Giáo dục không bạo lực- đích đến tích cực trong nuôi dạy trẻ
Trước thực trạng các hành vi vi phạm quyền trẻ em diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nhiều trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ, tuy nhiên những đối tượng này vẫn không ý thức được rằng các hành vi đó là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em cũng như chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi.
Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực” đã được phát động. Chiến dịch năm 2018 tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng và loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em; chấm dứt việc so sánh, phân biệt đối xử với trẻ em và thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Chiến dịch đưa ra những thông điệp và cũng là những giải pháp rất cụ thể “#Ngừngđánhcon, #Ngừngquátmắngcon #Cùngcontìmgiảipháp, #Conlàduynhất,saophảisosánh” – và với mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và cả các thầy cô giáo có thể thử thách bản thân thực hiện các thông điệp – giải pháp này trong việc giáo dục con trẻ.
Bốn thông điệp được chương trình đưa ra: Trẻ em cần được đảm bảo quyền không bị phân biệt đối xử và không bị so sánh; Cha mẹ, người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo cần áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực, không dùng bạo lực để giáo dục trẻ; Thực hành phương pháp giáo dục yêu thương không bạo lực hàng ngày sẽ vun đắp tình cảm gia đình, thầy trò và giúp trẻ phát triển toàn diện, tích cực; Trẻ em cần biết cách tự bảo vệ mình và lên tiếng khi bị trừng phạt về thể chất và tinh thần.
Diễn ra từ tháng 10 đến giữa tháng 11/2018, chiến dịch là sự tiếp nối của Chiến dịch “#Ngừngđánhcon, #Ngừngquátmắngcon #Cùngcon tìmgiảipháp” năm 2017, với hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội, và đối thoại chính sách tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình cũng đã được khởi động với các chiến dịch “Con là duy nhất- sao phải so sánh?”, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ tốt về chủ đề “Phương pháp giáo dục tích cực”, tọa đàm về thực hành phương pháp giáo dục tích cực; Đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, trẻ em và các bên liên quan nhằm thúc đẩy việc thực thi quyền trẻ em và thúc đẩy giáo dục tích cực, các sự kiện truyền thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Chiến dịch được triển khai với sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương với các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế từ Bắc vào Nam nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và cộng đồng về loại bỏ những hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; chấm dứt phân biệt đối xử với trẻ em và thực hành phương pháp giáo dục yêu thương, không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Quỳnh Nga
Theo toquoc
Cách trả lời năm câu hỏi 'tại sao' thường gặp ở trẻ
Thay vì chỉ đưa ra lý do một cách cụt lủn, bố mẹ nên giải thích cụ thể và dẫn dắt con đến những hành động đúng đắn.
Con thường rất thích đặt ra những câu hỏi bắt đầu bằng từ 'tại sao' nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng có câu trả lời. Tạp chí Parents đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có những gợi ý giúp bạn phản ứng trước một số câu hỏi quen thuộc từ trẻ.
1. Tại sao người khác không được xem chỗ đó (vùng kín) của chúng ta?
Theo bác sĩ Hal Runkel, tác giả cuốn ScreamFree Parenting khằng định việc trẻ đặt ra câu hỏi này là cơ hội tuyệt vời để hình thành ở chúng sự bình tĩnh và thái độ bình thường về cơ thể. Do đó, bạn hãy tận dụng nó để giáo dục cho con về giới tính, để chúng có thể tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm phạm.
Câu trả lời gợi ý: "Người khác không được xem vì chúng ta sử dụng chúng cho những việc không làm ở nơi công cộng, ví dụ như đi tắm. Đó là lý do nó được gọi là vùng kín và cũng là lý do chúng ta phải che chúng lại khi đi bơi hay phải đóng cửa khi đi vệ sinh. Con không được cho bất kỳ ai nhìn thấy vùng kín trừ bố, mẹ hoặc một người đáng tin cậy như bác sỹ ở bệnh viện. Nếu ai đó chạm vào hoặc làm con cảm thấy khó chịu, hãy nói với bố mẹ".
Ảnh: Parents
2. Tại sao thỉnh thoảng người lớn lại khóc khi đang vui?
Khóc vì hạnh phúc thường xảy ra khi bạn có cảm xúc lẫn lộn. Ví dụ như ngày con tốt nghiệp mẫu giáo, bạn rất tự hào nhưng cũng cảm thấy con đã lớn quá nhanh.
