Gian nan sách hóa nông thôn
Sách luôn mang lại nguồn kiến thức nền tảng nhưng chẳng mấy ai chú trọng việc tạo lập thư viện cho người dân. Trong khi thư viện công đang hoạt động èo uột, một cá nhân đã cố gắng tổ chức dự án mang sách đến với người dân
“Chúng tôi kết thúc ngày 80 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Hôm trước, chúng tôi hoàn thành chặng Quảng Ngãi – Quy Nhơn dài 171 km. Đạt 1.087 km rồi, còn 632 km nữa là đến Sài Gòn, cảm ơn bà con đã cổ vũ trong 81 ngày qua…”. Đó là tâm sự trải dài theo anh Nguyễn Quang Thạch và những “gánh sách” chu du từ Bắc vào Nam.
“Cú hích” tinh thần cho người “đói sách”
Trên con đường xuyên Việt gian khó ấy, những tâm sự của Nguyễn Quang Thạch trải dần theo năm tháng làm nhiều người trăn trở. Anh bày tỏ về những hiệu sách cấp huyện rất lớn nhưng ít sách văn học, về các cuộc gặp gỡ như “cú hích” tinh thần khiến các em học sinh THCS “đói sách” mắt mũi sáng lên rạng rỡ, mở ra cả một thế giới tinh thần phong phú và nội tâm sâu sắc.
Video đang HOT
Dự án sách hóa nông thôn còn gặp rất nhiều khó khăn Ảnh: NGUYỄN QUANG THẠCH
Theo anh Thạch, khi được hỏi về thư viện và đọc sách, các em học sinh thường cho biết sách không được mượn về nhà. Rất nhiều em chưa đọc những tác phẩm văn học kinh điển như Góc sân và khoảng trời, Những tấm lòng cao cả, Túp lều bác Tôm… Em nào cũng quả quyết rằng nếu có tủ sách miễn phí trong trường thì chắc chắn sẽ đọc hơn 2 cuốn/tuần.
Nguyễn Quang Thạch kể năm 1999, anh đã xin làm công nhân đóng thùng giày ở nhà máy Trasmashoco tại Vũng Tàu trong lúc chờ việc làm ở văn phòng. Hơn 2 tháng trong nhà máy giày, anh đã quan sát và trò chuyện với rất nhiều công nhân về cơ hội tiếp cận sách khi học cấp 1, 2 và 3. Hầu như không ai có cơ hội tiếp cận sách, ngoài sách giáo khoa.
Làm việc với công nhân trong năm 1999 và tham gia khảo sát các khu trọ ở quận 8, TP HCM năm 2009, anh Thạch khẳng định đã nhìn thấy bức tranh không mấy sáng sủa của những người lao động và tương lai con cái họ. Bởi vậy, anh quyết tâm gây dựng dự án sách hóa nông thôn và những khu vực còn khó khăn.
Theo Nguyễn Quang Thạch, với các gia đình không khó khăn, khi sắm thiết bị thông minh cho con cái, cha mẹ cũng không quản lý việc trẻ có đọc sách hay chỉ để chơi game. Trong khi đó, tiệm internet nào cũng đông nghịt học trò cấp 2-3 và như các học sinh của nhiều khu vực phản ánh, “cứ 10 bạn thì có 9 bạn nghiện game”. Hiếm hoi lắm mới có trường cho học sinh mượn sách đem về nhà, thậm chí rất nhiều trường phổ thông không có thư viện.
Cố gắng không mệt mỏi
Dự án sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch đã kéo dài 10 năm nay. Anh vừa nghiên cứu lý thuyết vừa áp dụng triển khai các loại tủ sách ở khu vực nông thôn.
Cùng với 100.000 thành viên xã hội – gồm cha mẹ học sinh, thầy cô giáo, các nhà văn, nhà giáo dục người Việt ở trong lẫn ngoài nước và người nước ngoài – Nguyễn Quang Thạch dự định xây dựng hơn 3.800 tủ sách, mang lại cơ hội tiếp cận kiến thức cho hơn 200.000 người dân nông thôn, trong đó có hơn 100.000 học sinh. Nhằm tăng tốc sách hóa nông thôn đạt 300.000 tủ sách vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh được đọc sách, anh quyết định thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt, bắt đầu từ mùng 1 Tết Nguyên đán năm 2015.
Mang sách đến cho học sinh, sinh viên dù sao cũng được nhiều người ủng hộ và chung tay đóng góp, tài trợ, tạo điều kiện. Trong khi đó, mang sách tới cho công nhân, người lao động lại hóa ra cực kỳ chật vật.
“Tôi đã nghĩ nhiều và đưa ra các thiết kế giả định cho tủ sách công nhân nhưng khu vực này không dễ chút nào. Buổi trưa, công nhân được nghỉ từ 60 đến 90 phút nhưng hầu hết họ đều ngủ. Với đặc thù công việc vất vả, cũng khó lòng bắt họ thức qua trưa để đọc sách. Hơn nữa, đặt tủ sách trong nhà máy không hề dễ vì với giới chủ doanh nghiệp. Qua phân tích, tôi thấy đặt tủ sách ở các khu trọ của công nhân là hợp lý. Vừa rồi, tôi đã liên lạc với một người họ hàng sở hữu 25 phòng trọ với khoảng 100 công nhân đang ở. Rất tiếc, ý tưởng của tôi lại không được người này ủng hộ. Rất mong mọi người cho ý kiến về tủ sách công nhân. Giá như ai đó có thể nối kết giúp tôi thí điểm vài tủ sách khu trọ công nhân. Địa điểm tôi muốn thí điểm là quận Thủ Đức, TP HCM”- anh Thạch thiết tha.
Những năm qua, kinh tế – xã hội của đất nước đã phát triển nhiều nhưng việc tạo lập các thư viện để mang kiến thức tới cho người dân lại chẳng mấy ai chú trọng. Trong khi đó, các thư viện công lại đang hoạt động cực kỳ èo uột. Dù chỉ là một cá nhân đứng ra khởi dựng và nỗ lực để thúc đẩy hoạt động dự án nhưng trên con đường gian nan ấy, Nguyễn Quang Thạch vẫn cứ sẵn lòng đi và cố gắng không mệt mỏi.
“Thông tin về 1.000 tủ sách lớp học sắp ra đời ở tỉnh Nam Định đã làm mình sung sướng mấy ngày nay. Mới đây, lại thêm một người thông báo 25 xã ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định sẽ nhân rộng tủ sách phụ huynh nữa…” – anh Thạch hồ hởi.
Chung tay mang sách đến cho người cần
Chuyến đi bộ xuyên Việt và dự án sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch cố gắng hướng tới các mục tiêu: Kêu gọi cha mẹ học sinh trên cả nước chung tay xây dựng tủ sách phụ huynh như 80.000 người ở Thái Bình và nhiều tỉnh khác đã làm; kêu gọi người gốc nông thôn (nhà văn, doanh nhân…) đưa sách về dòng họ, trường cũ; kêu gọi các thầy cô giáo nông thôn hỗ trợ học sinh đọc sách; vận động Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra chủ trương nhân rộng tủ sách phụ huynh/tủ sách lớp em (đặt tại lớp học) trên toàn quốc; vận động hội khuyến học đưa tủ sách dòng họ vào tiêu chí dòng họ khuyến học…
Theo nld.com.vn