Giáo dục giới tính sẽ được chú trọng trong sách giáo khoa mới
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng hơn đến giáo dục giới tính. Song việc bảo vệ trẻ em còn cần đến sự phối hợp từ gia đình, xã hội.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2017, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan an toàn trường học khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng uy tín toàn ngành.
Trong khi đó, nhiều học sinh vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mình, một phần do chương trình học tại trường chưa đề cập nhiều về giới tính.
Vấn đề tiếp tục được đặt ra khi Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình phổ thông tổng thể, dự kiến triển khai từ năm 2018.
Trước những băn khoăn này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, thông tin nội dung sách giáo khoa và chương trình mới sẽ đề cập nhiều hơn tới vấn đề giáo dục giới tính.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định chương trình phổ thông tổng thể sẽ chú trọng hơn đến giáo dục giới tính. Ảnh: Kim Ngân.
Theo đó, các bài học giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học ở các cấp học.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Thuyết nói thêm việc bảo vệ trẻ em không chỉ nằm ở chương trình giáo dục tốt mà còn cần sự phối hợp từ gia đình, xã hội, pháp luật.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng thừa nhận những vụ việc liên quan an toàn trường học xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm đạo đức nhà giáo và dân chủ trường học.
Bộ GD&ĐT đang quyết liệt chỉ đạo để việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm nhà giáo và nâng cao tính dân chủ trong trường học được thực hiện nghiêm túc.
“Toàn ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục để trường học thực sự là môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh”, ông Ga nhấn mạnh.
Theo Zing
Trẻ ngô nghê, phụ huynh ngại ngùng với giáo dục giới tính
Trưởng ban giáo dục giới tính của S Project cho rằng do yếu tố về văn hóa, trẻ em biết rất ít kiến thức về giới, trong khi phụ huynh ngại chia sẻ vấn đề này với con.
Chiều 17/3, nhóm tình nguyện trẻ đến từ S Project tới trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức lớp học dạy trẻ cách phòng tránh xâm hại tình dục.
Thông qua những trò chơi như vẽ tranh và phân biệt tình huống, các bạn trẻ chỉ cho các em cách phân biệt những vùng riêng tư, cũng như những người được phép động vào vùng đó. Đa phần học sinh rất hứng thú với buổi học.
Lê Ngọc Khánh Linh, học sinh lớp 5, chia sẻ: "Con thấy buổi học hôm nay rất vui và bổ ích. Qua đó, con học được cách thoát hiểm khi gặp người định hại mình, cũng như nhận biết các hành vi xâm hại".
Vũ Minh Phương, học sinh lớp 4, cho biết em rất thích các trò chơi của các chị tình nguyện viên, đặc biệt là vẽ.
"Qua buổi học này, con thấy xâm hại tình dục là xấu và hiện tại, con đã biết cách bảo vệ chính mình", Minh Phương nói.
Trong khi đó, Nguyễn Nhật Linh (lớp 5) muốn học thêm nhiều cách giải quyết tình huống hơn để dạy lại các bạn khác.
Học sinh trường Tiểu học Dịch Vọng B chơi trò tô màu vào những vùng riêng tư của nam và nữ. Ảnh: Kim Ngân.
Ngoài ra, Khánh Linh thông tin bố mẹ và thầy cô từng nói qua một số kiến thức được đề cập trong buổi học hôm nay song không sâu sắc và vui bằng.
Thực tế, dù cha mẹ và thầy cô đã đề cập kiến thức về giới, hiểu biết của các em tương đối hạn chế. Hầu hết chưa phân biệt được ai là người đáng tin cậy và vô tư để người khác đụng chạm. Một số không nhận ra hoặc thờ ơ với sự phát triển của bản thân.
"Phần lớn học sinh ở Việt Nam, từ thành phố lớn đến các tỉnh miền quê, nhận biết về xâm hại tình dục cũng như hiểu biết về giới để tránh xâm hại rất ít. Các bạn còn khá thờ ơ. Thậm chí, các bậc phụ huynh và thầy cô vẫn coi các bạn quá bé để có thể giáo dục giới tính", Nguyễn Thị Song Trà, Trưởng ban giáo dục giới tính của S Project, nói.
Trà cho hay đối với đa số trẻ, bố mẹ chưa hề nói chuyện với các bạn về giới, ít chia sẻ với con vì bản thân họ cũng ngại khi nói vấn đề này.
Tình nguyện viên 21 tuổi nhấn mạnh cha mẹ, nhà trường và xã hội phải xác định rằng trẻ cần được giáo dục giới tính từ rất sớm. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".
"Chúng ta có thể dạy từ khi trẻ mới học mầm non song phải chọn phương pháp phù hợp", Trà nhận định.
Theo cô, các trường phải đưa giáo dục giới tính trở thành một môn học hoặc lồng ghép một cách rõ ràng hơn, không chỉ dừng lại ở các lớp học thờ ơ và ngắn ngủi để trẻ có thể phát hiện và tránh những nguy hiểm tiềm tàng.
Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, cho hay nhà trường rất coi trọng giáo dục giới tính cho học sinh. Các tiết về giáo dục giới tính ở trường (không phải tất cả) thường tách riêng học sinh nam và học sinh nữ. Trong đó, nam sinh do thầy giáo dạy và nữ sinh do cô giáo hướng dẫn.
"Các giáo viên đều có kiến thức và kỹ năng tốt. Nhưng sắp tới, để bài bản hơn, chúng tôi dự kiến mời chuyên gia tư vấn cho giáo viên", cô nói.
Thầy Nguyễn Văn Quyết, giáo viên tổng phụ trách trường Tiểu học Dịch Vọng B, cho hay nhà trường sẽ duy trì những hoạt động tương tự, tổ chức các buổi tập huấn, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng cho học sinh.
Ngoài ra, đoàn trường dự kiến mở câu lạc bộ để tuyên truyền kiến thức về xâm hại trẻ em, dành cho các em từ lớp 1 đến lớp 5.
Theo Zing
Dạy trẻ tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại Nhiều người cho rằng giáo dục giới tính cho trẻ mầm non là quá sớm và ngại nhắc đến chuyện tế nhị. Thực ra, đây là việc cần thiết giúp bảo vệ các bé trước nguy cơ bị xâm hại. An Ninh TV dẫn số liệu chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ trẻ em cho biết từ năm 2001 đến 2015,...