Giảng đường online “nóng” như Covid-19
Bên ngoài dịch Covid-19 đang nóng và phức tạp thì tại nhiều giảng đường online không khí bảo vệ tốt nghiệp, bảo vệ đề tài khoa học của các sinh viên cũng nóng không kém.
Sôi nổi báo cáo khoa học
Vừa qua, tại phiên chấm báo cáo Hội nghị Khoa học Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên(ĐH Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra thành công thông qua hình thức trực tuyến.
Tổng số 21 báo cáo xuất sắc nhất từ 08 khoa đã được chọn trình bày dạng poster trước Hội đồng đánh giá cấp Trường. Các bạn sinh viên được chọn một trong hai hình thức báo cáo: báo cáo trực tiếp ở điểm cầu của mình hoặc báo cáo qua video thực hiện trước; sau đó, các thành viên Hội đồng đặt câu hỏi và sinh viên trả lời.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên phiên chấm báo cáo Hội nghị Khoa học Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc tại phiên chấm báo cáo Hội nghị Khoa học Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2021, PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ sự vui mừng khi phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên không bị ảnh hưởng nhiều bởi các làn sóng dịch bệnh Covid-19 trong năm học vừa qua, mặc dù rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên gắn với hoạt động điều tra, khảo sát thực địa và thực hành, thí nghiệm.
“Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các em sinh viên cũng như sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo; việc bố trí kế hoạch đào tạo và nghiên cứu khoa học hợp lý của Nhà trường nên năm nay, số lượng công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên không những giảm mà còn tăng mạnh so với các năm trước. Tổng cộng có 432 báo cáo khoa học sinh viên với gần 700 sinh viên tham gia hoạt động bổ ích này (so với 344 báo cáo năm 2019 – khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19)” – PGS.TS. Trần Quốc Bình cho biết.
Nhiều báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh và việc hỏi – đáp giữa thành viên Hội đồng và sinh viên cũng hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Theo các thành viên Hội đồng chấm báo cáo khoa học sinh viên cấp Trường năm 2021, chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học của các em sinh viên được duy trì ở mức cao.
Trong số các báo cáo năm nay, có 23 công trình có tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn, 15 công trình có kết quả được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt có 06 công trình được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/SCOPUS.
Sinh viên Khoa Môi trường đang trình bày báo cáo.
Trước đó, để chuẩn bị cho phiên báo cáo poster online diễn ra thuận lợi, Nhà trường đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện hỗ trợ để đảm bảo phiên báo cáo trực tuyến được thông suốt, tạo tâm lý thuận lợi cho các em sinh viên.
Thực hiện yêu cầu phòng chống dịch, các thành viên Hội đồng được đề nghị rửa tay khử khuẩn, đeo khẩu trang, ngồi giãn cách suốt quá trình chấm giải.
Video đang HOT
Các thành viên Hội đồng đang trao đổi với sinh viên.
Theo kết quả chấm của Hội đồng, có 10 báo cáo đạt giải Nhất và 11 báo cáo đạt giải Nhì. Các báo cáo có điểm số cao sẽ được gửi tham gia xét Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021.
Tập dượt trước khi bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến
Còn tại trường ĐH Kinh tế quốc dân , lần đầu tiên Nhà trường tổ chức và thành lập hội đồng chấm duyệt chuyên đề thực tập cuối khóa cho sinh viên chương trình POHE Khóa 59 bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams.
Do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, Viện đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE đã tổ chức đánh giá chuyên đề thực tập cho sinh viên hệ chính quy, chương trình POHE khóa 59. Hội đồng đã sử dụng công nghệ Microsoft Teams để tiến hành chấm chuyên đề thực tập tốt nghiệp cho sinh viên.
Hoạt động giảng dạy và chấm thi trực tuyến sẽ góp phần vào tạo điều kiện cho các bạn sinh viên chủ động hơn trong việc học tập cũng như thi cử, giảng viên và Nhà trường cũng chủ động trong việc lên kế hoạch tổ chức giảng dạy và công tác tốt nghiệp cho sinh viên của Nhà trường, góp phần ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh sớm hơn.
Sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân đang bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến.
Chia sẻ tại buổi bảo vệ, PGS.TS Vũ Huy Thông – Trưởng Khoa Marketing cho biết, mặc dù đây là lần đầu tiên Nhà trường thực hiện việc chấm, đánh giá chuyên đề tốt nghiệp của sinh viên đại học chính quy theo hình thức trực tuyến, nhưng mọi quy trình đều diễn ra rất suôn sẻ.
