Gian lận bài báo quốc tế: Người không liêm chính mới làm như vậy
Chuyên gia cho rằng, nếu các ứng viên PGS, GS gian lận thì cần nghiêm túc xử lý, vì đó không chỉ là háo danh mà đằng sau còn là lợi ích kinh tế và chính trị.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn thư tố cáo 36/50 ứng viên GS, PGS ngành Y và Dược gian lận trong công bố nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế. Nhiều nhất là lĩnh vực Y học, 30/40 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành thông qua và đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS (9 ứng viên GS, 31 ứng viên PGS).
Đại đa số các ứng viên bị tố đều liên quan đến các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí mở (OA) hoặc tác giả công bố nhiều bài nghiên cứu trên cùng một số của tạp chí.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng, trong cùng một số báo mà ứng viên có 3-5 bài đăng tải, rõ ràng có vấn đề. Tuy nhiên, hiện mới là nghi vấn, chúng ta nên chờ quyết định cuối cùng từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Nếu có chuyện ứng viên gian lận bằng cách đăng bài trên những tạp chí kém chất lượng và mua bài thì phải nghiêm túc xử lý. “Đây không chỉ là hành động háo danh mà đằng sau là lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị của các PGS và GS”, TS Vinh nhấn mạnh.
Ông thẳng thắn đề nghị những trường hợp gian lận thì nên tự xin rút khỏi danh sách ứng viên xin xét duyệt chức danh GS, PGS năm nay trước khi có kết luận từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Tránh để tới lúc bị phát hiện ra việc không trung thực thì người đó sẽ mất danh dự.
Đồng thời, vị chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại quy định tiêu chuẩn về các bài báo quốc tế. Nếu có hiệu tượng lách luật, gian lận thì chứng tỏ tiêu chuẩn vẫn không ổn và còn tồn tại lỗ hổng.
Theo quy định tại Quyết định 37 của Thủ tướng về xét công nhận chức danh GS và PGS, một trong những điều kiện để xét là tính theo số lượng bài báo công bố quốc tế (GS 5 bài, PGS 3 bài), như vậy là làm việc theo hướng cộng điểm ăn tiền. Do đó, ông đề nghị, ngoài việc xem xét chất lượng tạp chí thì cũng nên xem xét lại chất lượng nội dung thực sự của những công trình.
Liên quan vấn đề này, GS Nguyễn Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia cho rằng, ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học dùng cách phân loại tập san của Scopus theo 4 nhóm Q1, Q2, Q3, Q4. Theo họ, cứ những tập san thuộc nhóm “Q” là uy tín. Tuy nhiên, GS Tuấn không đồng ý với cách phân loại đó vì 2 lý do.
Thứ nhất, cách phân loại đó là cách làm của một tập đoàn thương mại và lợi nhuận được ưu tiên hơn khoa học. Thứ hai, ở góc độ đánh giá khác thì không ít tập san trong nhóm Q3 và Q4 có thể xem là ‘dỏm’ và nó không được cộng đồng khoa học công nhận.
Video đang HOT
Những tập san chính thống sẽ do các hiệp hội khoa học làm chủ quản; được xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press, v.v.). Nếu không do hiệp hội khoa học chủ quản thì do các nhà xuất bản dưới sự quản lí học thuật của các nhà khoa học có uy tín cao trên đấu trường quốc tế.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước chỉ nên chấp nhận các tập san chính thống, còn các tập san không thuộc đối tượng trên đều sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên việc phân biệt tập san “dỏm” và tập san chính thống càng ngày càng khó, bởi vì “kỹ nghệ” xuất bản “dỏm” thay đổi liên tục. Từng có một số tập san được đưa vào danh mục Scopus, nhưng sau một thời gian đánh giá đã bị loại ra do không đạt tiêu chuẩn. Điều đó cho thấy nếu chỉ dựa vào cách phân nhóm từ Q1 đến Q4 là rất dễ sai lầm.
Theo giáo sư Tuấn, phải là những người trong chuyên ngành đó thì mới biết rõ. Ví dụ như tập san Journal of the Endocrine Society (chưa có trong danh mục ISI hay Scopus) mọi người không thể phân biệt được đó là chính thống hay phi chính thống. Nhưng với các nhà khoa học về nội tiết học dễ dàng nhận biết đó là tập san này chính thống của Hiệp hội Nội tiết học Hoa Kỳ, do nhà xuất bản Oxford ấn hành.
