Giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường sao cho không ‘rối’?
Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được nhà trường, phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả không phải việc dễ làm.
“Rối” vì giáo dục kỹ năng sống
Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã tạm dừng thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng sống bậc tiểu học và THCS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Lý do tạm dừng là qua kiểm tra, sở phát hiện các cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê. Các đơn vị đồng thời vi phạm quy định về khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu – chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD&ĐT.
Trước đó, chương trình giáo dục kỹ năng sống này được triển khai tại các trường học địa bàn tỉnh Tiền Giang do Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục quốc tế GAIA thực hiện. Chương trình này được sở chấp thuận cho GAIA thí điểm từ năm học 2022 – 2023 đến tháng 4/2025. Dạy học kỹ năng sống được thực hiện trong nhà trường, một số nơi nhân sự của công ty dạy trực tiếp. Có nơi công ty gửi chương trình cho nhà trường để giảng dạy. Mức thu phí cho 2 hình thức trên đều là 60.000 đồng/học sinh/tháng. Việc tổ chức dạy, học kỹ năng sống trong nhà trường trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh.
Tháng 5/2022, Sở GD&ĐT TPHCM cũng có văn bản chấn chỉnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa. Nguyên nhân, sau khi kiểm tra, sở nhận thấy các đơn vị thực hiện một số nội dung chưa được cập nhật đúng theo quy định hiện hành. Sở yêu cầu đơn vị rà soát lại thời gian hết hiệu lực của quyết định cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống, đồng thời rà soát địa điểm tổ chức hoạt động đúng với địa chỉ được ghi trong quyết định cấp phép. Trong trường hợp có sự thay đổi địa điểm tổ chức hoạt động, các đơn vị phải gửi hồ sơ đăng ký về sở GD&ĐT.
Về nhân sự, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị rà soát văn bằng, chứng chỉ của giáo viên, cập nhật danh sách khi có thay đổi. Đặc biệt rà soát việc đăng ký giấy phép lao động đối với người nước ngoài.
Video đang HOT
Để việc tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống bảo đảm chất lượng, an toàn, trong văn bản chấn chỉnh, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm tổ chức giảng dạy chương trình đã được cấp phép theo quyết định. Đơn vị phải đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục; cam kết bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, treo bảng hiệu đúng với tên trong quyết định về cấp phép hoạt động…
Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được nhà trường, phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Quản lý chặt, giám sát từ người học
Hiện, nhiều đơn vị, nhất là trường học khu vực thành thị kết hợp với trung tâm, đơn vị bên ngoài tổ chức dạy kỹ năng sống. Việc đăng ký học tập trên tinh thần tự nguyện nhưng điều khiến phụ huynh băn khoăn là các hoạt động giáo dục, dạy kỹ năng này có được thẩm định? Ai đứng ra thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung giáo trình? Hiệu quả giảng dạy như thế nào và có lợi ích gì với học sinh?…
Việc triển khai giáo dục kỹ năng sống từ nhiều năm học qua đã mang lại hiệu quả, nhưng cũng gặp không ít khó khăn nhất định. Trong đó, giảng dạy lồng ghép kỹ năng sống là vấn đề khó và không phải giáo viên nào cũng làm được. Bởi việc lồng ghép đòi hỏi giáo viên phải đào sâu, nghiên cứu và hơn hết là phải có phương pháp truyền đạt. Bên cạnh đó, giảng dạy kỹ năng sống thời gian qua gặp khó khăn cũng do thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chưa đổi mới, còn đi theo lối mòn…
Chia sẻ về giáo dục kỹ năng sống, chị Đặng Bích Ngọc, phụ huynh ngụ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cho biết: “Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không phải là vấn đề mới. Thực tế nhiều năm qua, những nội dung giáo dục kỹ năng sống đã và đang được lồng ghép vào hoạt động giáo dục trong nhà trường ở các cấp học. Tuy nhiên, việc triển khai này ở các trường học chưa thật sự đồng bộ, mang lại hiệu quả và còn nhiều lúng túng”.
