Giáo dục hòa nhập trong nhà trường
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ, giúp các em được đến trường học tập, được giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Một tiết học dành cho học sinh khuyết tật, tự kỷ ở Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên) có sự tham gia của phụ huynh.
Để hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập, hằng năm, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn miễn giảm một số môn học, hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học. Các em được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng, được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của trường, lớp.
Tại Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên), lớp học dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật đôi khi có sự đồng hành của các bậc phụ huynh. Cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên Phòng Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Trường Tiểu học Đông Mai, cho biết: “Lớp hiện chỉ có 6 học sinh, em thì khuyết tật vận động, em thì khuyết tật trí tuệ… Được sự động viên của giáo viên, các bậc phụ huynh thường xuyên đến lớp để hỗ trợ con cải thiện các kỹ năng về vận động, tư duy. Hầu hết các phụ huynh rất ủng hộ, phấn khởi. Các em tiến bộ rõ rệt qua từng giai đoạn, từng thời kỳ”.
Cơ sở Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa cho trẻ khuyết tật, tháng 6/2022.
Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng là một trong những mục tiêu của ngành GD&ĐT tỉnh những năm gần đây. Những lớp học vừa có trẻ bình thường vừa có trẻ khuyết tật là hình ảnh dễ thấy tại nhiều trường học trong tỉnh. Đây là cách gần nhất, dễ nhất để các trẻ khuyết tật sớm hòa nhập, đồng thời cũng là cách để giáo dục ý thức sẻ chia, đồng cảm cho học sinh các nhà trường. Giảng dạy ở những lớp học này, giáo viên bên cạnh trình độ chuyên môn cần có tình thương và các biện pháp tâm lý để tạo hiệu quả cao trong lớp học.
Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện có 3 lớp học dành cho trẻ khuyết tật về nghe nói, mỗi lớp học 15 học sinh, các em được gửi vào đây để học chương trình chuyên biệt. Từ chỗ không biết diễn đạt suy nghĩ, qua một thời gian ngắn học tập, hầu hết các em đã khiến cho người khác hiểu được suy nghĩ của mình.
Video đang HOT
Không chỉ giúp các học sinh khuyết tật học ngôn ngữ ký hiệu, các giáo viên Cơ sở còn hướng dẫn các em tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ, là những bức tranh giấy, tranh thêu ghép hình Vịnh Hạ Long, các loài hoa, phong cảnh, móc chìa khóa ngộ nghĩnh, đáng yêu. Rất nhiều em “tốt nghiệp” đã có được việc làm ổn định nhờ có nghề may, thêu, làm sản phẩm mỹ nghệ, thủ công… Ước mơ của các học sinh khuyết tật gửi gắm vào những bức tranh cũng là ước mơ của thầy cô giáo mong muốn những học trò của mình được sống, được vui, hòa nhập cộng đồng…
Toàn tỉnh hiện có 260 cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập. Trong đó có 38 trường mầm non; 184 trường tiểu học; 37 trường THCS, THPT; 1 trung tâm GDTX; 908 lớp thực hiện giáo dục hòa nhập, với 1.281 học sinh, gần 4.000 cán bộ, giáo viên. Công tác giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với những giải pháp thiết thực, đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp trẻ khuyết tật, tự kỷ vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui"
Từ nhiều năm qua, khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" được nhiều nhà trường đưa ra, hướng cả thầy và trò đến mục tiêu giảm áp lực, tạo sự hứng khởi cho học sinh khi đến trường.
Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của các thầy, cô giáo - nhân tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng môi trường giáo dục - về giải pháp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Hưng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn):
Môi trường giáo dục ngày càng "mở" và "động"
Nếu hình dung môi trường giáo dục như một không gian vật thể bao gồm trường lớp, thầy trò, sách vở, phòng thí nghiệm... thì môi trường giáo dục hiện nay ở Việt Nam đang mỗi năm một hiện đại hơn, mỗi năm một rộng dần, động dần, không còn hẹp, tĩnh như môi trường giáo dục truyền thống những thập niên trước. Tính chất mở và động ở đây gắn liền với quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, gắn với mối quan hệ mật thiết và đa chiều của giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, đặc biệt là gắn với sự phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc giảng dạy và sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng internet trong nhà trường đã làm môi trường giáo dục rộng mở và vận động, phát triển.
