Giảng viên trẻ dân tộc Sán Dìu: 1 năm công bố 7 bài báo quốc tế ISI
Đó là Nguyễn Văn Thìn sinh năm 1988, dân tộc Sán Dìu, giảng viên toán trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Đến thời điểm này, Thìn đã có 15 bài báo quốc tế trong danh mục ISI.
Nguyễn Văn Thìn, giảng viên trẻ ngành Toán học của trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên
Nghiên cứu trong nước, công bố quốc tế
Nguyễn Văn Thìn (dân tộc Sán Dìu), tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm Toán trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên năm 2010 và được giữ lại trường làm giảng viên. Sau đó, Thìn tiếp tục học Thạc sĩ và bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán học chuyên ngành Giải tích tại Trường.
Trong thời gian giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, giảng viên trẻ Nguyễn Văn Thìn đã công bố 15 bài báo quốc tế (trong danh mục ISI và Q1, Q2, Q3 theo phân loại tạp chí ISI uy tín của quỹ Nafosted). Riêng năm 2017, Thìn có 7 bài báo công bố quốc tế ISI và đầu năm 2018 có 3 bài công bố quốc tế trong danh mục ISI.
Đối với Toán cơ bản, hướng nghiên cứu chính của Thìn là “ Lý thuyết Nevanlinna và ứng dụng“. Thìn đã cống bố 14 công trình theo hướng nghiên cứu này. Về nghiên cứu ứng dụng của Lý thuyết Nevanlinna trong vấn đề duy nhất hàm phân hình và phân bố giá trị của đa thức đạo hàm, sai phân, Thìn đã công bố 3 công trình theo hướng nghiên cứu này.
Còn trong nghiên cứu ứng dụng của Lý thuyết Nevanlinna trong Lý thuyết họ chuẩn tắc, Thìn đã công bố 6 công trình theo hướng nghiên cứu này. Ngoài ra, Thìn cũng đã nhận được 3 giải thưởng công trình toán học trong “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020″.
Hướng nghiên cứu của Thìn trong Toán ứng dụng là “ Phương trình đạo hàm riêng và ứng dụng“. Theo hướng nghiên cứu này, Thìn đã có 2 công trình trong danh mục ISI, trong đó một tạp chí trong danh mục Q1 các tạp chí ISI uy tín của quỹ Nafosted.
Nguyễn Văn Thìn hiện nay đang làm posdoc tại trường ĐH Shandong – Trung Quốc.
Video đang HOT
Chia sẻ với PV Dân trí, Thìn khiêm tốn cho biết, “Toán học là niềm đam mê với em từ nhỏ, sau khi học đại học em đã xác định đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy Toán. Tuy nhiên, các bài báo công bố quốc tế đó chưa phải nhiều và phải cố gắng hơn nữa trong thời gian tới để có thêm nhiều bài báo đăng ở tốp đầu”.
Thìn chia sẻ thêm, thuận lợi nhất trong nghiên cứu của em là được nhà trường tạo mọi điều kiện cả về vật chất và tinh thần cho giảng viên trẻ cũng như sinh viên phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trong nghiên cứu khoa học.
Khuyến khích, tạo thuận lợi để giảng viên trẻ tập trung nghiên cứu khoa học
GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các giảng viên trẻ trong trường nghiên cứu và tham gia công bố quốc tế bởi đây là yếu tố sống còn để nâng cao chất lượng đào tạo của một trường đại học.
Chính vì vậy, số lượng bài báo báo khoa học của giảng viên trong trường được đăng tải trong 5 năm gần đây có xu hướng tăng nhanh với tổng số gần 1500 bài báo, trong đó có gần 200 bài báo quốc tế.
Số lượng bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus cũng tăng với tổng số gần 100 bài (trung bình 20 bài/năm). Điển hình nhất, có giảng viên trẻ Nguyễn Văn Thìn, dân tộc Sán Dìu, một năm có 7 bài báo công bố quốc tế thuộc danh mục ISI.
Trong giai đoạn 5 năm gần đây, giảng viên đã được xuất bản thành 85 đầu sách và giáo trình phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, năm 2013 giảng viên của Trường Sư phạm Thái Nguyên đã viết chung 01 cuốn sách được xuất bản tại Nhật Bản về kết quả nghiên cứu chung với các nhà khoa học của Trường Đại học Ryukyus.
Được biết, trong số 363 giảng viên của trường Sư phạm Thái Nguyên có 164 tiến sĩ (chiếm 45,2%), 2 giáo sư và 43 PGS (chiếm 12%)… các PGS dưới 40 tuổi có 11 người chiếm 24,4%.
