Giáo dục giới tính: Người lớn né tránh, trẻ “lãnh đủ”
Người lớn thường tìm cách né tránh hoặc trả lời mập mờ các câu hỏi về giới tính là lý do mà con trẻ phải tự mày mò “khám phá”. Điều này góp phần dẫn đến những hậu quả đau lòng đáng tiếc…
Như Dân trí đưa tin, ngày 6/4 một nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre chuyển dạ và sinh con ngay sau giờ học môn Thể dục. Mới đây, một nữ sinh 15 tuổi ở Nghệ An được phát hiện là sinh con từ năm 2011, làm mẹ ở tuổi 14. Chưa hết, hiện nay Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đang điều tra việc một học sinh học lớp 8 đang mang bầu hơn 7 tháng…
Học sinh Trường THPT Hùng Vương (TPHCM) tham dự một chương trình tư vấn về kiến thức giới tính.
Từ những học sinh (HS) được đánh giá là ngoan ngoãn, học tốt nhưng do quá thiếu kiến thức về giới tính, kỹ năng bảo vệ mình nên các em phải làm mẹ bất đắc dĩ ở độ tuổi quá nhỏ trong sự ngỡ ngàng, không tin nổi của gia đình, thầy cô. Điều đó phần nào cho thấy việc giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ còn quá nhiều bất cập.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chuyên gia của Hội quán Các bà mẹ TPHCM: “Dạy nửa vời, trẻ dễ ngộ nhận”
Ba năm nay rong ruổi đến khắp các tỉnh thành tổ chức chương trình tư vấn cho HS, chúng tôi nhận ra các em rất “đói” thông tin về sức khỏe giới tính, sinh sản dù các em được tiếp cận và đọc rất nhiều thứ.
Tôi từng gặp trường có em HS tiểu học không dám ngủ trưa ở lớp vì sợ tinh trùng của bạn trai bò sang “tấn công”. Em được học rằng tinh trùng kết hợp với trứng sẽ có thai nhưng điều đó diễn ra thế nào lại mù tịt do được học chưa đến nơi, dạy theo kiểu nửa vời nên dẫn đến việc các em bị ngộ nhận.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy trong một buổi tư vấn cho HS về kiến thức giới tính.
Lẽ ra các em phải được trang bị các kiến thức từ sớm thì chúng ta lại dạy theo kiểu “chạy theo”. Khi phát hiện trẻ có vấn đề hay sự việc đã rồi mới bắt đầu “chạy”, mà chạy cũng không đúng cách.
Video đang HOT
Phụ huynh (PH) và giáo viên cũng e ngại khi nói chuyện về giới tính, tình dục với trẻ. Thế nên rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, qua đó để tập huấn và tạo nên sự chuyển giao.
Bố mẹ phải là người đầu tiên trang bị các kiến thức cần thiết cho con. Nếu việc nói ra thật sự khó khăn, PH có thể hướng dẫn con đọc sách về kiến thức giới tính, sinh sản. Khi con thắc mắc thì cần giải đáp một cách chân thành chứ không được né tránh.
Ngoài ra, cần hướng con đến thái độ sống, giá trị sống mang tính văn hóa. Điều đó sẽ góp phần giúp trẻ cao ý thức bảo vệ giá trị bản thân và tăng sức đề kháng trước những cạm bẫy.
BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM: “GDGT cho trẻ phải bắt đầu từ nhỏ”
Việc GDGT cũng như việc ăn, ngủ…, trẻ phải được trang bị các kiến thức từ nhỏ để biết chăm sóc, yêu quý tất cả các bộ phận trên cơ thể mình. Sao người lớn lại hay cho rằng đó là chuyện “bậy bạ”. Bố mẹ gạt đi, né tránh, hẹn chờ đến tuổi sẽ biết làm trẻ thấy không được tôn trọng nên lại tìm hiểu qua bạn bè, trên mạng… rất nguy hại.
BS Đỗ Hồng Ngọc.
Cơ hội đế nói chuyện về giới tính, tình yêu với trẻ rất nhiều như khi dự một đám cưới hay hàng xóm, người quen sinh nở… Bố mẹ phải biết nắm lấy những cơ hội đó để chia sẻ với con.
Điều cấn nhất là thái độ tôn trọng, thấu cảm của người lớn trước những thắc mắc của con trẻ. Sau đó, cha mẹ cần trang bị cho mình các kiến thức để tự tin nói chuyện với con. Người lớn cần thẳng thắn, chân tình, cởi mở để cùng trao đổi các kiến thức về giới tính một cách khoa học với trẻ. Không phải đến khi con đã dậy thì mà nên bắt đầu suốt giai đoạn tuổi thơ cũng như tuổi tiền dậy thì.
