Gian nan học chữ ở bản bốn không
Aky là bản hẻo lánh nhất vùng cao Quảng Bình. Cuộc sống ở đây nằm ngoài sự phát triển của thế giới hiện đại khi không có nước sạch, y tế, sóng điện thoại hay điện lưới.
Aky là bản người dân tộc Ma Coong hẻo lánh, biệt lập nhất của xã vùng cao Thượng Trạch, Quảng Bình. Bản nằm cách đồn biên phòng Cà Ròong hơn hai tiếng đi bộ vào sâu trong núi.
Địa hình hiểm trở khiến điều kiện sống ở Aky rất thiếu thốn, dân trí thấp. 28 hộ dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy. Nhiều trẻ em bỏ học đi làm cùng cha mẹ.
Điểm trường Aky là một trong 10 điểm trường của trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch, được thành lập với nhiệm vụ dạy tiếng Kinh và giáo dục tiểu học cho trẻ em trong bản.
Các thầy giáo về đây cắm bản phải trẻ, khỏe mới đủ sức trèo đèo lội suối và đủ lòng nhiệt thành để ở lại. Cuộc sống cô đơn, thiếu tiện nghi khác xa với cuộc sống trước đây của các thầy. Trong ảnh, thầy Cao Đức Duy (áo trắng, 25 tuổi) đang dạy chính tả cho các em lớp 3, 4, 5.
Trong lớp thầy Duy, Ngọc là học sinh khuyết tật duy nhất, em bị câm điếc bẩm sinh nên việc học con chữ khó khăn hơn nhiều so với các bạn. “Ngọc học bằng cách tô viền chữ trong sách, viết được nhưng không thực sự hiểu nghĩa. Dù học chậm, ngày nào em cũng đến lớp đều đặn hai buổi”, thầy Duy chia sẻ.
Cùng cắm bản với thầy Duy, thầy Hoàng Bảo Tăng (25 tuổi) là giáo viên chủ nhiệm các lớp 1, 2. Lớp học của thầy chỉ có 6 học sinh, nhưng rất ít khi các em có mặt đông đủ.
Học sinh thường xuyên nghỉ học nhất trong lớp thầy Tăng là Đinh Duấn (6 tuổi). Duấn bị suy dinh dưỡng và thoát vị rốn khiến sức khỏe em luôn yếu ớt. Mẹ em – chị Y Cươn -vừa sinh đứa con thứ 5 nhưng không nhớ được tuổi của bản thân hay các con. Mới đây, Duấn được các tình nguyện viên của ĐH Quảng Bình giúp đỡ kêu gọi cộng đồng hỗ trợ chữa bệnh.
Video đang HOT
“Dân trí người dân trong bản thấp, số dân lại ít, họ lấy lẫn anh em họ hàng của mình. Hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em sinh ra mang những khiếm khuyết cơ thể”, thầy Nguyễn Ngọc Phương – phó hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Thượng Trạch – cho biết.
Việc học con chữ không phải là ưu tiên của những đứa trẻ ở đây. Cha mẹ các em luôn mong muốn con ở nhà giúp đỡ mình, thay vì đến lớp. Thầy giáo thường xuyên phải đến từng nhà vận động các em đi học.
Nghỉ học, các em thường theo cha mẹ lên nương làm rẫy, xuống suối bắt ốc làm thức ăn hay ở nhà chăm em. Giữa các buổi học, nhiều em chạy về nhà ngay cạnh trường để xúc cát, dọn phân cho cha mẹ.
Để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, các thầy giáo thường vận động quyên góp sách vở, áo quần từ dưới xuôi lên ủng hộ. Ngoài ra, giáo viên còn thực hiện những công tác xã hội khác để giúp đỡ dân bản.
Khi trong bản có phụ nữ sinh con, các thầy giáo soạn ra một danh sách tên để người dân chọn đặt. Đồng thời, tên tuổi, ngày tháng năm sinh của các em được ghi lại trên bức vách gỗ trong phòng các thầy, để nhắc nhở người dân làm giấy khai sinh cho con mình.
Đối với bọn trẻ, có được bữa ăn đầy đủ trong ngày đã khó, được một bữa ngon lại còn khó hơn. Món ăn hàng ngày của chúng là một nắm cơm chấm với muối và ớt quả.
Các thầy giáo ở đây thường trêu, những đứa trẻ ở bản Aky cứ dậy thì là lấy chồng, lấy vợ, sinh con rồi đẻ cho đến khi nào không còn trứng để đẻ nữa mới thôi. Vậy nên, nhà nào cũng 5-6 đứa. Chúng lớn lên bên lũ gà, chó, lợn dê… cứ lăn vào cát trộn phân mà nghịch, nhảy xuống suối mà tắm, mò ốc ăn thay cơm.
Theo Zing
Bà giáo làng thuê giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo
Bà Đặng Thanh Hương (78 tuổi, ở ấp 3, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vận động con cháu góp tiền thuê giáo viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở địa phương.
"Mái ấm" tri thức của trẻ em nghèo
Bà Hương kể, ước mơ mở lớp học tình thương này có từ lâu, nhưng vì hoàn cảnh nên mãi đến ngày 3/8 năm nay mới thành hiện thực.
Thấy những đứa trẻ vùng quê nghèo không có điều kiện đi học tiếng Anh, trong khi quê hương có ngành du lịch đang phát triển mạnh, bà đã mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ.
Bà vận động con cháu thành đạt trong gia đình đóng góp kinh phí để mở lớp miễn phí, vừa truyền đạt kiến thức vừa để các em sau này lớn lên có điều kiện giao tiếp với khách du lịch nước ngoài.
Lớp học tình thương của bà Đặng Thanh Hương. Ảnh: Lao Động.
Tốt nghiệp sư phạm năm 1961, bà Hương về dạy tại Trường Trung học Kiến Hòa (Bến Tre). Năm 1966, bà chuyển về dạy tại Trường Trung học Lê Ngọc Hân (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đến sau giải phóng.
Những tưởng cô giáo này sẽ theo đuổi nghề giáo cho đến cuối đời, nhưng vì hoàn cảnh bà đành từ giã bục giảng để trở về quê nhà chăm nom mẹ già đau yếu. Bà Hương nói: "Lúc đó, dù tiếc lắm, không muốn buông bỏ nghề, nhưng vì hoàn cảnh nên tôi không còn chọn lựa nào khác".
Tưởng cái duyên với nghề "gõ đầu trẻ" đã dứt, nhưng khi về già, cái nghiệp xưa cũ bỗng ùa về và thôi thúc bà Hương dồn hết tâm sức vào việc xây dựng lớp học tình thương ngay tại nhà mình.
Rồi bà thuê 2 giáo viên về dạy, mọi chi phí bàn ghế, trả lương giáo viên đều được con cháu bà tài trợ. Hiện tại, bà đã mở được 2 lớp học, gồm 1 lớp vỡ lòng và lớp 1 đàm thoại. Mỗi lớp có từ 30 -34 học sinh tham gia, học xen kẽ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
Dù không trực tiếp giảng dạy, nhưng hàng ngày, bà như một "giám thị" cần mẫn, cứ đầu giờ học là lại lên lớp điểm danh, ghi sổ đầu bài, sĩ số lớp. Có hôm, dù trời mưa, nhà xa, đường lầy lội, nhưng các em vẫn đến lớp học đều đặn, học hành chăm chỉ, nghiêm túc.
Từ hơn 2 tháng nay, cứ mỗi chiều là nhà bà Hương lại tíu tít tiếng trẻ nhỏ tới học ở lớp tình thương. Nhìn lũ trẻ hồn nhiên, ham học, bà cũng thêm phần phấn khởi.
"Vui lắm, chiều nào cũng vậy, tụi nhỏ đều đến học đông kín lớp. Thương lắm những em học sinh nhà ở xa nhưng vẫn nhẫn nại đến lớp", bà Hương nói.
Phần lớn những trẻ em tham gia lớp học của bà Hương đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học tại các trung tâm Anh ngữ. Tham gia vào lớp học tình thương miễn phí, em Đặng Thiên Phúc hồn nhiên nói: "Em thấy học tiếng Anh ở đây rất vui. Từ khi có lớp, ngày nào em cũng đi học. Em học được nhiều lắm và em có thể nói được một số câu đơn giản như: Chào hỏi, từ chối, hỏi thăm sức khỏe.... Em sẽ cố gắng học cho đến khi nói được tiếng Anh lưu loát".
Trao dồi ngoại ngữ cho lớp trẻ
Không chỉ những em học sinh nhỏ tuổi theo học, lớp học tình thương của bà Hương có đông đủ mọi thành phần lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau.
Chị Võ Thị Gái (33 tuổi) - học viên tham gia lớp học vỡ lòng tại đây - cho biết: "Do nghỉ học sớm nên tôi chưa từng được học tiếng Anh. Nhà tôi gần khu du lịch sinh thái nên có rất nhiều khách du lịch tới tham quan. Ngoài ra, tôi còn làm công việc lái đò nên thường xuyên tiếp xúc với du khách.
Từ lâu, tôi đã có ý định đi học tiếng Anh nhưng chưa có điều kiện, nay biết cô Hương mở lớp học tình thương này tôi liền tham gia ngay. Dù bận rộn nhưng tôi vẫn tranh thủ đi học mỗi tối".
Từ khi tham gia lớp học, chị Gái không bỏ lỡ bất kì tiết học nào. Những lúc bận rộn việc đưa đón khách trễ, chị đều nhờ người thân thay thế và tranh thủ đến lớp.
Chị Gái còn kể vui rằng, chị làm nghề đưa đò khách du lịch đã 7-8 năm, nhưng không hề biết tiếng Anh. Có lần chèo đò đưa khách sang sông, thấy cô lái đò dễ mến, khách hỏi chị lái đò bao nhiêu tuổi, tên gì, rồi hỏi sông này có độ sâu bao nhiều,... thấy trái dừa nước là lạ họ cũng tò mò muốn biết là trái gì,... nhưng chị ngơ ngẩn không hiểu họ nói gì, chỉ lắc đầu, xua tay.
Tham gia lớp học tới nay, chị Gái cho biết, tuy mới học thời gian ngắn nhưng nhờ cô giáo dạy tận tâm nên chị cũng bắt đầu học được nhiều từ giao tiếp thông dụng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (32 tuổi, nhân viên phục vụ điểm tâm ở một nhà hàng du lịch tại TP Bến Tre) tâm sự: "Đa phần khách nơi tôi làm việc là khách nước ngoài, họ nói tôi không hiểu. Từ lâu tôi cũng có ý định đi học tiếng Anh nhưng điều kiện chưa cho phép. Từ trước tới nay, tôi thường giao tiếp với khách nước ngoài bằng cử chỉ để diễn đạt. Nay tham gia lớp học, tôi sẽ vừa được trau dồi kiến thức vừa phục vụ trong công việc của mình".
Là giáo viên dạy môn Hóa Trường THSC Tân Thạch, chị Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ: "Hàng ngày, sau giờ đi dạy ở trường, tôi còn tranh thủ thời gian đi học tiếng Anh tại lớp học tình thương của cô Hương, vừa để tăng kiến thức hiểu biết vừa làm "vốn" tri thức. Sau này, khi thành thạo, tôi sẽ về mở lớp dạy tình thương cho mấy trẻ em nghèo trong xóm để các em tập tành làm quen với ngoại ngữ".
Tuy mới thành lập mấy tháng nay nhưng lớp học tình thương của bà Hương được rất nhiều người ngợi khen. Một phụ huynh có con em tham gia vào lớp học tình thương cho biết: "Thấy con tôi ham học quá, nhưng nhà không có điều kiện cho con học tiếng Anh bên ngoài, nên tôi đem con gửi vào lớp học tình thương này. Cô giáo phụ trách giảng dạy rất hay, con tôi chỉ mới học lớp 6, tập tành làm quen với tiếng Anh. Sau khi học được gần 2 tháng, cháu đã có thể nói gần như lưu loát những từ thông dụng. Học xong ở lớp, vừa về tới nhà là cháu tập tành nói với cha mẹ bằng tiếng Anh. Tôi đâu có hiểu nên cứ cười để cháu có tinh thần học hỏi cầu tiến với ngoại ngữ".
Tuổi già, bóng xế, giờ đây nhìn đám trẻ chăm chỉ học hành, cô Hương mỉm cười hạnh phúc: "Thấy tụi nhỏ ham đi học tôi vui lắm. Chiều nào tụi nhỏ tới học tôi đều khóa cổng trông xe cẩn thận để các cháu yên tâm học hành. Thỉnh thoảng đứng bên ngoài nhìn vào lớp học qua cửa sổ, tôi thấy các cháu ham học thấy cảm động lắm, chúng làm tôi nhớ lại hồi tuổi trẻ mình cũng y như vậy".
Dù không trực tiếp giảng dạy nhưng bất kì chuyện gì trong lớp cô đều biết, em nào nghỉ học, em nào bệnh không đến lớp được, nhà học sinh nào đang khó khăn..., bà Hương đều tường tận.
"Tôi già rồi nên cũng mong muốn làm cái gì đó cống hiến cho xã hội và tương lai lớp trẻ sau này. Tôi vẫn mong sẽ chấp cánh cho lớp học tình thương này được duy trì lâu bền để không chỉ các em ở địa phương theo học mà các em ở những địa phương lân cận cũng được học tiếng Anh miễn phí".
Theo Thanh Huyền/Lao Động
Cộng đồng DOTA 2 chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo ở châu Phi Những game thủ DOTA 2 đã có những hoạt động stream liên tục để có thể có tiền gây quỹ xây dựng trường học cho trẻ em nghèo không có đủ điều kiện đến trường. Mới đây theo chúng tôi được biết, cộng đồng DOTA 2 nói chung và các game thủ chuyên nghiệp nói riêng đang cùng nhau chung tay để làm...