Giáo dục Hà Nội chủ động, sáng tạo hợp tác quốc tế
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành GD & ĐT Hà Nội luôn coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh và đặc biệt là tiếp tục chủ động triển khai có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế.
Học sinh Thủ đô giành nhiều giải thưởng quốc tế
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, 2019 là năm ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tiêu biểu. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…
Năm vừa qua, GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 134 giải, trong đó có 11 giải Nhất ở kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019, trong đó có 3 đề tài đạt giải Nhất.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trao Cúp vô địch cho các thí sinh tham gia Kỳ thi IMSO 2019.Ảnh: Thủy Trúc
Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học (IMO), Vật lý (IphO), Hóa học (IchO), Hà Nội có 3 học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Tiêu biểu là em Trần Bá Tân xuất sắc giành Huy chương Vàng tại IchO 2019 với 95,47 điểm/100 điểm, cao thứ 4 của kỳ thi. Trần Bá Tân còn đạt giải “Best Practical Exam” (Bài thực hành tốt nhất) với điểm số 40/40.
Em Trần Xuân Tùng giành Huy chương Vàng kỳ thi IphO 2019 cũng là thí sinh đạt thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam với tổng điểm bài thi nằm trong Top 10 thế giới. Trần Xuân Tùng đã tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2019 đạt Huy chương Đồng và là học sinh đầu tiên của Việt Nam đạt Huy chương Vàng kỳ thi Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Không chỉ vậy, trong các kỳ thi quốc tế khác, học sinh Hà Nội cũng xuất sắc giành thứ hạng cao, nổi bật với 48 giải và huy chương tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học quốc tế ITMC 2019; 2 Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic phát minh và sáng chế WICO 2019; đạt thành tích xuất sắc cuộc thi Toán học trẻ quốc tế IMC 2019 với 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 1 giải Khuyến khích cá nhân, 2 Cúp Vô địch, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì đồng đội.
Tổ chức các cuộc thi nâng tầm giáo dục Việt Nam
Năm 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đăng cai tổ chức thành công Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC). Năm 2019, ngành tiếp tục tổ chức thành công Kỳ thi này với sự tham gia của 13 đoàn quốc tế đến từ các nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Á, châu Âu (Bảng A); 24 đoàn đến từ các tỉnh, thành trên cả nước (Bảng B). Đoàn học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam đã xuất sắc giành 3 Cúp đồng đội (Nhất, Nhì, Ba) và 23 huy chương cá nhân gồm 6 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng.
Cuối tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên Hà Nội đăng cai tổ chức thành công Kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế – IMSO lần thứ 16 năm 2019 và giành kết quả cao. Kỳ thi thu hút sự tham dự của 352 học sinh dưới 13 tuổi đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong kỳ thi này, tại bảng A, đoàn Việt Nam đạt giải cao nhất, với 36 học sinh dự thi đều giành được huy chương, trong đó có 15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, “Quy mô và chất lượng cuộc thi IMSO năm 2019 đã tạo nên những hiệu ứng tích cực cho các thầy cô giáo và học sinh trong công tác, học tập, nghiên cứu….
Cuộc thi nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, vì lợi ích và thịnh vượng của mỗi người dân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia” – Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng nhận định.
Việc ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức những kỳ thi mang tầm quốc tế tạo điều kiện cho các nhà giáo, học sinh được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Là giáo viên chuyên Toán của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và trực tiếp phụ trách đội tuyển Toán của TP Hà Nội tham dự Kỳ thi IMSO 2019, thầy Nguyễn Đắc Thắng cho rằng: Kỳ thi IMSO là dịp để các thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình lên rất nhiều từ việc học hỏi các mẫu đề thi mới, cách ra đề bài thi Toán tạo hứng thú cho học sinh hoặc vận dụng nhiều vấn đề thực tiễn vào giải quyết bài tập Toán. Bản thân các thầy cô cũng được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với giáo viên các nước và có sự tự tin hơn.
Đào tạo song bằng tăng cường hội nhập
Để tăng cường hội nhập quốc tế, từ năm 2017 ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc – Chứng chỉ A Level của Cambridge tại trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Cùng với đó là Chương trình song bằng THCS cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc tại 7 trường THCS trên địa bàn TP. Đến nay, toàn TP có 179 học sinh THPT và 775 học sinh THCS của 8 trường tham gia học chương trình song bằng.
