Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá” (2)
Nói “quyền rơm” của giáo dục e vẫn chưa mô tả hết sự thật mà phải dùng các từ dân gian gọi là “quyền hơi” hay “quyền gió”.
Đặt câu hỏi này bởi khi dư luận đặt vấn đề xây dựng “ Triết lý giáo dục Việt Nam” thì chỉ mới thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lên tiếng, các cơ quan liên quan hầu như chưa có ý kiến.
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nêu ý kiến về quản lý nhân sự ngành công an như sau:
“ Các đồng chí nhớ trưởng Công an phường tham gia cấp ủy, về ngành dọc chúng tôi hoàn toàn có thể cách chức về mặt Đảng, phải chuyển, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương (Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương – NV)”.
Chủ tịch thành phố không thể cách chức Trưởng Công an phường nếu không có ý kiến Giám đốc Công an thành phố mà chỉ có thể “cách chức về mặt Đảng”.
Bộ Công an quản lý nhân sự của mình đến tận phường, xã; Bộ Quốc phòng quản lý đến từng chiến sĩ nhưng Bộ Giáo dục không quản lý toàn bộ khối giáo viên phổ thông và phần lớn giảng viên cao đẳng, đại học.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thi các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình vì để xảy ra gian lận thi cử trong kỳ thi quốc gia 2018?
Có thể kỷ luật những người để xảy ra sai phạm trong thi tuyển viên chức giáo dục tại Quảng Ngãi?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kỷ luật những quan chức Hà Tĩnh điều giáo viên đi tiếp khách tại nhà hàng?
Câu trả lời là không, bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quyền.
Có ý kiến bi quan, rằng “quyền” của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tồn tại đâu đó quanh trụ sở bộ và số ít trường do bộ này “chủ quản”, vậy làm thế nào để “quản lý nhà nước” về giáo dục?
Sự “chia để quản lý” này còn thể hiện trong quá trình đào tạo nhà giáo và phân bổ ngân sách giáo dục.
Theo Tờ gấp Giáo dục và đào tạo 2017, số giáo viên khối mầm non cả nước là 316.616 người; Khối tiểu học là 397.098 người; Khối trung học cơ sở là 310.953 người.
Phần lớn trong số hơn 1 triệu giáo viên này tốt nghiệp các trường cao đẳng sư phạm do địa phương quản lý.
Khối trung học phổ thông có 150.721 giáo viên, không ít trong số này tốt nghiệp các khoa sư phạm của các trường không thuộc quyền chủ quản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các đại học sư phạm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.
Cả nước có 5 Đại học Sư phạm Kỹ thuật thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý 3 trường (Nam Định, Vinh, Vĩnh Long).
Về ngân sách dành cho giáo dục, xin dẫn lại ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Video đang HOT
“ Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số…
Về mặt khoa học, liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là Bộ quản lý ngành có nên tham gia chỉ đạo phân bổ ngân sách của ngành hay không hay giao tất cả cho địa phương?“. [2]
Căn cứ vào Nghị quyết số 50/2017/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách 2018 được báo Diễn đàn doanh nghiệp – Cơ quan của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam trích dẫn thì năm 2018 Ngân sách phân cho Bộ Công an 78.112 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 150.144 tỷ đồng, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo được 7.322 tỷ đồng,… [3]
Phân bổ ngân sách giáo dục từ 2013 đến 2017 (Đồ họa: Xuân Dương)
Trong tống số 20% ngân sách dành cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng 89%, ngân sách do các bộ, ngành, trung ương quản lý, sử dụng là 11%.
Trong 11% này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%, các bộ ngành, cơ quan khác sử dụng 6%.
Về ngân sách giáo dục của địa phương, cho đến nay chưa thấy công bố chế tài bắt buộc các địa phương trong việc công bố công khai khoản cân đối ngân sách mà địa phương dành cho giáo dục có đúng 20% hay không.
Nhận định sau đây của Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam trong bài: “Ngân sách dành cho giáo dục được sử dụng ra sao?” nói lên điều gì:
“ Đại biểu Quốc hội không biết cơ quan nào sẽ nắm được dòng tiền 20% ngân sách dành cho giáo dục được vận hành và sử dụng hiện nay ra sao…
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính không nắm được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ trong việc giao tổng số vốn cho các địa phương không giao chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực“. [4]
Vì sao Quốc hội và Bộ Tài chính không thể công khai khoản ngân sách dành cho giáo dục trong gói ngân sách phân bổ về địa phương?
