Giảng viên – nhà khoa học ứng dụng vật lý trong sản xuất dược phẩm
Yêu thích vật lý và đam mê nghiên cứu khoa học từ sớm, TS. Phan Đức Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao, đặc biệt là ứng dụng trong sản xuất dược phẩm.
Tháng 10/2020, TS. Phan Đức Anh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa (PIAS), kiêm giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (Trường Đại học Phenikaa) là một trong hai nhà khoa học của cả nước vừa vinh dự nhận Giải thưởng nghiên cứu trẻ vật lý năm 2020.
Đây là giải thưởng thường niên của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi có thành tích nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết và các lĩnh vực khác có liên quan.
Quan trọng là có ích cho cộng đồng
Là người đam mê nghiên cứu khoa học, vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phan Đức Anh trở thành nhà khoa học của Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau hơn một năm công tác tại Viện Vật lý, anh sang Mỹ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Vật lý ứng dụng tại Trường Đại học Nam Florida năm 2013.
Theo TS. Phan Đức Anh, “nhà khoa học có thể theo định hướng nghiên cứu cơ bản hoặc ứng dụng, nhưng với tôi, càng nghiên cứu cơ bản thì sẽ ra nhiều ứng dụng. Quan điểm của tôi, nghiên cứu phải có ứng dụng và có ích cho cộng đồng”.
Suốt những năm tháng học tập ở nước ngoài, anh có điều kiện nghiên cứu sâu về vật lý cơ bản, TS. Phan Đức Anh cho biết: “Nguồn gốc và bản chất về chuyển động phân tử của chất vô định hình (polymers, gel, thủy tinh, thuốc vô định hình, …..) là một trong những vấn đề bí ẩn mặc dù chúng ta vẫn sử dụng vật liệu này hàng ngày.
Cấu trúc phân tử của chất vô định hình khá giống với chất lỏng nên mang nhiều tính chất vật lý của chất lỏng (đặc biệt ở nhiệt độ cao) nhưng lại có nhiều tính chất giống tinh thể vật rắn (đặc biệt ở nhiệt độ thấp).
Các tính chất vật lý này cũng phụ thuộc vào quá trình chế tạo, hình dạng thiết kế, cũng như điều kiện lưu trữ và sử dụng. Chính sự phức tạp này khiến cho lý thuyết chưa thể miêu tả thống nhất các tính chất vật lý của vật liệu vô định hình một cách toàn diện mà chỉ dừng lại ở miền nghiên cứu khá nhỏ”.
Trước thực tế đó, từ năm 2015, TS. Phan Đức Anh cùng GS Kenneth S. Schweizer, Trường Đại học Illinois tại Urbana-Champaign đã xây dựng và phát triển lý thuyết ECNLE (the elastically collective nonlinear Langevin equation theory) để nghiên cứu động học phân tử trong vật liệu vô định hình ở kích thước lớn và màng mỏng trong các điều kiện chế tạo khác nhau. Lý thuyết này cho phép các nhà nghiên cứu có một cách nhìn mang tính hệ thống về tính chất và phân loại các thiết kế vật liệu. Đặc biệt, nó cũng tạo ra sợi dây kết nối, thống nhất được cách nhìn giữa thực nghiệm và lý thuyết.
Ngay sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (2018), anh trở về nước và quyết định “đầu quân” cho Trường Đại học Phenikaa – ngôi trường tư thục còn mới mẻ nhưng có sự đầu tư bài bản cho nghiên cứu khoa học, sự gắn kết chặt chẽ trong hệ sinh thái Phenikaa (trường đại học – viện nghiên cứu và doanh nghiệp).
Chia sẻ về quyết định của mình, anh thẳng thắn: “Tại Trường Đại học Phenikaa, nhà khoa học không chỉ được trang bị tốt về cơ sở vật chất, mà còn được hưởng một cơ chế “mở” với môi trường tự do học thuật, giúp các giảng viên – nhà khoa học phát huy cao nhất năng lực của mình trong nghiên cứu, phát triển, sáng tạo khoa học công nghệ. Đặc biệt, khi chia sẻ về định hướng nghiên cứu ứng dụng vật lý trong sản xuất dược phẩm thì được lãnh đạo Trường ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu”.
