Giảng viên ĐH dùng bằng thạc sĩ giả
Một giảng viên trường ĐH Văn hóa TP HCM đã làm giả giấy công nhận bằng thạc sĩ của cục Khảo thí Bộ GD-ĐT và nộp cho trường.
ThS N.A.Đ. là giảng viên thỉnh giảng khoa quản lý văn hóa nghệ thuật trường ĐH Văn hóa TP HCM từ năm 2012 đến nay.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, ông N.A.Đ. học CĐ Sân khấu – Điện ảnh ngành đạo diễn sân khấu, sau đó lấy bằng thạc sĩ ngành quản trị tiếp thị của Marketing Institute of Singapore – MIS năm 2007.
Theo hồ sơ lý lịch của ông Đ. lưu tại trường ĐH Văn hóa, ông Đ. khai trước khi giảng dạy tại đây ông từng làm việc tại nhiều tập đoàn, công ty truyền thông trong nước, giảng viên cao cấp marketing tại HV Coach Guirila, giảng dạy môn quản trị chiến lược, quản trị marketing tại ĐH Công nghệ Sài Gòn, giảng viên kỹ năng mềm tại ĐH Sài Gòn, giảng viên tâm lý giáo dục tại ĐH Sư phạm TP HCM…
Bằng thạc sĩ của ông Đ. được MIS xác nhận không phải do đơn vị này cấp.
Lấy bằng thạc sĩ trước, học ĐH sau
Thời gian qua ông Đ. dạy các môn marketing văn hóa nghệ thuật, gây quỹ và tìm tài trợ, xây dựng kế hoạch dự án văn hóa tại ĐH Văn hóa TP HCM.
Một điểm đáng chú ý là sau khi lấy bằng thạc sĩ năm 2007, năm 2009 ông Đ. mới bắt đầu học liên thông ĐH ngành quản lý văn hóa tại ĐH Văn hóa TP.HCM, năm 2011 tốt nghiệp.
Lý giải về việc học ngược này, ông Đ. cho biết trước khi dạy ở đây ông đã giảng dạy ở nhiều nơi khác. Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa TP HCM mời ông dạy các môn về văn hóa trong khi chuyên ngành của ông là quản trị tiếp thị nên ông phải học liên thông ĐH ngành quản lý văn hóa để sau đó giảng dạy.
Liên quan đến thông tin ông Đ. đi học chỉ trong vài ngày tại Singapore là được cấp bằng thạc sĩ, ông Đ. cho biết ông học hoàn toàn tại Việt Nam với thời gian hai năm rưỡi.
Đầu vào chương trình không yêu cầu phải có bằng ĐH. Toàn bộ việc học này được thực hiện tại một trường nghề ở Q.Phú Nhuận, TP HCM với học phí 7.500 USD/năm.
Tuy nhiên trường nghề này liên kết với các đơn vị nước ngoài đào tạo chui nhiều khóa thạc sĩ, ĐH nên sau đó đã bị thanh tra và đóng cửa. Người phụ trách trường nghề này nguyên là chuyên viên phòng đào tạo một trường ĐH ngoài công lập tại TP HCM.
Giấy công nhận giả với số vào sổ 002976 do ông Đ. nộp cho trường ĐH Văn hóa TP HCM.
Trong khi đó, ThS Trịnh Đăng Khoa – phó trưởng khoa quản lý văn hóa nghệ thuật – cho biết ông Đ. có phương pháp sư phạm tốt, kiến thức môn học đảm bảo, tuy có điều hay bị sinh viên phản ảnh là hơi “nổ”.
Về pháp lý ông Đ. có bằng thạc sĩ, có giấy công nhận của Bộ GD-ĐT nên việc mời thỉnh giảng hoàn toàn bình thường, không có gì sai.
Video đang HOT
“Người có bằng thạc sĩ rồi đi học ĐH là bình thường. Người ta có nhu cầu đi học để bổ sung kiến thức là chuyện đáng khuyến khích. Không phải có bằng cao hơn là không cần học bậc thấp hơn” - ông Khoa nói thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề giảng dạy của ông Đ., một giảng viên của trường cho biết năm 2013 ông này bị sinh viên lớp liên thông ĐH tại Sóc Trăng phản ảnh với trường về phương pháp sư phạm cũng như kiến thức chuyên môn chưa chuẩn dẫn đến việc trường ngừng mời thỉnh giảng một năm.
Ông Khoa xác nhận đúng là có sự cố tại Sóc Trăng nhưng đó là va chạm ngoài chuyên môn, nảy sinh vấn đề văn hóa giao tiếp chứ không liên quan đến năng lực chuyên môn. Sau sự cố này, trường đã ngừng mời thỉnh giảng khoảng một năm đối với ông Đ., sau đó khoa có đề nghị mời thỉnh giảng lại.