“Trước đó, ở bậc cao học, chúng tôi cũng từng kết nối với học viên ở các tỉnh xa, thậm chí là ở nước ngoài. Quá trình thực hiện diễn ra rất ổn và không có vấn đề gì xảy ra. Qua thời gian trải nghiệm thực tế, chúng tôi cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề phát sinh”.
Để chuẩn bị cho buổi bảo vệ trực tuyến này, rất nhiều bộ phận chức năng phải cùng tham gia như Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Phòng Quản lý Đào tạo, các khoa, viện đào tạo trong trường.
Phần trình bày, trao đổi, hỏi đáp giữa Hội đồng và sinh viên kéo dài khoảng 20 – 25 phút.
Về quy trình thực hiện, theo PGS.TS Vũ Huy Thông, không có gì khác so với các buổi bảo vệ trực tiếp. Mỗi hội đồng sẽ chấm thẩm định khoảng 6 – 7 chuyên đề trong một buổi sáng.
Phần trình bày, trao đổi, hỏi đáp kéo dài khoảng 20 – 25 phút. “Để buổi bảo vệ diễn ra suôn sẻ, chúng tôi đã cho giảng viên, sinh viên tập dượt. Nếu có gì trục trặc, ngay lập tức sẽ có bộ phận hỗ trợ xử lý.
Điểm khác biệt nhất có lẽ là về khoảng cách địa lý; sinh viên và giảng viên sẽ không thể tương tác trực tiếp với nhau trong cùng một phòng”.
“Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhà trường không muốn trì hoãn việc bảo vệ của các em vì lo sẽ làm gián đoạn quá trình tốt nghiệp cũng như cơ hội tìm việc làm của sinh viên. Do đó, chúng tôi quyết định áp dụng hình thức bảo vệ trực tuyến để đảm bảo các em được tốt nghiệp đúng thời hạn” – PGS.TS Vũ Huy Thông nói.
Sinh viên học trực tuyến thời Covid-19: "Cái khó ló cái khôn"
Dịch Covid-19 phức tạp, một lần nữa quay trở lại "giảng đường online", nhiều sinh viên cảm thấy thoải mái nhưng một số khác lại thấy bất tiện vì một vài vấn đề nảy sinh.
Thuận tiện cho sinh viên
Chia sẻ về cảm xúc khi một lần nữa quay trở lại với hình thức học trực tuyến, Mai Thị Bích Phượng (sinh viên năm 3, trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết: "Mình nhận thấy việc học online trong mùa dịch Covid-19 là rất hợp lý, giúp đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của sinh viên nói riêng và cộng đồng nói chung.
Phương pháp học này còn giúp mình tiết kiệm khá nhiều thời gian. Mình không cần phải dậy sớm vào mỗi buổi sáng để chuẩn bị quần áo, sách vở tới trường".
Làm quen với những khóa học trực tuyến từ những ngày ôn thi đại học, Trần Thị Kim Ngân (sinh viên năm 2 trường Đại học Thương mại) tỏ ra vô cùng hào hứng khi được học tập bằng phương pháp này.
"Cá nhân mình rất thích học online bởi hình thức học này đem lại nhiều sự thuận tiện. Mỗi khi đến tiết học, mình chỉ cần chuẩn bị một góc nhỏ, kiểm tra lại webcam, mic, wifi là có thể học bài một cách thoải mái" - Ngân chia sẻ.
Một buổi học trực tuyến của sinh viên Mai Thị Bích Phượng.
Tự nhận bản thân là một người hơi lười ghi chép, Bùi Thị Hà Anh - sinh viên Đại học Bách Khoa cho rằng, phương pháp học trực tuyến giúp đỡ cô rất nhiều trong việc ghi lại kiến thức bởi sinh viên có thể xem lại bài giảng sau khi kết thúc buổi học.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy và trò không thể gặp nhau trực tiếp trên giảng đường, thì học trực tuyến được coi là phương án linh hoạt, tối ưu. Không chỉ giúp giảm thiểu khả năng lây lan của dịch bệnh, hình thức học này còn đem lại cho sinh viên một tâm thế thoải mái, đồng thời giúp các bạn hoàn thành chương trình học đúng hạn.
"Mình cảm thấy mệt mỏi khi phải nhìn vào màn hình máy tính liên tục"
Thừa nhận những lợi ích của việc học online, nhưng Hà Anh cũng cho rằng, phương pháp học tập này đôi khi còn gây ra những cảm xúc tiêu cực: "Điều dễ thấy nhất là vào những ngày phải học quá nhiều. Nếu như học ở trên lớp có thầy cô, bạn bè, tâm trạng mình cũng cảm thấy bớt nặng nề hơn.
