‘Giáo dục là sự nghiệp trồng người, cần kiên trì’
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo dục là sự nghiệp lâu dài, hy vọng phụ huynh, giáo viên kiên trì trong việc đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ lần thứ 4 và sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều giá trị mới hình thành. Kéo theo đó là sự thay đổi trong cách giáo dục con người.
Trả lời VTV dịp Tết Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định ngày trước, “con ngoan, trò giỏi” là biết vâng lời, đạt điểm cao. Ngày nay, khái niệm này đã được mở rộng ra. “Con ngoan” đại diện cho phần đức, “trò giỏi” là năng lực.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ về diện mạo công dân mới và nhiệm vụ của ngành giáo dục. Ảnh cắt từ clip.
Nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ để phát triển phẩm chất, năng lực vì sự tiến bộ của mỗi người, đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng cho hay nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đưa ra yêu cầu về thực học, thực nghiệp. Theo đó, học sinh phải tư duy sáng tạo, được quyền nêu ý kiến mang tính xây dựng.
Con cái cũng nên trao đổi thẳng thắn với phụ huynh, học cách chia sẻ, cảm thông, bày tỏ nhu cầu của bản thân.
Tư lệnh ngành giáo dục lấy việc chọn nghề – công việc hệ trọng đối với mỗi người – làm ví dụ minh họa cho vấn đề này.
Ông cho hay cha mẹ thường quan tâm, thậm chí áp đặt suy nghĩ của bản thân lên mà bỏ qua năng lực và sở thích của con cái. Như vậy, cách làm truyền thống “con ngoan” phải vâng lời là chưa phù hợp.
Gần đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, bộ đúc rút 8 phẩm chất và 8 năng lực cốt lõi.
8 phẩm chất là nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm.
Video đang HOT
Ông nói thêm trong điều kiện mới, khoan dung không chỉ biết vị tha mà còn là phải biết tôn trọng sự khác biệt. Khái niệm tiết kiệm phải được hiểu sang vấn đề tiết kiệm tài nguyên để phát triển bền vững chứ không giới hạn ở tiền bạc cá nhân.
Các năng lực cốt lõi là tự chủ, hợp tác, sáng tạo cùng năng lực đặc thù như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất và năng lực chuyên biệt còn được gọi là năng khiếu.
Ông Nhạ cho rằng phụ huynh cần đổi mới tư duy về lớp trẻ, cố gắng nêu gương về đức, tài để cùng ngành giáo dục đào tạo, bồi dưỡng bền vững.
Ngoài ra, giáo dục là sự nghiệp trồng người, mang tính lâu dài, cần kiên trì. Vì thế, ông mong muốn phụ huynh, giáo viên cần phải kiên nhẫn trong việc đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ.
Trao đổi đầu năm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu những trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2017.
Về bậc mầm non, bộ sẽ phối hợp các địa phương để đánh giá tình hình đào tạo giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng, phổ cập giáo dục mầm non.
Bậc phổ thông, bộ đặc biệt ưu tiên việc xây dựng chương trình phổ thông mới, bao gồm chương trình học cụ thể và sách giáo khoa mới. Đến giữa năm 2017, bộ sẽ hoàn thiện và công bố chương trình này.
Về giáo dục đại học, bộ tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm định chất lượng, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đặc biệt các trường sư phạm.
Đầu năm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng các thầy cô giáo giữ vững tâm huyết để cùng ngành thực hiện đổi mới giáo dục.
Ông cũng gửi lời cảm ơn, chúc mừng tốt đẹp đến thầy cô, phụ huynh đã đồng hành với ngành giáo dục và chúc học sinh, sinh viên năm mới với nhiều tiến bộ, thành công mới.
Theo Zing
5 nhóm giải pháp cấu trúc lại giáo dục đại học
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, những yếu kém của chất lượng giáo dục đại học bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.
Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH thời gian qua, tại hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học" vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng chất lượng giáo dục ĐH đã có những bước chuyển tích cực, một số trường, ngành có đột phá (chương trình tiên tiến, chất lượng cao).
Tuy nhiên, xét trong một số trường, một số ngành chất lượng đào tạo vẫn chưa đồng đều. Xét theo yêu cầu của thị trường và nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn chưa theo kịp.
Sinh viên ra trường còn thất nghiệp hoặc rất khó khăn trong tìm việc. Những bất cập yếu kém của chất lượng giáo dục ĐH bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.
Lý giải nguyên nhân chính của tồn tại này ở góc độ trách nhiệm của nhà cung cấp nguồn nhân lực, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Đó là đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng năng lực, cơ sở vật chất không đảm bảo, kinh phí đầu tư để đào tạo cho một sinh viên quá thấp.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, tính chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm, trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao như ở Mỹ khoảng 16.000 USD (trường công), 36.000 USD (trường tư).