Sau khi tạm dừng giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường do đơn vị bên ngoài đảm nhận, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ lồng ghép kỹ năng sống vào chương trình học, các môn học và những hoạt động trong nhà trường. Theo đại diện sở GD&ĐT, ngành đang triển khai việc dạy kỹ năng sống cho học sinh chủ yếu bằng hai cách là lồng ghép trong môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Dạy kỹ năng sống trong trường học tùy thuộc vào điều kiện của mỗi trường, giáo viên sẽ chủ động sáng tạo, tìm tòi, lồng ghép những hình ảnh, câu chuyện hay gắn với nội dung bài học để giáo dục cho học sinh.
Ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được thực hiện nhiều năm học qua. Theo đó, giáo dục kỹ năng sống được các tổ bộ môn giảng dạy dưới dạng tích hợp, lồng ghép ở một số môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất…
Theo thầy Huỳnh Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông qua sinh hoạt dưới cờ, giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường tổ chức diễn đàn xây dựng tình bạn tốt đẹp, nói không với bạo lực học đường, giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên… Trường có nhiều câu lạc bộ cho học sinh như nhiếp ảnh, âm nhạc, nói Tiếng Anh… để học sinh có thể rèn luyện, phát triển tốt bản thân.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 04 quy định giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Theo đó, nhà trường có thể tự tổ chức hoặc phối hợp các lực lượng bên ngoài nhà trường để tổ chức giáo dục cho học sinh theo nguyên tắc tự nguyện của người học và sự thống nhất của phụ huynh.
Theo ông Nhân, đối với đơn vị kết hợp với nhà trường để giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục khác trước hết phải thực hiện đầy đủ thủ tục xin cấp phép hoạt động, phải có giáo trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lực lượng giảng viên có nghiệp vụ sư phạm, giấy chứng nhận được đào tạo về giáo dục kỹ năng…
“Để đạt hiệu quả, các cấp quản lý phải giám sát, kiểm tra theo phân cấp, đặc biệt là nắm thông tin phản hồi từ phía người học. Công tác quản lý phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát giúp các cơ sở thực hiện đúng quy định, khắc phục hạn chế và phát huy giáo dục kỹ năng sống và giáo dục kiến thức cho học sinh”, ông Nhân nhấn mạnh.
Trường học tại TPHCM phải thành lập tổ tư vấn tâm lý học sinh
Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khi các em gặp các vấn đề về tâm lý.
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) tham gia hoạt động "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" với chủ đề Phòng chống bạo lực học đường.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu trường học phải thành lập, chú trọng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn, trong tình hình ngày càng nhiều học sinh gặp vấn đề tâm lý trong quá trình học hoặc bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trường học phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý của học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT khuyến khích trường học ký hợp đồng chuyên trách cán bộ, giáo viên, chuyên gia có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Dương Trí Dũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải chủ động xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh với ngành Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan tại địa phương. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các tổ chức, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Tổ chức các hội thảo, hội nghị, lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư vấn tâm lý học sinh đối với cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng chuyên trách công tác tư vấn tâm lý và các cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên chủ nhiệm, các thành viên khác thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng để học sinh, sinh viên tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân; bảo vệ học sinh, sinh viên trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, các trường cần theo dõi, đôn đốc triển khai hiệu quả hệ thống cung cấp, cập nhật thông tin về phòng, chống bạo lực học đường, từng bước áp dụng mô hình "Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học", "trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng", "trường học hạnh phúc".
Linh hoạt giáo dục kỹ năng sống ở Đồng bằng sông Cửu Long Hiện một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các đơn vị ngoài trường. Học sinh TP Cần Thơ trải nghiệm giờ giáo dục kỹ năng an toàn giao thông. Hình thức giảng dạy tại lớp học, học sinh đăng ký học trên tinh thần tự nguyện. Học phí...