Giáo dục Mỹ thay đổi thế nào sau 8 năm Obama làm tổng thống?
Suốt 2 nhiệm kỳ làm tổng thống, Barack Obama cùng chính quyền của ông luôn chú trọng phát triển giáo dục và đã thành công trong một số lĩnh vực.
Tám năm trước, không chỉ nền kinh tế Mỹ phải đối mặt khủng hoảng mà hệ thống giáo dục của quốc gia này cũng khá “lung lay”. Một loạt vấn đề đáng lo ngại bao gồm tỷ lệ tốt nghiệp không ổn định, thành tích học tập lao dốc, trường học xuống cấp.
Tất cả khiến người Mỹ dần mất niềm tin rằng giáo dục là con đường giúp con em họ có cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Mặc dù phải đối mặt nhiều vấn đề khi mới nhậm chức, Tổng thống Barack Obama vẫn luôn coi trọng phát triển giáo dục và thường xuyên đề cập lĩnh vực này trong các bài phát biểu kể từ khi nắm quyền.
“Nếu chúng ta muốn nước Mỹ dẫn đầu trong thế kỷ 21, không gì quan trọng hơn việc mang đến cho mọi người nền giáo dục tốt nhất, từ khi bắt đầu đi học cho tới ngày họ có được sự nghiệp của mình”, ông Obama từng phát biểu.
Theo trang web chính thức của Nhà Trắng, chính quyền của vị tổng thống da màu từng đầu tư 4,2 tỷ USD vào quỹ hỗ trợ giáo dục Race to the Top nhằm cải thiện việc dạy và học trong các trường của Mỹ tại 19 tiểu bang.
Tuần trước, ông Obama chia sẻ bức thư kể về những thành tựu mà chính quyền của mình làm được trong suốt 8 năm qua. Ông cũng yêu cầu quan chức nội các, bao gồm cả Bộ trưởng giáo dục John King, viết thư chia tay, tổng kết công việc của các phòng ban.
Tổng thống Obama luôn chú trọng phát triển giáo dục trong suốt 2 nhiệm kỳ. Ảnh: TIME.
Nội dung bức thư một lần nữa cho thấy ông Obama luôn quan tâm giáo dục, ngay cả khi đang nói về các thành tựu kinh tế và chính trị quan trọng.
Ông nhấn mạnh rằng tỷ lệ tốt nghiệp trung học ở Mỹ đang ở mức cao với 83%. Tỷ lệ tốt nghiệp đại học cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, Mỹ hiện có nhiều chương trình hỗ trợ người không đỗ đại học như dạy học nghề và các chương trình đào tạo việc làm.
Bức thư 14 trang của Bộ trưởng Giáo dục Mỹ John King cũng cho thấy các chương trình, sáng kiến và thành công mà cơ quan này đạt được trong những năm qua. Trong đó, việc hỗ trợ tài chính cho người học đại học hiệu quả hơn, tỷ lệ bỏ học từ 16 – 24 tuổi giảm đáng kể.
Ngoài ra, bức thư cũng chỉ ra những dấu hiệu tích cực như 32 tiểu bang đã tăng cường tuyển sinh ở trường mẫu giáo công lập, tạo điều kiện giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để giành được thành công trong trường.
Yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành công có lẽ là sự cam kết lâu dài và quyết tâm vững chắc mà Tổng thống Obama cùng những người trong Bộ giáo dục Mỹ đã thực hiện để xây dựng hệ thống phát triển, gắn liền giáo dục thế giới.
Video đang HOT
Vị tổng thống da màu luôn nỗ lực xây dựng một nền giáo dục tốt nhất. Ảnh: PBS.
Trong thư, Bộ trưởng King cũng đưa ra hàng chục ví dụ về cách mà chính quyền đã cố gắng đặt học sinh lên vị trí ưu tiên hàng đầu, từ việc hỗ trợ trường mầm non cho tới thúc đẩy các khoản trợ cấp dành cho sinh viên, tổ chức hội chợ khoa học hay liên hoan phim ở Nhà Trắng và nhiều hơn nữa.
Năm 2008, Tổng thống Obama quyết định tăng phần thưởng Pell Grant lên mức tối đa 5.550 USD. Khoảng 9,5 triệu sinh viên đã nhận được phần thưởng này trong năm học 2012-2013.
Bộ giáo dục cũng tìm cách hỗ trợ giáo viên, bắt đầu với việc bảo vệ công ăn việc làm cho họ trong Đạo luật Phục hồi, đầu tư tiền để nâng cao trình độ giáo viên lên chuyên nghiệp, thiết lập các chương trình đào tạo và trợ cấp.
Bộ còn tìm ra những điểm chung giữa các nhóm người có lợi ích khác nhau, từ những nhà hoạch định chính sách cho tới các nhà hảo tâm, lãnh đạo công ty và chuyên gia công nghệ, sau đó khuyến khích họ cùng chung tay hỗ trợ giáo dục.
Bất cứ ai từng đi học đều hiểu rằng học tập thực sự luôn đi kèm thực hành và nỗ lực. Những lá thư này đã cho thấy một điều Tổng thống Obama và chính quyền của ông đã quyết tâm xây dựng một nền giáo dục với thật nhiều cơ hội dành cho thế hệ trẻ của đất nước.
Theo Zing
Harvard, bốn rưỡi sáng: 'Có thể sinh viên thức để chơi'
Anh Trương Phạm Hoài Chung hài hước nói Đại học Harvard sáng đèn lúc nửa đêm có thể do sinh viên còn vui chơi, chưa chịu đi ngủ.
Nói về bài viết Harvard 4 rưỡi sáng đang gây xôn xao mạng xã hội, chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh - tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế và Hành chính công tại Đại học Harvard - thẳng thắn cho rằng tác giả đã tạo ra cái nhìn sai lệch về ngôi trường này.
Người có hơn 10 năm làm công tác tư vấn cho Đại học Harvard trong công tác tuyển sinh hệ cử nhân cho rằng áp lực học tập tại trường lớn, nhưng chắc chắn không phải sinh viên nào cũng học thâu đêm suốt sáng, vào nhà ăn mang theo pizza và nước ngọt, vừa ăn vừa đọc sách.
Anh Trương Phạm Hoài Chung - người đang học chương trình thạc sĩ Chính sách và Quản lý giáo dục tại Đại Học Harvard - hài hước nói sinh viên trong trường nổi tiếng về những bữa tiệc. "Harvard sáng đèn lúc nửa đêm" có thể do các bạn còn vui chơi, chưa chịu đi ngủ.
"Những lúc này mới là thời điểm sinh viên trường giao lưu, xây dựng mối quan hệ. Biết đâu trong cuộc tán gẫu lại nảy ra ý tưởng tạo ra một start-up, tiền thân của Facebook, Instagram, Uber", anh Chung nhận xét.
Anh Trương Phạm Hoài Chung đang theo học chương trình thạc sĩ Chính sách và Quản lý giáo dục tại Đại Học Harvard. Ảnh: NVCC.
Harvard 4 rưỡi sáng: Không phải trường chúng tôi học
Anh Huỳnh Thế Du, thạc sĩ Quản lý công tại Đại học Harvard và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Kiến Trúc Harvard, có nhiều năm học tập tại ngôi trường nổi tiếng nước Mỹ.
Anh Du ngạc nhiên vì "đọc bài viết mà tưởng nói về nơi nào đó chứ không phải trường mình". Với anh, Harvard không giống như bài viết mô tả.
"Tôi đã ăn ở Sanders Theater, nhà ăn được mô phỏng trong phim Harry Potter được nhắc tới trong bài viết, lần nào cũng thấy ồn ào do mọi người ăn uống, trao đổi, chuyện trò. Tất cả các nhà ăn khác tôi biết cũng như vậy. Thư viện chỉ đông đúc vào mùa thi, còn những thời điểm khác cũng vắng lắm".
Anh Trương Phạm Hoài Chung xác nhận thông tin này và nói thêm trường anh có khoảng 70 thư viện, chỉ có Lamont mở cửa 24/24 (trừ thứ sáu và thứ bảy).
Sinh viên Harvard có thể mượn sách về nhà nên thường không ngồi ở thư viện. Ngoài ra, nhiều môn học yêu cầu làm việc theo nhóm, bạn trẻ không thể vào thư viện trao đổi gây ồn ào.
"Thư viện chỉ kín chỗ vào tuần cuối cùng của học kỳ khi sinh viên ôn tập cho bài thi cuối khóa. Ở nhà ăn, có bạn ngồi một mình đọc sách, nhưng hầu hết tận dụng giờ ăn chung để thảo luận về những dự án học thuật, hoặc chỉ đơn thuần là gặp bạn bè sau những giờ học căng thẳng", anh Chung nói.
Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Harvard thường xuyên có những hoạt động ngoại khóa cùng nhau. Trước đây, các bạn từng đón ca sĩ Mỹ Tâm sang thăm trường. Ảnh: NVCC.
Cũng theo người này, tinh thần Harvard là giáo dục toàn diện và khai phóng. Trường đầu tư nhiều vào hoạt động học thuật, ngoại khóa như thể thao, văn hóa, nghệ thuật...
Với quan điểm "học để thay đổi thế giới", sinh viên được tạo điều kiện để áp dụng sách vở vào thực tiễn, bằng cách tổ chức nhiều sự kiện có khách mời là doanh nhân, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, chính khách... tọa đàm, cũng như các cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp để người học biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
"Ví dụ năm vừa rồi, Jack Ma đã đến trò chuyện với cả nghìn sinh viên. Cuộc thi 'President's Innovation Challenge' diễn ra hàng năm cho sinh viên thi đua tìm ra ý tưởng để làm thế giới vận hành tốt hơn", Trương Phạm Hoài Chung cho biết.
Một điều quan trọng mà nhiều người Việt đã và đang học tại Harvard đều đồng ý là đầu vào của trường tốt. Sinh viên xuất sắc, có thói quen tự học và nghiên cứu.
"Áp lực ở Harvard ở mức chịu đựng được. Cuộc sống của mình ở đây rất cân bằng. Ngoài việc đi học, làm bài đầy đủ, mình vẫn còn thời gian gặp gỡ bạn bè, tham gia sự kiện, dự án, hoạt động liên tục", anh Chung nhận xét.
Bài viết sai thông tin cơ bản
Nghiên cứu sinh Dương Tú, người đang theo học tiến sĩ tại Đại học KU Leuven (Bỉ), đã chỉ ra những chi tiết bất hợp lý trong cuốn sách Harvard 4:30am - Harvard Universitys Gift to Young People của tác giả Wei Xiuying (Trung Quốc).
Đơn cử là thông tin về số người của Harvard đoạt giải Nobel không chính xác. Con số trong bài viết là 33 trong khi chính xác là 48, chưa kể một giải Nobel Hòa bình năm 1985 được trao cho Hiệp hội Y sĩ quốc tế phòng ngừa chiến tranh hạt nhân do 4 bác sĩ của Harvard sáng lập.
Việc các thư viện của Harvard mở cửa thâu đêm suốt sáng theo anh là không có cơ sở. Đa số chỉ mở đến 16h - 17h, một số mở đến 22h. Chỉ riêng Lamont mở cửa liên tục 24h, nhưng chỉ trong một số thời điểm nhất định như trước các kỳ thi, còn bình thường thư viện này cũng đóng cửa lúc 17h.
Anh Dương Tú trong thư viện xuất hiện trong bài viết Harvard 4 rưỡi sáng, nhưng đây là thư viện công New York chứ không phải thư viện Đại học Harvard. Ảnh: NVCC.
Chi tiết "sinh viên trong 2 năm đầu phải hoàn thành chương trình học trọng tâm, từ năm thứ ba trở đi học các môn chuyên ngành" không đúng. Chương trình học của Harvard gồm các khóa học đại cương, chuyên ngành và tự chọn theo tỷ lệ tương đối 30/40/30 chứ không chia theo thời gian 2 2.
Đặc biệt, số liệu mỗi năm có 20% sinh viên Harvard bị lưu ban hoặc buộc thôi học là hoàn toàn sai. Tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên Harvard 98%, thuộc hàng cao nhất trong số các trường đại học ở Mỹ.
Anh Trần Đức Cảnh cho rằng có thể tác giả cuốn sách không thực sự sống ở Harvard mà chỉ được nghe kể nên ấn tượng về trường có phần tiêu cực.
Với anh, Harvard không buồn và tối tăm như vậy. Sinh viên ở đây phải nỗ lực, cạnh tranh một cách văn minh, rèn luyện kỹ năng để đạt được điểm số, công việc, luôn năng động giải quyết vấn đề, thẳng thắn đề xuất ý tưởng, đối mặt sự thay đổi liên tục của cuộc sống.
"Những kỹ năng, ý chí hay nghị lực này không thể thực hành ở thư viện hay nhà ăn được", anh Trần Đức Cảnh kết luận.
Theo Zing
Harvard học đến 4 rưỡi sáng: Thổi phồng thông tin? Một số sinh viên Đại học Harvard, Mỹ cho rằng không nhiều người học ở thư viện đến 4h30 sáng, kể cả vào mùa thi. Phần lớn họ cố gắng học từ đầu, ít khi để "nước đến chân mới nhảy". Một bài viết được cho là trích từ cuốn sách Harvard 4:30 am - Harvard Universitys Gift to Young People của tác...