Giảng viên là bác sĩ chuyên khoa II được công nhận tương đương tiến sĩ
Lần đầu tiên, giảng viên là bác sĩ có bằng chuyên khoa cấp I, cấp II được tính như trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 06/2018 ban hành Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo văn bản này, giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có trình độ từ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, có ký hợp đồng thỉnh giảng theo quy định về chế độ giảng viên thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục và quy định hiện hành liên quan khác.
Giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh được quy đổi theo hệ số như sau:
Điểm mới của thông tư này là quy định với khối ngành sức khỏe. Giảng viên có bằng chuyên khoa cấp II các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ tiến sĩ. Giảng viên có bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ thạc sĩ.
Với khối ngành nghệ thuật, thông tư giữ nguyên quy định giảng viên là nghệ sĩ nhân dân có bằng đại học cùng ngành với ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ tiến sĩ; nghệ sĩ ưu tú có bằng đại học cùng ngành với ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ thạc sĩ.
Một giờ học tại Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Video đang HOT
Theo thông tư, ngành đào tạo trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh là ngành quy định trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV. Trong đó, quy định về giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng được sửa đổi, bổ sung; giảng viên cơ hữu trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh được quy định gồm:
- Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức.
- Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định hiện hành.
Số lượng giảng viên cơ hữu quy đổi theo khối ngành gồm: giảng viên cơ hữu ngành quy đổi và giảng viên cơ hữu môn chung quy đổi của khối ngành đó. Số lượng giảng viên cơ hữu môn chung quy đổi của khối ngành được xác định theo công thức:
Phân cấp trình độ đối với ngành y tế luôn gây tranh cãi. Trước đó tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, khi thảo luận về Luật Giáo dục đại học sửa đổi, đại biểu Lê Thị Yến (Ủy ban về các vấn đề xã hội) cho rằng quy định trình độ, hình thức đào tạo của giáo dục đại học bao gồm đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (khoản 1 điều 6) không phù hợp với nghề y.
“Nội dung chương trình đào tạo y phức tạp hơn, thời gian dài hơn, sau đại học là chuyên khoa sâu, bác sĩ chuyên khoa I, II, hay học nội trú với tổng thời gian lên đến 9 năm. Những người này không thể cùng với trình độ và văn bằng là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được, trong khi trình độ văn bằng chuyên sâu lại chưa được quy định trong dự luật”, bà Yến nói.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Đại học KHXH&NV Hà Nội sẽ đào tạo Thạc sĩ Quản lý Văn hóa có chiều sâu
Chương trình đào đạo Thạc sĩ Quản lý Văn hoá của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội sẽ hướng đến chiều sâu, mang tính ứng dụng thực tiễn cao dựa trên nền tảng khoa học cơ bản.
Chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý văn hoá sẽ bắt đầu từ tháng 4.2019. Ảnh: Đ.H
Ngày 1.3, trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội đã tổ chức giới thiệu chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Văn hoá. Đây là chương trình được xây dựng với mục tiêu đem đến cho người học không chỉ năng lực trong quản lý văn hóa mà còn có khả năng tư vấn và thiết kế, xây dựng chính sách quản lý văn hóa trên phạm vi quốc gia và địa phương.
GS.TS Vũ Văn Quân chia sẻ về những vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo. Ảnh: Đ.H
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV cho biết: "Việc mở chương trình này nằm trong kế hoạch chung của khoa và nhà trường, tiến tới xây dựng ngành Văn hoá học, đào tạo về lĩnh vực văn hoá từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ. Trong kế hoạch chung đó, khoa Lịch sử vẫn kiên định đào tạo trên nền tảng của khoa học cơ bản để đi vào ứng dụng thực tiễn.
Chúng tôi chọn hướng nghiên cứu nhưng không tách ra khỏi ứng dụng mà phải lấy đó làm cơ sở để phục vụ ứng dụng và ngược lại ứng dụng phải dựa trên nền tảng nghiên cứu cơ bản. Chúng tôi kiên trì thế mạnh là nền tảng của khoa học cơ bản, nhưng cần nhấn mạnh ở đây là nghiên cứu hàn lâm phục vụ cho thực tiễn xã hội. Chúng tôi muốn hướng đến những sản phẩm có chiều sâu".
GS.TS Lê Hồng Lý (trái) là người sẽ trực tiếp tham gia giảng dạy. Ảnh: Đ.H
GS.TS Lê Hồng Lý - Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian là người từng giữ cương vị là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá chia sẻ rằng thách thức khác của chương trình đào tạo này là việc "sinh sau đẻ muộn" so với những chương trình đào tạo tương tự của nhiều trường Đại học trong cả nước.
Tuy nhiên, GS.TS. Lê Hồng Lý vẫn tin rằng với định hướng mang tính chiều sâu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về Khoa học xã hội và Nhân văn, chuyên ngành sẽ khẳng định được chỗ đứng của mình và hứa hẹn những kết quả khả quan. Ông cũng là một trong những người sẽ tham gia giảng dạy khoá đầu tiên của chương trình đào tạo này.
Nhiều GS, TS của Khoa Lịch sử sẽ trực tiếp tham gia giảng dạy. Ảnh: Đ.H
Các học viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức làm công tác quản lý văn hóa cũng như làm việc tại các cơ quan, tổ chức có chức năng phân tích, hoạch định, tư vấn chính sách về văn hóa.
Chương trình đào tạo sẽ tuyển sinh từ tháng 4.2019.
ĐĂNG HUỲNH
Theo laodong
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2019: Thí sinh "rối" trước hàng loạt tiêu chí "lạ" và khó Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 dù còn khoảng 5 tháng nữa mới diễn ra, song việc dự kiến áp dụng một số điểm mới trong quy chế tuyển sinh, cộng với việc hàng loạt trường công bố bổ sung tiêu chí xét tuyển khiến thí sinh vừa ôn, vừa lo. Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 dự kiến sẽ có nhiều...