Đánh giá sơ bộ về kết quả kỳ thi của học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ AS-Level, hầu hết học sinh đều đạt kết quả tốt. Các em học sinh THCS tham gia học chương trình đào tạo song bằng đã đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình đào tạo. Trưởng phòng GD&ĐT Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, quận Tây Hồ có 2 trường thực hiện chương trình đào tạo song bằng đã mang đến hiệu quả rõ rệt. Với việc học cùng lúc hai chương trình khá nặng nhưng các em học sinh được tuyển chọn có chất lượng khá tốt, cộng với việc trau dồi giữa giáo viên nhà trường và giáo viên dạy song bằng bảo đảm yêu cầu.
Tại Kỳ thi IMSO năm 2019, trong số 6 học sinh quận Tây Hồ đạt giải bảng B (1 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng) có 4 em học chương trình song bằng gồm 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Không chỉ vậy, chất lượng giáo dục chung được tăng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có bước phát triển vượt trội.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Việc triển khai chương trình đào tạo song bằng là cụ thể hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, cũng như thực hiện Luật Thủ đô, đáp ứng mong muốn của phụ huynh và học sinh về mô hình giáo dục tiên tiến song hành với chương trình giáo dục của TP.
Người đứng đầu TP Hà Nội cũng đánh giá việc triển khai chương trình song bằng ở các trường phổ thông công lập đã tạo ra môi trường học tập có chất lượng và tiệm cận với mô hình của các trường chuẩn quốc tế, đồng thời giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học tập và tạo hành trang cho các em tự tin học ở các trường đại học quốc tế.
Với những hiệu quả của Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát các trường THCS, THPT trên địa bàn TP có đủ điều kiện đào tạo báo cáo UBND TP xem xét mở rộng đào tạo song bằng trong năm học 2020 – 2021 và đáp ứng nhu cầu đào tạo liên thông từ THCS lên THPT.
“Năm 2019, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tiêu biểu. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn.” – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng
Theo kinhtedothi
Nữ sinh trúng tuyển đại học top 6 của Mỹ
Nhìn chữ "Congratulation" hiện trên điện thoại lúc 4h30, Vũ Lê Hoàng Mai, lớp Anh 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, không tin vào mắt mình.
Hôm đó là ngày 19/12, biết Đại học Chicago (UChicago) thông báo kết quả đợt tuyển sinh sớm khoảng 3-5h sáng, nhưng Mai không thể dậy do đi ngủ lúc gần 1h. Em nghĩ sẽ nhận thư từ chối hoặc trường sẽ lưu hồ sơ xét tuyển trong đợt tháng 1 nên dặn lòng cứ ngủ thoải mái để không phải thất vọng.
Nhưng 4h30, em tỉnh giấc. Lấy điện thoại và mở mail ra, Mai hét lên sung sướng. Giữa những dòng nhỏ xíu, lỗi font vì không tương thích xem trên điện thoại, em vẫn nhìn thấy chữ "Congratulation" (Chúc mừng) cùng mức hỗ trợ tài chính toàn phần 71.700 USD một năm (gần 1,7 tỷ đồng một năm) từ đại học tốt thứ sáu nước Mỹ theo US News & World Report, top 10 trên bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2020 của QS và Times Higher Education.
"Đại học Chicago có tỷ lệ chấp nhận rất thấp, khoảng 7%, chỉ 1-2 học sinh Việt Nam được nhận mỗi năm. Khoảng 5-6 người em quen nộp vào trường này và đều có thành tích tốt, còn em không có giải thưởng quốc tế nào. Em đã không tin vào mắt mình, không biết mơ hay tỉnh", Mai kể. Hôm đó em vội chụp lại màn hình, gửi tới những người thân thiết. Không ai hồi đáp vì 4h30 là quá sớm, Mai chạy sang gõ cửa phòng bố mẹ để thông báo.
Vũ Lê Hoàng Mai chia sẻ về việc trúng tuyển Đại học Chicago.
