Giáo dục đại học thụt lùi: Chương trình, giảng viên lạc hậu
Chương trình thiếu thực tiễn, giảng viên hạn chế về ngoại ngữ, chưa thể cập nhật kiến thức mới khiến nhiều trường đang đào tạo những điều quá cũ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không đánh đồng các trường với nhau nhưng có thực tế là ở nhiều nơi, các trường rất khó đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo.
Nguyên nhân là các trường đại học (ĐH) không có nhân sự năng lực, giảng viên yếu ngoại ngữ, do đó hạn chế trong việc nâng cao trình độ.
Ngành nào cũng học na ná nhau
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới. Cái gốc của vấn đề là các trường không được tự chủ, đặc biệt là tự chủ đào tạo nên chương trình hiện nay rất lạc hậu.
“Dạy sinh viên những thứ cũ rích nên các em ngay khi ra trường đã tụt hậu là chuyện đương nhiên”, ông Hùng nhấn mạnh.
Điều kiện thực tập, thực hành tại các trường ĐH còn rất nghèo nàn. Ảnh: Người Lao Động.
Đồng quan điểm này, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, cho rằng dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) luôn nói các trường được tự chủ về chương trình đào tạo nhưng thực tế không phải vậy.
Thời gian đào tạo ĐH rút ngắn chỉ còn từ 3-5 năm nhưng Bộ GD&ĐT vẫn còn quy định 10 tín chỉ lý luận chính trị, 8 tín chỉ giáo dục quốc phòng, 7 tín chỉ ngoại ngữ, 3 tín chỉ thể chất – mất nguyên một học kỳ thì thử hỏi làm sao các trường chủ động được trong thời gian 2,5 năm còn lại?
Theo PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, sinh viên ĐH đang phải học rất nhiều nhưng có những môn không giúp ích được nhiều cho chuyên môn.
Bậc giáo dục phổ thông đã thay đổi rất nhiều trong khi chương trình bậc ĐH “rất ổn định” nhiều thập niên qua. Khi vào ĐH, sinh viên lại học lại những môn đã học ở bậc THPT. Sinh viên học các ngành khác nhau vẫn phải học chung một khối lượng những môn học giống nhau không cần thiết…
Một bất cập nữa là các trường ĐH khối ngành kỹ thuật dù theo hướng hàn lâm nghiên cứu hay thực hành vẫn đang chạy chương trình giống nhau.
Video đang HOT
Trong khi, lẽ ra những trường đào tạo theo hướng thực hành phải giảm lý thuyết tăng thực hành cho sinh viên thì chương trình lại giống hệt những trường thiên về định hướng nghiên cứu.
“Hiện nay, bộ đã không còn quy định cứng về chương trình khung nhưng muốn thay đổi cũng không dễ dàng do các trường cứ chạy theo quán tính, phần nữa là do năng lực của giảng viên nhiều nơi còn hạn chế”, PGS Ngoạn nói.
Yếu ngoại ngữ, ngại nghiên cứu
Chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố tiên quyết chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lực lượng giảng viên còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ngoại ngữ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng người thầy ngày nay khác xưa rất nhiều, phải chuyển từ truyền thụ kiến thức sang khơi dậy tư duy, năng lực tiềm ẩn của sinh viên; người thầy cần phải cập nhật những tiến bộ, những cái mới vào giảng dạy. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận giảng viên yếu do hạn chế về năng lực ngoại ngữ.
Tại ĐH Luật TP.HCM, GS Mai Hồng Quỳ cho biết trường đã ra quy định về chuẩn ngoại ngữ đối với giảng viên. Những giảng viên nào chưa đạt chuẩn phải đi học, nếu không đạt sẽ không xếp lớp. Lãnh đạo nhà trường cho rằng ngoại ngữ như cánh cửa mở ra thế giới, nếu không có ngoại ngữ cũng có thể xem như mù chữ.
Một báo cáo của Vụ ĐH và sau ĐH, Bộ GD&ĐT về công tác đào tạo sau ĐH đã thừa nhận rằng yếu kém lớn nhất của đội ngũ giảng viên nhiều năm qua là thiếu khả năng và thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa thường xuyên tiếp cận những kiến thức chuyên môn mới, hiện đại.
Yếu ngoại ngữ nên khó có thể tự đọc dịch tài liệu tham khảo và tham gia các hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ cho giảng dạy.
Theo Zing
Giáo dục đại học thụt lùi: Đào tạo vô tội vạ
Các trường đại học vẫn chủ yếu tập trung tuyển sinh ngành dễ dạy, dễ học, tránh phải tốn kém đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành nên thiếu bản sắc.
Theo các chuyên gia giáo dục đại học (ĐH), cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo giữa các ngành nghề, lĩnh vực và trình độ đào tạo ĐH hiện phát triển chưa cân đối.
Xu hướng đa ngành khiến các ĐH hiện nay giống như siêu thị - nơi chỉ chuộng những "món hàng" bán được.
Chỉ đào tạo những gì trường có
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), số nhóm ngành kinh doanh và quản lý đang được mở nhiều nhất với 403 ngành, kế đến là khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với 363 ngành, nhân văn 280 ngành, công nghệ kỹ thuật 232 ngành, máy tính và công nghệ thông tin 150 ngành...
Trong khi đó, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 116 ngành, sản xuất và chế biến chỉ 47 ngành, dịch vụ xã hội 16 ngành, dịch vụ vận tải 12 ngành...
Học sinh dự thi THPT quốc gia để tìm cơ hội vào ĐH. Ảnh: Người Lao Động.
Những trường đào tạo ĐH phân theo nhóm ngành cũng có sự mất cân đối. Cụ thể, nhóm kinh doanh và quản lý có đến 133 trường, máy tính và công nghệ thông tin có đến 116 trường, công nghệ kỹ thuật 85 trường.
Trong khi đó, đào tạo khoa học tự nhiên chỉ có 30 trường, khoa học sự sống 39 trường, kỹ thuật 51 trường, khoa học xã hội và hành vi 46 trường, nông lâm nghiệp và thủy sản 34 trường, pháp luật chỉ 17 trường...
Hệ cao đẳng (CĐ) cũng có đến 249 trường đào tạo kinh doanh quản lý, 208 trường đào tạo máy tính và công nghệ thông tin.
Rõ ràng, các trường hiện nay chỉ chuộng những ngành liên quan đến kinh doanh, quản lý, công nghệ thông tin... Đó là những ngành dễ tuyển sinh, dễ đào tạo mà không tốn chi phí đầu tư nhiều.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các cơ sở đào tạo chưa nghiên cứu nhu cầu đào tạo, chưa căn cứ vào thông tin về thị trường lao động và việc làm để xây dựng kế hoạch, thực hiện đào tạo theo nhu cầu sử dụng.
Vì thế, các trường vẫn chỉ chú trọng đào tạo những gì mình có khả năng mà chưa đào tạo những ngành xã hội cần và có nhu cầu lớn.
Bộ GD&ĐT cũng từng cảnh báo về tình trạng dư thừa lao động các ngành tài chính, quản trị kinh doanh. Thế nhưng, tỷ lệ nhóm ngành kinh doanh, quản lý được giảng dạy ở các trường CĐ vẫn chiếm 21,5% trong tổng số các ngành đào tạo.
Không có động lực nâng chất lượng
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định hiện nay, giáo dục ĐH nước ta còn yếu kém ở khâu tổ chức quản lý. Cụ thể, các tổ chức của ĐH nước ta và thế giới không mang tính chất tương đương nhau.
Ở nước ta, quan niệm về cơ cấu tổ chức của một viện, ĐH không được hiểu rõ ràng, gây nhầm lẫn. Nhiều trường mới mở do muốn thu hút thí sinh, dù chưa đủ tiêu chuẩn, chất lượng kém cũng cố gắng phóng đại lên thành trường ĐH, trong khi quy mô chỉ tương đương một khoa, phân khoa.
