Giáo dục giới tính … học sinh về nhà tự nghiên cứu?
“Là câu nói hầu hết ai cũng từng được thầy, cô giáo “dặn dò” khi học đến chương “ bộ phận sinh dục” trong sách Sinh học lớp 9″, TS tâm lý Nguyễn Thanh Nga cho biết như vậy trước hiện trạng nhiều vụ việc xâm hại tình dục học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.
Học sinh “đói” thông tin
Theo TS tâm lý Nguyễn Thanh Nga, không chỉ riêng môn Sinh học lớp 9, trong những tiết học có nội dung nói về giáo dục giới tính (GDGT), tình dục môn Giáo dục công dân lớp 9 và môn Khoa học lớp 5 cũng như vậy.
Lý do của hành động đó xuất phát từ sự rụt rè, né tránh các vấn đề nhạy cảm của người học và người dạy trên bục giảng. Chính những mầm mống coi nhẹ ấy mà biết bao sự vụ xâm hại tình dục kéo dài trong bóng tối và những tên “yêu quái” vẫn núp bóng người tử tế để lợi dụng các em nhỏ.
TS Nguyễn Thanh Nga cho hay, rất nhiều lần phải rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện thương tâm theo kiểu “sự đã rồi” của các nạn nhân nhí. Tôi nhận ra các em rất ” đói” thông tin về giáo dục giới tính, sinh sản dù các em được tiếp cận và đọc rất nhiều từ điện thoại, máy tính và sách mỗi ngày. 90% học sinh vẫn rất mơ hồ và không thể kể cụ thể một hành vi như thế nào là xâm hại tình dục.
Tôi từng gặp trường hợp về cô bé hàng xóm cạnh nhà tôi, không thể qua học phần bơi lội trong môn thể dục lớp 10 vì sợ tinh trùng của bạn trai bò dưới nước sang “tấn công”. Em được học rằng tinh trùng kết hợp với trứng sẽ có thai nhưng điều đó diễn ra thế nào lại mù tịt do được học chưa đến nơi, dạy theo kiểu “tự nghiên cứu” nên dẫn đến việc các em bị ngộ nhận và cực kì ngây ngô.
Câu chuyện nó thật nực cười, nhưng đủ để chúng ta lo lắng khi lẽ ra các em phải được trang bị các kiến thức từ sớm thì chúng ta lại dạy theo kiểu “chạy theo”. Khi phát hiện trẻ có vấn đề hay sự việc đã rồi mới bắt đầu mời chuyên gia về tư vấn, chia sẻ “chạy”, mà chạy cũng không đúng cách. Những lúc như vậy tôi chỉ biết lắc đầu mà trách các bậc làm cha mẹ, làm thầy cô của các em.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục giới tính trẻ nhỏ.
Cô giáo Lê Thị Hằng, trường Tiểu học Đoàn kết (Hà Nội) cho rằng, việc GDGT trong sách giáo khoa phổ thông chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế. Nội dung còn nặng về lý thuyết, kiến thức mà quên việc trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình nên dù biết nhiều nhưng các em vẫn gánh hậu quả tiếc.
Tôi cho rằng việc đưa GDGT vào sách giáo khoa lớp 5 hay lớp 9 cũng đều là quá muộn. Rất nhiều cháu dậy thì được vài năm rồi mới được học chương trình giới tính. Chưa kể là nội dung chương trình còn nhiều bất cập, cô Hằng nhấn mạnh.
“Chương trình Giới tính lớp 5 có những mục như: sự sinh sản; nam hay nữ; cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào; Cần làm gì để cả mẹ và bé đều khỏe; từ lúc mới sinh đến tuổi dậy thì; từ tuổi vị thành niên đến tuổi già; vệ sinh ở tuổi dậy thì… Trong khi đó, những nội dung như xuất tinh, mộng tinh, di tinh hay thủ dâm, nguyệt san, giới tính thứ ba… và đặc biệt quan trọng là nội dung phòng tránh và ứng phó khi bị xâm hại lại không có.
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, Bộ Y tế cho biết, nội dung giáo dục giới tính chưa được tách bạch thành môn học hoặc chương trình chuyên biệt mà vẫn còn lồng ghép vào các bộ môn khác như “sức khỏe” hay “sinh học”. Nội dung mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” hơn là giáo dục cả về mặt tâm lý lẫn kỹ năng cho học sinh
Video đang HOT
Vẽ đúng đường cho hươu chạy
Cũng theo bác sỹ Phạm Vũ Thiên, nhiều phụ huynh khi chứng kiến các câu chuyện về xâm hại tình dục thường phàn nàn không biết ở trường các thầy cô giáo dạy GDGT ra sao mà các cháu cứ ngây ngô như “gà công nghiệp” một lứa như nhau.
