Giáo dục Phần Lan: Không thanh tra, không chỉ trích
Giáo viên ở Phần Lan tự chủ vì hiệu trưởng được tự chủ, văn hóa giáo dục không chỉ trích, không thanh tra kiểm tra… Và đặc biệt, giáo viên được trao quyền tự chủ do được đào tạo rất bài bản.
Những tiết lộ về sự tự chủ của giáo viên Phần Lan từ những quản lý giáo dục đến từ Phần Lan tại buổi nói chuyện “Vai trò của giáo viên trong giáo dục Phần Lan” tại ĐH Sư Phạm TPHCM mới đây làm nhiều giáo viên người Việt ngỡ ngàng. Hội trường chỉ có 120 chỗ nhưng có đến gần 200 giáo viên, nhà quản lý giáo dục tham dự.
Giáo viên quyết định dạy cái gì
Bà Anna Mari Jaatinen, đến từ Trường Tiểu học Siltamki, Phần Lan – người có 22 năm trong vai trò hiệu trưởng cho biết trong lớp học ở Phần Lan, giáo viên là người thiết kế nội dung dạy học, quyết định dạy như thế nào, dạy cái gì, dạy nội dung đó vào thời điểm nào, lựa chọn nguồn tài liệu và sách giáo khoa nào dùng cho học sinh…
Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ muốn dạy cái gì thì dạy, không dạy thì thôi. Họ phải đảm bảo các mục tiêu như kỹ năng tư duy, kỹ năng học tập, kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ, năng lực về mặt xã hội, thấu hiểu về văn hóa, bản thân mình và đặc biệt là khả năng thấu hiểu thông tin từ nhiều nguồn, năng lực kết nối, khởi nghiệp, những kế hoạch để thay đổi môi trường học tập…
Bà Anna Mari Jaatinen – Trường Tiểu học Siltamki, Phần Lan.
Dù nhiều mục tiêu như vậy nhưng suốt 16 năm ở phổ thông, học sinh ở Phần Lan không trải qua một kỳ thi quốc gia nào. Hàng năm học sinh chỉ trải qua các bài test, bài test quan trọng nhất là nội dung về hạnh phúc, niềm vui đi học. Bên cạnh đó là bài test về Toán và tiếng mẹ đẻ.
Theo ý kiến của bà Anna Mari Jaatinen, có thể 2 năm tới, Phần Lan sẽ thay đổi chương trình giáo dục.
Không chê trích, không thanh tra
Bà Anna Mari thông tin, giáo viên có được sự tự chủ như vậy bởi chính hiệu trưởng cũng hoàn toàn tự chủ. Hiệu trưởng không can thiệp vào bất cứ việc gì của giáo viên mà chỉ đóng vai trò nhà hỗ trợ, tư vẫn, nhà giáo dục. Và giáo viên cũng đóng vai trò như vậy với học sinh.
Để có được sự tự chủ này, theo bà Anna Mari, quan trọng nhất là chất lượng đầu vào sư phạm rất cao, giáo viên đã trải qua quá trình đào tạo sư phạm tốt. Và một yếu tố hàng đầu là nghề giáo ở Phần Lan nhận được sự tin tưởng trong xã hội. Văn hóa giáo dục ở Phần Lan rất tích cực, vận hành trên cơ sở giáo dục động lực truyền sức mạnh và chung giá trị về niềm tin.
Đặc biệt, điều làm cả hội trường cùng “ồ” lên khi bà Anna Mari khẳng định, không có bất kì hệ thống thanh tra, kiểm tra, xếp hạng trong giáo dục Phần Lan. Không có bất cứ một cơ quan thanh tra kiểm tra nào trong cả nước.
Nhiều người đặt ra, nếu giáo viên không đảm bảo được các mục tiêu giáo dục, bà Anna Mari cho hay, đó không phải là lý do để chê trích hay trừng phạt. Ở trường học, có đội ngũ hỗ trợ sẽ dễ dàng nắm bắt tình hình và báo cáo. Khi đó, quản lý sẽ cung cấp sự hỗ trợ, giúp đỡ để giáo viên làm tốt hơn. Giáo viên dạy học cũng áp dụng tinh thần này với học trò.
