Giáo dục chuyên ‘chưa bao giờ lỗi thời’
Anh Giang Nguyễn, Giám đốc The Ivy-League Vietnam, khẳng định trường chuyên chưa bao giờ lỗi thời, nhưng cần cải tổ, bỏ môn chuyên như Văn, Ngoại ngữ…
Anh Giang Nguyễn, từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ), chia sẻ quan điểm sau đề xuất gây tranh cãi của TS Nguyễn Đức Thành về đóng cửa hoặc bán trường chuyên cho tư nhân.
Tôi muốn khẳng định giáo dục năng khiếu và tài năng (Gifted and Talented Education) chưa bao giờ là lỗi thời cả. Nếu muốn biết cụ thể, hãy học tập những gì Singapore, châu Âu, Mỹ, Hàn, và Nhật đã và đang làm. Nước Nhật trước kia không có mô hình giáo dục tài năng mà đề cao giáo dục đại đồng, tất cả học sinh nhận được sự giáo dục như nhau. Nhưng gần đây họ đã chú trọng.
Triết lý của giáo dục năng khiếu và tài năng (sau đây gọi là giáo dục chuyên) xuất phát từ luận điểm cho rằng những con người có khả năng đặc biệt cần môi trường đặc biệt để phát triển. Giáo dục chuyên ở các nước khác Việt Nam ở chỗ không chỉ đào tạo “gà nòi” để đi thi lấy thành tích cao mà đào tạo ra những con người có năng lực đặc biệt về một lĩnh vực nào đó có ích cho sự phát triển của xã hội.
Tôi không đi vào bàn chi tiết các mô hình giáo dục chuyên trên thế giới, nhưng một lần nữa muốn khẳng định rằng giáo dục chuyên chưa bao giờ lỗi thời. Những quan điểm hô hào xóa sổ hệ thống trường chuyên có lẽ đã nhìn nhận giáo dục chuyên một cách cực đoan chăng? Cá nhân tôi cho rằng không nên xóa hệ thống trường chuyên ở Việt Nam mà còn phải đầu tư mạnh hơn và cải tổ triệt để.
Anh Giang Nguyễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tôi có mấy đề xuất thế này:
Từ thượng tầng, chúng ta bỏ ngay việc đặt nặng thành tích huy chương quốc gia, quốc tế lên hàng đầu mà hãy thiết kế mô hình trường chuyên theo hướng đào tạo nhân tài thực thụ cho quốc gia, nhân loại. Bây giờ ai khoe nước tôi có bao nhiêu huy chương vàng toán mà nên khoe nước tôi có bao nhiêu bằng sáng chế. Khi xác định được triết lý vận hành của trường chuyên thì nghĩa là chúng ta đã cải cách được một nửa rồi, vì đó là phần hồn. Việc còn lại là cải cách cái thân xác.
Thứ nhất, các trường chuyên cần cải tổ ngay khâu tuyển sinh. Liệu chúng ta có chắc chắn hàng nghìn học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên hàng năm thực sự có năng khiếu về môn chuyên đó? Hay chúng ta mới chỉ tuyển chọn dựa trên kết quả bài thi của những học sinh được ôn luyện? Các em học lò luyện thi chuyên chỉ chăm chăm giải bài tập qua ngày tháng hằn sâu vào não bộ rồi. Nhiều em vào được chuyên xong là lơ là ngay chính môn chuyên của mình, không còn đam mê với khoa học mà chỉ học mang tính đối phó. Các em vào học chuyên nhưng thực sự chỉ có lớp đội tuyển mới gọi là học chuyên, mới đáng được gọi là gà nòi, còn đa số học như bình thường thôi.
Video đang HOT
Như vậy nếu để trường chuyên thực sự là chuyên theo kịp với xu hướng nhân loại thì chúng ta cần cải tổ ngay từ khâu đầu vào. Làm sao để phát hiện năng khiếu thực sự là vấn đề nan giải. Năng khiếu con người cần được vun dưỡng qua thời gian nhưng cũng cần được giám sát. Các trường cần gạn lọc, loại trừ và tuyển mới nếu sau một thời gian học sinh chuyên đó không còn giữ được niềm đam mê với môn chuyên. Sẵn sàng loại bỏ những nhân tố thui chột để tuyển mới các em có đam mê thực sự là điểm đáng cân nhắc. Đã vào chuyên là phải có tài năng nổi bật về môn chuyên và khát khao kiến thức, chứ vào chuyên chỉ để khoác áo thì uổng phí đầu tư của nhà nước và gia đình.