Trong các trường đại học, sinh viên và cả giáo viên đều có một thư viện khổng lồ, rất dễ tìm kiếm tài liệu và học liệu. Đó là "vũ trụ internet", nơi sinh viên có thể học trực tuyến, được giáo viên "hướng dẫn từ xa". Giáo trình, giáo án cùng những tài liệu liên quan đến nội dung chuyên đề, môn học đều có thể lấy được trên mạng internet. Bài vở ghi trên lớp có thể vẫn có nhờ bạn bè nghe/ ghi, chụp lại, gửi ảnh bài qua zalo... Đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm vừa qua là dịp thử thách và kiểm định ưu thế của môi trường giáo dục hiện tại. Nhờ công nghệ thông tin và mạng internet, trường lớp đóng cửa nhưng công việc giảng dạy và học tập vẫn không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, những đổi mới trong quan niệm giáo dục đào tạo gần đây đã góp phần cải tạo căn bản môi trường giáo dục. Đó là quan niệm giáo dục lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo. Đặc biệt là quan niệm dạy cái xã hội cần, không dạy "cái có trong đầu thầy" đã làm thay đổi rất lớn khung chương trình đào tạo. Nội dung giảng dạy trong đại học đã mất dần tính hàn lâm, kinh viện, tăng dần tính ứng dụng và hiệu quả thực tế, đáp ứng kịp thời những nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên nội dung giáo dục đào tạo hiện tại vẫn còn có chỗ thừa, chỗ thiếu. Nhiều môn học đã trở nên không cần thiết, hoặc thời lượng quá nhiều. Nhiều môn học cần có hoặc cần tăng thời lượng những vẫn chưa đưa vào thực hiện như các môn ngoại ngữ, kỹ năng sống....
Ông Nguyễn Quốc Trị - Trưởng khoa Quản lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội:
Xây dựng môi trường giáo dục mang lại hạnh phúc cho tất cả học sinh
Theo tôi, môi trường giáo dục hiện nay đang thay đổi theo hướng ngày càng đa dạng hơn, có sự xuất hiện của môi trường "ảo" do sự phát triển của công nghệ số, do đó, những tác động tới môi trường giáo dục cũng ngày càng phức tạp hơn và phong phú hơn về đối tượng. Trong đó, môi trường giáo dục trong nhà trường vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của người học.
Với môi trường giáo dục ngày càng hiện đại như ngày nay, yếu tố ảnh hưởng tích cực là học sinh có được thông tin một cách nhanh chóng từ khắp nơi trên thế giới. Người học có thể học từ rất nhiều nguồn học liệu khác nhau, chỉ cần có một thiết bị thông minh được kết nối internet là học sinh có thể "có cả thế giới trong lòng bàn tay", nhưng cũng từ đó phát sinh ảnh hưởng tiêu cực, ví dụ: Học sinh có thể học những cách sử dụng ngôn ngữ, biểu hiện hành vi và có thái độ thiếu chuẩn mực. Nếu kỹ năng kiểm chứng thông tin của học sinh chưa tốt, các em có thể không phân biệt được đâu là thông tin chính xác, cần thiết trong quá trình học hỏi. Mối quan hệ với mọi người xung quanh như gia đình, thầy cô, bạn bè... cũng có thể sẽ bị "ảo hóa"...
Chính vì thế, để hướng tới xây dựng môi trường giáo dục có hiệu quả, các nhà quản lý, lãnh đạo trường học phải hết sức lưu ý tới khuyến cáo của UNESCO nhằm xây dựng một trường học hạnh phúc (Happy School), tránh xa các biện pháp giáo dục cứng rắn truyền thống và thay vào đó là xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người hài hòa, hợp tác, yêu thương. Quá trình giảng dạy, giáo dục cần phù hợp với sự phát triển cá nhân và tôn trọng cá tính...
Trong nhà trường, cần xây dựng môi trường mà ở đó thúc đẩy sự tương tác và hợp tác của học sinh thông qua các hoạt động học và chơi chung. Cùng với đó, thay thế hình phạt bằng các hoạt động mang tính xây dựng thúc đẩy sự điều tiết cảm xúc của học sinh.
Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục hiện nay nên theo hướng hình thành năng lực cho học sinh. Nhà trường phải trở thành một môi trường giáo dục đích thực, một môi trường để phát triển một cách hài hòa, toàn diện nhân cách học sinh chứ không phải chỉ là nơi trẻ đến trường. Đó là những vấn đề hết sức quan trọng mà những người làm giáo dục và có trách nhiệm với thế hệ trẻ hằng quan tâm.
Thêm vào đó, sự phối hợp của nhà trường - gia đình - cộng đồng vẫn luôn giữ vai trò tối ưu trong việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, cộng hưởng tác động tích cực đến học sinh. Do đó, cần luôn chú trọng đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp này ở tất cả các cơ sở giáo dục, vì một môi trường giáo dục mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người - đặc biệt là các em học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Quản lý giáo dục:
Thầy, cô giáo phải liên tục đổi mới
Phải khẳng định rằng, vai trò của môi trường giáo dục rất quan trọng trong việc phát triển nhân cách và tri thức của học sinh. Một môi trường học tập tốt có thể kích thích tính sáng tạo, sự chủ động và niềm yêu thích học tập của người học, từ đó giúp họ khai phá và nuôi dưỡng tiềm năng có sẵn của bản thân. Ngoài ra, môi trường học tập tốt còn giúp xã hội có thêm những nhân tài, những công dân tốt đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.
Theo tôi đánh giá, môi trường giáo dục hiện nay ngày càng đổi mới và hiện đại. Học sinh và giáo viên hiện nay được trang bị nhiều phương pháp, công cụ hỗ trợ, giúp việc dạy và học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Chính sự hiện đại, tiến bộ trong môi trường học tập này đã kích thích được tinh thần ham học hỏi, tìm tòi của học sinh, khiến học sinh ngày càng chủ động hơn, mạnh dạn hơn, linh hoạt hơn.
Tiếp cận với nhiều phương pháp dạy và học hiện đại, tuy nhiên, vai trò của người thầy vẫn không mất đi. Không còn là người trực tiếp "cầm tay chỉ việc", truyền đạt kiến thức mà ngày nay, người thầy đóng vai trò như một "cộng sự" cùng trao đổi, cùng truyền đạt, cùng lắng nghe phản hồi từ học sinh để tìm ra cách thức dạy và học hiệu quả nhất.
Để theo kịp đà phát triển của thế giới và xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", tôi cho rằng thầy, cô giáo thời hiện đại phải liên tục đổi mới không chỉ ở hình thức mà cả phong cách. Những nhà giáo hôm nay cần phải tự học, tự đào tạo, tự hoàn thiện mình để thích ứng với thời cuộc, đặc biệt là cần nắm rõ tâm lý của học sinh để biết được học sinh nghĩ gì, muốn gì, làm gì, cần gì... Có như thế, cả thầy và trò mới tạo được mối liên kết bền chặt, xây dựng môi trường giáo dục ngày càng thân thiện hơn.
Trường MN Thanh Luông: Điểm sáng trong giáo dục mầm non miền biên giới Điện Biên Những năm qua, trường Mầm non Thanh Luông (huyện Điện Biên, Điện Biên) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Cô trò nhà trường cùng đại biểu dự khai giảng chụp ảnh lưu niệm Chú trọng chất lượng... Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non xã Thanh Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có...