Chúng ta không thể lò dò đi theo suốt này để quản lý, canh chừng. Mà trách nhiệm của PH là trang bị cho con những nội lực cần thiết để tự bước đi và tự chịu trách nhiệm trước với con đường, lựa chọn của mình.
Đặc biệt, GDGT cần một chương trình mang tính hệ thống, toàn diện, thống nhất từ gia đình, nhà trường, xã hội để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Ông Nguyễn Vũ Nguyên, Tổng giám đốc Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương: “Người lớn cần biết cách nói chuyện với trẻ”
Nền tảng của việc GDGT là giúp trẻ nhận biết được bản thân. Trong khi thực tế rất nhiều HS, SV chưa biết cách chăm sóc, vệ sinh thân thể đúng cách chứ khoan đã nói đến những vấn đề sâu xa.
Người lớn cần biết cách nói chuyện với trẻ. Trước hết cần phải xem những tò mò, thay đổi ở trẻ là bình thường để trấn an tâm lý con. Hiện nay, nhiều trẻ dậy thì sớm khi mới 9 – 10 tuổi, các em lo lắng khi thay đổi tâm sinh lý vì không có sự chuẩn bị từ trước. Lúc này PH có thể động viên: “Con phải mừng vì từ nay mình đã lớn. Chúc mừng con!” để trẻ thấy tự tin, biết quý trọng bản thân thì bố mẹ thường làm cho trẻ thêm hoảng hốt.
GDGT đã thực hiện thì phải làm cho đúng, dạy chính xác còn không thì thôi, đừng thực hiện kiểu bâng quơ làm trẻ thêm rối rắm. Cũng không thể chỉ nói lý thuyết suông, khi dạy cần có hình ảnh minh họa cụ thể giúp trẻ biết rõ, biết chắc.
Thời gian đầu dạy về GDGT, cần tách riêng nam nữ ra để các em có sự tập trung. Còn dạy chung thì các em e ngại nên sẽ cười ồ lên để chọc bạn bè rồi chẳng cái gì vào đầu hết. Bên cạnh đó, việc tạo những sân chơi lành mạnh cho trẻ, bố mẹ cần dành thời gian cho con là điều không thể thiếu không riêng gì trong việc GDGT mà giáo dục chung về nhân cách, trí tuệ cho trẻ.
BS Đặng Phi Yến (chuyên viên Sở Y tế TPHCM): “Cần vẽ cho hươu chạy đúng đường”
Hiện nay ở trường học, việc GDGT chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế của các em. Việc giáo dục sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản ở trường học còn nặng về lý thuyết, kiến thức mà quên việc trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình nên dù biết nhiều nhưng các em vẫn gánh hậu quả tiếc.
Tình trạng nữ sinh phá thai hiện nay rất đáng báo động, có em học phổ thông từng phá thai 2 – 3 lần. Nhiều bố mẹ khi biết con mình phá thai cứ đinh ninh con mình không đi đâu hết, được đưa đón đến trường, hết giờ học là có mặt ở nhà… mà đâu biết mình không thể kiểm soát con mọi lúc mọi nơi được. Đã đến lúc chúng ta phải đi vào các kỹ năng cụ thể như cách sử dụng bao cao su, sử dụng các biện pháp tránh thai cho các em. Bởi chúng ta không vẽ đường thì chúng vẫn chứ chạy và chạy không định hướng nên cần vẽ cho hươu chạy đúng đường.
Theo DT
Giáo dục giới tính càng sớm càng tốt
Thời gian gần đây trẻ dậy thì sớm đã trở thành hiện tượng phổ biến khiến cha mẹ khá bất ngờ và lo lắng.
Nên học từ lớp 2
Cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của một trường tiểu học tại Q.1 TP.HCM kể: "Hôm đó, đang trong giờ học, một bé gái tự nhiên khóc òa và hoảng hốt hét lên khi có hiện tượng "đến tháng". Tôi liền gọi điện báo thì mẹ cháu cũng bất ngờ vì thấy con mình còn nhỏ". Hay như chị H.L.An - phụ huynh học sinh (HS) tại Q.3 cho biết: "Cháu đang học lớp 5 nhưng có hiện tượng dậy thì từ năm lớp 4 và đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn ân hận. Có một lần khi xem quảng cáo trên ti vi, con gái hỏi tôi về tác dụng của "miếng có cánh", tôi vô tình gạt đi vì nghĩ rằng vài năm nữa con mới cần dùng đến nên từ từ giải thích. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, cháu có dấu hiệu hằng tháng và tỏ ra vô cùng sợ sệt khi chưa có sự chuẩn bị về tâm lý".