Bằng thạc sĩ giả, giấy công nhận giả
Chúng tôi liên hệ phòng đào tạo của trường để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến ông Đ.
Một cán bộ phòng đào tạo cho biết trường cũng từng nghi ngờ bằng thạc sĩ của ông này vì theo một giảng viên môn tiếng Anh lớp liên thông ĐH (ông Đ. theo học), khả năng tiếng Anh của ông Đ. chỉ bập bẹ, khó có thể học thạc sĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đó là lý do trường ngưng mời thỉnh giảng một năm đối với ông Đ.. Trường yêu cầu ông Đ. phải mang bằng ra Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT làm thủ tục công nhận để tiếp tục thỉnh giảng. Ông Đ. sau đó đã nộp cho trường giấy công nhận bằng thạc sĩ do cục trưởng Mai Văn Trinh ký ngày 20/5/2014.
Từ khoa đến phòng đào tạo ĐH Văn hóa TP HCM đều lấy tờ công nhận này làm căn cứ xác thực văn bằng, tiếp tục mời thỉnh giảng.
Sáng 5/2, sau khi nhận được hồ sơ và giấy công nhận bằng thạc sĩ của ông Đ. do phòng đào tạo cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với Cục Khảo thí nhờ xác nhận tính pháp lý của giấy công nhận bằng thạc sĩ cấp cho ông Đ.
Phó cục trưởng Cục Khảo thí – PGS.TS Trần Văn Nghĩa nhìn qua giấy chứng nhận đã nghi ngờ và cho biết nhiều khả năng đây là giấy công nhận giả. Sau khi tra số vào sổ, ông Nghĩa khẳng định đây là giấy chứng nhận giả.
“Mẫu giấy chứng nhận rất giống mẫu của bộ, tuy nhiên phông chữ có chỗ không đúng, chữ ký cục trưởng không đúng và đặc biệt là số vào sổ ghi trên giấy này đã được cấp cho một người khác. Như vậy đây là giấy giả. Hiện nay cục nhận được vài chục tờ giấy công nhận giả như thế này” – ông Nghĩa nói thêm.
Cùng với khẳng định này, ông Nghĩa gửi cho chúng tôi giấy công nhận thật đã cấp cho người khác có cùng số vào sổ với giấy của ông Đ.
Chúng tôi đã liên lạc với ông Đ. và đặt vấn đề giấy công nhận của ông là giả và ông là người trực tiếp đi làm hay người khác làm thay, ông Đ. cho biết hết sức bất ngờ với thông tin này! Theo ông Đ., ông nhờ dịch vụ làm thủ tục công nhận này, họ yêu cầu gửi giấy tờ gì thì ông gửi giấy tờ đó.
Song song với việc xác minh tính pháp lý của giấy công nhận, chúng tôi cũng đã gửi ảnh chụp bằng thạc sĩ của ông Đ. sang MIS nhờ xác minh một số nội dung: đây có phải là bằng do viện cấp hay không và hình thức đào tạo là gì.
Thật bất ngờ khi bà Chen Yi Fei – phụ trách kiểm tra đánh giá của MIS – xác nhận: Bằng thạc sĩ của ông Đ. không được MIS cấp và từ trước đến nay viện chưa bao giờ đào tạo, cấp bằng thạc sĩ quản trị tiếp thị.
Tốt nghiệp THPT làm phó khoa trường ĐH Hồng Bàng?
Liên quan đến bằng tiến sĩ “ma”, chúng tôi có thêm thông tin ông N.M.M. – phó trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn ĐH quốc tế Hồng Bàng – sử dụng bằng tiến sĩ học từ xa của một trường ĐH Mỹ và không được công nhận tại Việt Nam.
Chúng tôi đã liên hệ với trường và cả ban giám hiệu, chánh văn phòng, phòng tổ chức nhân sự đều đồng thanh khẳng định: trong hồ sơ lưu của trường ông M. chỉ có chứng chỉ tú tài phần hai (tương đương tốt nghiệp THPT hiện nay) được cấp năm 1968 và chỉ là nhân viên giúp việc tại khoa, không phải là phó khoa.
Trường cũng khẳng định ông M. chưa từng nộp bất kỳ bằng cấp thạc sĩ hay tiến sĩ nào vào trường ngoài chứng chỉ tốt nghiệp nói trên. Cũng theo trường, bất kỳ người nào có bằng tiến sĩ nước ngoài phải được Cục Khảo thí công nhận trường mới chấp nhận.
Tuy nhiên, chúng tôi tìm hiểu và nhận thấy trong hai số tạp chí khoa học của trường vào tháng 2 và tháng 9/2012, ông N.M.M. là trưởng ban biên tập với học vị tiến sĩ.
