Giảng viên chấm sai điểm hàng trăm bài thi của sinh viên
Một giảng viên bị kỷ luật, không đươc phân công giảng dạy từ tháng 5-2018 vì chấm sai điểm hàng trăm bài thi của sinh viên trong một học kỳ. Khi giảng viên này được phân công giảng dạy trở lại, nhiều đồng nghiệp đã phản đối…
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nơi xảy ra vụ việc giảng viên chấm sai điểm hàng trăm bài thi của sinh viên – Ảnh: M.G.
Đó là trường hợp của ông N.T.T., hiên la giang viên ở bộ môn toán kinh tế thuộc khoa toán – thống kê Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Hầu hết bài thi thay đổi điểm
Học kỳ đầu năm học 2017-2018, ông T. được bộ môn toán cơ bản phân công giảng dạy môn toán dành cho kinh tế và quản trị ở 6 lớp, trong đó có 4 lớp chương trình đại trà, 2 lớp chương trình chất lượng cao.
Đầu năm 2018, ông T. nộp bảng điểm thi của môn học này cho phòng kế hoạch đào tạo – khảo thí, phòng này chuyển cho phòng đào tạo để nhập điểm và công bố cho sinh viên. Tuy nhiên, sau đó ông T. lên phòng đào tạo lấy lại bảng điểm để điều chỉnh rồi chuyển lại cho phòng đào tạo để cập nhật bảng điểm mới.
Như vậy có hai bảng điểm được lưu trữ ở hai phòng khác nhau với điểm số khác nhau. Tháng 3-2018, hàng chục sinh viên đã làm đơn phúc khảo tập thể đối với điểm thi môn này.
Từ đơn đề nghị phúc khảo tập thể này, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thành lập tổ chấm thẩm định lại 456 bài thi. Qua đó, hầu hết bài thi chấm lại đều có điểm thay đổi so với điểm công bố trước đó, bài được tăng điểm nhiều nhất là 2,5 điểm.
Ngoài sai sót trong chấm điểm hàng trăm bài thi, ông T. cũng bị phản ảnh giảng dạy ngoài kế hoạch. Thời lượng giảng dạy theo kế hoạch la 9 buổi nhưng ông T. dạy 18 buổi khiến một số sinh viên không theo học được, ảnh hưởng đến kết quả.
Theo tường trình của ông T., do áp lực của việc bàn giao điểm theo quy định, thời điểm đầu năm 2018 do có nhiều chuyện gia đình nên ông đã không kịp kiểm tra lại bảng điểm của bốn lớp đại trà khi nộp cho phòng khảo thí. Sau khi rà soát phát hiện có sai sót, ông T. đến phòng đào tạo xin lại bảng điểm để cập nhật lại điểm mới.
Video đang HOT
Cũng theo ông T., do không nắm được quy trình (ông T. đã làm việc tại trường gần 10 năm), không biết phòng khảo thí lưu bảng điểm nên chỉ xin bảng điểm từ phòng đào tạo để điều chỉnh. Điều này khiến có hai bảng điểm khác nhau.
Liên quan đến vấn đề điểm thi, phòng đào tạo cũng đã nhận trách nhiệm vì đã cho ông T. mượn lại bảng điểm và cập nhật điểm mới. Đối với sinh viên, phòng đào tạo đưa ra giải pháp sinh viên nhận điểm thẩm định hoặc học lại, thi lại nhưng được miễn học phí.
Phải theo dõi thêm
TS Nguyễn Quốc Khanh – trưởng phòng nhân sự Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết cuối tháng 4-2019, gần hết thời gian kỷ luật với ông T., phòng nhân sự có gửi thông báo cho khoa tiến hành họp toàn thể viên chức để đánh giá ông T. trong thời gian kỷ luật. Khoa đồng ý xóa kỷ luật và phòng nhân sự có tờ trình trình hiệu trưởng về việc xóa kỷ luật ông T. và bố trí giảng dạy.
“Toàn bộ quá trình kỷ luật, xóa kỷ luật đều thực hiện đúng quy trình kỷ luật viên chức và làm nghiêm túc. Thời gian bị kỷ luật, khoa đánh giá ông T. có sự phấn đấu và nghiêm túc” – ông Khanh cho biết.
Tuy nhiên, khi trường có quyết định phân công ông T. giảng dạy trở lại, tháng 7-2019, một số giảng viên bộ môn toán cơ bản thuộc khoa toán – thống kê đã có đơn kiến nghị gửi trường và khoa, trong đó nêu không an tâm khi ông T. tiếp tục giảng dạy môn toán dành cho kinh tế và quản trị khi có nhiều thông tin không tốt và đề nghị không phân công ông T. giảng dạy môn này.
Ông T. bị bộ môn toan cơ ban từ chối tiếp nhận trở lại. Sau kiến nghị này, ông T. đã làm đơn xin chuyển công tác sang bộ môn toán tài chính của khoa này và được chấp thuận.
Ông Khanh cho biết ông T. học thạc sĩ giải tích, văn bằng hai ĐH ngành tài chính doanh nghiệp nên có thể giảng dạy được môn toán tài chính. Tuy ông T. được điều chuyển về bộ môn toán tài chính nhưng hiệu trưởng yêu cầu khoa phải tiếp tục theo dõi để có đánh giá thêm về những thay đổi của ông T.
Ông T. chưa được giảng dạy ngay mà phải có thời gian dự giờ, soạn bài, giảng thử để xem có đủ chuyên môn đứng lớp hay không.
Thang điểm… 12
Điều lạ lùng là ông T. tự đặt ra thang điểm 12 để chấm bài thi trong khi quy định của bộ môn là thang điểm 10. Lý giải về điều này, ông T. khẳng định mình chấm công tâm, việc mở rộng thang điểm nhằm mục đích đem lại quyền lợi cao nhất cho sinh viên! Điều này khiến cho thang điểm bị lệch so với các lớp khác.
Cụ thể, điểm thi quy định phần trắc nghiệm 7 điểm, tự luận 3 điểm nhưng ông T. đã tự ý đảo ngược thang điểm trắc nghiệm 3, tự luận 7. Sau khi sinh viên phản ảnh, ông T. đã tự điều chỉnh thang điểm trắc nghiệm 7, tự luận 5 dẫn đến thang điểm 12, trái với quy định của bộ môn.
Với phản ảnh nhờ sinh viên chấm bài, ông T. cho biết mình có nhờ sinh viên cộng điểm quá trình và điểm thi học kỳ để có điểm thi cuối cùng khiến người khác hiểu lầm, chứ không có việc để sinh viên chấm bài thi của sinh viên.
Theo tuoitre
Khó với tới chuẩn đầu ra tiếng Anh
Hầu hết các trường đều đưa ra mức chuẩn tiếng Anh IELTS 4.5 đối với sinh viên không chuyên ngữ. Việc nâng chuẩn được cho là khó khi điều kiện các vùng miền có sự chênh lệch lớn
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên đều tăng qua hằng năm. Cùng với chuyên môn, ngoại ngữ là yếu tố được trường đặc biệt coi trọng.
Tốt nghiệp chậm do thiếu ngoại ngữ
Tùy mỗi chương trình, quy định của mỗi trường nhưng các trường hầu như đều quy định chuẩn đầu ra đối với sinh viên không chuyên ngữ hệ đại trà đều 4.5 IELTS và quy đổi tương đương.
Sinh viên thực hành giao tiếp tiếng Anh Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Dũng cho biết những năm trước trường quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với sinh viên không chuyên ngữ là 600 TOIEC đối với hệ chất lượng cao, hệ đại trà 550. Trước kia, trường chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ với hệ không chuyên là 450, sau đó nâng lên 500...
