Giáo dục kỹ năng sống: Nơi hào hứng, nơi kêu khó
Khó khăn lớn nhất khi giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học là phần lớn giáo viên chưa quen, còn xem là việc của người khác
Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học được Bộ GD-ĐT triển khai vào năm học 2010-2011. Để áp dụng, bộ “gợi ý” đây là môn học mở, tùy điều kiện từng trường để áp dụng linh hoạt. Nhiều giáo viên ở TPHCM cho biết vì không quy định tiết học, giờ học cụ thể nên tùy thuộc vào sở thích, năng lực giáo viên.
Những buổi sinh hoạt dã ngoại cũng là cách để học sinh rèn luyện các kỹ năng
Trong ảnh: Một chuyến sinh hoạt dã ngoại của học sinh Trường Tiểu học Tân Mai. Ảnh: Tấn Thạnh
Cô và trò đều hào hứng
Đến Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) vào đúng giờ ra chơi, từng đoàn học sinh tay cầm xô, tay cầm cuốc kéo nhau ra khu vườn phía sau sân trường để tưới cây, chăm bón. Những giàn khổ qua bắt đầu đơm trái và nhiều bồn hoa đang hé nụ là thành quả của cô và trò trong gần một năm qua. Trước công trình của mỗi lớp đều có sổ nhật ký ghi lại ngày nào gieo hạt, ngày nào cây nảy mầm, ra hoa…, cây không lớn được hay chết cũng phải ghi vào nhật ký để rút kinh nghiệm.
Bà Lê Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Không những trò hào hứng mà các cô giáo cũng sôi nổi tham gia. Có những ngày nghỉ, nhiều cô vẫn đến trường thăm vườn hoa, vườn rau của lớp. Đây là một phần trong những kế hoạch của trường để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em biết cách trồng cây ra sao và biết để được hái quả thì phải trải qua quá trình vất vả, chăm sóc thế nào. Qua đó để hiểu thêm về công việc của người nông dân, biết trân trọng sức lao động và thành quả lao động”.
Trước khi Bộ GD-ĐT có tài liệu hướng dẫn triển khai dạy kỹ năng sống, nhiều trường tiểu học tại TPHCM đã triển khai nội dung này trong hoạt động của trường. Ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) là nội dung tiết kiệm điện; Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) là nội dung tiết giảm tối đa các thiết bị chiếu sáng, tận dụng cây xanh để làm mát mà không phụ thuộc vào máy lạnh…
Chưa quen với lồng ghép
Video đang HOT
Bà Lê Thúy Hà cho biết: “Giáo viên không ngại khó, không ngại khổ nhưng ngại phía cha mẹ học sinh vì kỹ năng sống thì không phải chỉ học trong nhà trường. Các cô chỉ quản lý học sinh trong thời gian ở trường còn khi ra đường, về nhà thì cha mẹ mới là người thầy thực sự. Khổ nhất là nhiều vị cha mẹ không hợp tác với nhà trường, con cái học thế nào cũng mặc.
Ở trường, cô giáo dạy không được vứt rác bừa bãi mà phải cho vào thùng rác nhưng ngay trước mặt con, nhiều phụ huynh cầm cả bịch nước mía vứt toẹt xuống đường. Không ít lần, giáo viên phải làm những việc tế nhị như nhắc học sinh về dặn ba mẹ đừng mặc quần đùi, áo hai dây đến trường. Những việc nhỏ như vậy còn khó cho nên chuyện xin phụ huynh kinh phí để học sinh học ngoại khóa là rất gian nan”.
Theo ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD- ĐT quận 1, sở dĩ giáo viên kêu khó vì chưa quen với cách lồng ghép những nội dung của giáo dục kỹ năng vào các môn học. Dạy kỹ năng sống khá đơn giản như có thể cho học sinh tìm hiểu về lịch sử qua việc tham quan các bảo tàng, nhà triển lãm; đến công viên để tìm hiểu về động vật, các loài cây.
Ông Tạ Duy Hồng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh là phần lớn giáo viên đều chưa quen việc. Trong các buổi sinh hoạt, tổ trưởng bộ môn thường phải nhắc nhở thì giáo viên mới nhớ. Nhiều giáo viên còn hiểu nhầm môn giáo dục công dân mới là môn có trách nhiệm giảng dạy kỹ năng sống”. Ông Hồng cũng cho rằng việc phối hợp với phụ huynh là cực kỳ quan trọng, không nên phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên vì giáo dục kỹ năng sống không phải chỉ trong ngày một ngày hai mà là một quá trình lâu dài, liên tục.
Chỉ cần có “lửa”
Nhiều hiệu trưởng chia sẻ dạy kỹ năng sống chủ yếu phụ thuộc vào cái tâm của giáo viên. Ngay cả những giáo viên lớn tuổi, nếu thật sự có “lửa” cũng không ngần ngại, nhất là khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hiệu trưởng của một trường tiểu học tại quận 1 cho biết không ít giáo viên than khổ vì phải thêm việc do từ trước đến nay chỉ chú trọng dạy kiến thức, hết giờ ở lớp thì về, còn việc dạy đạo đức, kỹ năng sống được xem là của môn học khác. Cũng có trường quan niệm dạy kỹ năng sống là phải dã ngoại, đi xa nên nếu trường hoặc phụ huynh có kinh phí tổ chức thì đi, không thì thôi.
Theo Người Lao Động
Môn Giáo dục công dân đang rối
Bảo vệ môi trường, giáo dục an toàn giao thông, giới tính, giáo dục quốc phòng, kỹ năng sống, phòng chống tham nhũng... tất cả đều được dồn vào môn Giáo dục công dân khiến giáo viên và học sinh mệt mỏi.
Thời gian gần đây, mỗi lần xã hội "nóng" lên vấn đề gì thì nội dung đó lập tức được đề xuất đưa vào lồng ghép trong bộ môn giáo dục công dân (GDCD) để giảng dạy khiến giáo viên và học sinh của nhiều trường tại TPHCM lên tiếng than vì quá mệt mỏi và khổ sở, đặc biệt là ở bậc THPT.
Ôm đồm, khó hiệu quả
Hiện tại, bộ môn GDCD đã phải "gánh" thêm quá nhiều nội dung khác, như: Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục chính sách quốc phòng... Vì thế, nhiều giáo viên cho biết việc giảng dạy nhiều lúc rất nặng tính hình thức.
Mỗi tuần, chỉ có một tiết GDCD trong khi chương trình lồng ghép thì dạy khi bài nào đó có nội dung tương tự hoặc liên quan. Có nội dung học sinh chỉ học đúng một lần trong năm.
Một tiết sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề tâm lý học đường tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5 - TPHCM), cho biết trước đây nhà trường đã lồng ghép giáo dục pháp luật tại lớp nhưng không hiệu quả vì số tiết quá ít, vậy là phải có thêm 2 tiết chuyên đề vào giờ chào cờ đầu tuần để giáo dục cho học sinh. Giáo dục pháp luật mà chỉ giao cho bộ môn GDCD là không kham nổi nên nhà trường phải tiếp sức.
Khi được biết Bộ GD-ĐT dự kiến lồng ghép nội dung phòng chống tác hại game online có nội dung bạo lực, không lành mạnh vào môn GDCD, ông Nguyễn Việt Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10 - TPHCM), cho biết: "Hiện môn GDCD đã tích hợp các vấn đề xã hội nên làm sao đảm nhận thêm được. Ngay đến hiệu trưởng cũng phải đối phó với rất nhiều mảng trong sinh hoạt ngoài giờ. Tôi rất sợ mỗi khi nghe môn này sắp phải lồng ghép thêm nội dung gì khác".
Một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT cho biết bộ môn GDCD ngoài việc lồng ghép giáo dục an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ma túy, mại dâm... sắp tới còn thêm phòng chống tội phạm, chống tác hại game online... Lồng ghép quá nhiều thì không chỉ giáo viên mệt mỏi, nhà trường mệt mỏi mà cả ngành giáo dục cũng rất vất vả. Lồng ghép những nội dung này tất nhiên là hợp lý nhưng mức độ cũng phải cân nhắc.
Nỗi sợ của ông Cường là có lý, vì cứ mỗi lần có nội dung lồng ghép cần đưa vào là một lần giáo viên mất công chỉnh sửa giáo án và đi dự tập huấn, trong khi sách giáo khoa GDCD cũng đã bao gồm các nội dung này trước khi được yêu cầu lồng ghép. Ví dụ, khi Bộ Công an trình Chính phủ đề án lồng ghép dạy phòng chống tội phạm vào môn GDCD thì môn này cũng đã có phần giáo dục pháp luật với nội dung ấy.
Khó và khô
Học sinh Tr.T.L (lớp 10 Trường THPT Trần Khai Nguyên) cho rằng môn GDCD quá khó và khô vì mới vào lớp 10 đã học một số nội dung triết học nên rất... "choáng" thầy giáo cứ phải tìm cách mềm hóa thuật ngữ, đưa ví dụ gần gũi để học sinh chịu học.
Cô Nguyễn Ngọc Dung, Tổ trưởng Bộ môn GDCD Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), nhận xét nội dung công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong sách lớp 10 thực sự khó với học sinh.
Vừa bắt đầu chuyển cấp, học sinh không thích ứng kịp để học ngay vào nội dung này. "Nếu chương trình này để sang lớp 11 cũng không được vì nội dung công dân với kinh tế, công dân với các vấn đề chính trị - xã hội ở lớp 11 cũng đã nặng rồi. Đưa vào chương trình lớp 12 thì lại quá muộn", cô Dung nói.
