Giáo dục kỹ năng sống: Bắt đầu từ những chuyện nhỏ
Giáo dục kỹ năng sống là hoạt động rất cần thiết giúp học sinh tự tin, năng động hơn trong cuộc sống, nhất là việc xử lý những tình huống thường gặp.
Việc bồi đắp kỹ năng sống cho học sinh không nhất thiết phải là những đề tài to tát nhưng phải cụ thể và ứng dụng phù hợp với thực tế.
Học sinh Trường tiểu học Phước Thiền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) tham gia các hoạt động kỹ năng trải nghiệm. Ảnh: C.Nghĩa
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) Đào Thị Kim Phượng chia sẻ: “Mới đây một học sinh của trường “đi nhầm” nhà vệ sinh dành cho giáo viên rồi không may chốt cửa bị kẹt khiến em không ra ngoài được. Nhà vệ sinh này ít người sử dụng lại nằm ở vị trí ít người qua lại nên phải mất vài phút mới có người biết để “giải cứu” em. Bài học xử lý tình huống của học sinh này đã được nhà trường phổ biến cho học sinh toàn trường học tập”.
* Dễ thấm kỹ năng nhờ thực tế
N.Q.K. (học sinh lớp 5) là nhân vật chính gặp phải tình huống trên kể, khi chốt cửa nhà vệ sinh bị kẹt, em nhớ lời hướng dẫn của chú cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong một lần đến trường hướng dẫn kỹ năng là phải hết sức tĩnh mỗi khi gặp tình huống nguy hiểm. Em đã thực hiện phương án đầu tiên là tháo khăn quàng đỏ vắt qua cửa nhà vệ sinh để tạo sự chú ý, sau đó liên tục đập cửa kêu cứu để những người đi ngang qua được biết. Em cũng dự định nếu không ai đến cứu sẽ dùng nắp đậy khoang chứa nước bồn cầu đập bể cửa kính thoát ra ngoài, tuy nhiên rất may em đã được một giáo viên đi qua “giải cứu” kịp thời.
Video đang HOT
Anh Đào Trọng Nguyên có con học lớp 1 tại Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, hằng ngày anh đưa đón con đi học bằng xe hơi. Gần đây, mỗi lần để con một mình trong xe để ra mở cổng cho xe vào nhà anh lại thấy đèn khẩn cấp nháy liên tục. Thậm chí có lần để con trong xe hơi và mải nghe điện thoại, con anh vừa bấm nút khẩn cấp vừa bấm còi xe inh ỏi buộc anh phải vào lại xe. Khi anh hỏi vì sao còn làm như vậy, thì bất ngờ nhận được câu trả lời: “Cô dặn khi bị người lớn bỏ một mình trên xe hơi thì phải bấm nút khẩn cấp, hoặc bấm còi để mọi người chú ý”.
Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) hội thu heo đất giúp bạn nghèo. Ảnh: C.Nghĩa
Tại Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) nhờ được học 2 buổi/ngày nên vào buổi chiều học sinh được tăng cường thêm các giờ học kỹ năng sống. Cô Lê Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1 cho biết, mỗi tuần học sinh lại có 1 chủ đề sinh hoạt kỹ năng khác nhau. Có tuần các em cùng tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, nhặt rác trong và ngoài cổng trường… nhằm hình thành thói quen bảo vệ môi trường. Khi giáo viên cho học sinh xem các clip về an toàn giao thông và tầm quan trọng của mũ bảo hiểm thì trước khi ngồi lên xe máy, các em đều đòi cha mẹ phải đội mũ bảo hiểm cho mình.
Em Đặng Thị Thu Hương (lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) chia sẻ, ở trường giáo viên thường nhắc học sinh, nhất là học sinh nữ những nguy cơ bị xâm hại. Thay vì nói chung chung, cô giáo đã giới thiệu các clip về nhận diện nguy cơ bị xâm hại, xử lý như thế nào trước nguy cơ bị xâm hại, hoặc tình huống xấu nhất không may bị xâm hại thì nên làm gì để an toàn tính mạng…
“Mỗi khi đến trường em thường hẹn bạn cùng đi, hoặc khi có việc đi ra ngoài em thường dặn cha mẹ về điểm đến, đi với ai, đi khoảng bao nhiêu thời gian thì quay về, đồng thời luôn để điện thoại trong người để quá giờ thì cha mẹ gọi nhắc. Đây cũng là những kỹ năng cô giáo thường xuyên nhắc nhở em” – Thu Hương nói.
* Cải thiện kỹ năng có khó?
Theo hiệu trưởng nhiều trường phổ thông, mỗi năm học nhà trường đều triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng chủ yếu là lồng ghép vào các môn học và thường nặng về lý thuyết, thậm chí có những nội dung giáo viên vừa nói xong học sinh đã quên ngay, hay cũng chỉ nắm một cách mơ hồ.
Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) Phạm Thị Nam thẳng thắn chia sẻ: “Học kỹ năng sống đòi hỏi phải có nội dung cụ thể, tránh nói chung chung và dàn trải vì các em tuổi còn nhỏ, khả năng tiếp nhận còn hạn chế. Quan trọng hơn trong truyền đạt kỹ năng sống vẫn là trao cho các em cơ hội trải nghiệm thực tế thì mới thẩm thấu tốt và sâu được”.
Cô Đặng Trần Minh Châu, giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Phù Đổng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, việc triển khai giáo dục kỹ năng sống đòi hỏi giáo viên trước hết phải có sự nhiệt huyết thì mới tạo cho học sinh hứng khởi. Cô Châu kể, hè nào cô cũng tổ chức đưa học sinh vào doanh trại quân đội để các em rèn luyện về tính kỷ luật, tình yêu Tổ quốc cũng như kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Có em sau khi trải qua 1 tuần trong doanh trại quân đội mới nhận ra rằng mình có quá nhiều khuyết điểm, sống chưa có trách nhiệm với bản thân, hay ỷ lại, từ đó có được kế hoạch khắc phục cho bản thân.
Theo TS. tâm lý Lê Minh Công, giảng viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh): “Kỹ năng sống là một nội hàm rất rộng, giáo viên muốn nói chuyện kỹ năng sống với học sinh thì trước hết cũng phải có kỹ năng sống. Thậm chí có những vấn đề liên quan đến kỹ năng sống, kiến thức sống nhạy cảm như tình yêu, giới tính, sức khỏe sinh sản lại càng đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng lẫn kiến thức sâu thì nói học sinh mới nghe, hiểu và sẵn sàng chia sẻ những điều khó nói với mình”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho rằng, hiện nay các trường đang bị thiếu giáo viên dạy kỹ năng lẫn người tổ chức các hoạt động kỹ năng. Nhiều hoạt động kỹ năng đang bị bỏ ngỏ, hoặc giao phó cho cán bộ Đoàn, Đội trong nhà trường. Khi các em thiếu kỹ năng, dễ gặp phải các rủi ro, vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng phòng tránh thì trách nhiệm không chỉ thuộc về chính các em mà gia đình và nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm.
Công Nghĩa
Theo baodongnai
Giáo dục kỹ năng cho học sinh tiểu học
Đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức sân chơi kỹ năng dành cho học sinh tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa
Chương trình sẽ tập trung hình thành cho học sinh tiểu học 4 nhóm kỹ năng: Kỹ năng sống đẹp (giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè...); kỹ năng tự bảo vệ và phòng chống xâm hại; kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn.
Tất cả nội dung giáo dục kỹ năng đều được yêu cầu phải phù hợp với từng lứa tuổi và được rèn luyện theo mức độ tăng dần ở các bậc học kế tiếp. Việc tổ chức giáo dục kỹ năng cho học sinh cần đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tự quản, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, chương trình sẽ được tổ chức vào một buổi sáng trong tuần, tại sân trường, với sự tham gia của học sinh toàn trường, được sắp xếp để lần lượt vào các trạm rèn luyện kỹ năng. Phụ trách các trạm kỹ năng là các giáo viên của trường đã được tham gia tập huấn tại Sở GD-ĐT.
Mỗi trạm kỹ năng sẽ huấn luyện cho học sinh một kỹ năng cần thiết thông qua các hình thức vừa học vừa chơi, các hoạt động, rèn luyện, làm việc nhóm hoặc cá nhân. Mỗi đợt huấn luyện có thời gian tối đa không quá 30 phút. Các trạm kỹ năng có thể được thiết kế ngay trên sân trường, hoặc sử dụng các phòng học của các lớp ở tầng trệt, sắp xếp và trang trí phù hợp với nội dung cần rèn luyện.
MINH QUÂN
Theo SGGP
Cần Thơ: Tăng cường đổi mới hoạt động giáo dục kỹ năng sống Ngày 3/10, Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 và Triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên, giáo dục thể chất, y tế trường học năm học 2019 - 2020. Quang cảnh hội nghị. Trong năm học 2018 - 2019, Ngành GD&ĐT Cần Thơ đã tổ...