Trẻ em không có những cảm xúc phức tạp như vậy nên chúng sẽ tò mò. Vì vậy, nhân câu hỏi của trẻ, bạn hãy tạo ra một cuộc trò chuyện nhằm khuyến khích chúng thể hiện cảm xúc bằng lời nói. Hãy nhấn mạnh rằng khóc cũng không sao nhưng hãy nói rõ vì sao lại khóc bởi hiểu rõ cảm xúc của bản thân sẽ giúp con dễ dàng đồng cảm với người khác.
Câu trả lời gợi ý: "Con người có thể cảm nhận được điều gì đó mạnh mẽ đến nỗi cần phải thể hiện chúng ra ngoài. Khi các con vui, các con thường nhảy lên hay hét hò ầm ĩ, nhưng người lớn có những cảm xúc phức tạp hơn. Và khi họ thực sự hạnh phúc, họ cũng sẽ có một chút buồn. Đó là lý do vì sao thỉnh thoảng họ lại khóc khi đang vui".
3. Tại sao con không được thức khuya như bố mẹ?
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nghỉ ngơi là điều quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của trẻ. Khi con ngủ ít hơn 10 tiếng buổi tối, chúng sẽ dễ cáu kỉnh hơn, khả năng học tập bị giảm sút. Vì vậy, hãy đưa ra lý giải hợp lý để con hiểu.
Câu trả lời gợi ý: "Không chỉ cơ thể con cần nghỉ ngơi sau một ngày loăng quăng chạy nhảy mà bộ não của con cũng cần nghỉ như vậy. Khi con chạy nhảy nhiều, học hỏi và khám phá những thứ mới, con sẽ rất mệt. Nó còn mệt hơn việc bố mẹ đi làm hằng ngày. Vì thế, con cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn. Con đi ngủ sớm thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, đầu óc sẽ minh mẫn vào hôm sau".
4. Tại sao con người lại bị ốm?
Việc phân biệt các bệnh thông thường như sốt, cảm cúm với các căn bệnh nguy hiểm như ung thư là rất quan trọng. Tuy nhiên, huyên gia y khoa nhận định việc giải thích với lũ trẻ về những căn bệnh hiểm nghèo là không nên cho đến khi chúng lớn.
Khi con hỏi bạn câu hỏi này, hãy tận dụng cơ hội để nói về những thói quen tốt như rửa tay sạch sẽ, dùng khăn mặt riêng, thường xuyên đánh răng... để tránh bị ốm.
Câu trả lời gợi ý: "Con bị ốm thường do vi khuẩn. Những con vi khuẩn bé xíu có thể tìm đường vào cơ thể chúng ta khi hít thở, khi ăn hoặc khi chúng ta chạm vào miệng và mắt mà không rửa tay. Hầu hết, vi khuẩn không thể chiến đấu lại với chúng ta nhưng đôi khi cơ thể chúng ta lại không thể đấu với chúng, và đó là khi con bị ốm. Để không bị như vậy, conh hãy giữ gìn vệ sinh, nghỉ ngơi đầy đủ nhé".
5. Tại sao ông ấy lại là người vô gia cư?
Theo Brenda Nixon, tác giả cuốn The Birth to Five Book, trẻ thường bị giới hạn kiến thức và luôn tin rằng mọi người đều có cuộc sống giống chúng. Trẻ cần biết được sự thật nhưng bạn cũng phải nói thêm để chúng hiểu rằng những người vô gia cư sẽ rất buồn khi con không tôn trọng họ, đồng thời gợi ý cho con biết chúng có thể giúp đỡ người vô gia cư điều gì.
Câu trả lời gợi ý: "Mẹ rất vui vì con đã chú ý tới ông ấy. Có nhiều lý do khiến con người trở thành vô gia cư. ông ấy có thể vừa mất việc hoặc quá yếu để có thể tự chăm sóc mình. Dù thế nào, chúng ta cũng cần tôn trọng ông ấy. Chúng ta cũng nên đề nghị giúp đỡ những người vô gia cư khi có thể, bằng cách từ thiện hoặc quyên góp quần áo ấm".
Dương Tâm
Theo VNE
Cùng "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" với trẻ em Ngừng đánh con, Ngừng quát mắng con, Cùng con tìm giải pháp, Con là duy nhất, sao phải so sánh... là những hashtag nổi bật, đồng thời cũng là những thông điệp, giải pháp cụ thể được đưa ra trong chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" vừa được phát động. Ảnh minh họa: Trần Hải. Ngày 19-10,...