Giảng viên ĐH Kinh tế Đà Nẵng ‘nhờ’ SV đi thi hộ lấy chứng chỉ, trường nói gì?
Nữ giảng viên này đã nhờ một sinh viên trong khoa đi thi hộ và ‘lọt’ qua các khâu kiểm tra của ban tổ chức, đồng thời được cấp chứng chỉ hoàn thành.
Mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của một số giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng về một trường hợp giảng viên của trường này “nhờ” sinh viên đi thi hộ để lấy chứng chỉ.
Giảng viên nhờ sinh viên đi thi hộ
Theo phản ánh, năm 2021, Đại học Đà Nẵng tổ chức khóa học “bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2″. Trong đó, giảng viên NTHP. (giảng viên khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng) tham gia khóa học này.
Một giảng viên của Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng nhờ sinh viên đi thi hộ lấy chứng chỉ. Ảnh: AN
Ngày 2/4/2021, Đại học Đà Nẵng tổ chức đợt thi hết môn, kết thúc khóa học tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Tuy nhiên, vào thời điểm này thì cô P. đang điều trị tại bệnh viện nên nhờ một sinh viên năm 4 khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) đi thi hộ.
“Trong vai” cô P., sinh viên này đã lọt qua các khâu kiểm tra của ban tổ chức và bước vào phòng thi hoàn thiện bài thi. Sau đó một thời gian, cô P. cùng các giảng viên khác được cấp chứng chỉ “bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2″.
Sự việc cô P. gian lận trong kỳ thi này bị một số đồng nghiệp trong khoa Luật phát hiện và có phản ánh đến lãnh đạo nhà trường cũng như các đơn vị chức năng liên quan.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/8, ông Phan Kim Tuấn – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) xác nhận sự việc nói trên.
Đồng thời cho biết, sau khi nhận được các thông tin phản ánh, phía nhà trường đã yêu cầu cô P. làm bản tường trình cũng như tiến hành xác minh, làm rõ sự việc. Theo đó, cô P. đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Để xử lý các sai phạm của cô P., Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã ban hành quyết định thu hồi quyết định kết nạp Đảng đối với cô P.
Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng đã thu hồi chứng chỉ “bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2″ đã cấp cho giảng viên này trước đó.
Sau khi Đảng ủy nhà trường công bố hình thức kỷ luật Đảng viên thì sẽ giao cho Ban giám hiệu nhà trường và các phòng, ban liên quan xử lý kỷ luật viên chức theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật viên chức vẫn chưa được thực hiện.
“Sự việc cô P. vi phạm xảy ra từ tháng 4/2021. Cấp ủy cũng như phía Ban tổ chức kỳ thi đã có các bước xử lý nhưng suốt một thời gian dài, phía Ban giám hiệu nhà trường lại không có bất kỳ động thái nào để kỷ luật viên chức theo quy định”, một giảng viên phản ánh.
Video đang HOT
Việc Ban giám hiệu cũng như Khoa Luật không đưa ra hình thức xử lý kỷ luật cô P. đã khiến nhiều người bức xúc. Họ cho rằng, hành vi vi phạm của cô P. là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, nhà giáo, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một giảng viên khoa Luật.
Nhà trường nói gì?
Theo ông Tuấn, trong sự việc này, nhà trường không có gì để bao che, không xử lý. “Về tiến độ xử lý kỷ luật, chúng tôi đã thực hiện các bước, trình tự như: gặp đương sự, yêu cầu viết bảng tường trình, triển khai kiểm điểm tại đơn vị.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý kỷ luật cũng có nhiều quan điểm trái chiều nhau về việc áp dụng thời hạn xử lý kỷ luật viên chức”.
Ông Tuấn lý giải, theo khoản 3 điều 53 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định: Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Ông Tuấn cho rằng, ở đây xảy ra hai luồng quan điểm khác nhau về thời gian phát hiện hành vi vi phạm của cô P. Quan điểm 1 đó là từ thời điểm có thông báo của Đảng về việc cá nhân có vi phạm (Đảng đã xử lý và giao cho nhà trường xử lý viên chức).