“Tôi cho rằng, việc giảng dạy kiến thức giới tính, sinh sản, tình dục là thường xuyên, liên tục, không chỉ vài tiết dạy học trên lớp mà các cháu “ngộ đạo” ngay được. Trong GDGT tích cực, việc học ở trường chiếm 30% và học ở nhà 70%; các vị phụ huynh đừng quên con cái gắn kết với cha mẹ nhiều hơn là thầy cô và bạn bè.
Do đó, bố mẹ phải là người đầu tiên trang bị các kiến thức cần thiết cho con và cũng đừng bao giờ “e ngại” hay đùa cợt kiểu đối phó: “Con được sinh ra từ nách, con được nhặt về từ thùng rác”.
TS Lê Thị Mai, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, bố mẹ lảng tránh khiến con nghĩ rằng những vấn đề liên quan đến giới tính là cực kỳ tệ hại, dẫn đến hình thành tâm tính đứa trẻ không thích chia sẻ với người khác. Từ đó, rất dễ xảy ra tình trạng bị lạm dụng mà không biết hoặc không dám nói với người khác.
Phụ huynh nên tận dụng mọi cơ hội để gợi mở các cuộc trò chuyện cùng con về vấn đề sinh sản, tình dục và hành vi của xâm hại tình dục. Điều đó sẽ giúp con dễ nhận thức được các mức độ và sự nguy hiểm từ những người xung quanh khi tiếp xúc ở cự li quá gần với con.
Ngoài ra, TS Lê Thị Mai khuyên các gia đình nên định hướng cho con có thái độ sống, giá trị sống mang tính văn hóa, hoạt động vui chơi lành mạnh cùng bố mẹ. Như vậy, sẽ góp phần giúp các bạn học sinh ý thức bảo vệ giá trị bản thân và tăng sức đề kháng trước những cạm bẫy.
Hà Cường
Theo Dân trí
Dạy con "phòng vệ" với giáo viên: Phụ huynh cũng rối bời!
Những vụ việc dâm ô, quấy rối xảy ra với học sinh trong trường học đã buộc phải đặt ra vấn đề giới hạn giao tiếp giữa thầy và trò trong việc bảo đảm an toàn cho con trẻ. Nhưng chính phụ huynh cũng rối bời không biết phải giáo dục con thế nào...
Nói quá làm con sợ
Việc hiệu trưởng ở Phú Thọ lạm dụng nhiều nam sinh gây chấn động vào cuối năm 2018 thì mới đây dư luận lại bàng hoàng trước sự việc một giáo viên tiểu học ở Bắc Giang bị tố dâm ô nhiều học sinh nữ. Rồi lại hoảng hốt trước những tin nhắn với lời lẽ "gạ tình" của một thầy giáo THPT ở Thái Bình với một nữ sinh của trường.
Trước đó, cũng có những trường hợp thầy giáo phải ngồi tù trả giá cho hành vi xâm hại học trò.
Ngôi trường tiểu học ở Bắc Giang - nơi phụ hynh phản ánh nhiều học sinh nữ bị thầy giáo dâm ô
Thế nhưng, việc dạy con trẻ "phòng vệ" với chính giáo viên là một việc càng nghĩ càng thấy khó. Vị thế của một người thầy, trẻ bắt đầu chập chững đến trường đã quen với lời dặn dò "nghe lời thầy cô"...
Chị Phạm Ngọc Dung, ở Phú Nhuận, TPHCM bày tỏ, chị đọc và học hỏi rất nhiều về giáo dục giới tính cho con. Chị hiểu rằng nên nói con tránh xa người xấu, chứ không chỉ là người lạ nhưng rất lúng túng trong việc dạy con giao tiếp với thầy cô.
"Bản thân tôi rất khó để nói cho con hiểu về việc giữ khoảng cách với thầy cô, và vì sao phải như vậy. Không nói thì không được mà nói không đúng sẽ làm con hoảng sợ, mất niềm tin", người mẹ lo lắng.
Trong đó, chị Trần Minh Anh, có con học tiểu học ở Bình Thạnh (TPHCM) cho biết, lớp con chủ nhiệm là thầy giáo và giáo viên một môn cũng là nam nên thật lòng chị rất quan tâm đến việc làm sao giữ an toàn cho con.
Chị từng "dọa" con tránh xa tất cả đàn ông, họ có thể làm điều xấu với con làm cháu bị mất thăng bằng trong giao tiếp với nam giới, kể cả với bố.
Chị Anh thở dài: "Biết mình làm vậy là không đúng nhưng quả thật tôi không biết phải nói thế nào với con. Cháu mới lớp 4 mà cao lớn, phổng phao, hồn nhiên... mà mẹ mất ăn mất ngủ".
