Giáo dục nghề nghiệp năm 2019: Chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực nâng cao
Giáo dục nghề nghiệp năm 2019 đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được nâng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng Cục Thống kê nhận định.
Hiện nay, cả nước có 1.913 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 402 trường cao đẳng; 472 trường trung cấp và 1.039 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Tổng Cục Thống kê cho biết, đào tạo nghề năm 2019 đã tuyển mới được 2.338 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 568 nghìn người; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1.770 nghìn người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 800 nghìn lao động nông thôn.
Năm 2019, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2.195 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 495 nghìn người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.700 nghìn người.
Video đang HOT
Cũng theo Tổng Cục Thống kê, năm học 2019- 2020, ngành giáo dục đào tạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp giáo dục trung học theo hướng hợp lý và hiệu quả; tăng cường nền nếp, kỷ cương trong các cơ sở giáo dục; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong năm học này, cả nước có 5 triệu trẻ em bậc mầm non (0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,3 triệu trẻ em đi học mẫu giáo); 17 triệu học sinh phổ thông đến trường (8,7 triệu học sinh tiểu học; 5,7 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,6 triệu học sinh trung học phổ thông) và 1,5 triệu sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp.
Thành Công
Theo baodansinh
Loay hoay với nguồn tuyển!
Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong chưa đầy 2 tháng tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ kết thúc tuyển sinh 2019 đối với bậc trung cấp.
Dù vậy, tính đến cuối tháng 10-2019, tuyển sinh của 14 trường trung cấp ở Cần Thơ chưa đạt đến 50% tổng chỉ tiêu. Một số trường tuyển được từ 3% đến 9% so với chỉ tiêu năm 2019. Ngay cả các trường cao đẳng (CĐ) lâu năm có đào tạo bậc trung cấp cũng rơi vào tình trạng chờ thí sinh nhập học.
Đơn cử, hai trường CĐ: Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ và Y tế Cần Thơ chỉ tuyển được khoảng 10% chỉ tiêu ở bậc trung cấp. Các trường CĐ: Du lịch Cần Thơ, Nghề Cần Thơ, Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ và Cao đẳng Cần Thơ vẫn đang tiếp tục tuyển sinh cho các ngành ở bậc trung cấp.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ thực hành trên máy. Ảnh: B.NG
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, mà nguyên nhân cơ bản nhất là tâm lý trọng bằng cấp của xã hội. Các ngành trung cấp lĩnh vực cơ khí, nông nghiệp tuy đã cải thiện nguồn tuyển sinh so với những năm trước, nhưng học sinh vẫn không ưu tiên, trong khi chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho những ngành học này. Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Cần Thơ, lý giải thêm: "Tâm lý người học cho rằng mức lương, cơ hội thăng tiến của người tốt nghiệp CĐ, đại học cao hơn so với người học trung cấp".
Ngoài ra, các quy định mới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mà đơn cử như trong lĩnh vực Y Dược, là rào cản tâm lý đối với học sinh có ý muốn chọn học trung cấp. Đó là quy định của Bộ Y tế: Từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp.
Theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực vào năm 2020), yêu cầu trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên cao hơn so với hiện nay. Giáo viên mầm non, tiểu học phải có bằng cấp bậc cao đẳng, trong khi trước đây chỉ yêu cầu bằng trung cấp sư phạm. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, nói: "Đây là một trong những nguyên nhân khiến học sinh không chọn học trung cấp. Hiện trường đã xây dựng chương trình liên thông từ trung cấp lên CĐ, đại học sư phạm để đào tạo theo nhu cầu cho các trường mầm non, tiểu học ở Cần Thơ". Từ năm 2018, Trường CĐ Cần Thơ không tuyển trung cấp sư phạm.
Giải pháp để tăng nguồn tuyển sinh mà các trường đã và đang thực hiện là đầu tư nguồn lực, đồng thời, liên kết với các trường đại học đào tạo nâng chuẩn trình độ. Song song đó, các trường đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết hiệu quả đầu ra cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Ông Đào Minh Lợi, Trưởng Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ, cho rằng: Các trường trung cấp tuyển sinh khó khăn không phải vì không đảm bảo chất lượng đào tạo, mà đó là tình hình chung cả nước. Đã có nhiều trường ở Cần Thơ tự nỗ lực đầu tư nguồn lực, chủ động liên kết với doanh nghiệp để tìm lối ra phát triển cho trường.
Một mùa tuyển sinh nữa gần kết thúc và các trường đào tạo trung cấp vẫn phải loay hoay với bài toán: tìm người học!
NG.NGÂN
Theo baocantho
"Đại sứ nghề" người lan tỏa những giá trị giáo dục nghề nghiệp Ngày 10/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với trường CĐ Cơ điện Hà Nội, tổ chức tập huấn cho các cựu học sinh, sinh viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi tay nghề, để trở thành những "Đại sứ nghề" trong tương lai. Ông Trương Anh Dũng chia sẻ về giáo dục nghề nghiệp tại buổi tập huấn...