Giàn khoan Trung Quốc vào đề thi Ngữ văn
Kết thúc môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp, hầu hết học sinh rời trường thi trong tâm trạng thoải mái, khi chủ đề Biển Đông được đưa vào đề Văn.
10h sáng 2/6, thời gian làm bài thi Ngữ văn – môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp 2014 kết thúc. Những gương mặt rạng rỡ ùa ra khỏi cổng trường. Không nằm ngoài dự đoán của nhiều học sinh, giáo viên, vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép đã làm “ nóng” trường thi.
Nguyễn Thu Trang (THPT Chu Văn An, Hà Nội) tự tin bài làm của mình tối thiểu được 7 điểm. “Ban đầu em rất lo lắng với đề thi đọc hiểu. Tuy nhiên, khi đọc đoạn văn bản có nêu vấn đề giàn khoan Trung Quốc, em rất hào hứng. Bạn nào cũng xác định đây là phong cách ngôn ngữ báo chí, rất quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây”, Trang nói.
Dù nắng nóng nhưng thí sinh tỏ ra hào hứng với đề thi liên quan đến Biển Đông. Ảnh: Quý Đoàn.
Trần Trọng Hoàng (hội đồng thi THPT Xuân Đỉnh, Từ Liêm) cho biết: “Chủ đề biển đảo đã được giáo viên nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong khi ôn tập. Ai cũng đoán kiểu gì thi cũng có vấn đề này nên khi đọc đề các bạn rất vui vẻ”. Theo Hoàng, câu 3 với yêu cầu “bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm biển đảo” đã được em làm rất nhanh và hào hứng.
Do thời gian thi môn Văn bị rút ngắn còn 120 phút nên rất ít thí sinh hoàn thành bài thi và ra khỏi trường thi sớm.
Cùng thí sinh cả nước, hơn 39.000 học sinh lớp 12 ở Thanh Hóa đã trải qua môn thi đầu tiên suôn sẻ.
“Đề thi không khó và rất sát với chương trình. Em thích nhất là đề số 1 với câu hỏi liên quan chủ đề Biển Đông”, Nguyễn Trần Hoàn (khối chuyên Toán THPT Hàm Rồng) nói và cho biết qua các phương tiện truyền thông, Hoàn nắm rất rõ sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam nên lượng thông tin trong bài em trình bày rất sâu, các ý được diễn giải chi tiết và chắc chắn về mặt câu cú và ngữ pháp.
Với những học sinh chuyên ban C, D thì đề văn được cho là dễ ăn điểm. “Em viết kín 8 mặt giấy thi, có thể được 7-8 điểm”, Lê Thu Hà My (THPT Hàm Rồng) vui vẻ.
Thời tiết tại Thanh Hóa nắng gay gắt, thí sinh rời phòng thi với mồ hôi nhễ nhại. Bên ngoài cổng trường, phụ huynh đưa đón con em bịt kín mặt bằng khẩu trang và áo chống nắng. Các bóng râm dưới gốc cây cổ thụ được tận dụng tối đa làm nơi tránh trú trong thời gian chờ đợi.
Tại Nghệ An, hết giờ làm bài nhiều em vẫn nán lại bàn tán về môn thi Ngữ văn.
Lê Thị Thục Quyên (THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho biết, đề thi năm nay rất hay trong đó câu I sát với thực tế, với sự kiện xã hội của đất nước. “Thời gian qua em hay xem tivi và đọc báo nên em hiểu khá rõ về sự kiện, em không bất ngờ về đề thi này. Em làm được khoảng 80%”, Quyên nói.
“Cấu trúc đề bọn em đã gặp ở kỳ thi thử rồi nên em làm khá tốt, đạt khoảng 70%”, Nguyễn Văn Sơn (điểm thi THPT Huỳnh Thúc Kháng) nhận định.
Video đang HOT
Lê Thị Thục Quyên vui vẻ vì em làm khá tốt. Ảnh: Nguyễn Hải.
Báo cáo của Sở Giáo dục Nghệ An cho biết, môn thi đầu tiên toàn tỉnh có 69 thí sinh bỏ thi (99,5% thí sinh dự thi), trong đó có 10 thí sinh bị tai nạn, ốm đau. Không có thí sinh, cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi.
Tại TP HCM, đa số học sinh ở hội đồng thi Nguyễn Thị Minh Khai lại bày tỏ sự bất ngờ với đề thi nhưng vẫn vui vẻ vì đề thi năm nay dễ. Đặc biệt, vấn đề việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép gây được cảm hứng làm bài.
Khá hồ hởi về kết quả làm bài, Ngọc Phụng cho biết: “Em đã có dịp bày tỏ quan điểm của mình. Theo em, chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền và trên biển. Ở tuổi của mình em nghĩ rằng yêu nước nên được thể hiện qua việc sống tích cực, chăm lo học tập và góp một phần nhỏ sức cùng toàn dân sát cánh bên các chiến sĩ hải đảo”.
Bàn về lòng yêu nước, thí sinh này cho biết chúng ta cần yêu nước đúng hướng và việc công nhân bạo động ở một số tỉnh thời gian qua là sai lầm.
Tương tự, thí sinh Bích Ngọc cũng tâm đắc với bài làm của mình. Thí sinh này đã trích dẫn rất nhiều thông tin bản thân theo dõi qua báo, đài trong thời gian qua.
“Em thấy đề văn mở theo hướng tích cực, thông qua đề thi này mỗi học sinh có thể thể hiện được quan điểm, tình yêu đất nước của mình. Từ xa xưa, cha ông ta đã không ít lần đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Điều này cho thấy dù là một nước nhỏ nhưng chúng ta chưa bao giờ đầu hàng trước giặc ngoại xâm và lần này cũng vậy”, Bích Ngọc chia sẻ.
Hải Phòng có 18 trong tổng số hơn 20.300 thí sinh đã bỏ thi, trong đó 1 học sinh của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh bị tai nạn giao thông, 4 thí sinh bị ốm.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, đề Ngữ Văn năm nay rất mở nên thí sinh thoải mái trong cách làm bài, tư duy, lý luận và không phụ thuộc vào tài liệu, nên không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Ở Hội đồng thi THPT chuyên Trần Phú, các thi sinh vui vẻ sau khi hoàn thành bài thi. Nhiều thí sinh tự tin bài của mình sẽ được 7-8 điểm.
“Đề Ngữ Văn năm nay rất hay, đòi hỏi mỗi chúng em phải có tư duy, sáng tạo, có cách nhìn nhận, đánh giá sự kiện sát với thực tế cuộc sống”, Nguyễn Đức Lương, học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú nói.
Tự tin bản thân có thể đạt 7-8, thí sinh Nguyễn Lê Thảo Ngân, lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) nói: “Với cách ra đề như này thì việc học sinh ôn tủ sẽ bị loại bỏ”. Ảnh: Giang Chinh.
So với học trò ở thành phố lớn,thí sinh các trường vùng cao tỏ ra bỡ ngỡ. Hội đồng thi Tốt nghiệp trường PTTH Đồng Văn ( Hà Giang) năm nay có gần 300 học sinh tham gia.
Theo thầy Lã Ngọc Hà, giáo viên Ngữ Văn THPT Đồng Văn, đề thi năm nay vừa sức thí sinh, câu hỏi rõ ràng và không hề đánh đố, hỏi trực tiếp vào vấn đề. “Phần đọc hiểu, không riêng cá nhân tôi mà nhiều thầy cô khác cũng cho là rất hay vì đề cập đến vấn đề có tính thời sự, quan trọng của đất nước, đánh thức được lòng yêu nước, tự hào của dân tộc Việt Nam”, thầy Hà nói.
Tuy nhiên, do là trường ở vùng cao với những đặc thù về địa lý, dân trí nên theo thầy Hà, các thí sinh vẫn còn bỡ ngỡ với đề thi mở kiểu mới này, rất ít thí sinh làm hai tờ giấy thi.