Quan điểm 2, thời gian phát hiện hành vi vi phạm của cô P. là từ thời điểm cô này viết bảng tường trình, thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Việc áp dụng thời gian phát hiện hành vi vi phạm của cô P. như thế nào thì nó sẽ ảnh hưởng đến thời hạn về xử lý kỷ luật viên chức.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là hành vi sai phạm của cô P. đã được xác định rõ ràng, bản thân cô này cũng đã thừa nhận hành vi của mình, vậy tại sao nhà trường lại không tiến hành tổ chức xử lý kỷ luật viên chức theo đúng quy định?
Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, trong quá trình xử lý thì nhà trường mời cô P. lên thì cô P. có đưa ra lý do đau ốm để không đến dự họp. Sự việc kéo dài, đến lúc mời được đương sự lên làm việc thì đương sự cho rằng đã hết thời hạn xử lý kỷ luật viên chức theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
“Quan điểm của nhà trường là kiên quyết xử lý, không bao che và ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Sắp tới, sau khi tham khảo các ý kiến của các ban, ngành chức năng, nhà trường sẽ tiến hành xử lý kỷ luật cô P.”, ông Tuấn khẳng định.
Mặc dù phía nhà trường khẳng định như trên nhưng theo các chuyên gia pháp lý thì trong sự việc này, trách nhiệm xử lý kỷ luật viên chức thuộc về Ban giám hiệu, lãnh đạo nhà trường.
Một số mốc thời gian liên quan đến quá trình vi phạm, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm của cô P. được thống kê sơ bộ như sau:
Ngày 2/4/2021 (ngày diễn ra kỳ thi và cô P. nhờ sinh viên đi thi hộ).
Đến ngày 28/10/2021 có đơn thư phản ánh kiến nghị việc cô P. vi phạm đến lãnh đạo, Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Ngày 9/12/2021, Thường vụ Đảng ủy Đại học Kinh tế Đà Nẵng đọc quyết định thu hồi quyết định kết nạp Đảng của cô P.
Ngày 19/1/2022: Trưởng khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) thông báo họp kiểm điểm viên chức nhưng sau đó dời sang ngày 21/1/2022.
Ngày 21/1/2022: Trưởng khoa Luật thông báo hoãn họp cho đến nay.
Ngày 20/7/2022: Phòng Thanh tra – Pháp chế (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) họp tiếp công dân đối với các phản ánh liên quan đến việc xử lý kỷ luật cô P. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng này cho rằng đã hết thời hạn xử lý kỷ luật cô P.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/8, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho hay, nhà trường đang trong các bước tiếp tục xử lý nhưng còn vướng một vài vấn đề pháp lý. Nhưng cơ bản vẫn tìm cách xử lý được chứ không phải nó kẹt lắm. Vụ việc cũng đang được tiến hành.
Trả lời câu hỏi về sự việc đã xảy ra từ năm 2021 nhưng kéo dài đến nay chưa xử lý thì liệu rằng có sự bao che hay không, thầy Toàn nói: “Chúng tôi đang trong quá trình xử lý và không thể bao che trong những sự việc như thế này. Vướng mắc ở đâu thì chúng tôi tháo gỡ ở đấy. Sự việc liên quan đến cá nhân, một giảng viên nên chúng tôi làm việc trên tinh thần tuân thủ các quy định một cách chặt chẽ”.
Tự ý cho thuê trụ sở, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc phải giải trình
Cho trường phổ thông liên cấp thuê suốt nhiều năm, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc phải giải trình với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư bạn đọc về việc Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc (trụ sở tại phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng đã tự ý cho một trường phổ thông liên cấp thuê.
Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc được biết đến với nhiệm vụ đào tạo cán bộ ở bậc cao đẳng, trung học và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý thuộc các chuyên ngành: Âm nhạc, Thanh nhạc, Mỹ thuật, Múa, Văn hóa quần chúng, đồng thời là trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của các tỉnh miền núi phía Bắc (bao gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và các huyện miền núi của các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ).
Học sinh, sinh viên theo học trong trường chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số và được thụ hưởng nhiều chính sách về chi phí ăn ở, sinh hoạt và đào tạo theo chế độ đãi ngộ của nhà nước.
Khuôn viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc nhìn từ trên cao. Ảnh: website nhà trường
Khuôn viên trường có diện tích rộng khoảng 3,5ha với đầy đủ các khối nhà chức năng phục vụ cho hoạt động đào tạo, khu giảng đường có thể đáp ứng giảng dạy lên tới 1.200 học sinh, sinh viên.
Ngày 13/9, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Cường - quyền Hiệu trưởng, về việc cho thuê trụ sở của nhà trường.
Qua điện thoại ông Cường cho biết, việc cho thuê là do ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng) ký lúc đương nhiệm.
Sau khi ông Minh về hưu, ông Cường mới lên thay quyền phụ trách và đang chờ các điều kiện để bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng.
Có một thời gian, ông Minh đi nước ngoài nên nhà trường chưa thể giải quyết được chuyện hợp đồng với đơn vị được thuê. Hiện ông Minh đã về nước và các bên đang họp giải quyết vấn đề.
Cũng theo ông Cường, hiện Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ có đoàn làm việc với nhà trường để làm rõ các vấn đề cụ thể.
Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc cũng đang xây dựng đề án về sử dụng tài sản công gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phải được Bộ chấp thuận, đáp ứng được những quy định cụ thể mới có thể cho thuê một phần tài sản.
Cũng theo ông Cường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo rà soát tất cả các trường trực thuộc, phải làm đề án về sử dụng tài sản công và phải được chấp thuận thì mới được phép cho thuê. Khi nào có kết quả làm việc, nhà trường sẽ thông tin cụ thể cho tòa soạn.
Theo thông tin của độc giả cung cấp, vào khoảng năm 2018, ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng) có lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo, cán bộ trong trường về việc cho thuê địa điểm với giá là 200 triệu đồng/1 năm; sau đó có hợp đồng bổ sung, giá thuê được điều chỉnh là hơn 300 triệu đồng/1 năm với Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai (thuộc Công ty cổ phần Điện tử viễn thông Thành Biên - Thành Biên Group).
Khu vực trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc cho Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai thuê. Ảnh: Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh Hòa Bình
Theo giới thiệu trên website, Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình được thành lập năm 2018 theo Quyết định số 1268/QĐ-UBND, ngày 25/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, là trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
Địa điểm của nhà trường: Tổ 14, Phường Thịnh Lang, Thành phố Hòa Bình (trong khu vực hợp tác và liên kết giữa Công ty cổ phần Điện tử viễn thông Thành Biên và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc).
Việc cho thuê tài sản công được thực hiện như thế nào?
Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê:
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản công trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
2. Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;
b) Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản không thuộc quy định tại Điểm a khoản này.
3. Phương thức và giá cho thuê tài sản được quy định như sau:
a) Đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ thực hiện theo phương thức đấu giá; giá cho thuê là giá trúng đấu giá;
b) Đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại Điểm a khoản này thực hiện theo phương thức thỏa thuận; giá cho thuê tài sản do người cho thuê và người đi thuê tài sản thỏa thuận theo giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ".
Sinh viên là động lực của những giờ giảng say sưa trên lớp Đối với TS Lê Thị Minh Hằng, chính những sinh viên đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp cô vượt những khó khăn, nỗ lực 'thắp lửa' nghề giáo. TS. Lê Thị Minh Hằng (áo trắng) cùng với các sinh viên của mình. Sinh viên, nguồn động lực để "thắp lửa" nghề giáo Hơn 22 năm học tập và làm việc tại...