Tuy nhiên, khi học trực tuyến, do không được giao tiếp cùng mọi người, cộng với việc phải nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính liên tục khiến mình mệt mỏi và vô cùng buồn chán".
Tương tự, Đỗ Gia Thành - sinh viên năm 4 trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ, khi học online, anh dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, mất tập trung vì không có ai giám sát, nhắc nhở.
Sinh viên Mai Thị Bích Phượng cũng cho rằng, hình thức học trực tuyến vẫn còn tồn tại khá nhiều nhược điểm so với phương pháp học truyền thống. Điển hình là việc đường truyền thường xuyên bị lỗi, một số bạn tham gia lớp học mà không tắt mic khiến lẫn lộn tạp âm, gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu bài giảng.
"Đôi khi, mình còn có cảm giác căng thẳng khi phải thuyết trình online bởi mình không biết thầy cô, bạn bè có đang nghe được những điều mình truyền đạt hay không" - Phượng bày tỏ.
"Cái khó ló cái khôn"
Sinh viên Mai Thị Bích Phượng cho rằng, mặc dù còn tồn tại nhiều nhược điểm, nhưng nếu biết cách học đúng đắn, phương pháp học online vẫn sẽ mang lại cho các bạn sinh viên kết quả tích cực.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc học trực tuyến, Phượng đã chủ động tìm kiếm các tài liệu liên quan đến môn học, đồng thời tham khảo những chia sẻ của anh chị khóa trên để rút kinh nghiệm cho bản thân. "Những kỳ học online trước, kết quả học tập của mình đều rất ổn. Do đó, đối với mình, học bằng hình thức nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi cá nhân", Phượng chia sẻ.
Là một sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật hóa học, thường xuyên phải thực hành ở phòng thí nghiệm; tuy nhiên, học online khiến Hà Anh không thể đến trường. Nhưng "trong cái khó ló cái khôn", Hà Anh và các bạn của mình đã nghĩ ra cách học rất thú vị khác: từ bài giảng của thầy cô, các bạn sẽ quan sát và thực hành ngay các cuộc thí nghiệm tại nhà.
Sau khi thu được kết quả, mọi người quay lại video và nhờ thầy cô nhận xét. "Bình thường mình hay lên phòng thí nghiệm nên những cuộc thí nghiệm tại gia thế này mới là lần đầu. Mình thấy khá là thú vị, như thể vừa học vừa chơi vậy" - Hà Anh nói.
Không thể đến trường, nhưng nhiều sinh viên vẫn tìm được cách học khác thú vị mà hiệu quả (Ảnh minh họa.)
Bí quyết "vàng" cho kỳ học online hiệu quả
Theo thầy Phạm Ngọc Thạch (giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam), kể từ khi nhà trường triển khai dạy online, nhiều sinh viên đã than thở không biết học sao cho đúng cách.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, thầy Thạch cho rằng, yếu tố tiên quyết tác động đến kết quả học tập của sinh viên chính là tinh thần tự giác. "Trong quá trình học trực tuyến, hầu hết các giảng viên đều gửi bài giảng cho sinh viên trước buổi học. Do đó, các bạn hãy chịu khó đọc trước tài liệu, ghi lại những ý chính để dễ hiểu bài hơn".
Bên cạnh đó, thầy còn nhấn mạnh: "Không chỉ học trên lớp mới có thể làm bài tập nhóm. Việc tạo nhóm trên zalo hay messenger... cũng là một bí quyết giúp quá trình học trở nên thú vị hơn.
Hình thức học nhóm rất có giá trị trong bối cảnh này vì thông qua học nhóm, sinh viên có thể chia sẻ bài vở, trao đổi thắc mắc và động viên nhau học tập theo đúng tiến độ và thời khóa biểu của lớp".
"Dù là học online hay offline thì việc chủ động của các bạn là vô cùng cần thiết. Đừng ngần ngại trao đổi với giảng viên những điều mình chưa biết hoặc chưa hiểu. Tôi tin rằng các giảng viên đều sẽ vui vẻ và hỗ trợ các bạn hết mình khi có yêu cầu", thầy gợi ý thêm.
Để cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia là 'sân chơi' thật sự của học sinh Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh (HS) là cần thiết để khơi gợi đam mê khoa học nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để cuộc thi đích thực là sân chơi bổ ích. Lễ trao giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia - ẢNH Q.TRANG Dư luận lại xôn xao về cuộc thi khoa...