Theo các chuyên gia, cần giáo dục giới tính cho HS càng sớm càng tốt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hiện nay, HS tiểu học bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính từ lớp 5 qua các bài như cơ thể người, về trứng, tinh trùng, về bào thai... Tuy nhiên, việc đưa chương trình giới tính vào giảng dạy khi nào là phù hợp vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Chị N.T.Q ở hẻm 107B Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM tỏ thái độ: "Mới lớp 5 mà SGK đã đề cập đến những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, sự thụ tinh... là quá sớm". Chị quả quyết rằng nếu để HS tiếp cận với những kiến thức đó sớm, vô tình sẽ "vẽ đường cho hươu chạy". Ngược lại, chị Trần Hoàng An (Q.5, TP.HCM) lại cho rằng: "Giờ trẻ phát triển khá sớm, lớp 5 mới học thì e cũng hơi muộn". Và chị giải thích rằng: "Đầu năm học lớp 6, con gái tôi về kể 2 bạn trong lớp yêu nhau, giờ ra chơi, bạn nam thường xuyên xuống chỗ ngồi của bạn nữ ôm hôn nhau và có nhiều hành động vượt quá một tình bạn thông thường. Do đó, phải cho HS tiếp cận với những kiến thức về sức khỏe sinh sản sớm hơn để các em có khoảng thời gian tìm hiểu. Khi đã dậy thì rồi nếu các em không nắm vững kiến thức, không biết kiểm soát hành vi thì dễ dẫn đến hậu quả".
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường phổ thông Trí Đức (Q.Tân Phú), cũng cho rằng: "Nên cho HS tìm hiểu những kiến thức về lĩnh vực sức khỏe sinh sản từ lớp 4 vì HS bây giờ tiếp xúc với internet khá nhanh nhạy nên nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ rất nguy hiểm". Thầy Trần Xuân Kiển - giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), cũng đồng tình: "Nên dạy sớm hơn, chẳng hạn, ở lớp 2, HS bắt đầu tiếp cận những kiến thức về cơ thể người, giới tính, vệ sinh cá nhân... Dần dần, cho các em học về sức khỏe sinh sản, những biện pháp phòng vệ khi gặp tình huống xấu...". Một bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cũng đề nghị: "Phải đẩy chương trình giáo dục giới tính trong trường lên dạy cho HS ngay từ lớp 2. Tại Đức, trẻ đã học môn giáo dục giới tính ngay từ những năm đầu tiên đi học".
Học hỏi suốt đời
Dù đã được đưa vào chương trình chính khóa nhưng theo ông Nguyễn Đạt Sử - Hiệu phó Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3), vẫn băn khoăn: "Đây là một phần kiến thức của môn học nên giáo viên chủ nhiệm dạy theo kiểu truyền đạt kiến thức và học tập trung cả lớp nên chưa có sự tương tác, HS cũng không hứng thú, ngại ngùng". Chính vì lý do này thầy Trần Xuân Kiển đề nghị: "Nên chăng, mỗi trường có nhiều phòng để đến tiết học về giới tính nam nữ học riêng. Bởi lứa tuổi này HS vốn rất tò mò, có nhiều điều cần giải đáp".
Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Trần Diễm Linh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), nhấn mạnh: "Dạy giới tính cho trẻ cần chú ý đến phương thức và thái độ. HS bây giờ biết nhiều và đoán được nhiều hơn mình nghĩ. Giáo viên đứng lớp mà thẹn thùng thì sẽ luống cuống".
Dưới góc độ tâm lý, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM cho hay: "Nếu bạn nghĩ rằng phải đợi trẻ đến một cái tuổi nào đó rồi mới được bắt đầu làm "giáo dục giới tính" và cho rằng nhà trường mới chính là nơi có trách nhiệm trong vụ việc này thì bạn đã lầm. Thật ra giáo dục giới tính phải được thực hiện càng sớm càng tốt và phải được bắt đầu ngay từ dưới mái gia đình. Bố mẹ, ông bà và ngay cả người giúp việc... là những người thầy đầu tiên của trẻ".
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh thêm: "Giáo dục giới tính là học hỏi suốt đời, hằng ngày; trong gia đình là chủ yếu, sau đó mới đến trường học. Đừng quên rằng truyền hình, sách, báo, phim ảnh, games online... là những "nguồn lực" giáo dục giới tính rất mạnh mẽ, tạo nên cách nghĩ cách làm cho cả thế hệ, cả cộng đồng, nên phải hết sức có trách nhiệm".
Theo TNO
HS thừa nhận: "Học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu" Trong buổi đối thoại với lãnh đạo sở GD-ĐT TPHCM vào ngày 28/3, phần lớn trong số 60 ý kiến của học sinh đều trăn trở đến chương trình học. Thậm chí các bạn cho rằng chương trình nặng, học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu. Hơn 150 học sinh (HS) đến từ các trường THPT trên toàn thành phố đã có dịp...