“Chúng tôi có những bước hỗ trợ trong trường học đảm bảo trẻ nào cũng vui vẻ, thành công. Tất cả giáo viên cung cấp sự hỗ trợ này ở mức thấp nhất. Những đứa trẻ có khó khăn về học tập hay hành vi sẽ được hỗ trợ ở cấp độ 2. Lúc này ba mẹ các em sẽ được mời để cùng phối hợp với nhà trường. Một bản cam kết với cụ thể các bước hỗ trợ là gì sẽ được lập ra giữa hai bên. Ở cấp độ 3 là việc hỗ trợ những kế hoạch giáo dục có tính chất cá nhân”.
Video đang HOT
Theo bà Anna, trước đây, đội ngũ cố vấn nhà trường đảm hết việc hỗ trợ cho học sinh. Việc mời phụ huynh phối hợp với nhà trường mới diễn ra khoảng 5 năm gần đây.
Một điều vị hiệu trưởng thâm niên ở Phần Lan nhấn mạnh là vai trò phụ huynh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong giáo dục. Đặc biệt là với trẻ gặp khó khăn về học tập hay hành vi, ngoài sự hỗ trợ của đội ngũ hỗ trợ thì gia đình cũng sẽ được mời để cùng phối hợp, hai bên sẽ thiết lập các bước hỗ trợ học sinh.
Cạnh tranh vào Sư phạm ở Phần Lan: 1 “chọi” 10
Thạc sĩ Mika Rantala, hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan, có 24 năm kinh nghiệm trong nghề ví von việc cạnh tranh vào Sư phạm ở Phần Lan thật sự là “sứt đầu mẻ trán”, trung bình cứ 200 người đăng ký vào sư phạm thì chỉ 20 người được chọn.
Thạc sĩ Mika Rantala, hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan.
Để theo ngành Sư phạm, học sinh tốt nghiệp phổ thông phải làm bài thi trên giấy (không áp dụng cho giáo viên đăng ký làm giáo viên bộ môn) nhằm kiểm tra việc hiểu bao nhiêu về giáo dục. Sau đó họ sẽ làm bài test năng khiếu và phỏng vấn. Điểm bài thi tốt nghiệp phổ thông là một yếu tố quyết định việc đỗ hay không.
Ông Mika cho hay, đầu vào Sư phạm ở Phần Lan chất lượng rất cao, trước hết là chất lượng của học sinh phổ thông và lý do hàng đầu là động cơ mong muốn của học sinh. Một khi đã chọn Sư phạm là họ rất tha thiết, rất tâm huyết đối với công việc này.
Với giáo viên Phần Lan, nghề giáo không chỉ là một nghề kiếm sống mà hơn hết đi dạy còn được xem như là phong cách sống, một nghề thăng hoa để đưa đến thông điệp đến với người học và tạo điều kiện để người học khám phá thế giới.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Đào tạo nghề tại Phần Lan: Học để trở thành ông chủ
Ở một xã hội đề cao giáo dục, nơi mọi người đều được tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, việc cạnh tranh tìm việc sau khi ra trường của sinh viên Phần Lan thường rất khắc nghiệt; và nhiệm vụ của các trường học tại đây là trang bị cho học viên các kỹ năng để trở thành chủ doanh nghiệp để tự tạo ra việc làm cho mình và cho xã hội.
Không lựa chọn nào dẫn đến con đường cùng
Johanna Ortis, 22 tuổi, sinh viên ngành Thiết kế xây dựng cùng các bạn trong lớp đang trong giờ thực hành tại Trường dạy nghề Omnia, một trong những trường dạy nghề lớn nhất tại Phần Lan.
Johanna cho biết cô mới vào học được 2 tuần và chương trình học ở đây dự kiến sẽ kéo dài 2 năm. Khi chúng tôi, nhóm các nhà báo từ nhiều nước được mời đến tham quan trường, ngạc nhiên hỏi tại sao lại là "dự kiến", cô giải thích điều này phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian dành cho việc học và khả năng tiếp thu của cô.
Cô gái trẻ tốt nghiệp xong chương trình phổ thông nhưng không thi vào các trường đại học luôn mà muốn học trường nghề để trải nghiệm công việc thực tế trước. Cô đi làm chạy bàn cho nhà hàng một thời gian trong khi tìm hiểu các ngành nghề rồi quyết định chọn nghề này.
Johanna Ortis, 22 tuổi, sinh viên ngành Thiết kế xây dựng đang thực hành
"Qua thời gian học nghề thiết kế xây dựng tại đây, tôi thấy yêu thích công việc này và dự định tốt nghiệp xong sẽ vào học Đại học ngành Kiến Trúc để tìm hiểu sâu hơn về nghề," Johanna nói.
