Giáo dục Phần Lan hàng trăm năm qua luôn là khát khao của cả thế giới nhờ những lý do này
Ở Phần Lan, tôn chỉ của ngành Giáo dục chính là: “Không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau”. Điều này có nghĩa là dù trong bất kì hoàn cảnh nào, học sinh cũng đều nhận được một nền giáo dục như nhau, bất kể khu vực sinh sống hay thu nhập cao thấp của cha mẹ.
Giáo dục Phần Lan được coi là một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, trong top đầu của PISA và được công nhận trong một khoảng thời gian dài.
Điều gì đã làm cho nền giáo dục Phần Lan thành công đến như vậy? Dưới đây là những điều có 1-0-2 mà chỉ ở trường học của Phần Lan mới có, khiến họ trở nên khác biệt hoàn toàn và tuyệt vời trong mắt tất cả học sinh.
Mọi thứ đều miễn phí
Tại Phần Lan, hơn 12,2% ngân sách đất nước được dùng để đầu tư cho giáo dục, vậy nên đất nước sẽ chi trả cho mọi hoạt động giáo dục của học sinh. Học sinh không phải đóng học phí, thậm chí tất cả những thứ đi kèm đều được cung cấp miễn phí, bao gồm các bữa ăn, phương tiện đưa đón, đồ dùng học tập…
Điểm chỉ được thông báo cho riêng học sinh
Phần Lan sử dụng thang điểm từ 1 đến 10 giống Việt Nam, tuy nhiên chỉ đến khi học sinh học lớp 3 mới bắt đầu bị tính điểm. Quan trọng nhất, tất cả điểm số chỉ được thông báo riêng cho học sinh, phụ huynh và bạn bè cùng lớp đều không có quyền biết điểm của con cái bạn bè mình. Điều này tránh cho học sinh cảm thấy áp lực và chỉ học hành vì điểm số.
Học sinh có thể mặc đồ ngủ đi học
Tại Phần Lan, không có bất kỳ quy định nào về đồng phục khi đi học. Học sinh có thể mặc bất cứ thứ gì mình thấy thích, miễn là chúng không quá hở. Chính vì vậy, trang phục thường thấy nhất của các học sinh Phần Lan chính là đồ ngủ.
Trong tiết học, học sinh được phép nằm hoặc ngồi tuỳ ý
Học sinh không nhất thiết phải ngồi nghiêm chỉnh trong các tiết học tại Phần Lan. Mọi người có thể tự chọn cho mình 1 tư thế thoải mái nhất để tiếp thu kiến thức, bao gồm cả việc nằm bò ra ghế sofa nếu thấy thích. Nếu thời tiết đẹp, các giờ học thậm chí có thể được tiến hành ở ngoài trời để giúp học sinh gần gũi hơn với thiên nhiên.
Video đang HOT
Không có bài kiểm tra
Các giáo viên tại Phần Lan cho rằng việc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đời quan trọng hơn việc cắm đầu chuẩn bị cho những bài kiểm tra. Họ không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp, đăng ký và các câu đố. Người Phần Lan luôn nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”. Học sinh chỉ phải làm duy nhất 1 bài kiểm tra khi 16 tuổi để tốt nghiệp trường cấp 2.
Không có môn học
Theo dự kiến các nhà quản lý nước này sẽ bỏ tất cả môn học khỏi chương trình giảng dạy. Thay vào đó, học sinh sẽ chọn một chủ đề hay một khái niệm cụ thể nào đó rồi xem xét chủ đề hay khái niệm đó qua lăng kính những lĩnh vực kiến thức có liên quan. Chẳng hạn, khi chọn chủ đề biến đổi khí hậu, các em sẽ xem xét qua lăng kính các môn khoa học tự nhiên, sinh thái học, kinh tế và chính trị.
Như vậy, nguyên tắc mới mẻ này cho phép loại bỏ tất cả các môn học truyền thống và thay vào đó sẽ là những buổi học có nội dung liên quan đồng thời đến nhiều môn học khác nhau.
Cực ít bài tập về nhà
Học sinh Phần Lan chỉ phải dành 15-30 phút mỗi ngày cho bài tập về nhà và chúng cũng thường rất thú vị chứ không chỉ gò bó với thước bút sách vở. Ví dụ, bài tập về nhà môn lịch sử sẽ là nghe bà ngoại kể về cuộc sống ngày xưa của mình sau đó đến chia sẻ lại cho cả lớp.
Giờ giải lao nhiều nhất thế giới
Cứ mỗi 45 phút, học sinh Phần Lan luôn có 15 phút chơi tự do ngoài trời. Không khí trong lành, thiên nhiên và hoạt động thể chất thường xuyên được coi là năng lượng cho việc học. Theo châm ngôn Phần Lan: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ”.
Rất nhiều buổi sleep-over được tổ chức tại trường
Thỉnh thoảng, học sinh sẽ mang túi ngủ đến trường và qua đêm tại trường cùng bạn bè. Trong khoảng thời gian này, học sinh được thoả thích xem phim, chơi các trò chơi sau đó ngủ tại phòng thể dục với thầy cô, bạn bè. Buổi sáng thức dậy, mọi người sẽ cùng nhau ăn sáng và tập thể dục. Trường học tuyệt vời như vậy thì ai mà chẳng muốn đi học cơ chứ!
Các trường học đều tốt như nhau
Việc chọn trường là không cần thiết tại Phần Lan khi ở nước này, mọi trường đều có chất lượng như nhau. Học sinh chỉ việc chọn ngôi trường gần nhà mình nhất và sẽ yên tâm về việc được giáo dục và đào tạo như mọi trẻ em khác trên đất nước. Phụ huynh và cả học sinh sẽ bớt hẳn được gánh lo về chuyện ganh đua vào trường chuyên lớp chọn như một số đất nước khác.
Theo Brightside
Giáo dục Phần Lan: Không thanh tra, không chỉ trích
Giáo viên ở Phần Lan tự chủ vì hiệu trưởng được tự chủ, văn hóa giáo dục không chỉ trích, không thanh tra kiểm tra... Và đặc biệt, giáo viên được trao quyền tự chủ do được đào tạo rất bài bản.
Những tiết lộ về sự tự chủ của giáo viên Phần Lan từ những quản lý giáo dục đến từ Phần Lan tại buổi nói chuyện "Vai trò của giáo viên trong giáo dục Phần Lan" tại ĐH Sư Phạm TPHCM mới đây làm nhiều giáo viên người Việt ngỡ ngàng. Hội trường chỉ có 120 chỗ nhưng có đến gần 200 giáo viên, nhà quản lý giáo dục tham dự.
Giáo viên quyết định dạy cái gì
Bà Anna Mari Jaatinen, đến từ Trường Tiểu học Siltamki, Phần Lan - người có 22 năm trong vai trò hiệu trưởng cho biết trong lớp học ở Phần Lan, giáo viên là người thiết kế nội dung dạy học, quyết định dạy như thế nào, dạy cái gì, dạy nội dung đó vào thời điểm nào, lựa chọn nguồn tài liệu và sách giáo khoa nào dùng cho học sinh...
Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ muốn dạy cái gì thì dạy, không dạy thì thôi. Họ phải đảm bảo các mục tiêu như kỹ năng tư duy, kỹ năng học tập, kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ, năng lực về mặt xã hội, thấu hiểu về văn hóa, bản thân mình và đặc biệt là khả năng thấu hiểu thông tin từ nhiều nguồn, năng lực kết nối, khởi nghiệp, những kế hoạch để thay đổi môi trường học tập...
Bà Anna Mari Jaatinen - Trường Tiểu học Siltamki, Phần Lan.
Dù nhiều mục tiêu như vậy nhưng suốt 16 năm ở phổ thông, học sinh ở Phần Lan không trải qua một kỳ thi quốc gia nào. Hàng năm học sinh chỉ trải qua các bài test, bài test quan trọng nhất là nội dung về hạnh phúc, niềm vui đi học. Bên cạnh đó là bài test về Toán và tiếng mẹ đẻ.
Theo ý kiến của bà Anna Mari Jaatinen, có thể 2 năm tới, Phần Lan sẽ thay đổi chương trình giáo dục.
Không chê trích, không thanh tra
Bà Anna Mari thông tin, giáo viên có được sự tự chủ như vậy bởi chính hiệu trưởng cũng hoàn toàn tự chủ. Hiệu trưởng không can thiệp vào bất cứ việc gì của giáo viên mà chỉ đóng vai trò nhà hỗ trợ, tư vẫn, nhà giáo dục. Và giáo viên cũng đóng vai trò như vậy với học sinh.