Cần điều chỉnh giáo trình Thầy Nguyễn Thành Long, giáo viên Bộ môn GDCD Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM), cho biết để giúp học sinh vừa được học chương trình lồng ghép vừa cảm thấy nhẹ nhàng với chương trình nền, thầy đã phải bỏ rất nhiều công sức tìm kiếm tài liệu liên quan như hình ảnh, phim, clip, bài báo... vừa phải nghĩ ra nhiều phương pháp giảng dạy giúp lớp học sinh động (như thảo luận nhóm, tiểu phẩm...). Thầy Long cũng đề xuất một số bài của môn GDCD quá dài nên giáo viên rất khó phân phối chương trình. Nếu bắt học sinh học ở nhà thì sợ các em không nhớ hết. Bản thân giáo trình khá khô, hình ảnh, tư liệu đã cũ, không hợp với tâm lý học sinh nên cần điều chỉnh để giáo viên dạy chương trình lồng ghép có hiệu quả hơn.
Còn với nội dung GDCD ở cấp THCS, bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), cho rằng nội dung nền môn GDCD lớp 6, lớp 7 khá nhẹ nhàng nhưng ở lớp 8 và lớp 9 thì khô quá.
Theo ý kiến của một giáo viên dạy lớp 9 bộ môn GDCD, nhiều bài trong chương trình có nội dung khá gần nhau, lẽ ra nên ghép lại để giáo viên có nhiều thời gian cho lồng ghép nội dung thì lại tách thành nhiều bài riêng biệt.
Như bài 4 (bảo vệ hòa bình), bài 5 (tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới) và bài 6 (hợp tác cùng phát triển) trong sách giáo khoa lớp 9 có nhiều nội dung tương đồng với nhau. Ngay cả nội dung lồng ghép của Bộ GD-ĐT đưa xuống cùng sách hướng dẫn cũng rất chung chung.
Giáo viên "bơi"
Với những nội dung khá nặng nề, mang tính trừu tượng của môn GDCD khối lớp 10, 11, cô Nguyễn Ngọc Dung cho biết giáo viên phải "vận công" rất nhiều để đưa ra các ví dụ gần gũi nhất cho học sinh hiểu. Cho nên, những giáo viên ít kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giảng dạy sẽ rất khổ sở với môn này.
Nói về những nội dung lồng ghép, một giáo viên nhiều năm dạy GDCD bậc THPT bức xúc: "Nghe nói giảm tải nội dung chương trình đâu không thấy, chỉ thấy giáo viên phải gồng mình để nghĩ cách dạy sao cho dễ hiểu.
Những nội dung cần tích hợp là đúng nhưng tích hợp thế nào cho vừa sức giáo viên chứ như thế này thì mệt quá". Cô Dung cũng đề nghị những nội dung lồng ghép nên tách ra thành các môn khác để học sinh được tiếp nhận đều đặn hơn, đồng thời giảm tải cho môn GDCD.
Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5): Chọn lọc phù hợp, học sinh hào hứng hơn Ban giám hiệu phải mời chuyên gia, nhà tư vấn pháp luật, tâm lý... và cả đội kịch phục vụ cho các buổi chuyên đề dưới cờ vào mỗi tuần để "dụ" học sinh học và bổ sung kiến thức môn GDCD dưới dạng ngoại khóa. Lồng ghép nhiều nội dung vào trường học để hỗ trợ kiến thức cho học sinh là hợp lý nhưng phải có sự chọn lọc phù hợp với từng khối, với sở thích của học sinh. Nếu chỉ lồng ghép vào môn GDCD các nội dung như phòng chống bạo lực học đường, giáo dục lòng nhân ái, giáo dục pháp luật, an toàn giao thông... nhiều giáo viên sẽ không biết lồng ghép thế nào cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, qua lồng ghép vào tiết sinh hoạt dưới cờ, học sinh hào hứng hơn và được tác động sâu, hiệu quả hơn. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD - ĐT TPHCM: Cũng là một cách giảm tải Sở đã chủ trương lồng ghép một số nội dung giáo dục học sinh vào tiết sinh hoạt dưới cờ hằng tuần. Mỗi tuần, các trường tổ chức một chuyên đề dưới cờ cho học sinh, các chuyên đề này liên quan đến các nội dung đang dạy lồng ghép vào môn GDCD. Đó cũng là cách giảm tải cho môn GDCD.
Theo Người Lao Động
Học sinh không có... hè Từ nhiều năm nay, nhiều học sinh, nhất là các em ở thành phố, không hề có mùa hè, bởi quãng thời gian nghỉ ngơi này đã trở thành học kỳ... III. Nhiều phụ huynh quan niệm: để con nghỉ học lâu sẽ quên kiến thức; nhưng cũng có phụ huynh buộc phải cho con đi học vì... ở nhà mà không ai...