Trong khi đó, theo danh sách học viên chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ của Sở Khoa học và công nghệ TP HCM, ông M. được trường xác nhận học vị tiến sĩ với chức danh trợ lý hiệu trưởng.
Trên trang web Tuoitrehongbang.vn – cổng thông tin học sinh – sinh viên chính thức của trường, ông N.M.M. được giới thiệu là tiến sĩ và là phó khoa khoa học xã hội và nhân văn của trường. Khi chúng tôi đưa ra các chứng cứ này, đại diện ban giám hiệu nhà trường ậm ừ và cho biết có sự nhầm lẫn gì đó, để kiểm tra lại!
Trong khi đó trao đổi với chúng tôi, ông N.M.M. xác nhận trước đây có theo học tiến sĩ từ xa của một trường ĐH Mỹ và có nộp bằng tiến sĩ này cho trường. Sau khi có thông tin không công nhận, tháng 10-2014 ông đã rút toàn bộ bằng cấp ra khỏi trường, không làm phó khoa nữa và hiện chỉ là người hướng dẫn sinh viên thực tập.
Theo Minh Giảng/Báo Tuổi trẻ
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đừng để người không dạy học "chạy" chức danh GS, PGS
"GS, PGS là chức danh của nhà giáo ở các cơ sở đào tạo đại học. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học nào "chạy" chức danh GS, PGS".
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Điều quan trọng không phải số lượng mà là chất lượng GS.PGS thế nào?
GS. Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với PV Infonet khi có nhiều ý kiến khác nhau được nêu ra trong mấy ngày qua, sau sự kiện 644 GS, PGS vừa được vinh danh tại Văn Miếu.
GS, PGS ở Việt Nam nhiều hay ít?
Bình luận về nhận định "lạm phát" GS, PGS, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo thống kê của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, từ năm 1976 cho đến hết năm 2014, sau 38 năm nước ta trở lại với việc phong và bổ nhiệm GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta là 11.097 (1.628 GS và 9.469 PGS), trong số đó có 4.155 GS, PGS giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học. Số GS, PGS nói trên gồm cả những người đã mất và về hưu.
Dân số nước ta hiện nay là 90 triệu người, tổng số sinh viên đại học là 1.730.000, số giảng viên đại học 74.630 người. Như vậy chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên 10.000 dân. Nếu tính riêng các cơ sở giáo dục đại học thì không quá 5,6% GV đại học là GS hoặc PGS và chỉ có 1 GS hoặc PGS trên 416 sinh viên (tính cả giảng viên thỉnh giảng nữa thì khoảng 300 sinh viên).
Trong khi đó, ở một nước có dân số gần bằng nước ta là CHLB Đức, số lượng (và cả chất lượng) GS cao hơn ta nhiều: 3 GS trên 10.000 dân và 1 GS trên 59 SV.
Hiện nay nước ta có trên 500 trường đại học, cao đẳng, hàng trăm viện nghiên cứu tham gia đào tạo sau đại học, với số lượng bộ môn lên tới 50 - 60 nghìn. Mỗi bộ môn thông thường phải có 1 GS và vài PGS. Như vậy thì số lượng GS, PGS nói trên còn thấp so với yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý rằng GS, PGS bây giờ không phải học hàm như trước nữa, mà là chức danh.
Học hàm là cấp bậc, giống như quân hàm đại tá, thiếu tá,...; còn chức danh là chức vụ, giống như chức sư đoàn trưởng hay đại đội trưởng,... Khi sư đoàn trưởng về hưu thì không thể không có sư đoàn trưởng mới thay thế.
Hội đồng Chức danh GS Nhà nước bây giờ chỉ công nhận ứng viên đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm GS, PGS; còn họ có được bổ nhiệm không, được bổ nhiệm ở đâu thì đó là việc của cơ sở GDĐH. Cơ sở GDĐH có cần (nói cho đúng là có khuyết các chức danh ấy) mới bổ nhiệm.
"Không biết ai là người đầu tiên nói Việt Nam là nước đông GS.PGS nhất Đông Nam Á, họ căn cứ vào số liệu nào? Tôi có tra cứu số liệu nhưng không tìm thấy thông tin. Thông tin này không được dẫn chứng theo nguồn nào nên không đáng tin cậy" - GS Thuyết khẳng định.
Chất lượng GS, PGS thế nào?
Nhìn nhận về việc này, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: Cũng có người nói thế hệ GS trước đây khi nói đến ai là cả nước đều biết. Điều đó đúng nhưng nói một cách công bằng thì lúc đó các ngành khoa học nước ta mới được hình thành, số lượng GS rất ít, mặt khác các vị GS lại có công đầu xây dựng ngành nên được nhiều người biết đến. Còn thế hệ bây giờ, họ không phải lứa xây dựng ngành và thường hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn hẹp nên không phải ai cũng biết.
Trong số hàng ngũ GS.PGS hiện nay cũng có những người rất giỏi, có đóng góp không kém gì những giáo sư thế hệ đầu tiên, điển hình là hai GS đang làm Thứ trưởng vừa được vinh danh tại Văn Miếu: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến là một bác sĩ nổi tiếng với "bàn tay vàng". Ông là Nhà giáo Nhân dân, đồng thời là Anh hùng Lao động, với nhiều công trình nghiên cứu đã phát huy hiệu quả trong đời sống.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến là Nhà giáo Ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, có tới gần 50 bài báo trên những tạp chí quốc tế nổi tiếng.
Ngay người trẻ nhất trong số các GS vừa được công nhận - GS Phan Thanh Sơn Nam (37 tuổi) cũng có tới 37 công bố quốc tế... Những GS này không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn nhiều bậc tiền bối.
Ngay người trẻ nhất trong số các GS vừa được công nhận - GS Phan Thanh Sơn Nam (37 tuổi) cũng có tới 37 công bố quốc tế... Những GS này không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn nhiều bậc tiền bối.
Tuy nhiên, theo GS Thuyết, chất lượng GS, PGS hiện không đồng đều. Mặc dù đã có tiêu chuẩn chung, quy chế xem xét chung, có các hội đồng liên ngành ở trung ương và Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét để đảm bảo mặt bằng tiêu chuẩn của những người được bổ nhiệm GS, PGS nhưng việc xem xét ở nhiều hội đồng từ cơ sở đến trung ương chủ yếu vẫn chỉ dựa vào số lượng (số lượng công trình, số tiến sĩ hoặc thạc sĩ đã đào tạo, số giờ dạy hằng năm,...).
"Nhiều thành viên hội đồng vẫn còn tâm lý nể nang. Có chuyện bỏ phiếu theo tình cảm do quen biết. Cũng có tin đồn hoặc tâm sự ở chỗ riêng tư về chuyện chạy chọt, tiêu cực. Do đó không thiếu trường hợp được công nhận không xứng đáng, nhưng đó không phải tất cả. Tóm lại, chất lượng GS.PGS thế nào phụ thuộc vào từng trường hợp, từng hội đồng cụ thể."
Đề cập đến thực trạng dù có nhiều nhà khoa học, nhưng lại không sản xuất được "con ốc vít", GS Thuyết cho rằng, GS, PGS là giáo chức nên câu chuyện chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đào tạo.
Tuy nhiên, GS, PGS cũng là nhà khoa học, thậm chí còn đào tạo ra các nhà khoa học, nên họ cũng phải chịu trách nhiệm về việc chậm tiến trong nghiên cứu khoa học, như các công bố quốc tế ít, hay chuyện "con ốc vít",... Điều đó phản ánh thực tế chất lượng đào tạo khoa học của ta chưa cao.
Người không dạy học cũng là giáo sư?
Theo GS Thuyết: "GS, PGS là chức danh của nhà giáo ở cơ sở giáo dục đại học. Nó vinh dự thật, nhưng không phải là cái huân chương. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học nào "chạy" chức danh GS, PGS. Quan chức đeo cái chức danh của nhà giáo cũng chẳng giải quyết được việc gì. Vì thế, vấn đề đặt ra là: Có nên để các trường bổ nhiệm GS.PGS cho những người không phải giảng viên cơ hữu của mình không?"
Bên cạnh đó, theo GS. Thuyết cũng phải xem xét để đưa ra tiêu chuẩn GS, PGS cao hơn. Đồng thời cũng phải làm sao để các hội đồng làm việc công tâm, khách quan hơn. "Chúng ta đang sống bằng tình cảm chủ nghĩa. Yêu cầu 10 bài báo, ứng viên trưng ra 10 bài là xong. Vấn đề là bài báo đó có chất lượng thế nào, được giới chuyên môn coi là một đóng góp không thì lại không được quan tâm."
Ngoài ra GS. Thuyết cũng cho rằng, cần chú ý đến chế độ đãi ngộ, vì nếu lương thấp, các GS, PGS và giảng viên đại học nói chung chỉ lo đi dạy kiếm tiền mà không dành thời gian nghiên cứu khoa học, hoặc chuyển ra khu vực kinh doanh hay ra nước ngoài làm việc.
Theo Infonet.vn
Tránh để "chạy đua" lên Giáo sư, Phó Giáo sư! Các cơ sở đào tạo không nên vì muốn có được số lượng giảng viên chất lượng cao hay đạt tiêu chí mở ngành nghề mà để xảy ra"chạy đua" lên GS, PGS. Đầu Xuân Ất Mùi này, tin vui đến với ngành Giáo dục là Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố quyết định và trao giấy chứng...