Để có được sự tự chủ này, theo bà Anna Mari, quan trọng nhất là chất lượng đầu vào sư phạm rất cao, giáo viên đã trải qua quá trình đào tạo sư phạm tốt. Và một yếu tố hàng đầu là nghề giáo ở Phần Lan nhận được sự tin tưởng trong xã hội. Văn hóa giáo dục ở Phần Lan rất tích cực, vận hành trên cơ sở giáo dục động lực truyền sức mạnh và chung giá trị về niềm tin.
Đặc biệt, điều làm cả hội trường cùng "ồ" lên khi bà Anna Mari khẳng định, không có bất kì hệ thống thanh tra, kiểm tra, xếp hạng trong giáo dục Phần Lan. Không có bất cứ một cơ quan thanh tra kiểm tra nào trong cả nước.
Nhiều người đặt ra, nếu giáo viên không đảm bảo được các mục tiêu giáo dục, bà Anna Mari cho hay, đó không phải là lý do để chê trích hay trừng phạt. Ở trường học, có đội ngũ hỗ trợ sẽ dễ dàng nắm bắt tình hình và báo cáo. Khi đó, quản lý sẽ cung cấp sự hỗ trợ, giúp đỡ để giáo viên làm tốt hơn. Giáo viên dạy học cũng áp dụng tinh thần này với học trò.
"Chúng tôi có những bước hỗ trợ trong trường học đảm bảo trẻ nào cũng vui vẻ, thành công. Tất cả giáo viên cung cấp sự hỗ trợ này ở mức thấp nhất. Những đứa trẻ có khó khăn về học tập hay hành vi sẽ được hỗ trợ ở cấp độ 2. Lúc này ba mẹ các em sẽ được mời để cùng phối hợp với nhà trường. Một bản cam kết với cụ thể các bước hỗ trợ là gì sẽ được lập ra giữa hai bên. Ở cấp độ 3 là việc hỗ trợ những kế hoạch giáo dục có tính chất cá nhân".
Theo bà Anna, trước đây, đội ngũ cố vấn nhà trường đảm hết việc hỗ trợ cho học sinh. Việc mời phụ huynh phối hợp với nhà trường mới diễn ra khoảng 5 năm gần đây.
Một điều vị hiệu trưởng thâm niên ở Phần Lan nhấn mạnh là vai trò phụ huynh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong giáo dục. Đặc biệt là với trẻ gặp khó khăn về học tập hay hành vi, ngoài sự hỗ trợ của đội ngũ hỗ trợ thì gia đình cũng sẽ được mời để cùng phối hợp, hai bên sẽ thiết lập các bước hỗ trợ học sinh.
Cạnh tranh vào Sư phạm ở Phần Lan: 1 "chọi" 10
Thạc sĩ Mika Rantala, hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan, có 24 năm kinh nghiệm trong nghề ví von việc cạnh tranh vào Sư phạm ở Phần Lan thật sự là "sứt đầu mẻ trán", trung bình cứ 200 người đăng ký vào sư phạm thì chỉ 20 người được chọn.
Thạc sĩ Mika Rantala, hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan.
Để theo ngành Sư phạm, học sinh tốt nghiệp phổ thông phải làm bài thi trên giấy (không áp dụng cho giáo viên đăng ký làm giáo viên bộ môn) nhằm kiểm tra việc hiểu bao nhiêu về giáo dục. Sau đó họ sẽ làm bài test năng khiếu và phỏng vấn. Điểm bài thi tốt nghiệp phổ thông là một yếu tố quyết định việc đỗ hay không.
Ông Mika cho hay, đầu vào Sư phạm ở Phần Lan chất lượng rất cao, trước hết là chất lượng của học sinh phổ thông và lý do hàng đầu là động cơ mong muốn của học sinh. Một khi đã chọn Sư phạm là họ rất tha thiết, rất tâm huyết đối với công việc này.
Với giáo viên Phần Lan, nghề giáo không chỉ là một nghề kiếm sống mà hơn hết đi dạy còn được xem như là phong cách sống, một nghề thăng hoa để đưa đến thông điệp đến với người học và tạo điều kiện để người học khám phá thế giới.
Hoài Nam
Theo Dân trí
"Trong tương lai, trường ĐH tốt sẽ như một doanh nghiệp" Mùa lễ hội cuối năm là thời điểm lý tưởng để sinh viên nhiều nước tìm kiếm công việc làm thêm. Sinh viên ở Phần Lan cũng luôn tất bật với công việc trong những kỳ nghỉ, hoặc thậm chí quanh năm, vì vừa học vừa làm được nhà trường đặc biệt khuyến khích trong những năm gần đây. Họ đã được dạy...