Để phát hiện được đâu là tập san uy tín thì đòi hỏi các thành viên hội đồng phải có kinh nghiệm nhiều năm công bố khoa học mới có đủ năng lực để đánh giá chính xác các tập san y khoa có uy tín cao, GS Nguyễn Văn Tuấn nhận định.
Trả lời báo chí, GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y cho hay, chuyện đăng ở tạp chí khoa học như thế nào khá phức tạp. Trong hàng nghìn tạp chí hiện nay, có tạp chí dạng vừa hoạt động khoa học vừa business (kinh doanh). Hội đồng Giáo sư ngành Y sẽ có những bài viết để giải trình vấn đề này.
GS Phước thừa nhận công bố khoa học của ngành Y do người trong nước chủ trì là rất ít, bởi công bố khoa học của ngành này rất khó. Trong đó, nghiên cứu về y học cơ sở là những chuyện không liên quan đến bệnh tật, nhưng đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, phương tiện càng hiện đại thì mới được tin tưởng.
Về nghiên cứu lâm sàng (chữa bệnh) càng ngày càng khó vì ngày càng nhiều bệnh chữa được. Do vậy, những kỹ thuật phải được chứng minh và phải rất tinh vi mới có giá trị, không như cách đây 30-40 năm có thể thống kê là chữa cái gì.
“Y học là lĩnh vực rất rộng. Hướng nâng cao chất lượng là đúng nhưng tùy đặc thù từng ngành. Có những vấn đề nếu đòi hỏi chất lượng quá cao thì cuối cùng chả quan tâm vì không có ai nghiên cứu và công bố. Trong khi có những chuyện đời thường vẫn rất cần thiết“, GS Phước nói.
GS Nguyễn Ngọc Châu: 'Mua bài báo quốc tế là phản khoa học, thiếu đạo đức'
GS Nguyễn Ngọc Châu lo ngại, nếu để lọt những ứng viên gian lận thì chức danh GS, PGS mất đi danh giá, bởi họ đi lên bằng tiền, không bằng trí tuệ, bác ái.
"Những dữ liệu so sánh tôi đưa ra không phải là tố cáo. Tôi chỉ giúp Hội đồng Giáo sư Nhà nước có thêm tư liệu tham khảo trong quá trình đánh giá và xét duyệt công nhận chức danh. Không riêng tôi, bất kỳ chuyên gia nào phát hiện bất thường đều có thể đưa ra ý kiến và đề xuất Hội đồng Giáo sư Nhà nước kiểm tra", GS Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.
GS Châu là người vừa gửi đơn kiến nghị lên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Thanh tra Bộ GD&ĐT thể hiện nghi ngờ của ông đối với 15 ứng viên giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) ngành Dược và Y học.
Vấn nạn nghiên cứu
GS Nguyễn Ngọc Châu thẳng thắn, với những ứng viên sở hữu đăng từ 3 - 5 bài trên cùng một tạp chí, cùng một thời gian, thậm chí trên cùng một số báo là không khả thi và bất hợp lý. Đó là những tạp chí "dởm", đăng bài theo giá tiền.
Các tạp chí chính thống và uy tín trên thế giới đều kiểm duyệt, kiểm đếm và đánh giá chất lượng bài báo, công trình nghiên cứu của các chuyên gia rất khắt khe. Không bao giờ có chuyện, một tác giả có quá 2 bài báo, công trình nghiên cứu trong cùng một số báo.
Theo GS Châu, một nhà khoa học chân chính sẽ không thể "đẻ" ra nhiều sản phẩm như vậy và đăng trong cùng một số báo. Đồng thời, một nhà khoa học chân chính không bao giờ thiếu bài báo nghiên cứu khoa học để phải gian dối, "chạy tang" dồn toa đăng như vậy.
" Đây được coi là hành động gian lận và nếu đúng như phản ánh thì cần xem xét lại đạo đức của người làm khoa học", vị GS nói và cho hay đã xác định làm khoa học thì phải minh bạch, chân chính và đàng hoàng.
Về nguyên nhân một số ứng viên ngành Y- Dược "mua" bài báo quốc tế, GS Nguyễn Ngọc Châu cho rằng, rất có thể họ mong đốt cháy quá trình được xét công nhận chức danh, phục vụ công tác.
Ở ngành Y, Dược có nhiều quy định đặc thù như trong quá trình công tác mỗi chức danh từ tiến sĩ, phó giáo sư đến giáo sư sẽ được phân công vị trí, vai trò thăm khám bệnh nhân khác nhau. Việc thăm khám gắn liền với chức danh chính là lý do dẫn đến tình trạng "mua" bài báo quốc tế trên các tạp chí "dởm".
