Giáo dục giới tính càng sớm càng tốt
Thời gian gần đây trẻ dậy thì sớm đã trở thành hiện tượng phổ biến khiến cha mẹ khá bất ngờ và lo lắng.
Nên học từ lớp 2
Cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của một trường tiểu học tại Q.1 TP.HCM kể: “Hôm đó, đang trong giờ học, một bé gái tự nhiên khóc òa và hoảng hốt hét lên khi có hiện tượng “đến tháng”. Tôi liền gọi điện báo thì mẹ cháu cũng bất ngờ vì thấy con mình còn nhỏ”. Hay như chị H.L.An – phụ huynh học sinh (HS) tại Q.3 cho biết: “Cháu đang học lớp 5 nhưng có hiện tượng dậy thì từ năm lớp 4 và đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn ân hận. Có một lần khi xem quảng cáo trên ti vi, con gái hỏi tôi về tác dụng của “miếng có cánh”, tôi vô tình gạt đi vì nghĩ rằng vài năm nữa con mới cần dùng đến nên từ từ giải thích. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, cháu có dấu hiệu hằng tháng và tỏ ra vô cùng sợ sệt khi chưa có sự chuẩn bị về tâm lý”.
Theo các chuyên gia, cần giáo dục giới tính cho HS càng sớm càng tốt – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hiện nay, HS tiểu học bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính từ lớp 5 qua các bài như cơ thể người, về trứng, tinh trùng, về bào thai… Tuy nhiên, việc đưa chương trình giới tính vào giảng dạy khi nào là phù hợp vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Chị N.T.Q ở hẻm 107B Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM tỏ thái độ: “Mới lớp 5 mà SGK đã đề cập đến những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, sự thụ tinh… là quá sớm”. Chị quả quyết rằng nếu để HS tiếp cận với những kiến thức đó sớm, vô tình sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Ngược lại, chị Trần Hoàng An (Q.5, TP.HCM) lại cho rằng: “Giờ trẻ phát triển khá sớm, lớp 5 mới học thì e cũng hơi muộn”. Và chị giải thích rằng: “Đầu năm học lớp 6, con gái tôi về kể 2 bạn trong lớp yêu nhau, giờ ra chơi, bạn nam thường xuyên xuống chỗ ngồi của bạn nữ ôm hôn nhau và có nhiều hành động vượt quá một tình bạn thông thường. Do đó, phải cho HS tiếp cận với những kiến thức về sức khỏe sinh sản sớm hơn để các em có khoảng thời gian tìm hiểu. Khi đã dậy thì rồi nếu các em không nắm vững kiến thức, không biết kiểm soát hành vi thì dễ dẫn đến hậu quả”.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường phổ thông Trí Đức (Q.Tân Phú), cũng cho rằng: “Nên cho HS tìm hiểu những kiến thức về lĩnh vực sức khỏe sinh sản từ lớp 4 vì HS bây giờ tiếp xúc với internet khá nhanh nhạy nên nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ rất nguy hiểm”. Thầy Trần Xuân Kiển – giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), cũng đồng tình: “Nên dạy sớm hơn, chẳng hạn, ở lớp 2, HS bắt đầu tiếp cận những kiến thức về cơ thể người, giới tính, vệ sinh cá nhân… Dần dần, cho các em học về sức khỏe sinh sản, những biện pháp phòng vệ khi gặp tình huống xấu…”. Một bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cũng đề nghị: “Phải đẩy chương trình giáo dục giới tính trong trường lên dạy cho HS ngay từ lớp 2. Tại Đức, trẻ đã học môn giáo dục giới tính ngay từ những năm đầu tiên đi học”.
Học hỏi suốt đời
Dù đã được đưa vào chương trình chính khóa nhưng theo ông Nguyễn Đạt Sử – Hiệu phó Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3), vẫn băn khoăn: “Đây là một phần kiến thức của môn học nên giáo viên chủ nhiệm dạy theo kiểu truyền đạt kiến thức và học tập trung cả lớp nên chưa có sự tương tác, HS cũng không hứng thú, ngại ngùng”. Chính vì lý do này thầy Trần Xuân Kiển đề nghị: “Nên chăng, mỗi trường có nhiều phòng để đến tiết học về giới tính nam nữ học riêng. Bởi lứa tuổi này HS vốn rất tò mò, có nhiều điều cần giải đáp”.
Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Trần Diễm Linh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), nhấn mạnh: “Dạy giới tính cho trẻ cần chú ý đến phương thức và thái độ. HS bây giờ biết nhiều và đoán được nhiều hơn mình nghĩ. Giáo viên đứng lớp mà thẹn thùng thì sẽ luống cuống”.
Dưới góc độ tâm lý, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM cho hay: “Nếu bạn nghĩ rằng phải đợi trẻ đến một cái tuổi nào đó rồi mới được bắt đầu làm “giáo dục giới tính” và cho rằng nhà trường mới chính là nơi có trách nhiệm trong vụ việc này thì bạn đã lầm. Thật ra giáo dục giới tính phải được thực hiện càng sớm càng tốt và phải được bắt đầu ngay từ dưới mái gia đình. Bố mẹ, ông bà và ngay cả người giúp việc… là những người thầy đầu tiên của trẻ”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh thêm: “Giáo dục giới tính là học hỏi suốt đời, hằng ngày; trong gia đình là chủ yếu, sau đó mới đến trường học. Đừng quên rằng truyền hình, sách, báo, phim ảnh, games online… là những “nguồn lực” giáo dục giới tính rất mạnh mẽ, tạo nên cách nghĩ cách làm cho cả thế hệ, cả cộng đồng, nên phải hết sức có trách nhiệm”.
Theo TNO
HS thừa nhận: "Học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu"
Trong buổi đối thoại với lãnh đạo sở GD-ĐT TPHCM vào ngày 28/3, phần lớn trong số 60 ý kiến của học sinh đều trăn trở đến chương trình học. Thậm chí các bạn cho rằng chương trình nặng, học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu.
Hơn 150 học sinh (HS) đến từ các trường THPT trên toàn thành phố đã có dịp thẳng thắng nói lên những suy nghĩ, tâm tư của mình về những vấn đề học tập, sinh hoạt, mối quan hệ giữa thầy trò, ba mẹ... Đặc biệt, đa phần các bạn đều ý kiến rằng chương trình học hiện nay vẫn còn quá nặng về lý thuyết, nhiều áp lực cho HS.
Bạn Lê Trần Thanh Trúc, HS trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp) bày tỏ rằng mặc dù hiện nay đã giảm tải, giảm tiết nhưng chương trình học vẫn còn nặng về lý thuyết, HS ít có cơ hội được thực hành, kiểm nghiệm trong thực tế khiến không nhớ bài lâu. Hay như môn tiếng Anh chỉ nặng lý thuyết, thiếu những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất. Muốn nâng cao kỹ năng bắt buộc nhiều bạn phải ra học ở trung tâm ngoại ngữ, nhưng với các bạn không có điều kiện thì đành chịu thiệt thòi. Vậy học tiếng Anh để làm gì khi không thể áp dụng thực tế?
Học sinh TP.HCM thẳng thắng bày tỏ những suy nghĩ của mình về chương trình học nhiều áp lực.
Cùng quan điểm này, bạn Phan Quốc Trí, HS lớp 12 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ý kiến rằng thời lượng chương trình học phân bổ chưa hợp lý. Đơn cử như môn Văn, một tác phẩm được phân bố học 2 - 3 tiết nhưng thực tế phải học đến gấp đôi thời lượng mới hiểu hết được nội dung. Cũng như môn Lịch sử từ cấp 1 đến lúc học phổ thông đã được học với nội dung trùng lập lại khá nhiều. Điều quan trọng là học Sử để hiểu rõ tinh thần của dân tộc, học trọng tâm để nhớ sự kiện hơn là những con số, chi tiết khá lặt vặt mà HS chẳng nhớ được bao nhiêu. Còn môn ngoại ngữ trong sách giáo khoa khá lạc hậu, ít thú vị chưa phát huy hết các kỹ năng của môn này.
Bạn Trần Nguyễn Minh Thùy, HS trường THPT Củ Chi thì cho rằng các môn học như Giáo dục công dân là môn học thiết thực để dạy làm người nhưng ở nước ta lại chỉ dạy 1 tiết/tuần mà lại khó hiểu, trừu tượng và không gắn với thực tế. Trong khi đó, môn Tin học tại sao không ứng dụng những công nghệ hiện đại bây giờ mà chỉ dạy những chương trình khô, lạc hậu.
Bạn Ngô Trọng Hiền, HS trường THPT Gia Định bày tỏ băn khoăn: "Chúng em đến trường để học kiến thức nhưng chúng em cũng cần biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào đời sống. Mặc dù được học nhiều môn nhưng phần ứng dụng lại gần như bỏ đi".
Bên cạnh mong mỏi lãnh đạo Sở có phương án giúp giảm áp lực chương trình học, các bạn cũng cho rằng nên bổ sung các hoạt động ngoại khoá, rèn kỹ năng sống hơn là chỉ học và học. HS Lê Hoàng Định, trường THPT Lê Minh Xuân (H. Bình Chánh) đặt vấn đề kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ nhưng tại sao kỹ năng sống chỉ mới phát triển là một hoạt động mà không trở thành tiết chính khóa trong hệ thống giáo dục.
Minh Thùy, trường THPT Củ Chi kiến nghị rằng những chương trình giáo dục giới tính, tâm lý hiện còn quá xa vời. "Thầy cô chỉ mới dạy chúng em về lý tưởng sống còn những vấn đề thắc mắc của chính HS chưa được chưa đi vào thực tế, đôi khi thầy cô còn lãng tránh mà không giải đáp cho HS hiểu" - Minh Thùy cho biết.
Còn HS Nguyễn Huy Hiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An chia sẻ rằng: "HS chúng em học nhiều đến mức giống cái máy photo. Tại sao không kèm thêm học là những sân chơi, hoạt động ngoại khóa để chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn?".
Lắng nghe các bức xúc của HS, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận việc các học sinh phản ảnh chương trình nặng nề có phần là do tâm lý xã hội đặt nặng vấn đề thi cử. Còn ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT thì cho biết Sở sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các học sinh để tạo điều kiện tốt nhất về môi trường học tập. Ông Sơn cũng động viên tinh thần các HS hãy tích cực trong học tập và rèn luyện.
Theo Dân trí
Bi hài teen 'nhiễu' thông tin về sức khỏe giới tính Bố thơm vào má lo có bầu, ở lớp không dám ngủ vì sợ tinh trùng của các bạn trai "tấn công"... Những tình huống người nghe không khỏi bật cười nhưng cũng phải giật mình vì sự mù mờ về giới tính của nhiều bạn tuổi teen. "Bố thơm có bầu không mẹ?" Chị Khương (tên nhân vật đã thay đổi), nhà...