Giáo dục được ưu tiên trong tái thiết cuộc sống
Hệ thống phòng học, công trình phụ trợ, hệ thống nước, hệ thống điện, sách vở, dụng cụ học tập, cặp sách, áo phao… là những thứ mà ngành giáo dục vùng lũ miền Trung đang rất cần vào lúc này.
Để sớm đón học sinh trở lại trường, các tỉnh Quảng Bình đã huy động tổng lực để khắc phục hậu quả và giáo dục được coi là ưu tiên hàng đầu trong việc tái thiết cuộc sống của chính quyền và người dân nơi đây.
Nhìn khung cảnh các trường học tan hoang với những lớp bùn non đặc quánh đọng lại đầy sân trường, lớp học; sách vở, đồ dùng dạy học cùng hệ thống khuôn viên, các phòng học chức năng hư hỏng nặng, nằm ngổn ngang xen lẫn các loại rác thải, lấm lem bùn đất; nhiều đồ dùng học tập, thiết bị dạy học bị cuốn trôi theo dòng nước lũ… ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình khó có thể khôi phục lại việc học bình thường trong thời gian ngắn nếu không có sự trợ giúp từ các nguồn lực xã hội.
Cơ sở vật chất nhiều trường bị hư hỏng nặng sau cơn lũ.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngoại trừ một số vùng trũng, do ảnh hưởng của bão số 9 nước dân ngập một số đoạn đường liên xã, liên thôn, học sinh trên địa bàn huyện đã quay trở lại học bình thường từ đầu tuần. 8/85 điểm trường bị sập hoàn toàn, hiện đang học ghép.
Riêng về giáo dục, UBND huyện có lời kêu gọi riêng để các nhà tài trợ nắm rõ những thứ mà ngành giáo dục huyện Lệ Thủy đang rất cần vào lúc này. Nhân dân và học sinh huyện Lệ Thủy đang rất cần sự giúp đỡ của các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học cho các trường học, đảm bảo học sinh vùng lũ khi đến trường có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu. Bên cạnh những hỗ trợ bằng tiền mặt, các trường cũng đang rất cần được trang bị hệ thống máy nổ phòng khi có sự cố; hệ thống đò ghe, áo phao để các trường chủ động hơn trong phòng, chống lũ.
Dù đã chủ động trong công tác phòng, chống nhưng do mực nước lũ quá cao (nhiều đơn vị các phòng học ngập sâu hơn 2,0 mét) nên thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là hết sức nặng nề. Toàn huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có 50/85 đơn vị bị ngập sâu, một số đơn vị khác bị ngập cục bộ các khu vực lẻ; nhiều phòng học bị sóng đánh làm sập tường và hư hỏng hệ thống cửa, phần lớn trang thiết bị dạy học, bàn ghế ở tầng 1 đều bị hư hỏng hoặc nước cuốn trôi…
Học sinh Trường THCS Liên Thủy, Lệ Thủy đã đi học trở lại.
Ông Lê Ngọc Thành, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, cơn lũ lụt đã khiến 186 phòng phòng học, 111 phòng chức năng, 31 phòng nội trú bị hư hỏng nặng; 3.237 bộ sách vở, tài liệu bị ướt, cuốn trôi. Cùng với đó là các công trình phụ trợ, bàn ghế, thiết bị văn phòng, máy móc cũng có hiện tượng bong, hỏng do ngâm trong bùn nước lâu. Ước tính thiệt hại bằng tiền khoảng 23 tỉ đồng.
Do đó, những vấn đề huyện đang quan tâm khắc phục là tu sửa, cải tạo (hoặc xây mới) hệ thống phòng học, công trình vệ sinh, nhà bếp, hệ thống nước, hệ thống điện bị hư hỏng. Mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu, tủ lớp học, bảng lớp, trang thiết bị dạy học như: Máy tính, ti vi, đèn chiếu; đối với mầm non cần thêm tủ lạnh, nồi cơm, hệ thống dụng cụ nhà bếp, bán trú cho trẻ…
Học sinh vùng lũ cần nhất vở, bút, sách giáo khoa
"Vở, bút, cặp sách, mũ bảo hiểm, áo mưa... là những thứ học sinh vùng lũ cần nhất ngay lúc này để sẵn sàng trở lại trường học sau khi lũ rút", đây là chia sẻ của cô Trần Thị Thái, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử.
Theo cô Trần Thị Thái, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, Trường THPT Quảng Ninh mặc dù được xây dựng trên địa thế khá cao nhưng cũng đã bị ngập nặng tầng 1, gây hư hại một phòng máy có các máy vi tính phục vụ công việc học tập của các em học sinh. Hiện nay, nhà trường đang khắc phục hậu quả do mưa lũ, huy động nguồn lực tại chỗ dọn dẹp vệ sinh trường học để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.
Nước lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng nhiều đồ dùng học tập của học sinh vùng lũ. Ảnh: Trường THPT Quảng Ninh.
Nhà trường cũng đã tổ chức công tác thăm hỏi, động viên các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề sau mưa lũ đồng thời hỗ trợ các em những vật dụng thiết yếu như: Sách giáo khoa, vở, bút, cặp sách... để các em yên tâm quay trở lại trường học.
Cô Trần Thị Thái cho biết thêm: Những ngày qua, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất cũng như tiền mặt của rất nhiều đoàn từ thiện. Tính tới thời điểm hiện tại, nhà trường đã có cơ bản đủ sách giáo khoa để hỗ trợ cho các em học sinh bị mất sách do mưa lũ cuốn trôi. Hiện nay, các em học sinh vùng lũ rất cần được hỗ trợ thêm các vật dụng bao gồm: Vở, bút, cặp sách, mũ bảo hiểm, áo mưa... để có thể trở lại trường học sau khi lũ rút.
Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, cá nhân hảo tâm trong cả nước, không chỉ các em học sinh tại Trường THPT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mà các em học sinh tại các địa phương bị ảnh hưởng do mưa lũ sẽ sớm ổn định cuộc sống, trở lại trường học.
Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ và ủng hộ cho các em học sinh vùng lũ thông qua chương trình "Nghĩa tình với miền Trung" do Báo Quân đội nhân dân phát động, theo số tài khoản: 0521101283003, Chủ tài khoản: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, Ngân hàng TMCP Quân đội, Chi nhánh Điện Biên Phủ, Phòng giao dịch Lý Nam Đế. Khi chuyển ghi rõ: Nghĩa tình miền Trung. Hoặc đóng góp trực tiếp bằng tiền mặt tại tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mọi chi tiết xin liên hệ: Thiếu tá Hoàng Trường Giang, Phó trưởng Phòng Phát hành và Truyền thông, điện thoại: 0986.556.985.
Xúc động dòng thư của học sinh lớp 4 gửi tặng bạn vùng lũ "Món quà ít ỏi, nhưng cả tấm lòng. Tớ mong trận lũ lụt sẽ qua đi để các bạn được đến trường. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để xứng danh cháu ngoan Bác Hồ", đó là dòng thư ngắn mà em Huyền My đã kèm trong chồng sách cũ gửi tặng các bạn vùng lũ. Sách vở, đồ dùng học tập...