Việc cố tình làm sai đó sẽ xảy ra hệ luỵ rất nguy hiểm. Trước tiên, sự gian lận sẽ ảnh hưởng đến tiến bộ xã hội và uy tín của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. " Chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, nghiên cứu để phát triển mà một số ứng viên lại làm việc phản quốc tế, phản khoa học như vậy là không thể chấp nhận", GS Châu nói.
Nếu vô tình để lọt những ứng viên này sẽ khiến chức danh GS, PGS mất đi danh giá trong xã hội vì họ đi lên bằng tiền, bằng con đường không bằng trí tuệ, bác ái. Ngành Y-Dược liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, thì càng phải đúng chuẩn. "Trong nghiên cứu mà họ còn gian lận như vậy thì đối với bệnh nhân họ sẽ thủ thuật, tiểu sảo đến đâu khó rất lường trước?", ông lo ngại.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước. (Ảnh minh hoạ: Hà Cường)
Theo GS Châu, chúng ta nên coi đây vấn nạn trong nghiên cứu khoa học và chạy đua xét chức danh. Hội đồng Giáo sư Nhà nước cần rà soát lại toàn bộ ứng viên hai ngành Y, Dược và có trách nhiệm giải trình bằng kết quả trung thực, không gian lận.
Nếu cần thiết, Hội đồng Giáo sư Nhà nước có thể lùi ngày công nhận chức danh lại để dành thời gian rà soát lại toàn bộ các ứng viên của 14 ngành/hội đồng cở sở để có kết quả đúng, thật sự trong sạch.
Đây là lần đầu GS Châu công bố những kết quả đối sánh này. Ngoài 16 ứng viên dính nghi án gian lận bài báo quốc tế, ông còn vừa nhận được thêm 2 đơn thư tố cáo 2 ứng viên chức danh giáo sư liên quan tới ngành Y và Dược. Ông sẽ tiếp tục kiểm tra trong những ngày tới.
16 ứng viên bị tố gian lận
Trong đơn kiến nghị lên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Thanh tra Bộ GD&ĐT, GS Châu phản ánh 16 ứng viên tham gia xét duyệt chức danh GS, PGS ngành Y và ngành Dược đều có các bài báo trên các tạp chí kém chất lượng có tên chung là Open Access, viết tắt là OA (những tạp chí thu tiền, in bài, không có hệ thống kiểm duyệt tốt nên thường có chất lượng thấp).
Trong 16 ứng viên bị tố cáo, thì một ứng viên ngành Dược do không đủ số lượng công bố quốc tế nên bị loại từ Hội đồng GS ngành. Số còn lại đều được hội đồng thông qua và đề nghị lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm nay.
Tuy nhiên, sau khi tự kiểm tra theo nội dung bức thư tố cáo, GS.TS Nguyễn Ngọc Châu nhận thấy không chỉ có 1 ứng viên bị "trượt" mà 12/15 ứng viên khác được hội đồng ngành thông qua cũng không đạt yêu cầu về công bố quốc tế; chỉ có 4/16 ứng viên bị tố cáo (đều là ứng viên PGS) có đủ số bài báo quốc tế theo yêu cầu đối với ứng viên PGS (trong đó có 1 ứng viên GS và 3 ứng viên PGS).
Những ứng viên mà GS Châu cho rằng không đạt điều kiện về bài báo khoa học do hầu hết các bài của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí OA (thường được gọi là tạp chí mở) chất lượng thấp; người đăng bài đóng nhiều tiền là được đăng.
Trước đó GS Châu và GS Phạm Đức Chính (Hội đồng ngành Cơ học) nhận được 11 thư điện tử tố cáo 16 ứng viên gian dối các bài báo trên các tạp chí kém chất lượng.
Liên quan vụ việc trên, ngày 22/10, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết Hội đồng nhận được thư tố các ứng viên ngành Y, Dược thông tin gian dối về bài báo quốc tế. Hội đồng đã yêu cầu Hội đồng ngành Y, Dược rà soát và báo cáo lại.
GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng ngành Y cũng cho biết, sau khi nhận được đơn thư phản ánh, Hội đồng Giáo sư ngành Y sẽ xem xét lại hồ sơ của ứng viên đúng sai như thế nào, đánh giá ra sao và để thẩm định kỹ, việc xét GS năm nay chắc chắn sẽ phải lùi lại (không kịp trước 20/11 như mọi năm).
Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học: Cần thiết và nên làm Không chỉ tiểu học mà ngay bậc mẫu giáo cũng đã có những trường tư thục mạnh dạn thực hiện mô hình dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé. Ảnh minh họa Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT đang...