Giới hạn giao tiếp cho thầy trò
Các nghiên cứu, khảo sát về vấn nạn xâm hại tình dục đều nhấn mạnh, hầu hết thủ phạm của các vụ xâm hại, quấy rối đều là người quen với nạn nhân. Với nhiều vụ việc đã xảy ra, không thể né tránh việc học sinh có thể gặp nguy hiểm ngay trong trường học mà ở đó "thủ phạm" quấy rối, xâm hại có thể chính là giáo viên.
Người lớn rất quan tâm đến việc dạy đề phòng người lạ nhưng rất ít khi chú ý đến việc dạy trẻ "phòng" người quen, nhất là với người thân, thầy cô...
Học trò ở TPHCM trong chuyên đề về bảo vệ bản thân phòng chống xâm hại tình dục
Bác sĩ tình dục học Nguyễn Lan Hải (Cố vấn Hội quán Các Bà Mẹ) cho biết, trong "Luật bàn tay" về giáo dục giới tính cho con trẻ chỉ ra 5 vòng tròn giao tiếp gồm vòng tay - nắm tay - bắt tay - vẫy tay - xua tay.
Trong quan hệ giữa học trò và thầy cô, bác sĩ Lan Hải bày tỏ thuộc mối quan hệ tương tác ở vòng tròn thứ hai là đối với người thân cận. Các em có thể nắm tay và có thể cho phép ở mức vuốt tóc, vỗ vai thân mật, xoa đầu khích lệ...
Theo bác sĩ Hải, những điều này cha mẹ cần nhắc nhở, giáo dục, thực tập cùng con hàng ngày một cách nhẹ nhàng, nhất là khi gặp từng "đối tượng" tương ứng. Qua đó, cũng dạy trẻ nhận diện, tránh những người con thấy "đáng ngại" chứ không chỉ là người lạ.
Ngoài việc giáo dục các kỹ năng bảo vệ an toàn bản thân, điều quan trọng nhất, theo thầy Nguyễn Đức Thanh, giáo viên ở TPHCM là chúng ta đừng "nhồi" vào đầu con trẻ suy nghĩ: Thầy cô luôn luôn đúng và bắt học trò luôn luôn phải nghe lời thầy cô.
Các em cần hiểu rằng nghề nào, nơi nào cũng có người này người nọ để các em có niềm tin nhưng không quên việc "dè chừng".
"Như vậy, các em mới dễ dàng trong việc nhận diện người tin cậy và người đáng ngại. Không chỉ trong chuyện xâm hại, quấy rối mà trong mọi vấn đề các em cần được giáo dục cách nhìn về sự việc, con người một cách tư duy, đa chiều", thầy Thanh khẳng định.
5 vòng tròn giao tiếp trong "Luật bàn tay" về giáo dục giới tính:
1/ Tâm vòng tròn: dành cho người ruột thịt (bố đẻ, mẹ đẻ, anh chị em ruột), trẻ được quyền (hoặc cho phép) VÒNG TAY ôm hôn, bế ẵm, cõng, tắm khi nếu khi con chưa tự mình làm vệ sinh, ngồi vào lòng, ngủ chung,...
2/ Vòng tròn tiếp theo, dành cho người thân cận như bà con, thầy cô, bạn bè: bé được quyền NẮM TAY, "cho phép" vuốt tóc, vỗ vai thân mật, xoa đầu khích lệ.
3/ Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của cha mẹ, đã được gia đình sàng lọc), trẻ được quyền BẮT TAY, chào hỏi, trò chuyện,...
4/ Vòng tròn thứ 4: dành cho người lạ, trẻ chỉ cần VẪY TAYchào, tạm biệt.
5/ Ngoài tất cả các vòng tròn này, với những "người đáng ngại", bé XUA TAY, không tiếp xúc (chứ không phải là xua đuổi, chọc phá, kỳ thị người ta). Người đáng ngại không phải là người đen đủi xấu xí, ngớ ngẩn, tâm thần hay người làm nghề nào đó mà là tự trẻ cảm thấy không thích, bất an, không thoải mái.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải
Hoài Nam
Theo Dân trí
Nữ tiến sĩ tình nguyện dạy kiến thức giới tính miễn phí cho học sinh 100 trường trên toàn quốc Theo TS Vũ Thu Hương, từ năm 2019, Dự án Giáo dục giới tính cho học sinh nghèo sẽ được triển khai với học sinh của 100 trường học trên toàn quốc. Hướng tới đối tượng trẻ em ở các khu vực nghèo khó của các tỉnh, thành trên cả nước, bắt đầu từ năm 2019, TS Vũ Thu Hương tình nguyện dạy...