Với Mai, đến Mỹ là hành trình như mơ. Trong khi nhiều bạn được gia đình xác định cho du học từ cấp 1, Mai vẫn chỉ là cô bé học trường Tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ. Khi ấy, không ai nghĩ sẽ cho con học một trường cấp hai tốt nhưng mẹ Mai thấy con học được nên đã cho ôn luyện để thi vào hệ THCS của trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trúng tuyển lớp chuyên Toán, gia đình Mai tự hào xen lẫn lo lắng bởi tiếng Anh của em kém gần nhất lớp.
Mẹ gửi Mai tới lớp học thêm, có 7 lớp theo trình độ. Lớp 1 gồm những bạn giỏi, lớp 7 kém nhất thì em được xếp vào lớp 5. Không còn nhớ được truyền cảm hứng như nào, Mai chỉ biết đã đam mê tiếng Anh, học bao nhiêu cũng không thấy nặng. Lên lớp 8, Mai được lên lớp cao nhất. Em đọc được nhiều tài liệu nước ngoài, bắt đầu nghĩ tới chuyện du học. Đỗ vào 10 chuyên Anh 1, thấy các bạn ôn thi các bài chuẩn hóa như SAT, TOEFL, em cũng ôn theo.
Giữa lớp 11, Mai đã hoàn thành các bài thi với 1.570/1.600 điểm SAT I và tuyệt đối (800/800) SAT II ba môn Toán, Lý, Hóa. Với TOEFL, Mai đạt 114/120 điểm. Tuy nhiên, Mai vẫn không biết đi du học cần nhiều hơn thế.
Thấy các bạn gần hoàn thành hồ sơ du học, Mai lo lắng. Hết học kỳ I lớp 11, em đi tìm trung tâm hướng dẫn. Mai cho rằng việc tìm đến trung tâm không phải to tát, đơn giản là tìm người hiểu rõ về quá trình nộp hồ sơ để hướng dẫn bởi trường học Việt Nam không có bộ phận này như ở Mỹ. Đến đó, em thoải mái chia sẻ về khả năng chi trả tài chính, được định hướng những việc cần làm.
Mai có hai mối quan tâm. Một là giáo dục bởi em cảm nhận rõ sự bất bình đẳng không chỉ giữa miền quê với thành phố mà ngay với các trường trong thành phố với nhau. Hai là Vật lý, bởi từ khi biết nhiều tiếng Anh, em đọc được sách của Stephen Hawking, Neil deGrasse Tyson và yêu thích lĩnh vực này.
Vũ Lê Hoàng Mai. Ảnh: Dương Tâm
Nữ sinh được hướng dẫn để xây dựng những dự án lớn. Với giáo dục, em thành lập dự án mang tên Education for Vietnamese Youth, phát triển bốn khóa học online về Tiếng Anh, Tin học, Tranh biện và Hội họa. Mai có nhiều tháng khảo sát học sinh khắp các trường THCS về nhu cầu học trực tuyến, tuyển cộng tác viên, xây dựng video bài giảng, bài tập. Chiếc điện thoại được Mai giữ khư khư trong tay, chỉ cần có tin nhắn là mở ra xem dù đang làm bất kỳ việc gì. Kết quả, trong tháng đầu ra mắt (tháng 10), có 450 người đăng ký học.
Với Vật lý, Mai phối hợp với một nam sinh lớp 10 của trường lập dự án PhysicsNow, trong đó có phần xây dựng website chuyên đăng các bài viết về Vật lý như Vũ trụ, Vật lý lượng tử là gì? PhysicsNow còn tổ chức các workshop về vật lý ứng dụng - nơi học sinh THCS được hướng dẫn làm các loại máy, thiết bị dựa vào các nguyên lý trong Vật lý.
Thời điểm phải chạy song song hai dự án cũng là lúc Mai cần chuẩn bị cho những bài luận. "Em vật vã suốt nửa năm để tạo ra một bài viết khiến nhà tuyển sinh thấy mình là ai. Em có nhiều cái để nói nhưng lại không biết viết ra như nào", Mai kể.
Bài luận đầu tiên hoàn thành vào tháng 5. Viết 1.000 từ trong 4 tiếng với tất cả tâm huyết, Mai như sụp đổ khi bị nhận xét không đạt. Em stress, nghĩ mình không thể viết hay hơn. Dù có viết thêm, dòng suy nghĩ cũng hướng em tới bài luận ban đầu.
