Giảng viên ‘kêu’ giáo dục VN thiếu liên thông quốc tế
Tại những Hội thảo Đổi mới giáo dục, đào tạo Việt Nam gần đây, nhiều giảng viên đại học cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đang đứng một mình, thiếu liên thông với thế giới.
“Không giống ai”
Phát biểu tại hội thảo đổi mới giáo dục diễn ra tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng – Trưởng khoa Nông học (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, giáo dục đào tạo Việt Nam không giống bất cứ nước nào trên thế giới.
“Khi đưa chương trình giáo dục của Việt Nam cho các đồng nghiệp nước ngoài, họ không hiểu gì cả. Chương trình do chúng ta tự soạn, tự dạy và tự cho mình là đúng, không có tính liên thông với quốc tế” – Thầy Hùng nói.
Thầy Hùng dẫn chứng, ngay trong khoa Nông học, một sinh viên tốt nghiệp chỉ làm việc được ở Việt Nam, Lào, Campuchia hoặc cùng lắm là đi Mozambique chứ không sang được Thái Lan, Philippines. “Giáo dục Việt Nam có tính quốc tế rất kém” – Thầy Hùng kết luận.
Thầy Hùng cũng nói rõ về mặt trái của những đổi mới giáo dục thời gian gần đây. Ông cho rằng, chúng ta đào tạo rất nhiều sinh viên ra trường, nhưng sinh viên chất lượng cao lại không có và không đảm bảo. “Trong hệ thống giáo dục đào tạo của ta, theo tôi, cấp một tốt, cấp hai tốt, lên phổ thông trung học là có vấn đề và đến đại học là rất có vấn đề” – Ông Hùng nói.
Nói về đổi mới giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Trưởng Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ trường Đại học Nông Nghiệp cho rằng, đào tạo tín chỉ ở Việt Nam mới chỉ mang tính hình thức.
“Chúng ta gọi tên đào tạo tín chỉ. Chúng ta cưa nó một cách cơ học. Chúng ta không dám phá đi và xây dựng lại từ đầu, không dám cắt gọt một số môn phụ trợ và không dám tạo dựng một chương trình thực sự gọi là tín chỉ, dẫn tới chúng ta vẫn dạy những môn học cũ, khoác cho nó một cái vỏ mới, sinh viên học vừa nông, vừa vụn, và không có chiều sâu” – Cô Thúy phân tích.
Đề cập việc cắt bỏ chương trình một cách cơ học, thầy Nguyễn Bá Mùi – Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản (Đại học Nông Nghiệp Hà Nội) cho rằng, chương trình học hiện nay nhiều môn cơ bản, quan trọng cũng bị cắt bỏ một cách máy móc.
“Nhiều môn cơ sở cốt lõi, chuyên ngành còn có 60 tiết thì học cái gì? Chỉ giới thiệu nội dung rồi lướt qua chương trình, các em đã hết thời gian rồi. Vậy, làm sao các em có thể nắm kiến thức sâu được. Với các môn hai tín chỉ (30 tiết), 22 tiết lý thuyết một môn học thì khác gì đi máy bay xem hoa”.
Chương trình học tín chỉ tại nhiều trường còn gây tranh cãi. Ảnh minh họa.
Không tin nhau
Video đang HOT
Một điểm yếu nữa của chương trình đào tạo tín chỉ, theo cô Thúy, là không có tính liên thông ngang giữa các trường. “Chúng ta kỳ vọng học tín chỉ để liên thông ngang, nhưng tại sao các trường đại học hiện nay không công nhận chứng chỉ và kết quả học tập của sinh viên trường khác? Thực ra, vì họ không tin vào chất lượng của nhau”.
“Khi đưa chương trình giáo dục của Việt Nam cho các đồng nghiệp nước ngoài, họ không hiểu gì cả. Chương trình do chúng ta tự soạn, tự dạy và tự cho mình là đúng, không có tính liên thông với quốc tế” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng.
Thầy Mùi nói thẳng, việc đánh giá điểm chuyên cần cho sinh viên học tín chỉ không thể làm chính xác, giảng viên làm theo cảm tính. “Một lớp có đến cả trăm sinh viên, thầy làm sao nhớ hết mặt, biết hết tên để điểm danh chính xác mà cho điểm chuyên cần?”
Về nguyên nhân của những yếu kém, cô Thúy cho rằng, trên lý thuyết, xây dựng chương trình là một chu trình kín từ tìm kiếm, phát hiện, xác định nhu cầu của xã hội, của người học, từ đó mới xây dựng mục tiêu đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo, tồ chức thực hiện, đánh giá chương trình.
“Chúng ta rất yếu trong khâu đánh giá, nhìn nhận mục tiêu, nhu cầu của xã hội, nhu cầu người học. Ở nước ngoài, mỗi chu trình đó phải thực hiện từ 3 – 5 năm một lần, thử hỏi ở Việt Nam chúng ta làm trong bao nhiều năm?” – Cô Thúy nêu vấn đề.
Nói về điểm yếu của chương trình đào tạo, nữ giảng viên này cho rằng, các thầy có quá ít sự sáng tạo bởi khung chương trình của Bộ GD&ĐT. “Môn cứng, chúng tôi bỏ khó lắm”.
Trong khi đó, thầy Hùng bộc bạch: “Bản thân tôi làm chủ tịch hai ba chương trình, nhưng chẳng sáng tạo được gì cả bởi vì bị áp hết rồi: Cái này 30%, cái kia 50% tôi chỉ sáng tạo được 20 – 30 % thì sáng tạo cái gì?”.
Ngoài những nguyên nhân trên, yếu tố thu nhập cũng quyết định đến chất lượng đào tạo. “Nếu giảng viên không đủ sống, bằng trí tuệ của họ, hoàn toàn có thể kiếm sống một cách đàng hoàng. Nhưng tệ hại là họ sẽ không chuyên tâm vào công tác giảng dạy, thậm chí gây tác hại rất xấu đến kết quả giáo dục”.
Thầy Mùi thì so sánh, ở trường Đại học Nông nghiệp, lương dạy vượt giờ của đội ngũ giảng dạy (từ tiết 201 trở lên) chỉ từ 30 – 35 nghìn/ giờ. “Ở dãy nhà chúng tôi làm việc, cuối tuần họ thuê người lau nhà cũng trả công khoảng 100 nghìn trong ba giờ. Vậy chất xám của chúng tôi có rẻ quá không?”.
Nên học tập mô hình của nước ngoài
Sau khi phân tích những yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng đề nghị, nên suy nghĩ thật kỹ, lựa chọn lấy một hệ thống giáo dục đào tạo có tính khả thi, tiên tiến nhất và theo đó mà đổi mới. “Đừng đổi mới theo kiểu của chúng ta, sẽ không hợp lý đâu” – Thầy Hùng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hữu Tôn – Khoa Công nghệ sinh học (Đại học Nông Nghiệp Hà Nội) cho rằng, nên suy nghĩ thật kỹ, cố gắng nghiên cứu một hệ thống giáo dục nào khá toàn diện, tiên tiến, gần với nước ta để làm theo. Khi đó, sẽ trả lời cho tất cả những câu hỏi, thắc mắc về vấn đề đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục.
Trước đó, tại tọa đàm đổi mới Giáo dục đào tạo tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trưởng phòng đào tạo trường này là Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, hệ thống bằng cấp ở Việt Nam dịch sang Tiếng Anh rất khó, nhiều loại không thể dịch được, gây khó khăn trong việc hội nhập giáo dục với thế giới.
Từ đó, thầy Sơn đề nghị, nên đổi mới mô hình đào tạo theo mô hình Anh – Mỹ hoặc mô hình châu Âu, rồi trên cơ sở đó xây dựng hệ thống tín chỉ quốc gia. Từ đó, định nghĩa lại cấp bậc đào tạo, trình độ đào tạo như thế nào, ứng với số tín chỉ là bao nhiêu, làm cơ sở chuyển đổi liên thông trong nước, khu vực và quốc tế.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải đổi mới chương trình. Trong dự thảo luật giáo dục đại học, chương trình khung sẽ không còn, các trường phải xây dựng một chương trình của mình để làm sao sinh viên đạt được những kiến thức phù hợp khi đã tốt nghiệp đại học.
“Nếu chúng ta bắt buộc, cứng nhắc theo một khung, trường nào cũng phải theo khung ấy thì sẽ không đáp ứng được tiến bộ khoa học công nghệ, cũng như không thích nghi được với môi trường trên thế giới” – Thứ trường Ga nói.
“Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thì đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay đi theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình khác biệt quá nhiều so với chương trình thế giới thì rõ ràng chúng ta đang cô lập. Bây giờ chúng ta đang trong quá trình hội nhập thì những cải cách trong chương trình của chúng ta cũng phải có tham khảo, nhập khẩu các mô hình nước ngoài để dần tiếp cận với chương trình của thế giới. Hiện nay, chúng ta có 35 chương trình tiên tiến sử dụng chương trình của thế giới. Đây là bước tập dượt để chúng ta chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc tế” – Thứ trưởng Ga cho biết thêm.
Theo TPO
Choáng ngợp "thư viện phao" quanh ĐH
Chiêu mới của các cửa hàng photo là chuẩn bị "thư viện phao" để phục vụ cho sinh viên trong mùa thi.
"Menu tài liệu thi tiện dụng"
Nếu như trước kia, sinh viên lên lớp thường chăm chỉ chép bài hay phải tự mình tìm kiếm những tài liệu cần thiết ở các nhà sách, thì bây giờ các bạn "nhàn hơn" nhờ các hiệu photocopy và in ấn. Xét ở khía cạnh nào đó, điều này mang đến sự chủ động về tài liệu ôn tập cho sinh viên, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, sự tiện nghi này dần hình thành nên thói lười biếng ở các sinh viên, ỷ lại vào tài liệu, làm cho xu hướng "mì ăn liền" diễn ra ở ngay trong nền giáo dục.
Xu hướng mì ăn liền trong học tập và ôn thi cuối kỳ của các sinh viên làm cho việc học và thi ngày càng trở nên tách biệt với nhau. Với những tài liệu bán sẵn, sinh viên chỉ cần "thuộc" mà không cần "hiểu", nghĩa là học chỉ để đi "thi" lấy điểm cao chứ không phải để lấy kiến thức, trau dồi trí tuệ cho bản thân.
Các tài liệu thi này vốn là những tài liệu tóm tắt kiến thức cơ bản của các môn học, được biên soạn lại và in, photo ra nhiều bản với đủ các kích cỡ khác nhau và bán cho sinh viên làm tài liệu ôn thi cuối học kỳ. Các tài liệu này được bán tràn lan, rộng rãi trong các cửa hàng in, photocoppy tại khu vực cổng các trường đại học lớn. Đặc biệt, các tài liệu này được bán sẵn và được chủ các cửa hàng photo sắp xếp thành dãy "menu" các môn, từ các môn đại cương cho tới các môn chuyên ngành.
Nằm ngay trên lối đi cổng phụ trường Đại học Thương mại, các cửa hàng photo bày bán đủ các loại tài liệu với kích cỡ khác nhau. Tên tài liệu các môn học được xếp theo bảng chữ cái anphabe trên giá đựng, dễ dàng cho việc "tra cứu" tài liệu cần thiết cho sinh viên.
Kho tài liệu ở một của hàng Photo gần cổng phụ trường đại học Thương Mại.
Bạn Hoàng Thị Thủy( sinh viên trường Đại học Thương Mại) chia sẻ: " Kỳ nào mình cũng đến đây mua tài liệu về học, vừa không phải chép bài lại vừa tiện, vừa tiết kiệm thời gian".
Không chỉ Trường đại học Thương mại, một số trường đại học lớn khác như : Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Mỏ, Học viện Tài chính...hiện tượng bán tài liệu trở nên phổ biến và quen thuộc với mỗi bạn sinh viên.
"Làm tài liệu cũng được mà làm " phao" cũng ok!"
Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Minh Trung, sinh viên Học viện Tài chính về sự "tiện dụng" của phao thi bán sẵn. Trung cho hay : " Mình cũng hay mua tài liệu về học nhưng nhiều khi vội quá, tối nay chưa học xong mà sáng mai lại thi, mình dùng luôn tài liệu làm phao, nếu có quay được thì càng tốt, nếu không thì mang vào cho an tâm." .
Trường hợp như bạn Trung không phải là ít, nhiều sinh viên mang cả tập phao lớn vào phòng thi với hi vọng thầy cô không để ý thì liếc qua một ít, biết đâu có thể thêm điểm hay chống trượt. Cũng bởi vậy mà nhiều thí sinh không may đã bị bắt quả tang, không những bị hủy kết quả thi mà còn bị kỷ luật về đạo đức.
Phao thi chuyên dụng
Nhiều bạn sinh viên vì lý do này hay lý do khác bận đi làm thêm kiếm tiền mà sao nhãng học tập, cả kỳ đến lớp đúng ngày thi cũng chuẩn bị cho mình những chiêu quay cóp tinh vi nhằm che mắt các giám thị. Một trong những chiêu quay cóp của những thí sinh dạng này là " phao thi chuyên nghiệp".
Tại các cửa hàng bán tài liệu ôn tập, các phao thi cũng được bày bán với đủ các bộ môn khác nhau, được in ở cỡ chữ và khổ giấy nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Khi vào phòng thi, các sinh viên có thể mang theo những chiếc phao này bằng cách để chúng trong túi quần, túi áo, dưới giày...
Giá của những phao thi này được cho là rất " phải chăng" với sinh viên, tùy theo từng loại tài liệu, từng bộ môn và độ dày của mỗi tài liệu mà chúng có giá cả khác nhau, thường dao động từ 5 đến 20 ngàn đồng.
Bạn Nguyễn Văn Mạnh, sinh viên năm 3 trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết : Ngay tại các cửa hàng photo đối diện cổng trường có bán rất nhiều phao thi. Các phao thi này được in ở nhiều kích cỡ khách nhau nhưng phổ biến là được in cỡ chữ nhỏ trên khổ giấy 10 15 cm và được bày bán công khai. Mạnh chia sẻ : "Ở đây phao gì cũng có, giá cũng phù hợp và rất tiện lợi nên các bạn sinh viên mua đến đây mua phao rất đông, nhất là vào dịp cuối mỗi học kỳ."
Các loại phao như trên được bán công khai tại các cửa hàng photocopy và sinh viên thì vẫn công khai mua mặc dù hành vi quay cóp, sử dụng phao thi trong thi cử là việc làm sai quy chế.
Anh Trần Đình Lợi, chủ một cửa hàng bán phao thi gần trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết : "Mùa thi này sinh viên đến mua phao rất đông, chủ yếu là mua phao cỡ nhỏ để tiện mang vào phòng thi. Vẫn biết dùng phao thi là không tốt nhưng nếu sinh viên cần thì mình cung cấp,với lại cũng có ai cấm đâu mà không bán."
Phao thi được xếp theo từng tập với đủ các môn.
Vì lười học, ỷ lại vào phao thi, không chịu ôn tập mà nhiều sinh viên đã liều mình mang tài liệu vào phòng thi và để mặc cho sự may rủi quyết định số phận bài thi của mình.
Nhiều sinh viên quay cóp trót lọt đạt điểm cao, những sinh viên khác bị bắt quả tang thì phải "lãnh án" của giám thị, thậm chí nhiều thí sinh mang tài liệu vào phòng thi không mà dám mở ra xem vì giám thị coi quá chặt.
Tuy nhiên, việc bán phao thi công khai này trực tiếp tiếp tay cho những hành vi gian lận trong thi cử. Không những thế, nó còn tạo ra sự bất công trong việc đánh giá kết quả học tập giữa các sinh viên.
Theo VNN
Muốn đại học phát triển bền vững cần có tự chủ Trong buổi tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo chiều 14/12 giữa Bộ GD&ĐT và ĐH Bách khoa Hà Nội, các đại biểu cho rằng tự chủ đại học là điều kiện đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hoàng Minh...