Giáo dục thất bại vì người lớn ‘nhồi sọ’ học sinh
Ông Đào Tuấn Đạt – người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội – nêu quan điểm cá nhân về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố.
Sau nhiều lần cải cách, cải tiến, giáo dục của chúng ta vẫn liên tiếp thất bại. Nguyên nhân không phải do chương trình mang nặng tính hàn lâm như nhiều người vẫn nói. Tính hàn lâm thể hiện ở hệ thống các khái niệm khoa học chặt chẽ của môn học, điều mà sách giáo khoa hiện hành chưa làm được.
Gốc rễ ở đây là đã đem kiến thức và hiểu biết của người lớn “nhồi sọ” học sinh, khiến cho chương trình học mang đầy màu sắc chủ quan, lý thuyết, giáo điều và phi thực tế.
Trong dự thảo chương trình mới, việc bắt đầu bằng mục “quan điểm xây dựng chương trình” giống như bắt đầu một nghị quyết. Nó không sai nhưng không thể giải thích được quan điểm đó đã dựa trên cơ sở khoa học và nghiên cứu thực tiễn nào. Việc tảng lờ thực trạng giáo dục hiện nay càng làm cho các quan điểm chỉ dừng ở mức… quan điểm.
Chương trình xuyên suốt không có triết lý, tiêu chuẩn giống như người đi thiếu “bộ định vị”, bị nghi ngờ về tính khả thi.
Mục tiêu chưa trúng thì không thể viết sách giáo khoa
Do đặc điểm lứa tuổi, ở cấp tiểu học, sự phát triển về xã hội, thể chất, cảm xúc và văn hóa là quan trọng hơn cả. Ở chương trình THCS, đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành nên cũng là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển trí tuệ và cá tính học sinh.
Thầy Đào Tuấn Đạt (ngoài cùng, bên phải). Ảnh: NVCC.
Chương trình phải giúp được các em phát triển về kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để chủ động và có trách nhiệm trong cuộc sống. Chương trình THPT được nhấn mạnh nhiều hơn vào khả năng tư duy (tư duy đánh giá, tư duy nhận định…) để chuẩn bị cho thành công sau này tại các trường đại học và trong cuộc sống.
Ở dự thảo, sự phân biệt mục tiêu của cả 3 cấp học rất mông lung. Ví dụ, tôi xin trích: “Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực”.
Những yếu tố căn bản nào giúp phát triển được phẩm chất và năng lực chương trình không lý giải? Chương trình phải giúp được các em phát triển về kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để chủ động và có trách nhiệm trong cuộc sống.
Chương trình THPT được nhấn mạnh nhiều hơn khả năng tư duy (tư duy đánh giá, tư duy nhận định…) để chuẩn bị cho thành công sau này tại các trường đại học và trong cuộc sống.
“Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học” không có gì khác cho cả một giai đoạn học tập quan trọng mà chỉ là “tiếp tục phát triển”.
Chương trình trung học phổ thông lại tiếp tục phát triển nữa: “Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động”. Sự nhấn mạnh vào phẩm chất và năng lực nhưng thiếu phân biệt về mức độ ở mỗi cấp học sao cho phù hợp đặc điểm tâm sinh lý và khả năng nhận thức của học sinh làm mục tiêu trở nên mông lung.
Điều này dẫn tới khó khăn khi viết chương trình môn học và nội dung sách giáo khoa. E rằng chương trình môn học và sách giáo khoa mới lại sẽ là bản cũ được sắp xếp và sửa chữa phiên bản cũ.
Học sinh không bước ra bên ngoài ranh giới các môn học
Thế kỷ 21, tri thức phát triển nhanh hơn trí tưởng tượng của bất kỳ ai. Số môn học phổ thông, cơ bản tăng lên nhanh chóng, vì thế nếu căn cứ vai trò và tầm quan trọng của mỗi môn thì không biết học bao nhiêu môn cho đủ. Mặt khác, chương trình phải được thiết kế để học sinh bước ra bên ngoài ranh giới của việc học tập trong các môn.
Vì vậy, về mặt kỹ thuật, trước khi lựa chọn môn học phải xác lập “Chủ đề liên môn” hay “Lĩnh vực học tập”. Mỗi chủ đề liên môn gồm một số môn có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chung.
Ví dụ, chương trình tú tài quốc tế bậc tiểu học có 6 chủ đề liên môn: Chúng ta là ai? Chúng ta ở đâu trong thế giới này? Chúng ta thể hiện mình như thế nào? Thế giới này vận hành ra sao? Chúng ta tổ chức cuộc sống của mình như thế nào? Chúng ta cùng sống trong một hành tinh.
Sáu chủ đề liên môn này bao quanh 6 môn học: Ngôn ngữ, Nghiên cứu xã hội, Toán, Nghệ thuật, Khoa học tự nhiên, Giáo dục cá nhân – Xã hội – Thể dục và Tin học là bộ phận hữu cơ của chương trình.
Video đang HOT
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa vào môn “Trải nghiệm sáng tạo” và “Chuyên đề học tập” để tạo sự liên hệ giữa các môn là đi ngược và gượng ép.
“Trải nghiệm sáng tạo” trong dự thảo chỉ là sự pha trộn cơ học giữa sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa và dự án học tập chung chung vì thế không thể cấu tạo thành môn học. Dự án học tập và chuyên đề học tập chỉ thực hiện được ở những năm cuối cấp học mới có kết quả.
Chưa kể đến việc ai sẽ vừa bày trò chơi, lại vừa hướng dẫn học sinh thực hiện được dự án học tập. Xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 môn trải nghiệm sáng tạo sẽ lấy đi quá nhiều thời giờ của học sinh mà sẽ không thu được kết quả thực chất nào.
Không xác lập được “Lĩnh vực tương tác” thì không thể biết học bao nhiêu môn là đủ và nội dung mỗi môn phải đi theo định hướng nào.
Dự thảo được xây dựng theo cách là người lớn chọn lựa kiến thức được cho là phổ thông rồi sắp xếp chúng thành các môn học không khác gì tổ chức kiến thức theo kiểu siêu thị. Số kiến thức chủ quan này sẽ lại được đem “nhồi sọ” học trò. Việc dạy và học lại như cũ.
Cách xây dựng chương trình như thế dẫn tới hệ quả là chương trình tiểu học theo dự thảo là 13 môn, gấp đôi chương trình tiểu học tú tài quốc tế chỉ có 6 môn, cho thấy sự dàn trải và thiếu trọng tâm của chương trình. Hoặc nó buộc phải nghĩ khác, chúng ta dạy lượng kiến thức gấp đôi quốc tế.
Thiếu triết lý giáo dục như thiếu “bộ định vị” để đi, còn thiếu “Lĩnh vực tương tác” thì mỗi môn học riêng rẽ chẳng khác gì độc đạo.
Tự chọn 9 môn, học sinh lấy sức đâu mà học?
Chúng ta đang nhắc nhiều đến cuộc “cách mạng 4.0″ nhưng một cuộc “cách mạng giáo dục” thì vẫn đang bế tắc.
Chương trình giáo dục không đặt ra được một hướng ưu tiên nào cho hợp với tình hình thực tế. Lớp 11, 12 là hai năm cuối của chương trình định hướng, số giờ của các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý… đều bằng nhau, 4 tiết/tuần mỗi môn. Toán và Ngữ văn có số tiết bằng nhau? Chúng ta bước vào cuộc “cách mạng 4.0″ bằng văn chương hay khoa học?
Lấy ví dụ chương trình môn Toán THCS tú tài quốc tế được chia làm 5 môn nhỏ: Số học, Đại số, Hình học và Lượng giác, Xác suất và thống kê, Toán rời rạc. Tôi chưa biết là chương trình môn Toán cụ thể sẽ như thế nào. Giả sử chúng ta áp dụng tiêu chuẩn chung của thế giới, với 4 tiết một tuần, chúng ta sẽ dạy Toán như thế nào?
Trong khi giới trẻ trên thế giới tiêu khiển bằng chế tạo máy bay không người lái thì thanh niên Việt Nam đang mải đến làng nghề để nặn đất với tên gọi mỹ miều “trải nghiệm sáng tạo” hay sao?
Thật khó khi đã là định hướng nghề nghiệp mà học sinh vẫn phải học 9 môn với 30 tiết một tuần như chương trình cũ. Ưu tiên tất cả là không có ưu tiên gì. Học tất cả là không học được gì.
Con người rất phức tạp, gồm nhiều cá tính thiên tư khác nhau nên áp đặt một chương trình đồng đều là hạ sách. Vì như thế, chúng ta chẳng những không phát triển được đúng mức những con người ưu tú mà còn làm thui chột người kém thiên tư.
Sự đồng đều không những thể hiện ở số môn phải chọn quá nhiều là 9 môn (không khác mấy so với chương trình cũ 11 môn), mà còn ở chỗ sách giáo khoa chỉ có một trình độ, không tính tới sự khác nhau giữa học sinh nông thôn và thành thị, vùng kinh tế phát triển với vùng sâu vùng xa.
Về mặt kỹ thuật, sách giáo khoa các môn học ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông phải song song hai mức độ cơ bản và nâng cao. Tùy vào yêu cầu, nhu cầu và khả năng, học sinh phải chọn mức độ nào. Hình thức cũng phải song song sách giáo khoa các môn riêng rẽ và môn tích hợp, nếu viết một trình độ sẽ là sự cào bằng.
Không phải tự nhiên mà số năm đại học của các nước tiên tiến trên thế giới đang được rút ngắn, để sinh viên tham gia vào thị trường lao động sớm hơn. Không phải họ cắt bỏ chương trình mà kiến thức đại cương được đưa xuống những năm cuối của bậc học phổ thông và ngày càng chuyên sâu hơn.
Với 9 môn học, chúng ta sẽ thiếu chuyên sâu và thừa dàn trải. Chúng ta nên dành toàn bộ bậc THPT để các em tự chọn hoàn toàn và tối đa khoảng 5 môn như dự thảo cũ công bố ngày 14/3. Có lo ngại rằng thế thì học sinh có thể bỏ hẳn một môn nào đó như Ngữ văn chẳng hạn. Không sao hết vì giai đoạn giáo dục cơ bản đã phải hoàn thành môn học này.
Hơn nữa, trong một đám đông, có những người chọn môn này, người chọn môn khác. Những người giỏi môn này, những người giỏi môn khác. Phép tính trung bình phải theo tập hợp chứ không phải theo cá nhân. Bạn muốn đào tạo siêu nhân hãy đến với các câu chuyện tưởng tượng của văn chương và phim ảnh. Còn nếu một môn nào đó không có ai chọn, môn ấy đương nhiên nên loại bỏ khỏi chương trình.
Học tự chọn và định hướng nghề nghiệp nên thực hiện ngay từ lớp 8, 9. Lên lớp 10, việc tự chọn theo ngành hẹp nên làm triệt để hơn, tức là thu hẹp các môn. Việc để một cái “gap” ở lớp 10 là tạo khoảng trống phí hoài về thời gian và sự liên tục của kiến thức.
Thay vì chuẩn bị cho việc học hai buổi một ngày là bất khả thi với cơ sở vật chất hiện có, chúng ta hãy giảm sĩ số các lớp học. Số giờ học chính khóa của học sinh chỉ nên khoảng 20 tiết một tuần (tuần học 5 buổi, mỗi buổi 4 tiết), từ số giờ này mới tính toán thời lượng mỗi môn học một cách khoa học nhất.
Các môn chuyên sâu học nâng cao, các môn không chuyên sâu học cơ bản. Khoảng 4 tiết còn lại nên dành cho sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, các môn kỹ năng.
Cần thay thế chứ không cải cách
Chương trình mới có thể chậm vài năm nếu chưa thuyết phục. Nhưng việc làm ngay, không cần bất cứ triệu đô nào là diệt trừ nạn gian dối trong giáo dục, giống như Campuchia đã làm từ năm 2014.
Thay thế chứ không phải cải cách nền giáo dục trước hết phải giải quyết được vấn đề cốt tử này. Chúng ta đã có đủ từ quyết tâm và chính sách của Nhà nước đến kỳ vọng và mong mỏi của các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và các em học sinh. Chúng ta chỉ còn đang thiếu một cách làm.
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
Theo Zing
Trẻ em Việt Nam học nhiều hơn Nhật Bản 300 tiết mỗi năm
Theo TS Vũ Thu Hương, trẻ học nhiều sẽ bị quá tải, đặc biệt khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh còn nặng nề.
Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến dư luận. Chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019, dự kiến hoàn thiện vào năm 2022-2023.
TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có những phân tích góp ý cho dự thảo.
Zing.vn đăng bài viết của TS Vũ Thu Hương với 7 điểm cơ bản.
Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được xây dựng thống nhất ở mọi miền, mọi tỉnh thành của đất nước. Đây là chương trình bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
Tuy nhiên, với đặc thù đất nước trải dài trên gần 20 vĩ độ, các vùng núi, cao nguyên, đồng bằng, miền biển có nhiều nét địa phương rất riêng, việc xây dựng một chương trình thống nhất chắc chắn sẽ gây ra những nét chênh so với nhu cầu dân cư từng vùng miền.
Ví dụ: Ở khu vực miền núi, vùng cao, học sinh sẽ cần học nghề sản xuất nông nghiệp. Với các môn học như Tin học ứng dụng, Khoa học máy tính, Thiết kế và công nghệ, tính hiệu quả trong giáo dục sẽ không cao.
Vì thế, nên chăng chúng ta cần xây dựng một mô hình giáo dục có các nhánh dành riêng cho những vùng dân cư có nét đặc trưng như khu vực vùng cao, khu vực vùng biển.
Thứ hai, trong mục Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, các tác giả đã nêu ra một số năng lực cần có của thanh viên Việt Nam sau khi tiếp nhận chương trình giáo dục mới như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo...
Như vậy, các mục tiêu sống tốt, sống hạnh phúc và sống thành công đã có thể hoàn thành.
Tuy nhiên, mục tiêu "sống còn" là mục tiêu quan trọng số một thì chưa thấy được đặt ra ở đây dưới dạng năng lực nào. Theo tôi, năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân là quan trọng hàng đầu, cần phải bổ sung để đảm bảo sự an toàn và lành mạnh cho các học sinh.
Mục này nên đặt ra thành một mục riêng vì tính chất quan trọng của nó thay vì ghép với năng lực tự chủ. Khi đó, tầm quan trọng của năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân sẽ bị coi nhẹ.
Thứ ba, trong mục thời lượng giáo dục, ở cấp tiểu học, các tác giả có ghi rõ: Các trường chưa đủ điều kiên cần tập trung đầu tư để đến năm 2022-2023 dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả lớp tiểu học. Trong cấp THCS, các tác giả cũng khuyến khích các trường thực hiện dạy 2 buổi mỗi tuần.
Điều này khiến tôi cảm thấy lo ngại. Rõ ràng trẻ em Việt Nam chưa được giáo dục giới tính một cách đầy đủ. Thêm nữa, phòng ốc ngủ trưa của các em ở các trường gọi là đủ điều kiện cũng rất tạm bợ, trẻ trai và trẻ gái ngủ chung.
Như vậy, rõ ràng chúng ta đang tạo điều kiện cho những vụ việc xâm hại hoặc sàm sỡ lẫn nhau xảy ra giữa các học sinh. Đặc biệt, khi lứa tuổi dạy thì càng ngày càng sớm.
Về thời lượng học tập, chúng ta kêu gọi giảm tải cho học sinh nhưng số lượng tiết học ở chương trình vẫn quá cao so với các nước trên thế giới.
Tổng thời lượng chương trình mới ở lớp 1, 2, 3 là 1.147 tiết; ở lớp 4, 5 là 1.184 tiết. Trong khi đó, thời lượng số môn học của Nhật Bản và Phần Lan ít hơn hẳn.
Bảng so sánh môn học của trẻ Việt Nam và Nhật Bản.
Bảng so sánh thời lượng số tiết học ở tiểu học của trẻ em 3 nước Việt Nam, Phần Lan và Nhật Bản.
Với thời lượng nhiều như vậy, liệu rằng trẻ có bị quá tải, đặc biệt khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh vẫn còn rất nặng nề và tình trạng dạy thêm học thêm, học nâng cao vẫn phổ biến khắp cả nước?
Thứ tư, mục tiêu của chương trình nhấn mạnh việc hình thành và phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, có phẩm chất tốt đẹp.
Tuy nhiên, thời lượng môn học Giáo dục lối sống, Giáo dục công dân ở cấp tiểu học và THCS ít hơn hẳn so với các môn học khác. Ở cấp THPT, môn Pháp luật là bộ môn rất quan trọng thì được đặt chung với môn Kinh tế.
Điều đó sẽ khiến chúng ta nhầm tưởng rằng đây là môn học giáo dục nghề nghiệp hơn là bộ môn đào tạo con người sống và làm việc theo pháp luật.
Thứ năm, về mục tiêu môn Âm nhạc ở bậc tiểu học và các bậc học khác, việc học hát được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, rõ ràng hát là khả năng mà không phải học sinh nào cũng có. Nên chăng mục tiêu này cần được đặt xuống dưới hoặc thay đổi cho phù hợp.
Trong khi đó, những nội dung về lịch sử âm nhạc thế giới, các dòng nhạc trong nước và quốc tế... chiếm thời lượng khá nhiều và rất cần thiết để nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật của trẻ thì được tóm gọn trong mục tiêu thường thức âm nhạc.
Rõ ràng với cách sắp xếp như vậy, các thày cô giáo sẽ nghĩ đơn giản môn học này dạy trẻ hát là chính.
Thứ sáu, hiện nay thế giới đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức do biến đổi khí hậu và các thảm họa môi trường. Tuy nhiên, chương trình không có bộ môn riêng biệt về các nội dung này.
Các kiến thức quan trọng về môi trường và phát triển bền vững chỉ được đề cập đến trong các môn cuộc sống quanh ta, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội ở cấp tiểu học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở THCS.
Với thời lượng ít ỏi, rõ ràng chúng ta không thể kỳ vọng là nội dung này sẽ được dạy đầy đủ cho học sinh.
Thứ bảy, ở cấp THPT, các môn nghề đã xuất hiện trong chương trình. Tuy nhiên, các môn giáo dục nghề lại tập trung vào tin học, máy tính, công nghệ.
Trong khi đó, Việt Nam là nước nông nghiệp với các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Rõ ràng với những môn thiên về máy tính, hiệu quả sử dụng kiến thức các môn học này cho nghề nghiệp tương lai của một bộ phận lớn thanh niên sau này không cao.
Vô hình chung, chúng ta đã khiến cho giới trẻ cảm thấy nghề nghiệp quan trọng bậc nhất liên quan đến các thiết bị công nghệ.
Theo Zing
Chương trình giáo dục phổ thông mới tụt hậu so với thế giới Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa cởi mở, thực chất chỉ là sửa đổi vài chỗ chứ không phải thực sự đổi mới. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông quốc gia mới được công bố được kỳ vọng sẽ giúp nền giáo dục nước nhà bắt kịp xu thế quốc tế. Tuy...