ C trong giáo dục Việt Nam
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, năm học 2019-2020 được coi là năm bản lề cho những đổi mới căn bản trong trường học dưới tác động của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới kể từ năm 2020.
PGS.TS Lê Anh Vinh nhận định, nhìn lại giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay, chúng ta có rất nhiều kết quả đáng tự hào và sử dụng 3 chữ C để tóm lược những kết quả nói trên: cam kết, công bằng, chất lượng.
Chữ C đầu tiên là "Cam kết". Theo đó, GD&ĐT luôn là quốc sách hàng đầu trong các văn bản chiến lược. Mức đầu tư công của Việt Nam đối với giáo dục luôn bảo đảm 20% tổng chi, khoảng 5.8% GDP, nằm trong mức cao so với các nước trong khu vực.
Chữ C thứ hai là "Công bằng". Đây là điểm mạnh của giáo dục Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Chúng ta đã đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học từ những năm 2000, cấp THCS vào năm 2010 và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Tỉ lệ nhập học của học sinh có điều kiện khó khăn, dân tộc thiểu số cũng ngày càng được cải thiện.
Chữ C thứ ba là "Chất lượng": Các kết quả của Việt Nam trong các kì đánh giá quốc tế PISA, hay trong các cuộc thi Olympic các môn khoa học hàng năm là minh chứng cho chất lượng của giáo dục phổ thông chúng ta.
Diễn đàn quy tụ nhiều nhà quản lý, chính sách giáo dục cùng đông đảo giáo viên, người quan tâm giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Lê Anh Vinh, giáo dục Việt Nam vẫn còn những hạn chế tồn đọng. Mặc dù đạt kết quả cao trong các kì thi đánh giá quốc tế, học sinh Việt Nam các cấp vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kỹ năng và động lực học tập, do sự chênh lệch giữa giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn.
Ông Vinh nhấn mạnh: "Chúng ta mong muốn xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, mang đến cho mỗi người dân cơ hội học tập suốt đời để có thể khám phá và phát huy tối đa năng lực bản thân, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúng ta hy vọng vào một nền giáo dục có thể khơi gợi toàn bộ tiềm năng cá nhân. Để có được điều đó, hệ thống giáo dục của Việt Nam phải được thiết kế đa dạng và có khả năng phân hóa cho các đối tượng người học nhằm tập trung phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân".
Chủ điểm quan trọng được thảo luận tại 2 phiên toàn thể của Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2019 là chương trình giáo dục phổ thông mới và công nghệ trong giáo dục.
Cần thời gian để giáo viên giảng dạy "cá nhân hóa"
Cũng cho rằng cần đẩy mạnh giáo dục "cá nhân hóa" để khơi gợi tiềm năng, phát triển năng lực cho từng học sinh, ông Đặng Minh Tuấn - nhà giáo dục độc lập chuyên về dạy Toán bằng tiếng Anh cho rằng, muốn làm được điều đó các giáo viên cần trang bị, cập nhật cho mình những kỹ năng, năng lực mới.
Chương trình mới thay vì nội dung kiến thức sẽ hướng đến việc phát triển năng lực cho học sinh, do đó muốn truyền dạy cho học sinh, bản thân giáo viên cũng phải có những kỹ năng mới.
Ông Tuấn nêu quan điểm rằng: "Tối thiểu đội ngũ của nhà trường và giáo viên phải có triết lý trước. Triết lý ở đây có thể chẳng hạn như đưa từ "lý thuyết sang thực hành".
Vậy, giáo viên phải có năng lực móc nối kiến thức thực tế và lý thuyết vào thực nghiệm. Mỗi học sinh có một năng lực khác nhau vậy làm thế nào để giáo viên nhận ra năng lực khác nhau của đứa trẻ hay chúng ta chỉ thực hiện dạy một bài giống hệt nhau, dạy kiểu "đồng phục" cho tất cả học sinh? Như vậy, đầu tiên người giáo viên phải nhận ra năng lực của từng em học sinh là gì vì có 8 loại hình thông minh khác nhau.
Thêm nữa, nếu để cá nhân hóa thì thời gian làm việc của giáo viên ở chương trình mới tới đây so với thông thường bây giờ phải nhiều hơn. Nếu chúng ta quy lại giáo viên phải chạy theo chương trình, không có không gian để họ cá nhân hóa (mỗi trường, lớp, vùng miền thủ đô, đồng bằng, đồi núi... khác nhau) thì phải cho giáo viên không gian để họ điều chỉnh sự cá nhân ấy".
"Chúng ta cần có một cái khung để hướng dẫn giáo viên nhưng cho giáo viên làm trong khuôn khổ linh hoạt có thể chấp nhận được (nghĩa là cho phép giáo viên có thể sai kỹ thuật ở một mức độ nhất định). Giáo viên không sáng tạo thì làm sao dạy học sinh sáng tạo được.
Nếu giáo viên có 10 phần, 8 phần là bắt buộc theo quy định thì phải cho họ 2 phần mở. 2 phần mở này để giáo viên được làm cái mới, có thể không đúng hoàn toàn.
Như vậy, tóm lại giáo viên dạy kiến thức tuyệt đối không thể sai, dạy thực hành thì có thể sai ở mức độ nhất định. Đồng thời, giáo viên cũng phải có năng lực đánh giá học sinh của mình", ông Tuấn nói thêm.
Các đại biểu, nhà giáo dục tham dự diễn đàn cũng nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ giáo dục, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin, số hóa và hội nhập. Bà Trần Thị Thu Hương - đại diện Trường Đại học Giáo dục nhấn mạnh: "Công nghệ thông tin ngày càng trở thành công cụ thiết yếu trong quản trị tri thức số của nhiều ngành công nghiệp như hàng không, tài chính - ngân hàng, y tế, giao thông.
Đối với ngành giáo dục tại Việt Nam và ở nhiều quốc gia trên thế giới, các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang trở thành công cụ đắc lực của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học. Việc áp dụng ứng dụng nào để giải quyết hiệu quả các vấn đề còn tồn tại trong lớp học là điều các nhà quản lý giáo dục và nhà xây dựng chính sách đều quan tâm".
Đông đảo giáo viên, người quan tâm giáo dục chăm chú tham gia các phòng hội thảo chuyên đề của diễn đàn.
Bà Trần Hương Quỳnh - Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, dạy học tích cực thúc đẩy sự tham gia chủ động của học sinh trong quá trình học thông qua các hoạt động ý nghĩa và đa dạng; từ đó phát huy sự sáng tạo, tư duy phản biện, đối thoại, tự học và phát triển đa dạng năng lực của người học.
"Khi công nghệ số đã và đang tác động sâu rộng tới cách học, sự sáng tạo, cộng tác và chia sẻ trong giáo dục, sự chuyển đổi này cần có những định hướng sư phạm để có thể tối ưu hóa các cơ hội học tập tích cực cho người học và phát triển các kỹ năng của thế kỷ 21", nữ giảng viên phát biểu.
Về chủ đề "Công nghệ trong giáo dục," các chuyên gia chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề trong lớp học; chuyển đổi số trong giáo dục; phương thức dạy học trực tuyến tại Việt Nam; các phương pháp dạy học tích cực cùng công nghệ số...
Lệ Thu
Theo Dân trí
Những con số nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện tại có 237 trường đại học, học viện. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện tại có 237 trường đại học, học viện (bao gồm 172 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm...