‘Giang hồ ruộng’ trở thành phó ấp
Từng cầm đầu nhóm “ giang hồ ruộng” tụ tập đua xe, quậy phá khiến người dân ta thán suốt 10 năm, nhưng anh đã phục thiện, được dân bầu làm phó trưởng ấp và được kết nạp Đảng.
Anh là Phạm Thanh Tú (30 tuổi, phó trưởng ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Nghe chúng tôi hỏi về quá khứ của anh, Tú phì cười: “Có gì mà giấu. Tui hư hỏng từ năm 16 tuổi lận”. Rồi anh hào hứng kể tất tần tật những chuyện động trời mà mình đã làm, không giấu chuyện gì, từ chuyện bỏ học năm lớp 10 đến chuyện làm đại ca “giang hồ ruộng”, tụ tập quậy phá, đua xe.
Video đang HOT
Tú “phó ấp” đang nuôi heo. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ở đầu đường, cách nhà Tú chừng 70 m, kể: “Hồi đó xóm này ai cũng ghét thằng Tú. Mỗi lần nó đua xe về là cả xóm thức giấc. Nó đâu có ngồi trên yên xe bình thường mà ngồi bẹp một bên hỗng chiếc xe, rồ ga, nẹt pô cho máy nổ ầm ầm. Đứng trong nhà nhìn ra chỉ thấy chiếc xe chạy vù qua chứ không thấy nó ở đâu cả. Ông nội với ba tui thường xuyên gọi điện báo công an nhờ họ xuống dẹp đám bạn nhậu nhẹt, la hét sáng đêm ở nhà nó”.
Nhiều người dân ở Gia Thuận nói rằng đua xe chỉ là trò tiêu khiển, còn đâm chém mới là “đặc sản” của Tú “đại ca”. Tú cũng xác nhận chuyện này: “Trong cốp xe tui và đàn em lúc nào cũng có đồ chơi. Dao có, mã tấu có. Đám cưới, đám ma, đám giỗ gì cũng kiếm chuyện đánh nhau đổ máu mới chịu về”.
Người có công giúp Tú “đại ca” phục thiện là ông Phạm Văn Tranh (trưởng Công an xã Gia Thuận, vừa nghỉ hưu hồi giữa năm 2015).
Ông Tranh kể: “Tui được huyện cử về làm trưởng công an xã năm 2004. Lúc đó băng giang hồ ruộng của Tú đang quậy tưng bừng, dân tình bức xúc dữ lắm. Sau khi tìm hiểu thì tui chọn giải pháp vận động, giáo dục bởi vì nếu Tú quay đầu thì tất cả đàn em của nó cũng sẽ cải tà quy chánh. Nếu làm căng thì phải đưa Tú đi cải tạo hoặc đi tù thì vẫn còn đàn em của nó ở ngoài quậy, không dẹp tận gốc được”.
Ông Tranh xin Đảng ủy, UBND xã Gia Thuận cho tham gia các hoạt động của băng giang hồ này để vận động Tú. Tuy nhiên tất cả mọi người đều phản đối kịch liệt vì “trưởng công an xã ăn nhậu với giang hồ thì còn ra thể thống gì?”.
Ông Tranh vẫn kiên trì thực hiện kế hoạch của mình. Hễ Tú tổ chức nhậu nhẹt ở nhà, ông đều báo tổ chức biết rồi đến lập biên bản và nhắc nhở, giáo dục Tú. Tuần nào ông cũng đến 3 – 4 lần, nhiều đêm phải nhậu “tới bến” rồi ngủ luôn ở đó.
“Tui không nhớ đã viết bao nhiêu cái biên bản về việc Tú tụ tập quậy phá gây mất trật tự, chỉ có thể nói là viết mỏi tay. Nhưng lập biên bản là để có cớ răn đe, giáo dục Tú chứ không phạt. Ban đầu người dân xì xào cho rằng thằng Tú đã “mua” được tui nên chẳng những không xử lý mà còn nhậu nhẹt với nó tối ngày sáng đêm” – ông Tranh kể.
Nhắc chuyện này, Tú bảo: “Thấy chú Tranh có ý tốt, khuyên bảo tui hoàn lương để còn cưới vợ, rồi lo làm ăn đàng hoàng nên tui cho chú ngồi nhậu chung và từ từ nghe lời chú bỏ ăn chơi dần dần”.
Khi thấy Tú thay đổi, ông Tranh giới thiệu anh làm đội trưởng đội dân phòng. Kể từ đó Tú tuyên bố giải tán băng giang hồ ruộng. Anh tham gia các hoạt động của công an xã và vận động đàn em đi học nghề, lo làm ăn lương thiện, tuyệt đối không dính tới chuyện đua xe, đánh nhau nữa. Ngoài công việc ở xã, anh còn nuôi heo rừng, đi làm hồ, thợ điện… để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tháng 3/2014, địa phương tổ chức bầu trưởng, phó ấp và đưa Tú vào danh sách ứng cử phó trưởng ấp 2. Kết quả Tú trúng cử với số phiếu rất cao. Năm 2014, Đảng ủy xã đồng ý bồi dưỡng, kết nạp Tú vào Đảng. Tháng 12/2015 tới đây anh sẽ được công nhận là đảng viên chính thức sau một năm dự bị, thử thách.
“Đảng ủy, UBND xã đang bồi dưỡng để tới đây giới thiệu Tú làm trưởng ấp. Trước đây người dân ghét em nó bao nhiêu thì bây giờ lại mến bấy nhiêu. Tú được ra Hà Nội báo cáo điển hình tiên tiến hồi năm trước” – ông Phan Văn Lâm, Bí thư chi bộ ấp 2, nói.
Theo Vân Trường/Tuổi Trẻ