Gian nan học sinh miền núi băng rừng, lội suối đến trường
Để đến được điểm trường nằm rải rác ở các thôn, nóc trên núi cao, từ nhà mình, các em học sinh phải trèo đèo lội suối đi bộ vài tiếng đồng hồ. Cuộc tìm kiếm con chữ của học sinh vùng cao Nam Trà My ( Quảng Nam) rất khó khăn.
Ở huyện vùng cao Nam Trà My bạt ngàn đồi núi, tại trung tâm mỗi xã có một điểm trường chính tổ chức bán trú cho học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở với tên gọi chung thống nhất là Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (hay Trung học cơ sở).
Điểm trường Man Dí thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Nam, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Từ điểm trường này, nhiều em học sinh phải đi bộ vài tiếng đồng hồ mới về đến nhà.
Cơ sở chính này dành cho con em ở trung tâm xã. Vì là huyện miền núi cao nên dân cư không tập trung, do đó học sinh cũng phân tán. Để tổ chức dạy và học cho số học sinh này, nhiều điểm trường ở thôn, nóc được mở ra để đưa con chữ cho con em đồng bào. Mà có những xã có cả chục điểm trường xa xôi, cách trở nên việc dạy và học cũng rất gian nan.
Cô trò, bố mẹ cùng con băng rừng đến trường
Điểm trường chính của Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập chỉ cách trung tâm huyện 5-7km nên giao thông đi lại dễ dàng, ô tô xe máy có thể đến tận nơi; tuy nhiên rất nhiều điểm trường của trường này nằm cách xa cả chục cây số. Từ điểm trường chính đi bộ đến các điểm trường mất vài tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Còn mưa bão thì đi lại rất khó khăn, có khi bị nước lũ cắt đường, không thể đi được.
Tại các điểm trường này, học sinh muốn đi học (học sinh bán trú, ở lại cả tuần) cũng vất vả không kém. Bình thường, từ chiều Chủ nhật hay sáng thứ 2 là các cháu khăn gói đến điểm trường. Tại đây, các cháu được nuôi ăn học cả tuần, đến chiều thứ 6 các cháu lại khăn gói về nhà. Cháu nào có bố mẹ đến đón thì vui, còn không cứ thế mà đi bộ về nhà, kể cả các cháu đang học lớp 1, 2.
Đường đến trường của thầy trò vùng cao Nam Trà My thật vất vả, đường núi đá dốc cheo leo
Thông thường, các cháu hay đi nhóm cùng nhau về nhà, gần thì vài chục phút, xa thì vài tiếng đồng hồ. Đường rừng núi phải trèo đèo lội suối, có khi té ngã lăn quay nhưng các cháu vẫn vô tư cười nói đi, về.
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ – cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết, các cháu đi từ nhà đến điểm trường vài tiếng là chuyện bình thường. Tại điểm trường ông Vanh (thôn 5, xã Trà Dơn, Nam Trà My), các cháu học sinh hoặc thầy cô muốn đến trường chính thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (hay THCS) Trà Dơn phải đi bộ mất 8 tiếng.
Một bên là núi cao, một bên là ruộng bậc thang của đồng bào. Trong ảnh là các cháu học sinh điểm trường Tắk Pổ, thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, Nam Trà My đi học
Đó là đường sá thuận lợi, trời không mưa gió. Có khi phải đi bộ 2 ngày trời và phải xin ngủ nhà dân vì mưa bão, tắt đường…
Tại điểm trường Man Dí (ở thôn 1, xã Trà Nam, Nam Trà My), khi được hỏi, các cô đều cho biết, các cháu cũng đi bộ vài tiếng mới đến trường. Em nào nhà ở gần thì đi bộ vài chục phút.
Tại điểm trường này, ngó qua bên kia đồi thấy những ngôi nhà của đồng bào lúp xúp giữa núi rừng nhưng khi hỏi từ trường các cháu phải đi bao lâu mới về nhà hay ngược lại, các cô cho biết phải đi vài ba tiếng là chuyện bình thường.
Các em học sinh Nam Trà My băng rừng, lội suối đến trường
Các cô cho biết, thật ra khoảng cách từ điểm trường thôn, nóc cách nhà của các cháu chỉ từ 5-7 cây số thôi nhưng ở miền núi không có đường sá để đi xe nên hầu hết các cháu phải đi bộ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy Võ Đăng Thuận – Trưởng Phòng GD&ĐT Nam Trà My cho biết, theo chủ trương chung để chuẩn bị thay đổi chương trình phổ thông, những học sinh từ lớp 3 phải về trường xã học nội trú, bán trú. Còn ở dưới thôn, nóc thì không thể mở các lớp 3, 4, 5 được vì tại các điểm trường thôn này các em không thể học các môn Ngoại ngữ, Tin học.
Do đó, bắt đầu từ năm học 2019-2020, huyện huy động hết các em học sinh từ lớp 3 về trung tâm trường xã học nên bắt buộc các em này 1 tuần phải đi về ít nhất 2 lần. Chiều thứ 6 các em về nhà và chiều Chủ nhật hoặc sáng thứ 2 các em lại đến trường.
“Những điểm có đường bê tông đến tận thôn, nóc thì các em được bố mẹ chở bằng xe máy đỡ vất vả hơn, còn những điểm chưa có đường bê tông thì buộc các em phải đi bộ chứ không còn cách nào khác; do vậy nhiều em chắc chắn sẽ vất vả hơn”, thầy Võ Đăng Thuận cho biết.
Cũng theo thầy Thuận, nếu không huy động các em từ lớp 3 ra trường chính ở xã thì phải tổ chức học lớp ghép ở thôn, nóc vì sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ có vài ba em; tuy nhiên không thể 1 giáo viên mà dạy vài ba em ở các điểm trường xa được. Hơn nữa ở các điểm trường thôn, nóc thì các em không thể học Ngoại ngữ, Tin học được.
“Do đó, hiện nay phải huy động các em về điểm trường xã để lo tổ chức ăn uống, bán trú cho tốt hơn, chất lượng học tập cao hơn, chính vì thế bắt buộc các em phải đi từ dưới thôn, nóc lên điểm trường xã học”, thầy Thuận nói.
Công Bính
Theo dantri
Xúc động với tâm sự nghẹn lòng của những giáo viên cắm bản
Hai con đều học nội trú xa nhà, cô Hải bảo, nhiều lúc nhìn học sinh lại chạnh lòng nhớ con. "Đồng nghiệp cứ trêu: Con mình không chăm, đi chăm con thiên hạ..."
Cô Nguyễn Vân Nhi, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M'Đrăk, tỉnh Đăk Lăk) và các học sinh. (Ảnh: NVCC)
Vượt hàng chục cây số đường rừng trơn trượt, quấn xích vào xe mà đi, bất đồng về ngôn ngữ và phong tục tập quán, phải sống xa gia đình, xa cả các con để cắm bản chăm sóc cho trẻ em miền núi, nhưng các giáo viên vẫn không hề nản lòng. Họ coi các em như con mình và hết lòng tận tụy...
"Con mình không chăm, chăm con thiên hạ"
Năm nay đã là 18 mùa khai trường cô Lường Thị Hải, Trường Tiểu học Mường Bám 1, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La gắn bó với giáo dục vùng cao. Là giáo viên cắm bản lâu nhất ở mảnh đất Mường Bám, cũng là 18 năm cô Hải gắn bó với học sinh lớp 1.
Do học sinh đều là người dân tộc thiểu số nên dạy học sinh lớp 1, thách thức lớn nhất với giáo viên là các em không biết tiếng phổ thông, chưa quen nề nếp, giáo viên phải dạy các em từ cách đi đứng, chào hỏi, từng từ tiếng Kinh đến cầm phấn, cầm bút...
"Mấy ngày đầu nhận lớp tôi cũng nản, nhưng rồi nghĩ học trò như con mình, lại thiếu ăn, thiếu mặc... thương các em nghèo khó mà cố gắng," cô Hải nhớ lại.
Cô Hải đã có 18 năm gắn bó với Trường Tiểu học Mường Bám (Ảnh: NVCC)
Học sinh của cô đến từ 4 bản lẻ Nặm Ún, Thẳm Đón, Pá Ban, Căm Cặn, có em nhà cách trường đến 10 cây số. Các em còn nhỏ, việc đi lại rất khó khăn vì phải lên dốc, xuống đèo, qua suối. Xa xôi là thế, nhưng những ngày đầu tiên, cứ chiều đến là có mấy em học sinh cầm túi quần áo đòi về. Cô Hải thủ thỉ hỏi lý do mới biết các em xin về để... tắm.
Thế là ngày nào cũng vậy, sau giờ học, cô Hải tắm cho hơn hai chục học sinh, giặt hai chậu quần áo đầy. Được cô tắm gội cho sạch sẽ, học sinh vui lắm, thoải mái và siêng học, tỷ lệ học sinh ra lớp và chuyên cần đạt 100%.
Hai con đều học nội trú xa nhà, cô Hải bảo, nhiều lúc nhìn học sinh lại chạnh lòng nhớ con. "Đồng nghiệp cứ trêu: Con mình không chăm, đi chăm con thiên hạ...,"nhưng tôi lại nhủ lòng, mình thương con người ta thì sẽ có nhiều người khác thương con mình. Có lần nghe con nói: "Cô giáo con bảo chưa thấy ba mẹ đi họp phụ huynh bao giờ, toàn thấy cậu mợ đi họp thay." Nghe con nói cũng nghẹn lòng, nhưng tôi cũng đành xin lỗi con vì bố mẹ đều là giáo viên cắm bản," cô Hải xúc động nói.
Xa con, thương các con bao nhiêu, cô Hải lại thương học trò nghèo khó của mình bấy nhiêu. Có những khi giữa trời nắng chang chang, thấy một học sinh mặc áo len, hỏi ra mới biết rằng em chỉ có hai bộ quần áo mà giặt chưa khô, cô lại về nhà tìm bộ quần áo của con mang sang cho học trò...
Cô Bàn Thị Mai trong giờ dạy học sinh mầm non. (Ảnh: NVCC)
Vượt rừng tới lớp
Với cô Bàn Thị Mai, Trường Mầm non Đồng Sơn, xã Đồng Sơn, huyện Hoàng Bồ, tỉnh Quảng Ninh, con đường mòn 23 cây số từ nhà đến trường đã trở nên quen thuộc trong suốt 12 năm qua.
Gắn bó với ngôi trường ngay từ khi tốt nghiệp, cô Mai vẫn nhớ ngày đầu tiên nhận công tác, lớp học chỉ được ghép từ những mảnh gỗ mỏng, ánh sáng xuyên qua khe gỗ. Mái trường được lợp bằng những chiếc lá cọ, nền nhà là đất đỏ. Những ngày mưa dầm, gió rét, cái lạnh buốt luồn qua từng khe gỗ. Mùa hè, những chiếc lá cọ mỏng manh không chịu được những cơn mưa xối xả ập xuống, nước mưa làm ướt cả cô trò.
Khó khăn là thế nhưng suốt 12 năm qua, tuần nào cũng vậy, mỗi buổi sáng thứ hai, trên còn đường mòn dài 23 cây số, cô Hải vẫn miệt mài đến với đàn con thân yêu. Có những ngày mưa lũ ập đến, không thể qua suối về khu tập thể của giáo viên, cô phải ở lại lớp học một mình với trang giáo án và chiếc đèn dầu nhỏ. Những lớp học trò nhờ bàn tay cô chăm sóc giờ đây đã lớn, có em đã trở thành những học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Với cô Nguyễn Vân Nhi, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M'Đrăk, tỉnh Đăk Lăk) ngôi trường vùng sâu vùng xa nhất của huyện M'Đrăk, quãng đường băng rừng lội suối đến trường còn xa hơn rất nhiều.
Cô Vân Nhi tranh thủ thời gian đến thăm các gia đình học sinh để hiểu hơn về đời sống gia đình của các em. (Ảnh: NVCC)
M'Đrăk là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, cách xa trung tâm tỉnh Đăk Lăk 90 km. Xã Cư San các trung tâm huyện hơn 50 km đường rừng. Năm 2012, nhận quyết định về dạy tại trường, cô giáo trẻ Vân Nhi vô cùng háo hức, nhưng hành trình đến trường lại quá gian nan. Vì chưa rành địa hình nên cô đi nhờ xe một thầy giáo để vào trường. Đường lầy lội sau những ngày mưa dầm, còn ổ voi ổ gà thì nhiều không đếm xuể, những vũng bùn sâu hoắm trơn trượt, những đoạn đá lởm chởm làm cho bánh xe liên tục chệch hướng. Đường trơn trượt không thể lái xe, hai thầy cô đành xuống dắt bộ hàng cây số, có đoạn cả hai phải hợp sức lôi xe lên khỏi vũng lầy.
"Sau một thời gian công tác, tôi càng có cơ hội trải nghiệm nhiều cung đường đến trường đường còn thú vị hơn. Đi băng qua rừng hoặc vòng qua huyện khác, vượt đò qua suối lớn mới đến được trường. Có lúc hỏng xe dắt bộ trong rừng hay có những ngày thời tiết quá xấu phải đi 8 tiếng mới đến nơi. Cũng có đôi lúc hoảng sợ rơi nước mắt trên đường vắng tối om nhưng chưa một lần nào tôi nản lòng hoặc muốn bỏ về thị trấn," cô Nhi chia sẻ.
Để hiểu thêm về học sinh khi hầu hết các em là người dân tộc thiểu số, sau mỗi giờ học, cô Nhi tranh thủ trò chuyện với học trò để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em. Thời gian rảnh, cô ghé thăm nhà học sinh để biết thêm về phong tục tập quán nơi đây. Cô tìm tòi những phương pháp sáng tạo mới để thu hút các em vào bài giảng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các em thêm mạnh dạn, tự tin.
"Nhiều người bảo tôi 'ngược đời' vì đã đủ thời gian công tác ở vùng sâu mà không chịu xin về vùng thuận lợi. Nhưng tôi yêu mến mái trường, yêu mến người dân và mảnh đất khô cằn, yêu mến đàn trẻ thơ có sức sống mãnh liệt nơi đây," cô Nhi xúc động nói./.
Phạm Mai
Theo Vietnamplus
Học sinh miền núi Quảng Trị hái hoa rừng tặng thầy cô ngày 20/11 Món quà đơn giản nhưng tấm lòng các em học sinh dành cho thầy cô thì không thể đong đếm. Trường Tiểu học & THCS Xy (xã Xy, Huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị ) vừa tổ chức tọa đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Học sinh hái hoa dại bên đường, bên suối và bó cẩn thận dâng lên thầy...