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Hệ thống chính sách giáo dục còn bất cập, năng lực quản trị ĐH còn kém. Đối với vấn đề đào tạo, hiện nay chủ yếu các trường dựa vào kinh nghiệm, nguồn lực vốn có của mình khi xây dựng các chương trình đào tạo.
Điều này dẫn đến việc nhiều ngành đào tạo có thế mạnh trước đây thì hiện nay tuyển sinh khó khăn, còn những ngành mới thị trường đang có nhu cầu lại không đào tạo, khiến cho sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường thất nghiệp ngày một nhiều. Điều đó cho thấy cách tiếp cận đào tạo hiện nay của các trường không còn phù hợp.
Yêu cầu đặt ra phải nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đã cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa. Nhất là khi Việt Nam đã hội nhập thị trường lao động với các nước ASEAN.
Xuất phát từ quan điểm trong lộ trình nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, cả trường công lập và ngoài công lập đều cùng phải đồng hành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã vạch ra 5 nhóm giải pháp để chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH, khắc phục những bất cập yếu kém để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, gắn đào tạo với nhu cầu, tạo việc làm cho sinh viên.
Nhóm giải pháp thứ nhất tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các trường ĐH. Coi đây là giải pháp căn cơ cấp bách và lâu dài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, "Để thực giải pháp này, các trường phải tiến hành kiểm định.
Dự kiến, từ nay đến tháng 6 sẽ tiếp tục triển khai kiểm định các trường theo bộ tiêu chí kiểm định đã ban hành. Đến tháng 1/2018 sẽ tiến hành kiểm định theo tiêu chí AUN. Đồng thời, cùng với những đánh giá của thị trường, kết quả kiểm định chính là phương thức phân tầng xếp hạng thay vì hành chính.
Song song với kiểm định, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH một cách mạch lạc. Với các trường không trực thuộc Bộ chủ quản, sẽ khuyến khích đẩy mạnh tự chủ, theo lộ trình.
Nhóm giải pháp thứ hai là tăng cường các yếu tố đảm bảo chất lượng gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất. Với đội ngũ giáo viên, sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại ngành nghề để tính cơ số giáo viên trên nguyên tắc hợp lý, có lộ trình chuyển đổi, ưu tiên đầu tư cho những ngành mới triển vọng.
Bên cạnh việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực giảng viên, Bộ cũng sẽ ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ đề án 911 để đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, không phân biệt công tư. Ngoại trừ một số trường thực hiện nhiệm vụ chính trị sẽ được ưu tiên hơn, tất cả các trường còn lại đều tham gia thị trường giáo dục, cạnh tranh một cách lành mạnh.
Xây dựng chuẩn về trình độ, bằng cấp cho giáo viên và đội ngũ lãnh đạo các trường. Không chỉ đội ngũ giảng viên, đội ngũ lãnh đạo nhà trường (hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường, phó hiệu trưởng...) cũng phải được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đạt chuẩn.
Riêng với trường công lập, đội ngũ cán bộ kế cận phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, được cấp chứng chỉ mới được đưa vào quy hoạch nhân sự lãnh đạo.
Nhóm giải pháp thứ ba là vấn đề tài chính. Bộ trưởng yêu cầu các trường phải cân đối chất lượng với giá, đi sâu vào chất lượng, không chạy theo số lượng.
Với các trường công, Bộ trưởng yêu cầu khi xây dựng giá học phí phải có lộ trình, không đẩy giá không đúng với chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng. Đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ tập trung vào một nguồn thu từ học phí như hiện nay (chiếm tới 95-97%)
Nhóm giải pháp thứ 3, đó là đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ. Bộ trưởng yêu cầu các trường tự rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám sát thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5-10 năm theo hướng chuyển từ từ thâm dụng lao động rẻ sang thâm dụng khoa học công nghệ.
Nhóm giải pháp thứ tư liên quan đến chính sách cơ chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là giải pháp là căn bản, nền tảng cho 03 nhóm giải pháp đã nêu trên.
Theo đó, ngành GD sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới GD nói chung, GD ĐH nói riêng, mà trọng tâm 3 nhóm vấn đề đã nêu ở trên.
Nhóm giải pháp thứ năm là truyền thông để định hướng xã hội, tuyên truyền, giải thích phân tích chính sách, giới thiệu quảng bá các thành tựu và bảo vệ những điểm mạnh của trường trước những luận điểm thông tin sai trái. Mỗi trường ĐH phải xây dựng một bộ phận truyền thông chuyên nghiệp.
Theo Bích Lan / VOV
Xốc lại giáo dục đại học Bức tranh giáo dục hiện nay có sự bất ổn ở giáo dục đại học. Xã hội đang trông chờ sự thay đổi quyết liệt trong đào tạo giáo dục đại học năm 2017. Không chỉ liên tiếp thay đổi hình thức tuyển sinh, chất lượng giáo dục ĐH được coi là xa rời thực tế, không đáp ứng được nhu cầu nhân...