TS Phan Đức Anh cùng các thầy cô của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu – Trường Đại học Phenikaa
Bên cạnh nghiên cứu mô hình lý thuyết theo hướng cơ bản, TS. Phan Đức Anh đã cộng tác với nhóm thực nghiệm tại Ba Lan, để mở ra định hướng ứng dụng cho lý thuyết ECNLE trong việc đánh giá tính chất và chất lượng của thuốc vô định hình. Từ đó có thể xây dựng những dự đoán cho khả năng hấp thụ và hòa tan của thuốc khi đưa vào trong cơ thể. Lý thuyết này cũng có thể ứng dụng trong nghiên cứu tính chất của màn hình cảm ứng, OLED,…
Sau những nỗ lực không ngừng, đến nay, anh đã công bố 46 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus với chỉ số H-index là 12. Gần đây, anh vừa có bài được chấp nhận đăng trên tạp chí Physical Review Letter (IF 8.385), một trong những tạp chí hàng đầu trong ngành Vật lý. Đây là con số khiến không ít nhà khoa học mơ ước và nể phục.
Video đang HOT
“Truyền lửa” cho sinh viên và cộng đồng khoa học
“Là nhà khoa học, đồng thời là một giảng viên, tôi luôn mong muốn đào tạo những thế hệ sinh viên đáp ứng được các nhu cầu của xã hội, tạo ra môi trường học thuật giúp sinh viên trưởng thành trong quá trình học tập và nghiên cứu. Đấy mới là thành công của người thầy, người làm khoa học thực sự.” – TS Đức Anh chia sẻ.
Tiếp thu những nhiệt huyết đó, cử nhân Trần Đình Cường (cựu sinh viên lớp Tài năng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), từng đạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm 2025, sau 1,5 năm làm trợ lý nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của TS. Phan Đức Anh tại Trường Đại học Phenikaa, đã có những kỹ năng của một nghiên cứu viên độc lập. Nhóm nghiên cứu của anh vừa chào đón thêm thành viên mới, ThS. Đinh Ngọc Dũng, cũng từng đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia năm 2011.
TS Phan Đức Anh (thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu của mình
Bên cạnh công tác chuyên môn, TS. Phan Đức Anh cũng chú trọng đến những giá trị cộng đồng. Anh cùng với TS. Trần Mạnh Trung (Trường Đại học Phenikaa), TS. Phạm Minh Sơn (Imperial College London, Anh), TS. Nguyễn Thanh Sơn (Kushiro College, Nhật Bản), các nhà khoa học trong và ngoài nước, thành lập Mạng lưới quốc tế về Vật liệu của người Việt iVMNet (i-Vietnam Materials Network).
Mạng lưới này nhằm kết nối những nhà khoa học, chuyên gia và những sinh viên Việt Nam trên toàn thế giới đang giảng dạy, học tập, nghiên cứu về vật liệu và những lĩnh vực liên quan. Đây chính là môi trường mở, hoạt động trên nền tảng mạng xã hội, để các nhà khoa học chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Chia sẻ về những dự định và kế hoạch cho năm tới, anh cho biết tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu đã chọn, đồng thời xây dựng nhóm nghiên cứu của mình, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và cùng nỗ lực để “đứa con tinh thần” được ứng dụng vào thực tế, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Gặp nữ tiến sĩ "hiếm hoi" đạt giải thưởng nghiên cứu về Vật lý
Ở tuổi 32, TS Lê Thị Cẩm Tú vinh dự trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2020 về Vật lý sau 10 năm tổ chức.
Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam (Vietnamese Theoretical Physics Society - VTPS) vừa công bố giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2020 dành cho những nhà khoa học dưới 35 tuổi.
Hai nhà khoa học vinh dự nhận giải thưởng này là TS Lê Thị Cẩm Tú, Nghiên cứu viên cơ hữu thuộc Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) và TS Phan Đức Anh (trường Đại học Phenikaa).