Mai phải ngồi lại để nghĩ về mục tiêu du học. Em cố gắng xóa hết viết một bài luận mới hoàn toàn. Một thời gian dài, em ôm máy tính từ sáng đến tối, đến trường cũng mang theo để nhỡ có trống tiết thì lôi ra. Viết đi viết lại đến lần thứ 10, em thấy bài của mình hay hơn, logic hơn. Viết thêm năm lần nữa, em và cả người hướng dẫn mới ưng ý bài luận chính để gửi tới trường đại học.
Trong bài luận, Mai nói về việc xã hội đặt quá nhiều kỳ vọng lên mỗi người và đặt vấn đề mình nên sống theo kỳ vọng, định kiến của xã hội hay trở thành con người như mình mong muốn. Mai đưa câu chuyện của bản thân vào. Em kể ở Việt Nam, nhiều người nói "Bán xăng cho phụ nữ là tội ác" và bạn bè từng không dám để em đèo bằng xe máy, trong khi em đi rất cẩn thận.
Mai cũng kể thích chơi nhạc rock và bị nhiều người nghĩ sẽ xăm mình, đeo khuyên, mặc đồ đen; rồi cả chuyện thích khoa học trong khi nhiều người nghĩ con gái không thể giỏi lĩnh vực này. Cô gái sinh năm 2002 muốn nhà tuyển sinh thấy em sẵn sàng phá vỡ định kiến để thể hiện bản thân.
Ngoài bài luận chính, Mai cũng thực hiện bài phụ lý giải tại sao lại chọn trường và một đề đo khả năng sáng tạo, logic. Mai đã đọc rất nhiều tài liệu, những bài luận của sinh viên trúng tuyển các năm trước để lên ý tưởng.
Hoàng Mai trong một buổi biểu diễn nhạc Rock. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tự tin vào dự án mình thành lập, bài luận cùng các chứng chỉ, trước thời gian nộp hồ sơ khoảng nửa tháng, Mai xác định nộp vào trường trong top 20 của Mỹ, không dám nghĩ tới trường top 10 như UChicago bởi tự ti vì khả năng tài chính.
Khi xét sinh viên quốc tế, các trường Mỹ muốn ứng viên đóng nhiều tiền bởi quỹ của họ đã phải hỗ trợ cho sinh viên trong nước. Ứng viên quốc tế xin nhiều hỗ trợ sẽ mất ưu thế hơn. Vậy mà Mai chỉ chi trả được thấp hơn so với mặt bằng chung của các bạn trong lớp - những người cạnh tranh trực tiếp với em.
"Em rất sợ trường đánh trượt vì phải xin hỗ trợ. Đã có lúc em như mất hết động lực. Rất may em được nhiều người động viên và khuyên mạnh dạn thử một lần nên đã cố vượt qua", Mai nói.
Một tuần trước ngày nộp hồ sơ, Mai chia sẻ lo lắng với người hướng dẫn. Em xin lời khuyên thì được bảo hãy làm theo con tim để không phải nuối tiếc. Lúc này, Mai mới mạnh dạn nộp hồ sơ vào đại học em yêu thích nhất - UChicago, theo dạng cam kết nếu trúng tuyển sẽ chắc chắn nhập học. Điều này nhằm nhấn mạnh mong muốn được vào trường.
Quyết định "táo bạo nhất trong đời" đã giúp Mai nhận trái ngọt. Thông báo trúng tuyển của Đại học Chicago khiến Mai như trút được mọi gánh nặng. Một lần nữa em phá bỏ định kiến phải có thành tích ở đấu trường quốc tế mới có cơ hội trúng tuyển vào những trường nặng về học thuật như UChicago.
Còn 8 tháng trước ngày sang Mỹ, Mai sẽ tiếp tục các dự án, học thêm khóa online ở nhiều lĩnh vực. "Em đang nghĩ tới cảnh tối thứ bảy được ngồi trong khuôn viên trường để bàn về Triết học Plato hay một chủ đề Vật lý nào đó. Em sẽ chuẩn bị tốt nhất có thể trước khi đến Mỹ", Mai nói.
Dương Tâm
Theo VNE
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi có người thầy, suốt 3 năm đại học chỉ hỏi, không dạy! Người thầy ngày nay phải giúp và tổ chức cho học sinh biết cách làm việc nhóm, để từ đó mà chuẩn bị năng lực tổ chức công việc một cách hiệu quả cho học sinh. LTS: Ngày 15/12, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm...