Giáo dục đạo đức cho HS-SV: “Khoảng trống” trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Tại hội thảo “ Nhà trường, gia đình và xã hội với giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay” vừa diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã nêu ra một số “khoảng trống” trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, trước khi đến với nhà trường, trẻ em đều ảnh hưởng bởi giá trị truyền thống đạo đức hình thành trong gia đình. Khi đến trường, các em sẽ được đặt trong môi trường giáo dục có hệ thống, có mục tiêu,…
“Rất nhiều gia đình khi cho con em đến học tập ở trường, nhưng lại chưa chuẩn bị sẵn sàng sự phối hợp để hòa nhập mục tiêu giáo dục của trường. Hay nói cách khác, có tồn tại mục tiêu giáo dục gia đình đang không đồng nhất với mục tiêu của nhà trường, một bộ phận gia đình chưa lĩnh hội được mục tiêu, phương pháp giáo dục của nhà trường đối với con em mình”, bà Thơ nói.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, có nhiều “khoảng trống” trong sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục các em học sinh.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, qua nghiên cứu hơn 8.000 mẫu (phiếu thăm dò, đánh giá-PV) tại 10 trường ở Hà Nội và Hải Phòng cho thấy, trong khi mục tiêu nhà trường giáo dục con người trọng tâm vào kiến thức, kỹ năng, thái độ thì một bộ phận không nhỏ gia đình đang “chấp chới” giữa 2 mục tiêu, một là thành tích học tập và hai là không có mục tiêu gì cả.
“Nhiều phụ huynh đang không hiểu rõ việc giáo dục của gia đình quan trọng như thế nào. Khi được hỏi thì hầu hết đều trả lời “trăm sự nhờ các thầy các cô”. Tuy nhiên, có trường hợp cho rằng nhà trường dạy người trước khi dạy chữ, nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi ngược lại là dạy người được đo lường như thế nào thì hầu hết phụ huynh không trả lời được”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu thực trạng.
Trong khi đó, mặc dù các trường học rất quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh, tuy nhiên trong đánh giá đo lường cũng như biện pháp thì lại xem nhẹ được thể hiện ở nhiều tiêu chí.
“Trong việc lượng hóa kết quả học tập của học sinh, chỉ quan tâm thành tích học tập, một luật bất thành văn đó là rất nhiều giáo viên dựa vào kết quả học tập của học sinh mà đánh giá sang hạnh kiểm của học sinh. Nói đơn giản là nếu học sinh có học lực giỏi thì các em sẽ được hạnh kiểm khá trở lên, nhưng nhiều em có học lực giỏi thì chưa chắc là người tu dưỡng, có hạnh kiểm tốt”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu một tiêu chí.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ phát biểu về giáo dục đạo đức HS-SV
PGS.TS Chu Cẩm Thơ viện dẫn, như ở Nhật Bản việc giáo dục đạo đức được cụ thể hóa 3 vấn đề mà chúng ta có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay. Đó là các tài liệu hướng dẫn cha mẹ học sinh nhận biết được chuẩn mực đạo đức, cũng như thể hiện bên ngoài hành vi của các em như thế nào.
Họ thực hiện giờ giáo dục mở với sự tham gia của gia đình, tổ chức xã hội, địa phương, tạo ra hệ sinh thái rất tốt. Khi các tổ chức xã hội và gia đình hiểu được ở lớp các em đang học thế nào, ở nhà cần phải làm gì để tạo môi trường giáo dục tốt nhất.
“Cái nữa là họ có chế tài rất khắt khe đối với vai trò của cha cha mẹ trong giáo dục các con. Việc này ở Việt Nam có quy định trong luật trẻ em, tuy nhiên chúng ta chỉ thực hiện việc chế tài này khi xảy ra vấn đề phạm tội, chứ chưa dự phòng được dấu hiệu chuẩn bị như thế nào”, bà Thơ nêu ý kiến.
Trước những “khoảng trống” trong giáo dục đạo đức công dân cho HS-SV được nêu ra, PGS.TS Chu Cẩm Thơ đề xuất, trong thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục của gia đình trong giáo dục của trường; hướng phụ huynh trong việc giáo dục HS-SV, trong đó Tiểu học tập trung giáo dục nề nếp và kỷ luật, còn Trung học cơ sở tập trung hành vi thích ứng và chịu trách nhiệm xã hội.
“Nhà trường cần tổ chức các hoạt động mở để tất cả phụ huynh và các tổ chức xã hội được tham gia học những bài học mẫu, được phản biện và xây dựng mục tiêu giáo dục của họ”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Còn TS. Trần Thanh Pôn (nguyên cán bộ Viện khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, có một tiêu chí trước đây gọi là “điển hình tiên tiến” để giáo dục đạo đức có thể đã xa xưa, nhưng vẫn còn đúng bất kỳ ở thời gian nào, đó là làm gương.
“Cha mẹ, thầy cô giáo, xã hội phải làm gương và lấy cái gương đó để dẫn dắt các em nhỏ cho đến lớn sống theo phẩm chất, lẽ phải của con người. Còn nếu gia đình, xã hội, thầy cô giáo sai thì rõ ràng không giáo dục được đạo đức cho các em”, TS. Pôn nhấn mạnh.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
An ninh trường học bị bỏ ngỏ, vì sao?
Vụ việc côn đồ vào trường đâm học sinh ở Thanh Hóa mới đây thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn tại trường học.
Bảo vệ vừa thiếu vừa yếu chuyên môn
Ngày 3/5, một nam thanh niên có biểu hiện bất thường đã nhảy qua tường rào, xông vào Trường Tiểu học xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), cầm dao đâm chém nhiều học sinh đang chơi ở sân trường. Em Lê Hữu Phước, học sinh lớp 5A, bị đâm tử vong tại chỗ; 4 học sinh và 1 giáo viên bị thương. Đáng nói là, vào thời điểm xảy ra sự việc, bảo vệ của trường không có mặt vì sau giờ học sinh vào lớp, bảo vệ đã đóng cổng trường, rồi đi làm một số công việc mưu sinh khác.
Trường mầm non Na Mèo (Thanh Hóa) có cổng và tường rào đơn sơ.
Theo ông Lê Thiên Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Lương, do kinh phí hạn hẹp nên nhà trường thuê 1 bảo vệ trường với mức lương 800.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập này, để người bảo vệ trực tại trường 24/24h là khó. Và sự việc đau lòng đã xảy ra.
Trước đó, tháng 11/2018, một học sinh lớp 9 của một Trường THCS ở Hà Tĩnh bị 2 thanh niên lạ mặt xông vào trường học hành hung hoặc những vụ đánh hội đồng ngay tại trường học... Nhiều người đặt câu hỏi: Bảo vệ nhà trường ở đâu khi để xảy ra sự việc mà không can ngăn kịp thời? Các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, lo lắng cho tính mạng, sự an toàn của con em mình ngay cả khi ở trường học - nơi được cho là an toàn nhất.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là tại các cơ sở giáo dục của nhiều địa phương hiện không có vị trí việc làm cho nhân viên bảo vệ. Do kinh phí eo hẹp, với mức lương thấp nên nhiều trường chỉ thuê bán thời gian, thậm chí có trường còn không thuê nổi bảo vệ. Hoặc bảo vệ là những người không có chuyên môn, nghiệp vụ, không được đào tạo, nên thường "bất lực" khi có những sự cố xảy ra tại trường học.
"Các lãnh đạo ở vùng miền và các cơ sở giáo dục cần được trang bị kiến thức về vấn đề an ninh trường học. Lực lượng bảo vệ phải có chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời giáo viên, học sinh cũng được cung cấp những kiến thức phòng chống tội phạm xã hội, kỹ năng ứng phó khi có nguy hiểm. Bởi đã nhiều vụ việc xảy ra ở học đường không chỉ là vấn đề bạo lực, mà còn cả xâm hại tình dục, bắt cóc, trấn đồ của học sinh... Vì thế, việc tổ chức lực lượng bảo vệ để đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học là quan trọng vô cùng". Thạc sĩ Phạm Thị Yến
Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý trường tiểu học, thạc sĩ Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Jean Piaget (Hà Nội) cho biết: "Ở trường tôi Ban giám hiệu và tổ bảo vệ vẫn thường xuyên có những buổi nhận định các nguy cơ và chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo an ninh trường học. Đặc biệt, khi học sinh đã vào học hết thì bao giờ cũng đóng cổng trường và khách đến liên hệ chỉ qua cổng phụ. Khi khách cần liên hệ với bộ phận nào trong trường thì bảo vệ sẽ điện thoại để kiểm chứng lại thông tin". Ngoài ra, theo cô Yến, giờ tan trường cũng là thời điểm dễ xảy ra nhiều vấn đề nên bảo vệ nhà trường luôn phối hợp với công an và lực lượng dân phòng để đảm bảo an toàn cho học sinh.
"Ở Hà Nội hay ở các địa phương, dù an ninh thắt chặt vẫn cần thiết trang bị kiến thức cho bảo vệ, có đường dây điện thoại "nóng" để gọi cho công an, lực lượng dân phòng khi cần thiết... Tôi đã có nhiều chuyến công tác về các trường ở Thanh Hóa, Sơn La, các tỉnh vùng sâu vùng xa thấy có những trường không có bảo vệ. Đáng lo ngại, có những địa bàn có nhiều đối tượng nghiện ma túy, tệ nạn nhưng cổng trường chỉ là rào giậu tre nứa đơn sơ, trống hơ trống hoác mà không có bảo vệ, vì không có tiền thuê" - cô Yến khuyến cáo.
Mong có một môi trường học đường an toàn cho con trẻ, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa nêu: "Bộ cần ý kiến để có được ít nhất 2 vị trí việc làm bảo vệ trường học, có thế mới có thể giữ an toàn cho học sinh được".
Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với công an, chính quyền
Bất cứ phụ huynh nào, khi gửi gắm con em mình cho nhà trường đều mong muốn một môi trường thực sự an toàn, nhưng đáng lo ngại là, nguy cơ mất an toàn đang xảy ra ở nơi tưởng chừng an toàn nhất.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng nhà trường THPTDL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: "Có 2 vấn đề cần làm ngay. Thứ nhất, mỗi nhà trường phải tổ chức tốt lực lượng bảo vệ, phải có những phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Thực tế ở nhiều nơi, bảo vệ nghiệp vụ thì thấp, trách nhiệm cũng thấp, thậm chí là ngồi ngủ gà gật trong giờ. Chính vì thế, giải pháp đầu tiên là huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ và quy định rõ trách nhiệm của họ đối với an ninh trong trường học. Để xảy ra những vụ việc trên thì hiệu trưởng hoàn toàn phải chịu trách nhiệm và tiếp đó là trách nhiệm của bảo vệ. Thứ hai là phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, phường, xã phải có phương án bảo vệ an toàn trường học. Tất cả những vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm vì trong phân cấp quản lý đã có quy định. Không chỉ hiện tượng côn đồ, mà còn có lừa đảo, bắt cóc học sinh đã xảy ra. Thực sự phải kiểm soát chặt chẽ bởi những trường hợp như vậy không phải là hy hữu, nó có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn có một môi trường an toàn cho học sinh, trước hết cần bắt đầu từ việc bố trí đủ vị trí việc làm bảo vệ cho các trường học./.
Ngày 6/5, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT đại diện cho Bộ GD-ĐT tới thăm hỏi, động viên các trường hợp bị nạn trong vụ việc đau lòng xảy ra tại Trường Tiểu học Đồng Lương (xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa).
Tại buổi làm việc với đoàn, thầy Lê Thiện Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Lương cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã ổn định tư tưởng, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, chăm lo cho học sinh và cô giáo cũng như hỗ trợ gia đình học sinh tử vong lo tang lễ. Đến sáng 6/5, nhà trường đã đón 392/398 học sinh trở lại lớp học bình thường.
Thu Hằng
Theo TNVN
Khi trường học không là nơi an toàn Trường học là nơi cả xã hội gửi gắm niềm tin về một môi trường an toàn nhất, nơi truyền thụ kiến thức, giáo dục đạo đức cho những thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại tình dục đã xảy ra khiến trường học - nơi tưởng là an toàn...