Ông Dũng cho rằng chuyên môn là chưa đủ mà sinh viên cần phải có ngoại ngữ tốt. Tại trường, tỉ lệ sinh viên nhận bằng tốt nghiệp thường là 58%, còn lại 42% chưa tốt nghiệp do yếu ngoại ngữ. Trước kia, các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên của trường đều chê yếu ngoại ngữ nên trường phải cải thiện, yêu cầu về tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ sẽ tăng trong những năm tới.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM, để nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên phải có ngoại ngữ tiến Anh TOIEC 500 cho hệ đại trà, 700 cho hệ chất lượng cao hoặc tương đương. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, cho biết để đạt được yêu cầu ngoại ngữ đầu ra, sinh viên cần có lộ trình và được chấp nhận, tránh trường hợp sinh viên học đủ các tín chỉ nhưng thiếu chứng chỉ ngoại ngữ nên không thể ra trường.
TS Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho biết đối với hệ đại trà, chuẩn đầu ra ngoại ngữ là 4.5 IELTS. Mức này được ông Long cho là thấp và muốn nâng chuẩn trong những năm tới nhưng sinh viên tốt nghiệp chậm tiến độ có phần lý do là yếu ngoại ngữ.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết trường áp dụng đầu ra B1 theo chuẩn châu Âu đối với sinh viên không chuyên ngữ. Thế nhưng, số sinh viên chưa thể nhận bằng tốt nghiệp do thiếu ngoại ngữ chiếm tỉ lệ khá.
Phải nâng chuẩn tiếng Anh từ bậc phổ thông
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng chuẩn tiếng Anh phải nâng cao hơn để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chuẩn đầu vào đối với sinh viên có sự chênh lệch lớn. Với những sinh viên ở các trung tâm TP lớn, trình độ tiếng Anh nhìn chung tốt hơn các tỉnh.
Cùng quan điểm này, thạc sĩ La Vũ Thùy Anh, Phó trưởng Phòng ĐH, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết trường hiện tại đang áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ tiếng Anh đối với sinh viên không chuyên ngữ là 5.0 IELTS; hệ chất lượng cao là 5.5; hệ dạy bằng tiếng Anh là 6.0. Cô Thùy Anh cho rằng mức 5.0 đối với hệ đại trà là phù hợp với đa số sinh viên. "Mặt bằng chung, sinh viên nhiều vùng miền khác nhau. Với sinh viên ở các trung tâm thành phố lớn thì mức này không cao nhưng ở các khu vực khó khăn thì lại cao" - cô Thùy Anh nói.
Theo công Thùy Anh, việc nâng chuẩn tiếng Anh cho sinh viên cần thiết các trường ĐH phải tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh. Hơn nữa, đề án dạy và học tiếng Anh ở chương trình phổ thông cần sự hiệu quả.
PGS Huỳnh Thanh Hùng cũng cho rằng nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên là điều trường nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chất lượng đầu vào không đồng đều nên khó nâng chuẩn. Do vậy, chuẩn hóa tiếng Anh ngay từ bậc phổ thông phải được coi trọng.
Cần giáo viên đạt chuẩn
Các chuyên gia giáo dục cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ. Việc sử dụng tốt cần có môi trường và trước hết là phải được đào tạo chuẩn từ khi mới bắt đầu. Với tình hình dạy, học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay, hầu hết đều lệch chuẩn bởi ngay cả giáo viên dạy tiếng Anh còn chưa đạt chuẩn. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách để đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ở các cấp học; ngoài ra cần áp dụng công nghệ vào dạy học. Chỉ khi đó, việc dạy, học tiếng Anh mới mang lại hiệu quả.
Huy Lân
Theo nguoilaodong
Ý tưởng khởi nghiệp 'Muzzy' của sinh viên được đầu tư 1 tỉ đồng Dự án "Muzzy" vừa giành giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp (CIC 2019) của ĐH Quốc gia TP.HCM, công bố ngày 14-9. Lê Văn Nhất và Trần Ngọc Thảo Vy được trao giải nhất với dự án Muzzy - Ảnh: TRỌNG NHÂN Đây là ý tưởng của của 2 sinh viên Lê Văn Nhất (ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TP.HCM)...