GS Quang cho hay, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên rất quan tâm đến vấn đề phát triển đội ngũ giảng viên, nhà trường đặt ra chỉ tiêu là có 50% trong tổng số cán bộ giảng viên sẽ được cử đi học tập ở nước ngoài.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Năm 2018: Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên mở 3 ngành học "hót"
Tuyển sinh năm 2018, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên mở 3 ngành học mới. Đó là những ngành học "hót" đáp ứng nhu cầu xã hội theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trao đổi với báo chí ngày 18/4, GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT từ năm 2022 sau khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, nhu cầu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của các địa phương trong cả nước đều tăng so với hiện nay.
Nhằm đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông và nhu cầu giáo viên của các địa phương, năm 2018 ngoài các ngành đã tổ chức đào tạo nhiều năm, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã mở mới 3 ngành đào tạo là: Sư phạm khoa học tự nhiên; Tâm lý học giáo dục; Quản lý giáo dục.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên
Cụ thể, ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, đào tạo giáo viên giảng dạy lĩnh vực Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) tại các trường Trung học cơ sở theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ trước đến nay, ở Việt Nam chưa đào tạo giáo viên Khoa học tự nhiên. Vì vậy, thí sinh đăng ký theo học ngành này sẽ có nhiều cơ hội để được tuyển dụng làm giáo viên dạy khoa học tích hợp.
Ngành Tâm lý học giáo dục, đào tạo các chuyên gia làm tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp tại các trường mầm non, trường phổ thông,... Vấn đề tâm lý học đường là vấn đề đang được xã hội hết sức quan tâm. Cơ hội việc làm của những sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục là rất hứa hẹn.
Ngành Quản lý giáo dục, đào tạo các giảng viên, giáo viên trong các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan nghiên cứu về giáo dục và quản lý giáo dục; Tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục có thể làm cán bộ quản trị giáo dục, tư vấn và hỗ trợ giáo dục trong các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục ngoài công lập, các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Năm 2018, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên có 04 phương thức tuyển sinh:
- Tuyển thẳng: Trường xét tuyển thẳng vào những ngành đào tạo phù hợp với môn thi của những thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và kỳ thi khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, Trường còn tuyển thẳng đối với những thí sinh là học sinh chuyên có học lực 3 năm ở THPT đạt loại giỏi.
- Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Các ngành đào tạo của trường đều xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét điểm từ cao xuống thấp theo tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (không phụ thuộc vào học lực ở trường THPT).
- Xét tuyển theo kết quả thi THPT hoặc xét tuyển theo học bạ, ngành Giáo dục Thể chất có 02 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia (như các ngành khác) hoặc xét tuyển theo học bạ. Trường hợp xét theo học bạ thì thí sinh phải đạt học lực khá ở lớp 12 và có tổng điểm trung bình 3 môn đạt từ 18 điểm trở lên (theo tổ hợp xét tuyển).
- Ngành Giáo dục Mầm non, xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia kết hợp với thi năng khiếu (Đọc diễn cảm - Hát).
Thí sinh muốn học ngành Giáo dục Mầm non phải đăng ký thi THPT quốc gia để lấy kết quả 2 môn Toán và Ngữ văn. Đồng thời, thí sinh phải đăng ký thi năng khiếu với 2 nội dung Đọc diễn cảm và Hát (Đăng ký thi năng khiếu tại địa chỉ: http://nangkhieu.dhsptn.edu.vn hoặc đăng ký trực tiếp tại Trường).
GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, thực hiện chủ trương của Chính phủ, giảm quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 900 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên các cấp (giảm 25% so với chỉ tiêu năm 2017). Chỉ tiêu tuyển sinh này chỉ bằng 15% so với năng lực đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường.
Theo ông Quang sinh viên nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên sẽ được miễn học phí trong suốt quá trình học tập. Nhà trường sẽ giành nhiều xuất học bổng khuyến khích học giỏi và hỗ trợ sinh viên diện ưu tiên để các em yên tâm học tập.
Thông tin chi tiết về Đề án tuyển sinh 2018 của Trường có thể tải về từ địa chỉ http://tuyensinh.dhsptn.edu.vn/
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Nếu rà soát công trình khoa học, số giáo sư bị loại có thể cao hơn Bộ Giáo dục cần rà soát chất lượng công trình nghiên cứu khoa học, bài báo quốc tế, trình độ ngoại ngữ của tất cả ứng viên thay vì chỉ 95 người. TS Lê Dương Hà, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội, chia sẻ quan điểm về đợt rà soát công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Lần...