Giáo dục nhiều vấn đề nóng nhưng chất vấn Bộ trưởng chưa nóng
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biểu QH trong phiên họp chiều 12.6 (Ảnh: TTXVN)
Chiều 12.6, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu quốc hội liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Còn nhiều lo lắng cho kỳ thi sắp tới
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh cho rằng việc tổ chức thi theo cụm chưa nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Video đang HOT
Ở miền núi, tỷ lệ các em thi chỉ để xét tốt nghiệp lớn, điều này có phải vì các em thiếu tự tin để đăng ký vào các trường đại học, do đó làm sao để phát triển tri thức cho vùng cao?
ĐB Trịnh Ngọc Thạch bày tỏ lo lắng: Những năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, thậm chí có địa phương đến 99% do các địa phương tổ chức. Năm nay các cơ sở giáo dục đại học chủ trì, làm nghiêm hơn nên có sự lo lắng là tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải việc thi theo cụm được phân làm 2 loại. Một loại dành cho thí sinh có nhu cầu tốt nghiệp thì thi ở ngay địa phương, ở đây theo báo cáo lại là tại huyện. Như vậy sẽ không có gì khó khăn cho thí sinh. Thứ hai là các em có nhu cầu đăng ký tuyển sinh vào ĐH. Đối với đối tượng này, theo Bộ trưởng, trước đây các em cũng phải “khăn gói” từ quê lên các thành phố lớn để dự thi ĐH. Bây giờ khoảng cách được rút ngắn hơn do được bố trí 38 cụm thi.
“Sự thay đổi này không làm cho các cháu đi lại khó khăn hơn mà còn giảm số lần đi 1 lần. Trước đây, khi thi xong khối A, lại thi thêm khối B nữa thì các cháu phải đi lại nhiều lần. Do đó không có gì khó khăn” – ông Phạm Vũ Luận nói.
Về mối băn khoăn của ĐB Trịnh Ngọc Thạch, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng việc chấm và coi thi đều có những quy chế. Dù các thầy cô giáo ở địa phương hay các trường ĐH, ở Trung ương đều coi thí sinh là học sinh, con em thân yêu của mình. Vì sau khi tốt nghiệp, các em có thể trở thành sinh viên của các thầy cô ở bậc ĐH.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tính đến barem chấm điểm kỹ càng. Quá trình thi cử phải nghiêm túc, vì thi cử cũng là hình thức giáo dục nhân cách cho các em. Kết quả phải là phần lớn, không nên có sự thay đổi đột ngột. Điều này đã được quán triệt ở với hầu hết hiệu trưởng các trường ĐH, các giám đốc sở”.
Qua truyền hình và phát thanh trực tiếp, Bộ trưởng nhắn nhủ tới các em học sinh hãy yên tâm làm bài tốt. Sự thay đổi không tạo cú sốc mà là sự chuyển biến để chất lượng tốt lên”.
Bộ trưởng GD-ĐT chia sẻ thêm, đối với các cháu ở miền núi không được hưởng các dịch vụ tốt như ở các vùng thuận lợi, Chính phủ và ngành giáo dục có chế độ cộng điểm ưu tiên. Thậm chí Bộ GD-ĐT còn bị cảnh báo là có thể có em đạt 3 – 4 điểm cũng đậu. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phải đào tạo và chúng ta có chương trình dự bị, bổ túc để đào tạo thêm cho con em miền núi.
Sẽ xin ý kiến rộng rãi chương trình GD phổ thông
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện hồ sơ dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27.3.2015.
Với việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Dự thảo chương trình tổng thể này đã được đưa ra xin ý kiến góp ý của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học, ý kiến đóng góp của một số hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (thông qua các hội thảo, hoặc gửi văn bản xin ý kiến góp ý trực tiếp)…
Đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện lần cuối, để đưa ra xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội vào tháng 7.2015.
Đồng thời, Bộ đang tích cực chuẩn bị để bắt đầu triển khai xây dựng các chương trình môn học dựa theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Tổng hợp từ VGPNews, Vietnam , TTXVN
Theo motthegioi