Cô bạn cùng lớp, Inka Godhenhjeln, 25 tuổi lại có bước rẽ ngang đặc biệt hơn. Học xong phổ thông, Inka đã theo học nghề nấu ăn và đang làm đầu bếp cho một nhà hàng được 3 năm. Gần đây Inka bắt đầu thích thiết kế xây dựng và thi vào học 3 buổi/tuần ngoài thời gian đi làm.
Sự linh hoạt có thể là điều đặc biệt nhất trong hệ thống giáo dục nói chung và đào tạo nghề nói riêng tại Phần Lan, đất nước đang khiến thế giới kinh ngạc với nhiều sáng kiến táo bạo, mang lại hiệu quả bất ngờ trong giáo dục.
Tại đây, các bạn trẻ được tạo cơ hội quyết định nghề nghiệp sớm hơn. Sau khi hoàn thành 9 năm học ở bậc giáo dục cơ bản, ở độ tuổi 16, các bạn trẻ sẽ lựa chọn học tiếp 3 năm trung học hoặc thi vào trường dạy nghề. Thời gian học trung học sẽ kéo dài 3 năm trong khi các khóa học nghề cũng kéo dài khoảng 2-3 năm. Những người chọn theo học trung học thường có dự định thi vào các trường đại học, trong khi các bạn chọn học nghề thì sẽ có thể ra đi làm hoặc cũng thi vào đại học nếu muốn.
"Ở đây, bạn chọn học nghề không có nghĩa là sẽ kết thúc con đường học vấn," bà Annu Lehtinen, Quản lý dự án tại trường Omnia nói. "Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục học theo học đại học và cao hơn nữa sau khi học xong tại trường dạy nghề. Và điều này đang khuyến khích nhiều bạn trẻ theo học nghề hơn."
Omnia là trường dạy nghề lớn nhất Phần Lan với hơn 10.000 sinh viên đang theo học khoảng 100 ngành nghề. Cũng như tất cả các trường công lập khác trong hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, sinh viên được miễn học phí. Sau tốt nghiệp, những ai theo học các khóa học chuyên sâu thì mới phải đóng học phí.
"Ở đây học viên có thể đăng ký thi tuyển ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, và học viên được xét tốt nghiệp lúc nào là tùy thuộc vào quá trình học của họ," bà Annu nói. "Sinh viên tốt nghiệp không có phân loại giỏi, khá hay trung bình mà chúng tôi đảm bảo tất cả họ đều đạt yêu cầu. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu về trường hướng tới đối tượng thanh niên từ 19-26 tuổi chưa có việc làm để tư vấn giúp họ chọn được một nghề phù hợp để học."
Thầy giáo Juhami Horelli tại khoa dạy nghề mộc cho sinh viên
Tất cả học viên đều được dạy để trở thành ông/bà chủ
Ở một xã hội đề cao giáo dục, nơi mọi người đều được tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, việc cạnh tranh tìm việc sau khi ra trường của sinh viên Phần Lan thường rất khắc nghiệt. Các trường học tại đây đang tập trung trang bị cho học viên các kỹ năng để trở thành chủ doanh nghiệp, để tự tạo ra việc làm cho mình và cho xã hội.
Tại sự kiện giáo dục lớn nhất Bắc Âu Dare To Learn 2018 mới được tổ chức giữa tháng 9/2018, rất nhiều du khách đã choáng ngợp trước các sản phẩm, dịch vụ chất lượng của gần 30 doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực giáo dục.
Nhiều doanh nghiệp được sáng lập và điều hành bởi các bạn còn rất trẻ, đầy hoãi bão, tự tin và nhiệt huyết khi thuyết trình, giới thiệu về các sản phẩm của mình. Ngay cả công ty tổ chức sự kiện Dare To Learn thu hút hàng ngàn chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cũng được khởi xướng và điều hành bởi một nhóm sinh viên trẻ tuổi. Vậy giáo dục Phần Lan đã tạo ra những chủ doanh nghiệp trẻ tuổi tài năng đó như thế nào?