Sau khi xem gợi ý đáp án môn Văn trên VnExpress, một số học sinh THPT Bình Trung, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn ( Bắc Kạn) cho rằng, điểm thi của họ sẽ không cao. Câu hỏi liên quan Biển Đông đã được thầy cô cho ôn tập, nhưng do ít thông tin và cũng chủ quan nên kết quả không như ý.
Chiều nay, các thí sinh sẽ thi môn tự chọn Vật lý (60 phút) và Lịch sử (90 phút).
Theo VNE
Thầy Văn Như Cương tung đề thi Văn hài hước
Trước những tuyên bố về đổi mới ra đề thi môn Ngữ Văn, PGS Văn Như Cương đã thiết kế một dạng đề hài hước, phê phán nhẹ nhàng cách làm của Bộ GD-ĐT.
Dù mới chỉ được đưa lên mạng ngày 13/4 nhưng đề Văn hài hước của thầy Văn Như Cương đã có hơn 1.000 lượt yêu thích và hàng trăm lượt bình luận.
PGS Văn Như Cương đề nghị nên để việc đổi mới vào năm sau
PGS Văn Như Cương (nguyên hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã sáng tạo câu hỏi kiểm tra phần đọc hiểu, trích dẫn phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
"Sắp đến ngày thi tốt nghiệp THPT, học sinh và thầy cô giáo hoang mang vì kiểu ra đề thi mới cho môn Ngữ văn mà Bộ GD-ĐT cương quyết áp dụng. Trong đề thi sẽ có phần đọc hiểu chiếm từ 30% đến 50%.
Sau đây tôi xin nêu một ví dụ về câu hỏi kiểm tra phần đọc hiểu.
Câu 1. Xem đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi: Trước những lo sợ về việc ra đề theo kiểu mới sẽ khiến đa phần giáo viên không đủ năng lực chấm được bài văn của học trò, ông Hiển (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) ví von "Qua sông thì phải luỵ đò, chưa qua đã sợ có ngày chết oan"...
"Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu" - ông Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn (nguồn Vietnamnet).
Câu hỏi: 1. Đoạn văn trên thuộc thể loại gì?
2. Câu ví von "Qua sông.........chết oan" có phải là thơ lục bát hay không?
Anh /chị hãy sửa một vài từ để nó trở thành câu thơ lục bát mà không thay đổi nguyên ý.
3. Trong câu ví von trên, cái gì được ví với "sông", cái gì được ví với "đò", điều gì được ví với "chết oan"?
4. Anh/chị hiểu câu "chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu" như thế nào? Cái gì tiếp cận mục tiêu?
5. Hãy tìm trong văn bản một câu có cấu trúc so sánh và bình luận ngắn gọn về câu so sánh đó!".
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đề Văn này đã được rất nhiều thành viên chú ý, thậm chí còn thử sức trả lời câu 2: "Qua sông thì phải lụy đò. Chưa qua đã sợ, chỉ trò chết oan!".
PGS Văn Như Cương cho biết: "Đây là cách tôi thể hiện sự phê phán nhẹ nhàng với việc làm đột ngột của Bộ GD-ĐT. Việc Bộ quyết tâm đổi mới phương pháp ra đề thi môn Ngữ văn để tránh cách học cũ là rất hay. Nhưng đến thời điểm này Bộ mới công bố thì quá gấp gáp".
Hiện tại nhiều học sinh, thậm chí là giáo viên còn chưa nắm được thông tin này dù kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã sắp đến gần.
Thầy Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD-ĐT nên để sang năm đổi mới sẽ hợp lý hơn. Như vậy, giáo viên và học sinh đều thoải mái tâm lý và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần. Từ đó, học sinh lớp 10, 11 cũng phải sẽ thay đổi cách học và tập làm đề theo hướng mới.
Nhiều học sinh tỏ ra hoang mang, lo lắng với cách ra đề mới của Bộ GD-ĐT. Những học sinh này mong muốn những thay đổi trong cách ra đề thi môn Văn nên được thực hiện từ năm sau để các em có thời gian để chuẩn bị tâm lý.
Theo TNO