Cách quản lý, tổ chức các trường ĐH cũng chưa được khoa học, còn rời rạc. "Tôi nghĩ nhiều trường ĐH tư, trường nhỏ nên sáp nhập với nhau thành một viện ĐH để dễ quản lý. Hiện nay, nhiều trường tư ở nước ta do những người có vốn nhưng khả năng tổ chức về chuyên môn hạn hẹp làm chủ", chuyên gia này băn khoăn.
Theo PGS Nguyễn Thiện Tống, hiện nay, cách sử dụng nhân sự, từ cấp quản lý đến giảng viên ở các trường ĐH hay giáo trình cũng còn nhiều hạn chế.
"Thầy giỏi, chương trình học mềm dẻo mới mong đào tạo những học trò giỏi. Trong khi đó, nền giáo dục ĐH nước ta hiện nay đào tạo nhiều kỹ năng mà xã hội không cần đến", ông nhận xét.
TS Đàm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng ĐH FPT, cho rằng những năm vừa qua, số lượng sinh viên ĐH tăng nhanh nhưng lực lượng giảng dạy tăng không kịp. Trong khi đó, nghề giảng viên ĐH cũng không có được vị thế như trước nên những người có năng lực nghiên cứu và giảng dạy bổ sung lực lượng bị thiếu hụt.
Chính sách tài chính thiếu hợp lý kéo dài phần nào làm cho bức tranh giáo dục ĐH méo mó. Các thầy cô giỏi, nhiều kinh nghiệm phải dạy quá nhiều lớp tại chức, liên thông vì thu nhập cao. Giảng viên mới, thiếu kinh nghiệm thì giảng dạy các lớp chính quy.
Nhiều trường cũng chưa có động lực thực thụ để nâng cao chất lượng đào tạo. Xã hội và Nhà nước cũng không có tiêu chuẩn thực tế để đánh giá chất lượng các trường ĐH, từ đó dẫn tới việc sinh viên ra trường yếu cả kiến thức lẫn kỹ năng.
"Xã hội và nền kinh tế phát triển rất nhanh, đòi hỏi sinh viên ra trường phải có những kiến thức và kỹ năng mới. Tuy nhiên, ở nhiều trường, kiến thức vẫn quá cũ kỹ và không rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Do vậy, việc sinh viên ĐH ra trường nhưng không làm được việc cũng khá phổ biến.
Điều đáng ngại hơn việc sinh viên ra trường không có việc làm là những vị trí tốt thì lại không tìm được nhân sự chất lượng. Từ đó, dòng đầu tư có thu nhập cao bị hạn chế và Việt Nam không thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình", ông Minh lo ngại.
Chương trình đào tạo thiếu linh hoạt
Ngoài khâu tổ chức, quản lý, theo PGS Nguyễn Thiện Tống, chương trình đào tạo ĐH hiện nay cũng không được khoa học theo tổ chức chuyên môn, kéo theo hệ thống kiểm định không được chặt chẽ.
Đặc biệt, sinh viên phải học chương trình kiểu "mì ăn liền", thiếu linh hoạt, do cách truyền đạt kiến thức cứng nhắc, nội dung hạn hẹp nên khó chuyển đổi khi ra trường thất nghiệp.
Việc tuyển sinh theo ngành (chứ không phải theo trường, khối ngành) cũng khiến học sinh bối rối, dễ mất định hướng nghề nghiệp, tốn thời gian tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh.
Tuyển sinh theo ngành cũng kéo theo sự mất cân bằng ngành, nghề trong xã hội, góp phần tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Theo Người Lao Động
Thi và tuyển sinh mỗi năm mỗi đổi: Thầy cô, học trò bối rối Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học cứ mỗi năm mỗi đổi khiến giáo viên, học sinh vất vả "chạy" theo. Thậm chí, giáo viên làm thử bài trắc nghiệm còn sai. Đó là ý kiến của đại diện nhiều trường THPT tại Hội nghị hợp tác hướng nghiệp do ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức...