Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia: Vá lỗ hổng cơ chế tuyển sinh
Gần 10 tháng trôi qua nhưng cho đến thời điểm này, những hệ quả từ bê bối liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vẫn tiếp tục là vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.
Mặc dù việc xử lý đối với thí sinh gian lận điểm đang được các trường đại học thực hiện, song quá trình giải quyết đã và đang bộc lộ nhiều lúng túng do quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2018 chưa “bao quát” được đầy đủ các vấn đề phát sinh.
Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cần sửa đổi, bổ sung quy chế thi năm 2019 theo hướng có chế tài xử lý mạnh tay hơn nhằm tăng sức răn đe đối với thí sinh gian lận.
Nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sửa quy chế thi THPT quốc gia để chủ động phòng tránh gian lận.
Không “dung túng” thí sinh gian lận
Sau khi nhận danh sách thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia từ Sở GD&ĐT Hòa Bình và Sơn La, Cục Đào tạo, Bộ Công an đã chuyển danh sách này về các trường CAND trực thuộc Bộ Công an để các trường thực hiện thủ tục hủy kết quả trúng tuyển của 53 học viên liên quan và bàn giao các thí sinh này cho địa phương và gia đình.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này,Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết: Nguyên tắc xử lý của Bộ Công an là tất cả học viên có điểm thi gian lận đều bị thu hồi kết quả trúng tuyển, bất kể điểm thực của thí sinh có đạt điểm chuẩn vào ngành/trường mà thí sinh đang theo học hay không. Lý do là ngành Công an là ngành bảo vệ pháp luật, vì thế yêu cầu với học viên của các trường Công an không phải chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là sự trung thực, bản lĩnh đấu tranh với cái sai, cái xấu.
Quan điểm xử lý nghiêm và không dung túng cho thí sinh gian lận điểm của Bộ Công an đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh nhiều trường đại học dân sự vẫn tiếp tục cho các thí sinh tuy được nâng điểm song vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường. PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính -Viễn thông cho biết: Cá nhân ông rất ủng hộ cách xử lý của Bộ Công an là hủy kết quả thi và buộc thôi học đối với tất cả thí sinh gian lận điểm.
Theo quan điểm của PGS.TS Lê Hữu Lập, việc cho phép thí sinh liên quan đến sửa, nâng điểm thi mà đủ điểm trúng tuyển vẫn tiếp tục theo học đại học như một số trường đại học dân sự đang làm là chưa triệt để. Bởi lẽ vào học đại học đâu chỉ có kết quả là điểm thi, mà còn phải xét cả về mặt ý thức đạo đức. “Đào tạo ra một con người tốt cần dựa trên nền tảng năng lực, cả ý thức đạo đức và trách nhiệm công dân.
Do vậy, theo tôi tất cả những em trong danh sách gian lận điểm thi đều phải hủy kết quả xét tuyển vào đại học. Việc này cũng đã thể hiện rõ trong quy chế đã quy định là để người khác thi thay, hay làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa thêm bớt vào bài… thì phải hủy bỏ kết quả thi.
Các thí sinh này có thể được tham gia thi và xét tuyển lại vào đại học năm sau. Một năm để nhìn nhận sai lầm của gia đình và cá nhân trong trường hợp này không phải là dài” – PGS.TS Lê Hữu Lập đề xuất.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học thuộc khối Công an đã huỷ kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các thí sinh được nâng điểm. Các trường khối dân sự cũng huỷ kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử. “Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ. Vừa qua, các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Tôi ủng hộ cách xử lý của các trường này”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đưa ra khỏi ngành những cán bộ, giáo viên nâng điểm cho con
Video đang HOT
Sau khi danh sách các thủ khoa “rởm” và nghề nghiệp của một số phụ huynh có con được nâng điểm được mạng xã hội và báo chí “phanh phui”, dư luận xã hội lại càng trở nên bức xúc khi trong danh sách này có nhiều người là cán bộ đương nhiệm, cán bô quản lý ngành giáo dục, giáo viên đang đứng trên bục giảng.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử lý các sinh viên đỗ đại học nhờ gian lận điểm thì cũng cần phải “mạnh tay” với những phụ huynh mua điểm, nhất là những người giữ cương vị là cán bộ quản lý giáo dục, những thầy cô giáo đứng trên bục giảng.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó đau đớn nhất vẫn là sự bất công khi hàng trăm thí sinh xứng đáng đã bị các thí sinh gian lận “cướp” đi cơ hội vào đại học. Các phụ huynh “chạy điểm” ngoài ngành giáo dục đã không tha thứ được thì người trong ngành lại càng không thể tha thứ.
“Các thầy cô công tác trong ngành giáo dục trước tiên phải gương mẫu. Đằng này lại tổ chức và tham gia vào đường dây gian lận, rõ ràng là điều không thể chấp nhận. Với những người này, tốt nhất nên tạm đình chỉ giảng dạy để xác minh, làm rõ. Nếu có vi phạm thì phải loại ra khỏi ngành. Làm thầy mà gian dối như thế thì dạy được ai?” – GS.TS Phạm Tất Dong đánh giá.
Đồng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các Cơ quan điều tra làm rõ những đối tượng trong đường dây gian lận này là họ thực hiện “nâng điểm” cho từng trường hợp xuất phát từ động cơ nào: Vì mối quan hệ, hay vì tiền? Đối tượng nhờ vả là ai, có phải trực tiếp là phụ huynh hay không?
Bộ Công an đã trả 53 thí sinh Hòa Bình, Sơn La gian lận điểm về địa phương.
Khi rõ được các đối tượng thì những người có liên quan cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí phải khởi tố những người hối lộ, chạy điểm và công khai với việc xử lý của từng trường hợp. Có như vậy mới đủ sức răn đe đối với xã hội nói chung trong những kỳ thi tiếp theo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ GD&ĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ này”- người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch.
Không có điều khoản xử lý gian lận khâu chấm thi
Việc xử lý đối với thí sinh gian lận điểm tại Hòa Bình và Sơn La trong thời gian qua cũng đã bước đầu cho thấy những lúng túng của Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học. Nguyên nhân chủ yếu là do quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 không có bất cứ điều khoản nào xử lý thí sinh gian lận ở khâu chấm thi.
Đây cũng chính là lý do ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố thông tin các thí sinh gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 đã ngay lập tức tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT xử lý thí sinh gian lận thi cử như thế là quá nhẹ nhàng, không có tác dụng răn đe bởi theo quy chế các kỳ thi tuyển sinh trước đây, người có hành vi gian lận trong kỳ thi tuyển sinh sẽ bị tước quyền dự thi, bị cấm thi tùy theo từng mức độ vi phạm.
Bình luận về câu chuyện này, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính -Viễn thông cho rằng: Đây là lỗ hổng mà cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ GD&ĐT chưa lường hết được. Trong quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2018 chưa đề cập đến vấn đề này. Do vậy, các thí sinh liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn có thể đăng ký dự kỳ thi của năm 2019.
Cũng theo đề xuất của PGS.TS Lê Hữu Lập, Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng thắt chặt hơn các biện pháp xử lý đối với thí sinh gian lận cả trong coi thi lẫn chấm thi. Trong đó, cần bổ sung các biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp gian lận điểm thi, tất cả các thí sinh có liên quan phải bị hủy kết quả thi, xóa tên trúng tuyển vào bất cứ trường đại học nào trong cả nước.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: Bộ GD&ĐT cần bổ sung quy chế tuyển sinh đầy đủ, thống nhất và thật nghiêm khắc để xử lý những trường hợp gian lận thi cử trong khâu chấm thi năm 2019 và những năm tiếp theo.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT cần sửa quy chế theo hướng tăng hình phạt đối với thí sinh gian lận. Trong đó, có thể áp dụng hình thức cấm thi 1 hoặc 2 năm đối với các thí sinh gian lận để tăng sức răn đe với thí sinh và toàn xã hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Những “lỗ hổng” về mặt quy trình, kỹ thuật trong tổ chức thi THPT quốc gia 2018 hiện đã và đang được ngành giáo dục từng bước khắc phục. Bộ GD&ĐT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị kỹ thuật để đảm bảo an ninh, an toàn trong tổ chức thi; nâng cấp các phần mềm để phòng ngừa, ngăn chặn và hỗ trợ phát hiện gian lận trong quá trình chấm thi.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định: Kỹ thuật, công nghệ dù có tốt đến đâu nhưng con người tham gia vào công tác làm thi mà không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy đến. Do đó, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu và đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất chính trị tốt để tham gia làm thi và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Bộ GD&ĐT cũng mong muốn các bộ ngành, địa phương và người dân cả nước đồng hành, hỗ trợ, giám sát, để việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019 đảm bảo khách quan, công bằng.
Huyền Thanh
Theo atgt.cand.com.vn
Cần bổ sung các biện pháp, xử lý "mạnh tay" hơn với thí sinh gian lận
PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính- Viễn thông xung quanh vụ bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Cho đến thời điểm hiện tại, vụ bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn tiếp tục làm nóng dư luận. Mặc dù phần lớn các thí sinh gian lận điểm đều đã bị buộc thôi học, bị trả về địa phương theo đúng quy định, song những hệ lụy mà vụ bê bối gian lận này để lại rất nhiều.
Thậm chí, từ vụ "gian lận lịch sử" này cũng đã đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục và các ngành chức năng liên quan cần tiếp tục có giải pháp xử lý phù hợp hơn với các đối tượng liên quan để tăng tính răn đe và trả lại sự khách quan, công bằng, trung thực cho kỳ thi. PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính- Viễn thông xung quanh vấn đề này.
PV: Sau khi điểm thi thật của các thí sinh tại Hòa Bình, Sơn La được cập nhật lại cũng là lúc "lộ diện" một số "thủ khoa" rởm với điểm số từ "đỉnh cao" bất ngờ tụt xuống "vực sâu". Điều này gợi cho ông cảm xúc gì?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Là người nhiều năm tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, khi nghe thông tin các thủ khoa rởm này đã được nâng điểm với mức độ khủng khiếp thì bản thân tôi cảm thấy rất "sốc" và buồn cho ngành Giáo dục, vì trong ngành đã tồn tại những con người bất chấp luật pháp, bất chấp luân thường đạo lý để thực hiện hành vi gian dối như vậy. Có lẽ từ năm 1970 là năm thi đại học đầu tiên đến nay thì đây là một vụ gian lận tồi tệ nhất trong lịch sử các kỳ thi của ngành Giáo dục nước ta.
PV: Hiện có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải công khai và xử lý nghiêm các phụ huynh "chạy điểm" vì chính họ - là động cơ để các bị can trong bê bối gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La phạm tội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan điều tra làm rõ những đối tượng trong đường dây gian lận này "nâng điểm" cho từng trường hợp xuất phát từ động cơ nào: Vì mối quan hệ, hay vì tiền? Đối tượng nhờ vả nâng điểm là ai, có phải trực tiếp là phụ huynh hay không? Hiện nay, vụ án đang trong quá trình điều tra.
Khi rõ được các vấn đề đó thì những người có liên quan cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí phải khởi tố những người hối lộ, chạy điểm và công khai việc xử lý đối với từng trường hợp. Có như vậy mới đủ sức răn đe, góp phần đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc trong những kỳ thi tiếp theo.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông.
PV: Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các thí sinh liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn có thể được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019. Theo ông, quy định này liệu có công bằng đối với các thí sinh vi phạm khác, như gian lận trong quá trình làm bài thi chẳng hạn?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Đây là lỗ hổng mà cơ quan quản lý chưa lường hết được. Trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2018 chưa đề cập đến vấn đề này. Do vậy, tôi nghĩ các thí sinh liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn có thể được đăng ký dự kỳ thi của năm 2019. Còn quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 cần điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn.
PV: Đến thời điểm này, Bộ Công an đã trả 53 thí sinh gian lận điểm thi tại Sơn La và Hòa Bình đã nhập học vào các trường Công an về các địa phương với quyết tâm xử lý nghiêm và không dung túng cho thí sinh gian lận.
Tuy vậy, tại một số trường đại học khác, xuất hiện tình trạng một số thí sinh tuy được nâng điểm nhưng khi trả về điểm thật vẫn đủ điểm trúng tuyển nên các trường vẫn tiếp tục để các sinh viên này theo học. Theo ông, việc nơi xử lý triệt để, nơi xử lý còn có phần "nhẹ tay" này liệu có tạo ra sự bất nhất và không đủ sức răn đe đối với các thí sinh gian lận?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Quan điểm của tôi là không đồng ý cho thí sinh liên quan đến sửa, nâng điểm thi mà đủ điểm trúng tuyển vẫn tiếp tục theo học. Vào học đại học thì đâu chỉ có kết quả là điểm thi, mà còn xét cả về mặt ý thức, phẩm chất đạo đức nữa. Biết kết quả đó không phải của mình (vì với thi trắc nghiệm, các em có thể biết được điểm thật), mà vẫn ung dung nhập học, thậm chí còn nhận thủ khoa, á khoa, thì đó chính là gian lận.
Đào tạo ra một con người tốt cần dựa trên nền tảng năng lực, cả ý thức đạo đức và trách nhiệm công dân. Do vậy, theo tôi tất cả những em trong danh sách gian lận điểm thi đều phải hủy kết quả xét tuyển vào đại học.
Việc này cũng đã thể hiện rõ trong quy chế đã quy định: để người khác thi thay, hay làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa thêm bớt vào bài... thì phải hủy bỏ kết quả thi. Các thí sinh này có thể được tham gia thi và xét tuyển lại vào đại học năm sau. 1 năm để nhìn nhận sai lầm của gia đình và cá nhân trong trường hợp này không phải là dài.
PV: Thực tế cho thấy, trong số các trường đại học, cao đẳng mà các thí sinh gian lận tại Sơn La, Hòa Bình "nhắm" đến, hầu như rất ít các trường thuộc khối ngành kỹ thuật. Theo ông, thực tế này nói lên điều gì?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Đối với các trường kỹ thuật, đặc biệt là các trường top đầu, với trình độ về kết quả học tập và khả năng học hành ở phổ thông của các em như vậy thì khó có thể theo học được hết chương trình và chắc chắn các em này sẽ bị đào thải trong quá trình học tập ở đại học.
PV: Có ý kiến cho rằng, từ bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cho thấy, đã đến lúc các trường đại học cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phòng chống gian lận thi bằng cách siết chặt quy trình, chất lượng đào tạo, tránh tình trạng "vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu" như hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Đúng vậy. Hiện nay, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục đại học Việt Nam của Chính phủ, các trường cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi nghĩ là nhiều trường đại học có thương hiệu tốt mà các em mong muốn học ở đây cũng không còn tình trạng "vào bao nhiêu ra bấy nhiêu". Sinh viên muốn tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo quy định và thực tế là ở rất nhiều trường không phải các em cứ vào được trường là tốt nghiệp được.
PV: Để hạn chế gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc điều chỉnh quy trình coi thi, chấm thi bằng các giải pháp kỹ thuật. Theo ông, những điều chỉnh này liệu đã đủ cơ sở để mang lại một kỳ thi công bằng, khách quan và đáng tin cậy?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Khi có vấn đề phát sinh mới trong quá trình thi cử, thì việc điều chỉnh quy trình coi thi, chấm thi, điều chỉnh đối tượng tham gia chấm thi... là việc làm bắt buộc để mang lại một kỳ thi công bằng, khách quan. Những giải pháp kỹ thuật cho kỳ thi 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cho là kịp thời.
Tuy nhiên, cần bổ sung các biện pháp xử lý mạnh tay đối với các trường hợp gian lận điểm thi như năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang theo hướng: Tất cả các thí sinh có liên quan phải bị hủy kết quả thi, xóa tên trúng tuyển vào bất cứ trường đại học nào trong cả nước. Bên cạnh đó, các đối tượng tham gia vào quá trình gian lận đều phải xét xử công bằng trước pháp luật và công khai danh tính, có như vậy mới đảm bảo tính răn đe trong xã hội.
PV: Vậy để có được một kỳ thi "sạch", Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo địa phương, các trường đại học cần phải làm gì, thưa ông?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Ngoài những quy chế, quy định được ban hành và tập huấn đầy đủ cho những cán bộ, giáo viên tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi, thì việc chọn lựa con người đảm nhiệm ở những vị trí dễ xảy ra tiêu cực cũng là điều mà các trường đại học và các sở giáo dục và đào tạo cần phải đặc biệt quan tâm. Thực ra, mọi quy định cũng không thể bao trùm hết được những lỗ hổng. Con người vẫn là yếu tố quyết định.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Huyền Thanh
Theo CAND
Học sinh lớp 9 sẽ học về cuộc chiến vệ quốc 1979 Sẽ mắc nợ với người đã ngã xuống trong cuộc vệ quốc chống quân bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc 40 năm trước nếu như bản chất cuộc chiến không được làm rõ để các thế hệ người Việt Nam hiểu và tự hào. Hội thảo khoa học quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của...