Tác giả 8 công trình trên tạp chí quốc tế
Điều đặc biệt hơn, sau 10 năm tổ chức giải, kể từ năm 2010, Cẩm Tú trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng này, còn lại đa số đều là nam.
Ngoài ra, TS Lê Thị Cẩm Tú đã được Ban tổ chức mời trình bày báo cáo tại Hội nghị Vật lý lý thuyết lần thứ 45 do Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với VTPS tổ chức trong tháng 10 vừa qua tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là hội nghị khoa học thường niên lâu đời nhất tại Việt Nam.
Tại đây, 135 báo cáo khoa học được thực hiện dưới 2 hình thức: trực tiếp và trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom.
Được biết, dù mới 32 tuổi nhưng TS. Lê Thị Cẩm Tú đã là tác giả của 8 công trình trên các tạp chí ISI. Bốn công trình trong số đó do cô là tác giả chính, còn lại ở vai trò thành viên trong nhóm nghiên cứu.
Trong đó có 2 công trình trên Tập san Physical Review A, một tập san hàng đầu về vật lý nguyên tử, phân tử và quang học của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society).
Đây cũng là hai công trình xuất sắc đã giúp Cẩm Tú dành giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020.
Cụ thể, công trình thứ nhất: "Hiệu ứng của phân cực lõi động lên phổ sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO".
Công trình này khảo sát ảnh hưởng của phân cực lõi động (DCEP) đối với phân tử CO trong quá trình phát xạ sóng điều hòa bậc cao (HHG) bằng cách giải phương trình Schrdinger phụ thuộc thời gian (TDSE).
Công trình thứ hai là "ảnh hưởng của phân cực lõi động lên cực tiểu cấu trúc trong sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO2".
Theo nghiên cứu này, phân cực lõi động DCEP có vai trò quan trọng trong quá trình phát xạ HHG của các phân tử thẳng như CO và CO2.
Bằng khen và danh mục hai công trình được trao tặng giải thưởng của TS Cẩm Tú
Từng chán nản và muốn dừng nghiên cứu
Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng này, TS Lê Thị Cẩm Tú bày tỏ rất bất ngờ vì đây là giải thưởng thường niên nhưng từ năm 2010 đến nay có rất ít nữ được nhận giải thưởng này.
Cẩm Tú cho biết, quê cô ở Long An. Lúc trước, cô học Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Từ thời phổ thông, Tú đã thích và có thế mạnh học các môn khối tự nhiên. Trong đó, Vật lý là Tú thích học và thích nghe giảng nhất.
Khi thi đại học, ba của Tú muốn cô theo công nghệ thông tin nhưng nguyện vọng của cô chỉ muốn theo sư phạm Vật lý.
Ban đầu đi học, Tú chỉ mong muốn ra trường đi làm giáo viên nhưng trong quá trình học, thử sức làm nghiên cứu cùng với giảng viên và một số sinh viên khác về vấn đề liên quan đến gốc bazo của phân tử DNA.
"Khi nghe thầy nói "thấy em có tố chất làm nghiên cứu" nên mình thử sức làm đề tài theo thầy hướng dẫn. Khi đó, nghiên cứu khoa học cũng còn xa lạ lắm, và đây chỉ là hoạt động bổ trợ cho sinh viên thôi. Kết quả là đề tài của nhóm được giải nhì cấp trường và được đăng trên một tạp chí quốc tế vào năm 2014 nên vui lắm, thấy nghiên cứu giúp mình học hỏi và tìm tòi ra nhiều cái hay" - Cẩm Tú nói.
Khi ra trường, Tú cảm thấy dù tốt nghiệp ĐH rồi nhưng kiến thức vẫn chưa đủ nên cô thấy không tự tin để đứng lớp giảng dạy, Tú muốn tiếp tục học và nghiên cứu.
Tú quyết định học nghiên cứu sinh tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong thời gian này, cô đi dạy thỉnh giảng cho một số trường ĐH tiếp tục nghiên cứu các đề tài mới cùng người thầy trước đó và trở thành cộng tác viên cho trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2016.
Các đề tài của Cẩm Tú chủ yếu về quá trình tương tác giữa vật chất, tức là phân tử hay nguyên tử với trường laser, từ đó ứng dụng chế tạo laser để tìm hiểu sâu bên trong vật chất.
"Mỗi đề tài nghiên cứu về một khía cạnh nào đó của quá trình tương tác giữa laser và phân tử. Càng làm càng thấy nghiên cứu như một vòng xoắn ốc đi lên, cứ lần từng sợi dây đi theo thôi. Mỗi khi làm được cái gì đó hay phát hiện ra gì mới thì vui và càng hưng phấn hơn" - Tú bày tỏ.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Vật lý, tháng 12-2018, Cẩm Tú xin về trường ĐH Tôn Đức Thắng và trở thành nghiên cứu viên cơ hữu.
Nói về những khó khăn đối với nhà khoa học nữ, Cẩm Tú chia sẻ: "Cái khó nhất không phải là nam hay nữ vì mỗi người có thế mạnh riêng, có phương pháp riêng, nhưng quan trọng nhất trong nghiên cứu là sự tập trung và kiên trì".
Cẩm Tú cho biết, làm nghiên cứu không phải cứ làm là sẽ ra vì có giai đoạn khi còn làm nghiên cứu sinh, Tú loay hoay đủ kiểu cũng không giải ra được. Tú rất chán nản và cũng muốn bỏ nhưng sau đó cô chia sẻ khó khăn của mình ra và nhận được sự giúp đỡ nên cô may mắn và vượt qua được.
Định hướng sắp tới là Tú tiếp tục nghiên cứu, đồng thời tìm cơ hội để ra nước ngoài nghiên cứu sau tiến sĩ.
Tài năng và nỗ lực sẽ quyết định thành công
TS Cẩm Tú là nghiên cứu viên rất say mê nghiên cứu, có năng lực, luôn cố gắng để mong muốn có các công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.
Đạt giải thưởng nghiên cứu trẻ vừa qua không chỉ là thành tích lớn của riêng TS Cẩm Tú mà đó còn là thành công, nguồn động viên rất lớn dành cho những nghiên cứu viên, nhất là nữ. Bởi trong nghiên cứu khoa học, ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên, nhất là trong ngành Vật lý và ở trình độ cao, số lượng nữ giới rất ít, thậm chí hiếm.
Giải thưởng một lần nữa nói lên việc thành công trong nghiên cứu không chỉ dành cho nam mà còn cả cho nữ, nếu chúng ta có nỗ lực và tài năng.
Ngoài ra, kết quả này cũng cho thấy nhà trường rất chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, thu hút nhiều nghiên cứu trẻ, có năng lực, có thể làm những công trình có ý và chất lượng.
Bởi để dành giải thưởng này phải đạt hai tiêu chí, thứ nhất là công trình nghiên cứu của tác giả đó được công bố trên tạp chí uy tín nào. Công trình phải mở đường cho chuỗi nghiên cứu tiếp theo về chủ đề đó, tức lượt tham khảo hay trích dẫn trong các công trình tiếp theo.
Thứ hai, sau công trình đó, người làm nghiên cứu có thể mở rộng ra cho các công trình khác tốt hơn, để đăng trên các tạp chí cao hơn.
Cẩm Tú đã xuất sắc vượt qua vì 2 công trình của TS Cẩm Tú đã được đăng trên Tập san Physical Review A, một tập san hàng đầu về vật lý nguyên tử, phân tử và quang học của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society).
(PGS.TS Phạm Thanh Phong, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
Hơn 4.500 thí sinh kết thúc kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia 2020 Từ ngày 25 đến 27/12, hơn 4.500 thí sinh trên cả nước đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2020 ở 12 môn thi như Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Vật lý, Sinh học... Trong đó, Hà Nội có 184 thí sinh dự thi cả 12 môn. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến động...