Thứ hai, các trường chuyên cần cải tổ khâu đào tạo. Hãy xem xét các cháu trong trường chuyên học những gì? Và học như thế thì có xứng đáng gọi là chuyên không? Riêng tôi thì thấy 3 năm học chuyên của đại đa số học sinh chuyên đang thực sự lãng phí. Nếu đã gọi là vào chuyên thì phải học đúng cái chuyên đó. Môn chuyên phải thực sự giỏi. Các em phải học làm nghiên cứu khoa học về chuyên ngành của mình. Các thầy ngoài việc dạy lý thuyết trên lớp thì cũng nên giao đề tài, viết tiểu luận, đi sâu nghiên cứu theo từng chuyên đề, khuyến khích các em làm nghiên cứu độc lập.
Sang thăm các trường ở một số nước, tôi thấy học sinh cấp 3 của họ (không cần phải trường chuyên) đã làm việc trong phòng thí nghiệm như nhà nghiên cứu thực sự. Xét về kỹ năng giải bài tập có lẽ các em đó thua xa học sinh Việt Nam nhưng xét về tầm nhìn khoa học hay kiến thức phổ quát cũng như chuyên sâu có lẽ học sinh Việt Nam thua họ. Thua không phải vì học dở hay học sinh ta kém thông minh hơn họ, mà thua về phương pháp và triết lý giảng dạy: một bên là luyện đề còn một bên là luyện nghề.
Đã vào chuyên thì không tránh được học lệch. Rõ ràng môn chuyên phải chiếm phần lớn thời gian. Với phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay thì thực sự để phân bổ thời gian cho môn chuyên nhiều hơn là khó vì còn phải đảm bảo các môn còn lại. Tôi nói thật chứ chả có nước nào học 13 môn/học kỳ như ở Việt Nam cả. Học sinh ở các nước mà tôi biết chỉ học 3-4 môn mỗi học kỳ thôi. Các em được quyền lựa chọn môn học.
Vậy cải tổ chương trình với học sinh chuyên là để giúp các em thực sự có thời gian phát triển tài năng về lĩnh vực chuyên của mình là điều nên làm. Quỹ thời gian và sức tiếp thu của con người có hạn, làm sao tiếp thu nổi tất cả 13 thứ cùng một lúc đây.
Thứ ba, nhà nước nên cải tổ trường chuyên theo hướng cắt bớt môn chuyên. Chúng ta nên tập trung nguồn lực đào tạo các nhân tài về một số lĩnh vực toán và khoa học. Các trường chuyên không phải là dàn hợp xướng mà môn gì cũng chuyên cả. Tôi thấy trong khi điều kiện ngân sách chưa cho phép thì tập trung nguồn lực đào tạo các ngành chuyên khoa học cơ bản thôi. Đó mới là những gì đất nước cần. Các môn chuyên khác cũng rất cần cho cuộc sống và sự phát triển của xã hội nhưng có lẽ không cần học chuyên. Có mấy cháu học chuyên văn mà thành nhà văn lỗi lạc đâu? Hay các ngành ngoại ngữ cũng nên bớt chuyên đi. Ngày nay học ngoại ngữ là tất yếu, phổ thông quá rồi đâu cần đào tạo chuyên.
Nếu làm được như thế thì ngân sách đầu tư cho trường chuyên sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Học sinh tài năng sẽ được chăm bẵm xứng đáng.
Thứ tư, chính phụ huynh phải cải tổ tư duy và nhận thức về học chuyên. Tâm lý cho con vào trường chuyên bằng mọi giá dù con không có đam mê và tài năng là sai lầm. Nhiều người thấy con trượt chuyên Anh thì cho xuống chuyên Nga, chuyên Trung…, cố đấm ăn xôi cho con vào chuyên bằng được. Tôi hiểu tâm lý phụ huynh là muốn con mình vào môi trường tốt để học tập cùng với các bạn có tư chất ngang hoặc hơn con mình từ đó khích lệ các cháu phát triển. Nhưng chính vì tư duy đó khiến trường chuyên cứ phình ra mà đón nhận, mở thêm môn này, hệ kia làm pha loãng cả mục đích nguyên thủy của trường chuyên.
Tôi vẫn khẳng định lại quan điểm không nên vì những điều bất cập của trường chuyên mà xóa đi cả một hệ thống lâu đời. Thay vì đạp đổ, chúng ta hãy cải tổ để trường chuyên đúng nghĩa là chuyên! Không thể cứ mãi vừa hồng vừa chuyên!
Thế nào là giỏi tiếng Anh?
Anh Giang Nguyễn cho rằng điểm IELTS cao chưa chắc là giỏi tiếng Anh và phụ huynh không nên lấy tiếng Anh để đánh giá thế nào là học sinh giỏi.
Dưới đây là chia sẻ của anh Giang Nguyễn, từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ):
Phụ huynh thường hỏi tôi "Thầy ơi thế nào là giỏi tiếng Anh"? Tôi cười và chưa biết phải trả lời thế nào cho phải.
Một phụ huynh lại kể với tôi con họ thi TOEFL Junior được điểm cao lắm, cháu còn được mấy giải gì đó do các trung tâm tổ chức. Tôi chỉ hỏi "Thế cháu có chăm đọc sách và đọc truyện tiếng Anh không? Cháu có chịu khó lên Youtube xem các phim khoa học bằng tiếng Anh không? Cháu có chăm viết, có sáng tác truyện bằng tiếng Anh không"? Phụ huynh lắc đầu với những câu tôi hỏi.
Anh Giang Nguyễn từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngày xưa, các cụ nhà mình không hề có Internet, không có các giải đi thi, không có từ điển để tra, không có "Tây" để luyện nói, nhưng lại tự học tiếng Anh rất tốt.
Hồ Chí Minh là tấm gương học ngoại ngữ siêu hạng. Bác là con nhà nho, từ nhỏ đã theo cha họp bàn với các cụ chí sĩ, nhà nho yêu nước nên rất thạo chữ nho. Lớn lên, Hồ Chí Minh học trường Pháp nên nói tiếng Pháp tốt là điều đương nhiên. Nhưng việc viết báo, đọc tài liệu tiếng Anh có lẽ là nhờ quá trình tự học.
Có thời gian, Bác sang Boston sống và làm việc. Tuy nhiên, Bác chủ yếu sống ở khu người Hoa. Vậy mà khả năng dùng tiếng Anh của Bác vẫn rất tốt. Bác viết báo, tranh luận các vấn đề chính trị - xã hội sâu sắc bằng thứ tiếng Anh học cóp nhặt hàng ngày.
Tôi đọc lá thư Bác viết cho Tổng thống Mỹ Truman mới thấy trình độ ngoại ngữ bây giờ của con em mình, ở thời đại mà điều kiện học tập rất đầy đủ, là quá thấp. Tôi đọc tác phẩm dịch của các cụ Trần Kiệm, Đắc Lê, Hoàng Túy, tìm hiểu mới thấy các cụ toàn tự học tiếng Anh. Các cụ không ai dám nhận giỏi tiếng Anh.
Còn ngày nay thì sao? Hình như việc giỏi tiếng Anh được lượng hóa bằng các kỳ thi. Các mẹ ào ào cho con đi thi TOEFL Primary, Junior, rồi giải này giải kia và tưởng rằng thế là giỏi tiếng Anh. Theo tôi, thi thố chỉ là một góc nhỏ, là sự động viên, khích lệ các con học tập tốt hơn. Còn giỏi tiếng Anh ư, chắc còn xa lắm.
Tôi lấy ví dụ các học trò của tôi thi IELTS 7.5, thậm chí có em đạt 8.0 khi mới học lớp 8-9. Nhưng khi các em sang Mỹ du học lại phát hoảng vì ngồi trong lớp vẫn không hiểu bài. Sang đến đây mới biết là mấy thứ tiếng Anh học ở nhà để đi thi IELTS hay TOEFL chẳng ăn thua gì. Động đến môn Văn học Anh - Mỹ, phải viết các bài nghị luận, bình luận văn học là chào thua. Có nhiều cháu về Việt Nam học thêm môn viết và SAT, dù đang học cấp 3 ở Anh, ở Mỹ vì thấy ở Mỹ người ta không có lò luyện, tự học thì thấy khó.
Tôi cho rằng học sinh có thể được gọi là giỏi tiếng Anh khi đọc sách, viết nhật ký, viết truyện bằng tiếng Anh, dùng tiếng Anh để đọc sách khoa học, xem phim, đi thi mà không cần đi luyện. Nhưng lật lại câu chuyện một chút. Nói như vậy có phải học sinh trường quốc tế đều giỏi tiếng Anh không vì các em học bằng tiếng Anh cả? Tiếng Anh chỉ là công cụ giao tiếp, học tập, chứ không phải là thứ ngôn ngữ chúng phải bò ra học để thi mấy giải "ảo" như con em nhà mình?
Đứng trên góc nhìn của nhiều phụ huynh, không hẳn học sinh trường quốc tế đều giỏi tiếng Anh bởi các em nghe nói vèo vèo thế thôi nhưng động vào mấy bài thi chuyên, thi giải thành phố, quận huyện là không ổn. Thế nên cho nhóm học sinh đó đi thi lại kém xa mấy em trường công luyện chuyên.
Nhiều phụ huynh lấy kết quả để đo bản lĩnh và năng lực ngôn ngữ, lại bảo "Ôi dào, trường quốc tế tiếng Anh kém hơn trường công nhiều". Nhưng nếu suy nghĩ theo kiểu lấy mấy giải thi truyền thống ra để đo độ giỏi tiếng Anh thì có lẽ là thiển cận vì học sinh học trường quốc tế từ bé có biết thế nào là giỏi tiếng Anh đâu, các cháu đã sử dụng tiếng Anh như công cụ giao tiếp và học tập bình thường rồi. Các cháu đã vượt xa tiêu chuẩn khuôn thước đo giỏi tiếng Anh của Việt Nam.
Vậy thế nào mới là giỏi tiếng Anh? Đoạt giải nhất tiếng Anh quốc gia, hay đạt 9.0 IELTS mới là giỏi?
Tôi thấy các con chăm chỉ nghe, đọc, viết và đặc biệt là đọc truyện tiếng Anh, chịu khó tham gia một số kỳ thi quốc tế như hùng biện, ham đọc khoa học, lịch sử, và coi tiếng Anh như thể là điều gì đó tự nhiên thì tạm được coi là giỏi tiếng Anh. Sâu xa hơn, tôi mong từ nay chúng ta không phán xét thế nào là giỏi tiếng Anh nữa và cũng không mang tiếng Anh ra để đánh giá một đứa trẻ giỏi hay kém.
Hãy nhìn xa hơn, toàn diện hơn là làm sao cho bọn trẻ giỏi toán, khoa học, đam mê văn học, lịch sử, nghệ thuật. Còn tiếng Anh ư, các con cứ học từ từ, dần dần, mỗi ngày một ít, mỗi năm tiến lên một chút, rồi đến lúc cần luyện thi mấy chứng chỉ SAT, IELTS, TOEFL thì dồn tâm sức đi thi. Điều quan trọng là các con xây dựng nền kiến thức tổng hợp từ khi còn tấm bé về các lĩnh vực khoa học.
Tiếng Anh có học cố cả đời không giỏi được, mà chỉ đủ để đi học, viết bài báo xuất bản, thế là tốt lắm rồi! Đó là câu chuyện của tương lai, còn hôm nay các con vẫn cứ chăm chỉ cóp nhặt, mỗi ngày một chút!
Không ai giỏi tiếng Anh cả, chỉ có ai chăm đọc sách hơn ai mà thôi!
'Kẻ đốt đền' trường Ams: Trường chuyên đang tồn tại không mục đích Là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, những ngày qua, TS Nguyễn Đức Thành bị coi là "kẻ đốt đền" với đề xuất bán trường Ams gây xôn xao dư luận, "châm ngòi" cho cuộc tranh luận về mô hình trường chuyên hiện nay. Trước hết, tôi không phê phán chất lượng của trường Ams. Tôi vốn là cựu học...