Giáo dục Hà Nội: Quyết chấm dứt lạm thu
Trước thềm năm học mới 2019 – 2020, ngành GD-ĐT Hà Nội thể hiện quyết tâm ngăn chặn hiện tượng lạm thu bằng việc tăng trách nhiệm, tăng chế tài để xử lý nghiêm sai phạm.
Ngày khai trường của cô trò Trường TH Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đức Chiêm
Năm học 2019 – 2020, Hà Nội tăng học phí với một số cấp học gồm mầm non dưới 5 tuổi, THPT và GDTX cấp THPT. HS theo học ở địa bàn thành thị đóng 217.000 đồng/tháng/HS; ở địa bàn nông thôn đóng 95.000 đồng/tháng/HS; ở các xã miền núi đóng 24.000 đồng/tháng/HS.
Như vậy, học phí hằng tháng sẽ cao hơn từ 5.000 – 62.000 đồng/HS so với năm học trước. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hầu hết các gia đình đều đồng thuận với việc tăng học phí, mối băn khoăn chỉ dồn vào các khoản thu ngoài học phí dưới hình thức vận động phụ huynh quyên góp để mua sắm, cải tạo cơ sở vật chất…
Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 23/1/2018, quy định chấm dứt việc thu các khoản đóng góp tự nguyện để mua sắm trang thiết bị của nhà trường; dù người đứng ra thu góp là phía nhà trường hay phụ huynh cũng là sai quy định.
Theo ông Nguyễn Như Hòa – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội), với việc nghiêm khắc xử lý sai phạm, trong đó có xử lý người đứng đầu nhà trường, việc thu, chi ở các trường học cơ bản được triển khai nền nếp hơn, hiện tượng lạm thu giảm.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền những quy định về thu, chi tới cán bộ, giáo viên và PHHS; công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin. Năm học 2019 – 2020, ngoài việc duy trì các giải pháp trên, Hà Nội sẽ nghiêm khắc hơn trong xử lý sai phạm, quyết tâm không để xảy ra việc lạm thu ở các trường học.
Để chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để hiện tượng lạm thu trong năm học 2019 – 2020, đặc biệt là việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ HS ở các trường học để thu các khoản ngoài quy định, UBND TP Hà Nội đã có văn bản quy định chi tiết 7 khoản không được thu của HS.
Theo đó, 7 khoản mà nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ HS không được thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông xe của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm thiết bị cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên…; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, năm học 2019 – 2020, trường học nào vi phạm về công tác thu, chi sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của ngành và pháp luật. Đặc biệt, sở đã quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng về công tác thu – chi tại đơn vị mình.
Việc tăng học phí của các trường phải được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh chứ không được tùy tiện. Với những trường để xảy ra lạm thu, nhằm bảo đảm quyền lợi của cha mẹ HS, trước hết sở sẽ yêu cầu trường trả lại cho HS những khoản thu sai.
“Phương châm của Sở GD&ĐT Hà Nội là không đi kiểm tra theo các đoàn như mọi năm, phát hiện trường nào sai phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Tất cả các nội dung thông tin về thu chi của nhà trường cần công khai, minh bạch. Sở sẽ xử lý theo quy định và không loại trừ một trường hợp sai phạm nào” – ông Lê Ngọc Quang khẳng định.
Vân Anh
Video đang HOT
Theo GDTĐ
Nhận diện lạm thu
Lợi dụng sự thật thà và ít hiểu biết của một số phụ huynh, không ít hiệu trưởng đã nhẫn tâm móc hầu bao của họ một cách không thương tiếc.
Cứ vào đầu năm học, câu chuyện lạm thu luôn là đề tài nóng hổi trên các diễn đàn.
Vấn nạn lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Thế nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu thế nào là lạm thu? Và thu thế nào để biết là đang "lạm"?
Nói điều này vì trong quá trình viết bài, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với không ít phụ huynh ở vùng khó, đặc biệt là những phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số, họ trả lời vô tư đến xót lòng:
"Nhà trường bảo nộp bao nhiêu thì chúng tôi nộp thôi, không có thì đi mượn chứ chúng tôi có biết gì đâu mà thắc mắc?".
Có lẽ, lợi dụng sự thật thà và ít hiểu biết của một số phụ huynh như thế, không ít hiệu trưởng đã nhẫn tâm móc hầu bao của họ một cách không thương tiếc.
Thông qua bài viết này, độc giả sẽ phần nào nhận diện được việc lạm thu trong nhà trường.
Những khoản được phép thu trong quy định vẫn có thể xảy ra lạm thu
1. Bảo hiểm y tế: Tiền bảo hiểm y tế học sinh năm 2019 - 2020 là 46.935 đồng/tháng. Có em sẽ đóng 12 tháng, có em đóng tới 15 tháng (chủ yếu là học sinh lớp 1).
2. Ấn phẩm.
3. Học phí (bậc trung học), tiền buổi 2 (bậc tiểu học dạy 2 buổi/ngày và với những trường chưa đủ tỉ lệ giáo viên 1.5).
5. Bao gồm tiền ăn, số tiền phải đóng theo thỏa thuận của phụ huynh với nhà trường.4. Tiền phục vụ bán trú (đối với trường tổ chức bán trú).
Tiền chăm sóc bán trú, tiền trang thiết bị phục vụ bán trú.
Dù là tiền thu trong quy định, ngoài số tiền bảo hiểm y tế và tiền học phí gần như giống nhau, một số khoản thu trong quy định vẫn có dấu hiệu lạm thu khi trường học ấy thu với mức quá cao.
Ví như, tiền ấn phẩm có địa phương thu chỉ 20-30 ngàn đồng/học sinh.
Số tiền này đã được tính toán vừa đủ. Thế nhưng có nơi, nhà trường lại thu tới 100-120 ngàn đồng/học sinh.
Tiền học buổi 2 (bậc tiểu học) nơi thu 50 ngàn/học sinh/tháng.
Nơi thu 100 ngàn, nhiều nơi lại thu tới 200 ngàn đồng.
Tiền phục vụ bán trú, ngoài tiền ăn theo mức thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường thì khoản tiền chăm sóc bán trú, tiền trang thiết bị phục vụ bán trú, mức thu ít hay nhiều cũng phụ thuộc vào cái tâm của hiệu trưởng.
Thế là, lạm thu ngay chính những khoản tiền thu trong quy định.
Những khoản tiền ngoài quy định nguy cơ lạm thu khá cao
Nhiều trường học hiện nay, không thông báo cho phụ huynh biết "Bảo hiểm tai nạn" là tự nguyện để bán cùng với "Bảo hiểm y tế" được xem là bắt buộc. Đầu tiên phải kể đến những khoản như tiền bảo hiểm tai nạn, tiền mua ghế ngồi chào cờ, tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền giữ xe, tiền học bơi, tiền tham quan, học kỹ năng sống, học Anh văn tăng cường, tiền quỹ hội, tiền quỹ đội, quỹ lớp...
Tiền ghế ngồi, thường thu học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10).
Nhưng không ít trường thu tất cả các khối lớp nhưng chỉ mua một số lượng ghế ngồi nào đấy vì những học sinh các khối khác đã mua năm trước nên ghế vẫn còn dùng lại được.
Tiền ghế thu từ phụ huynh cũng nhiều giá.
Hiệu trưởng không "xơ múi" thì thu đúng giá ghế đặt mua, hiệu trưởng tham lam thì một cái ghế phải gánh thêm mươi lăm ngàn đồng nữa.
Số tiền tưởng nhỏ nhưng nhân với hằng trăm học sinh, thậm chí hàng nghìn cũng chẳng thể là con số nhỏ.
Ngay khoản tiền nước uống, có trường thu 30-50 ngàn đồng/học sinh/năm nhưng trường thu tới 120-150 ngàn/học sinh/năm học.
Rồi tiền vệ sinh, tiền giữ xe, tiền tham quan, học bơi, học Kỹ năng sống, Anh văn tăng cường...
Số tiền thu của phụ huynh với số tiền thực trả cho người được thuê cũng chênh nhau khá lớn.
Để "che mắt" nhiều người, có trường xé nhỏ các khoản tiền phải đóng.
Cụ thể, đã có tiền quỹ hội lại sinh ra tiền quỹ lớp, tiền quỹ đội và thu lai ra trong suốt cả năm học.
Nhìn vào những khoản thu ngỡ không có điều gì đáng nói nhưng nếu phân tích kỹ, đối chiếu với giá cả thị trường hay với những trường trong cùng một địa bàn sẽ thấy hình bóng của lạm thu xuất hiện.
Dẹp bỏ lạm thu là ước muốn của bao người nhưng không phải dễ dàng gì.
Bởi, những món hoa hồng hấp dẫn, những khoản tiền chênh lệch có một sức hút vô cùng mãnh liệt đối với những hiệu trưởng mang đầy lòng tham.
Sự đoàn kết của tất cả phụ huynh, sự công tâm của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì may ra mới có thể hạn chế được.
Thảo Ly
Theo giaoduc.net
Các trường chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Đà Nẵng vừa chỉ đạo: Thủ trưởng các đơn vị, trường học ngoài việc phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lạm thu và thu dồn các khoản ngay từ đầu năm học, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh (HS). Còn tuyệt đối không được khuyến khích, động...