Phải chăng nếu công khai sẽ làm khó cho địa phương hay thực ra con số 20% chỉ là con số kỳ vọng?
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ninh đặt vấn đề:
“ Quốc hội cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục“. [5]
Có thể xem đây là tiếng nói hiếm hoi, khách quan, công bằng được cất lên từ diễn đàn Quốc hội nhằm minh chứng cho câu chuyện “Quyền rơm, vạ đá” của ngành Giáo dục.
Khi yêu cầu Quốc hội cần làm rõ “ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị” thì cũng có nghĩa là những cơ quan, bộ, ngành, địa phương tham gia chia phần “miếng bánh” giáo dục không thể thoái thác nghĩa vụ giải trình, không thể đứng ngoài nhìn ngành Giáo dục bị “ném đá”.
Nói cách khác, giáo dục xưa nay luôn phải ôm con số 20% ngân sách trong khi thực chất cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn Quốc hội đều không nắm được “ 20% ngân sách dành cho giáo dục được vận hành và sử dụng ra sao“!
Để hiểu rõ thêm xin dẫn chứng một số dữ liệu:
Theo số liệu trong “Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2017″, số giảng viên đại học cả nước là 72.792 người, giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông là 1.175.388 người.
Mảng giáo dục đại học, số liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy riêng khối công lập cả nước có 5 đại học trọng điểm (Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế; Đại học Đà Nẵng); 85 Đại học ngành và chuyên ngành (trong đó có 5 Đại học cấp vùng), 27 học viện và 27 Đại học địa phương, tổng cộng là 144 cơ sở (không kể khối trường quân sự và công an).
Một thống kê (đính kèm Công văn số 1279/BGDĐT-KHTC) của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Bộ này chỉ “chủ quản” 37 cơ sở giáo dục đại học, chiếm 25,7%.
Một số đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản là trường lớn (Đại học Quốc gia) nên giả thiết số giảng viên do bộ này chủ quản chiếm khoảng 50% trên tổng số 72.792 người, nghĩa là 36.396 người.
Dễ dàng tính ra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý chưa đến 3% tổng số giáo viên tất cả các cấp.
Những nơi quản lý tới 95% ngân sách giáo dục, quản lý tời 97% đội ngũ nhà giáo chẳng nhẽ không phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, bất cập của ngành này?
Làm sao để có thể thực hiện nhiệm vụ “Quản lý nhà nước về giáo dục” trong hoàn cảnh “hữu danh, vô thực” tức là gần như không quản cả kinh phí lẫn nhân sự?
Luật giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo “quản lý nhà nước về giáo dục” nhưng cũng chính luật pháp lại tước đi trong thực tế những quyền đó.
Những dẫn giải trên cho thấy nói “quyền rơm” của giáo dục e vẫn chưa mô tả hết sự thật mà phải dùng các từ dân gian gọi là “quyền hơi” hay “quyền gió”.
( còn nữa)
Xuân Dương
Theo giaoduc.net.vn
Đề xuất không đưa triết lý giáo dục vào luật sửa đổi
Khẳng định triết lý giáo dục là học để làm người, GS Phạm Tất Dong cho rằng đó là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh giáo dục, không phải luật.
Tại phiên họp chuyên đề góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) diễn ra chiều 17/1, các thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã trao đổi xung quanh các vấn đề cần lấy ý kiến trong dự thảo, trong đó nổi bật là triết lý giáo dục, xã hội hóa giáo dục hay phân luồng, hướng nghiệp.
Không nên đưa triết lý giáo dục vào luật
GS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nêu quan điểm coi học để làm người là triết lý giáo dục với ba lý do. Thứ nhất, các thế hệ con người Việt Nam đã quan niệm đúng đắn rằng dù giàu hay nghèo, trong cuộc sống ít nhiều cũng phải có cái chữ, nghĩa là phải học, có học mới nên khôn.
Thứ hai, lãnh tụ Hồ Chí Minh từng nói rằng "học để thành cán bộ tốt, công dân tốt, chiến sĩ tốt", tức là thành người ở những cương vị hoạt động khác nhau. Lý do cuối cùng là trong trào lưu xây dựng xã hội học tập, UNESCO đã khuyến cáo học tập suốt đời xoay quanh bốn trụ cột giáo dục: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình.
Theo ông Dong, nếu gắn học để làm người với vấn đề học tập suốt đời, triết lý học để làm người có thể được phát biểu theo mệnh đề học suốt đời để làm người, hoặc nói khái quát hơn sẽ là học suốt đời vì sự phát triển bền vững.