Các học sinh học theo nhóm để thảo luận
Đến thăm trường phổ thông Vesala ở thủ đô Helsinki dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi lớp học với khoảng 15-20 học sinh được chia thành nhiều nhóm nhỏ để thảo luận với hầu hết các môn. Thầy giáo hiệu trưởng Juha Juvonen nói trường Vesala cũng như nhiều trường học khác tại Phần Lan đang áp dụng mô hình phá bỏ các bức tường ngăn cách giữa các lớp học để học sinh có cơ hội được thảo luận với nhóm lớn hơn đến từ các lớp khác nhau.
"Hợp tác và làm việc nhóm là một kỹ năng quan trọng cho việc học tập và làm việc sau này của học sinh," thầy Juha nói. "Chúng tôi đang tập trung phát triển kỹ năng này nhiều hơn cho các em. Các lớp học ở đây không có lớp trưởng hay nhóm trưởng được bầu mà tất cả học sinh sẽ thay phiên nhau đảm nhiệm và rèn luyện kỹ năng lãnh đạo."
Tại trường dạy nghề Omnia, các học viên được đào tại không phải chỉ để tìm việc mà còn để tạo được việc làm cho mình và cho người khác.
Ngoài học lý thuyết với các giáo viên, sinh viên được tạo điều kiện tiếp xúc thường xuyên với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề mình theo học. Trường có nhiều gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm của các doanh nghiệp và sinh viên làm được. Sinh viên được dạy cách tiếp thị sản phẩm của mình thông qua các sự kiện được tổ chức thường xuyên trong khuôn viên trường. Tiền bán sản phẩm của sinh viên sẽ được gửi về khoa để mua nguyên liệu và sinh viên sẽ được cộng điểm.
Thầy giáo Juhami Horelli tại khoa dạy nghề mộc cho biết sinh viên năm đầu tiên phải làm được 4 sản phẩm theo mẫu thiết kế của giáo viên. Sang năm sau họ phải tự thiết kế các mẫu riêng của mình và giáo viên sẽ đánh giá. Những sản phẩm tốt được khuyến khích sản xuất và bày bán tại gian hàng của trường.
"Khoảng 10 năm trước, học sinh Phần Lan cũng chỉ chọn học nghề khi không thi vào được đại học," thầy Juhami nói. "Bây giờ tình thế đã thay đổi khi tấm bằng đại học cũng khó xin việc hơn, nhiều người lại chuyển sang chọn học nghề để có việc làm thực tế và cơ hội khởi nghiệp sớm hơn."
Theo bà Annu, khoảng 80% sinh viên trong trường tốt nghiệp có thể tìm được việc làm hoặc tự khởi nghiệp. Tại đây, các ngành nghề đang được theo học nhiều bao gồm Quản trị doanh nghiệp, Chăm sóc sức khỏe và Thẩm mỹ."
Lúc chúng tôi đến thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của trường Omnia, anh Tatu Perimaki, cựu sinh viên của khoa dạy nghề mộc đang quay lại để mang thêm một thùng sản phẩm để bày bán tại đây.
"Tôi mới ra trường được hơn một năm và hiện tại có mở một công ty thiết kế và sản xuất đồ gỗ gia dụng," anh Tatu nói. "Nhiều sản phẩm do tôi thiết kế hồi còn là sinh viên đang được bán rất tốt ở đây. Và cửa hàng vẫn đặt hàng tôi sản xuất tiếp."
Có vẻ như các trường học tại Phần Lan đang đi đúng hướng và góp phần vào giảm số người thất nghiệp tại nước này. Theo trang Tradingeconomics.com, tỷ lệ thất nghiệp tại Phần Lan đã giảm xuống còn 6,5% tính đến tháng 7/2018 từ mức 7,5% cùng kỳ năm ngoái. Đây là tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ tháng 11/2011 tại nước này.
Và đào tạo khởi nghiệp cũng được dự báo là xu thế mới của giáo dục trong tương lai. Trong bài trao đổi về mô hình giáo dục cho năm 2026 tại buổi bế mạc sự kiện Dare To Learn 2018, Tiến sỹ Pramath Raj Sinha, người sáng lập Trường Kinh Doanh Ấn Độ, nhấn mạnh rằng chương trình giảng dạy cho học sinh phổ thông sẽ bao gồm cả các kỹ năng khởi nghiệp và bán hàng.
Phong Lan
(Từ Helsinki- Phần Lan)
Theo Dân trí
Sau lùm xùm gian lận thi cử 2018, hướng thi THPT quốc gia 2019 sẽ thế nào? Sáng 17/9, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được duy trì đến hết năm 2020, tất nhiên kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật. Duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến 2020...