Dù đưa ra gợi ý như vậy, GS Dong vẫn cho rằng việc đưa triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục (sửa đổi) là không nên và không đúng. Vì triết lý giáo dục là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh giáo dục, không nên đưa vào luật.
Thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vào chiều 17/1. Ảnh: Giáo dục thời đại
Xã hội hóa không chỉ là chuyện học phí
Một trong những vấn đề được đề cập trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là chính sách xã hội hóa giáo dục. TS Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng, nhận định dù chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, và sự tham gia của khu vực tư đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong giáo dục, thực tế vẫn cho thấy những điểm bất cập đòi hỏi phải cân nhắc để có chính sách phù hợp.
Theo bà Ly, tới nay các luật chuyên ngành về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế đã có chính sách ưu đãi xã hội hóa nói chung, nhưng chưa có chính sách riêng hỗ trợ xã hội hóa giáo dục. Các quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn chung chung, không cụ thể. Vì thế cần xác định lại quan điểm, hiểu đúng về xã hội hóa. Xã hội hóa không phải chỉ dựa vào học phí mà phải dựa vào các nguồn lực đa dạng của xã hội, không chỉ dựa vào người học. Điều này đã thể hiện tương đối rõ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Theo ông Dương Trung Quốc, Ủy viên Hội đồng, khi sửa Luật Giáo dục, mọi người vẫn đang bàn đến giáo dục học đường trong khi đó chỉ là một bộ phận chứ không phải tổng thể của giáo dục. Ngoài nhà trường, còn có gia đình, cộng đồng. Khi nói tới xã hội hóa giáo dục là đòi hỏi toàn xã hội tham gia, chứ không phải do một số người không hiểu hết mà biến xã hội hóa thành chuyện "tiền".
"Tôi rất muốn Luật Giáo dục đi vào thực tiễn đời sống hôm nay. Ví dụ nói về sách giáo khoa, tại sao đối với những ngành kỹ thuật, công nghệ chúng ta lại không đặt ra việc cho phép sử dụng sách giáo khoa của nước ngoài? Trên thực tế luật 10-15 năm sẽ phải thay đổi nên những gì phù hợp trong giai đoạn này - một giai đoạn chuyển đổi rất lớn - chúng ta phải đưa vào", ông Quốc nói.
Đề cập đến cuộc cách mạng 4.0 đang được nhắc đến nhiều, ông Dương Trung Quốc lưu ý trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần đề cập rõ hơn về công nghệ bởi việc học vượt ra khỏi không gian của nhà trường. Cần có khung pháp lý, cơ chế để tạo điều kiện cho không gian công nghệ trong giáo dục phát triển.
Bài toán phân luồng phải đặt trong mối quan hệ với liên thông
Góp ý nội dung phân luồng, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng Nghị định 75 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục có quy định cụ thể về phân luồng. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh, chắc chắn phân luồng sẽ chuyển biến. Tuy nhiên, vấn đề phân luồng đến nay vẫn hạn chế, một trong những nguyên nhân là phân luồng chưa được đặt trong mối quan hệ với bài toán liên thông, và cả hai cần nhìn trong một bối cảnh mới là học tập suốt đời.
"Nếu phân luồng gắn với liên thông thì người học đi vào luồng nghề sẽ không còn cảm thấy đi vào ngõ cụt như trước kia mà vẫn có thể học tiếp ở các trình độ cao hơn. Nếu đặt trong bối cảnh học tập suốt đời sẽ tạo điều kiện và động lực để người lao động nâng cao trình độ theo sở thích, năng lực và điều kiện cụ thể của cá nhân", ông Tiến phân tích.
Nguyên trợ lý Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh lời giải của bài toán phân luồng và liên thông phụ thuộc vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện thành công Khung trình độ quốc gia. Để đóng góp về phương diện pháp lý cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân luồng và liên thông trong giáo dục, bên cạnh các quy định về trách nhiệm của Bộ Giáo dục, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội như trong Nghị định 75, cần bổ sung trách nhiệm của các bộ đó trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Thường trực Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên để hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trước khi báo cáo Thủ tướng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 giữa năm nay.
Xuân Hoa
Theo VNE
Không nên biến xã hội hóa giáo dục thành chuyện "tiền" Khi nói tới xã hội hóa giáo dục là đòi hỏi toàn xã hội tham gia vào giáo dục, chứ không phải do một số người không hiểu hết mà biến báo xã hội hóa thành chuyện "tiền". Đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra ý kiến như vậy tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân...