Giãn, giảm học sinh tránh dịch, áp lực giáo viên và nỗi lo ở Điện Biên
Việc giảm số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ đang gây áp lực với giáo viên trực tiếp đứng lớp và cơ sở vật chất ở Điện Biên chưa đảm bảo.
Từ ngày 27/4, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên đồng loạt đón nhận học sinh quay trở lại lớp học sau khoảng thời gian dài nghỉ học để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học đang gây áp lực đối với các giáo viên trực tiếp đứng lớp và nỗi lo của các trường miền núi khi cơ sở vật chất chưa thực sự đảm bảo.
Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa đáp ứng được cơ sở vật chất theo Chỉ thị số 19 của Chính phủ về giãn, giảm số học sinh trong phòng học.
Ngày 27/4 cùng với hơn 500 trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Trường Trung học cơ sở Thanh Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đón nhận hơn 400 học sinh quay trở lại học sau đợt nghỉ chống dịch dài ngày. Sỹ số huy động học sinh ra lớp đạt trên 98%, học sinh quay trở lại lớp là niềm vui của mỗi giáo viên.
Tuy nhiên, niềm vui ấy lại nhanh chóng bị đè nặng vì cơ sở vật chất cho dạy và học hiện không đảm bảo đáp ứng được theo Chỉ thị số 19 của Chính phủ về giãn, giảm số học sinh trong phòng học.
Thầy giáo Phạm Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Yên cho biết: Toàn trường có 13 lớp học, để đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19, nhà trường đã phải chia học sinh mỗi lớp thành 2 buổi học/ngày. Khoảng cách giãn học sinh trong mỗi lớp cũng chỉ được tương đối do điều kiện phòng học của trường còn chật hẹp.
Việc tăng tiết, chia lớp đang tạo ra áp lực đối với nhiều giáo viên trong giai đoạn này.
“Việc bố trí các em về cái khoảng cách an toàn thì cũng chỉ được khoảng 1 mét hoặc trên 1 mét vì diện tích phòng học cũng không được rộng. Thực hiện giãn cách xã hội như vậy thì lượng công việc của các thầy cô đương nhiên phải tăng lên gấp đôi. Một cô dạy 19 tiết thì hiện tại phải dạy 38 tiết trên một tuần”, thầy Phúc cho hay.
Video đang HOT
Dạy học 2 buổi/ngày đồng nghĩa với việc 33 giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy của trường Trung học cơ sở Thanh Yên phải gồng mình lên cáng đáng nhiệm vụ trong giai đoạn này. Thời gian thực hiện quy định trong 1-2 tuần các thầy , cô giáo có thể cố gắng được, nhưng nếu kéo dài nhiều tháng, nhiều ngày việc này sẽ vô hình chung tạo áp lực cho mỗi giáo viên.
Cô giáo Đặng Thị Hồng, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Yên chia sẻ: nhà cách trường gần 10km, 2 con còn nhỏ, chồng là bộ đội, tham gia ở tuyến đầu chống dịch nên việc cân đối nhiệm vụ, tăng thời gian giảng dạy với công việc gia đình đang gặp phải nhiều trở ngại.
“Bây giờ chia đôi lớp thì sẽ đảm bảo an toàn nhưng công việc của giáo viên sẽ gấp đôi lên. Chúng tôi hầu như là đều có con nhỏ, việc khắc phục đi lại cũng như là đảm bảo sự hài hòa giữa công việc và gia đình là khá khó khăn. Chúng tôi phải thức khuya hơn và phải dậy sớm hơn để đảm bảo vệ sinh trường lớp cùng với học sinh cũng như hướng dẫn công tác học sinh bắt đầu vào trường như thế nào”, cô Hồng nói.
Còn thầy giáo Cà Ngọc An, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Yên cho biết: Do nghỉ chống dịch dài ngày, học sinh phải học tập qua mạng internet, qua truyền hình hoặc thông qua các bài tập gửi về nhà khiến chất lượng học tập cũng không được đồng đều. Nhất là đối với các học sinh gia đình khó khăn không có điều kiện về kinh tế. Việc chia đôi lớp để giảng dạy như hiện nay không chỉ tạo áp lực cho giáo viên mà sẽ ảnh hưởng đến việc truyền tải kiến thức đến học sinh, nhất là học sinh cuối cấp.
“Đối với các em học sinh lớp 9, nhà trường cũng như các thầy cô rất chú trọng vì lượng kiến thức cuối cấp của các em rất nhiều. Thời gian nghỉ dịch rất dài nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các em. Đối với các thầy cô lớp 9, mỗi bộ môn các thầy cô đều đã có cho mình một khung đề cương để hướng dẫn rồi củng cố kiến thức cho các em”, cô An tâm sự.
Ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết: Để đảm bảo việc dạy và học trong giai đoạn cả nước chung tay chống dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường đảm bảo về vệ sinh, bố trí nước rửa tay sát khuẩn ở tất cả các lớp học, sử dụng máy kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào trường.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế cơ sở vật chất và ý kiến từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn phản ánh, dù đã tận dụng tối đa các phòng chức năng, nhà đa năng để thực hiện việc giãn cách khi dạy học nhưng đối với các trường miền núi vẫn chưa thể thực sự đảm bảo. Về lâu dài đây sẽ là vấn đề đáng lo ngại vì lực lượng giáo viên phải lên lớp liên tục trong thời gian dài sẽ tạo áp lực.
“Bây giờ chia lớp thì phòng học của chương trình kiên cố hóa rất chật, một lớp tầm độ 30 học sinh thì sẽ rất khó chia, không có giải pháp nào ngoài cách phải chia thành 2 buổi. Theo quy định tối thiểu là phải giãn cách 1,5 mét nhưng bây giờ phải ngồi chéo đi, hiện nay bàn đã kê sát nhau rồi, để đảm bảo theo quy định thì hiện Phòng cũng chưa có giải pháp gì mới được”, ông Cường nói.
Năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 500 trường mầm non, phổ thông với tổng số học sinh khoảng 195.000 em, trong đó phần nhiều là học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới, miền núi. Việc không đảm bảo cơ sở vật chất để giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học theo Chỉ thị số 19 của Chính phủ đang là nỗi lo chung của ngành giáo dục của địa phương và tạo áp lực không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp./.
Lựa chọn SGK lớp 1 tại Điện Biên: Phù hợp "túi tiền" người dân vùng cao
Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho học sinh lớp 1, các trường tiểu học ở Điện Biên đang tiến hành các bước trên tinh thần phù hợp với đặc thù địa phương, điều kiện kinh tế của phụ huynh, trình độ học sinh.
Trường Tiểu học Ẳng Nưa đón học sinh vào lớp 1.
Gửi gắm tương lai
Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng (Mường Ảng, Điện Biên) cho biết: Thay sách đồng nghĩa với việc thay đổi kiến thức, phương pháp truyền thụ cho học sinh. Vì thế, hội đồng tiến hành thận trọng, nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT để xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn sách.
Ở Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng, tiêu chí được đưa ra để lựa chọn SGK mới: Phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội tại địa phương và trình độ học sinh. Cấu trúc, kênh chữ, kênh hình, đẹp, rõ ràng khoa học. Hình ảnh gần gũi với học sinh vùng cao. Nội dung SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn nhà trường để dạy và học theo hướng tích hợp. Hệ thống câu hỏi, bài tập trong sách được thiết kế linh hoạt có tính ứng dụng giúp học sinh ôn tập và củng cố phát triển năng lực, phẩm chất.
Xuất phát từ những tiêu chí đưa ra và qua nghiên cứu nội dung 5 bộ SGK các giáo viên được tiếp cận, Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng quyết định lựa chọn bộ SGK "Kết nối tri thức với cuộc sống".
Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng mong muốn lựa chọn sách phù hợp với đặc thù tại địa phương
Phù hợp thực tiễn
Thầy Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng bày tỏ mong muốn SGK mới phải được trải qua thực tiễn giảng dạy để thấy rõ được những ưu điểm vượt trội của từng bộ sách.
Thầy Lê Văn Thống cho biết thêm: Sau khi nhận được công văn chỉ đạo từ Bộ và Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức cho các trường nghiên cứu chương trình, bộ SGK mới và phân công cán bộ cốt cán tham gia các lớp tập huấn liên quan đến chương trình thay SGK mới.
"Quá trình thay sách chúng tôi thấy không có khó khăn gì, đặc biệt là với những bài giảng điện tử. Bởi tất cả điểm trường trung tâm đều có máy chiếu. Hơn nữa, các trường học trên địa bàn huyện đang thực hiện Chương trình VNEN nên thầy, trò đều quen với phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm", thầy Thống chia sẻ.
Nằm trên địa bàn xã Ẳng Nưa, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mường Ảng, cô giáo Vũ Thị Thoan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ẳng Nưa cho rằng thay sách là cần thiết. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ SGK phải hợp lý về kiến thức, thực tiễn tại địa phương và với "túi tiền" của phụ huynh.
"Sau khi tiếp cận 5 bộ SGK, chúng tôi thấy rằng 5 bộ đều phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông. Mỗi bộ đều có những ưu điểm riêng. Thế nhưng có những bộ sách không phù hợp với chúng tôi. Ví dụ như về ngôn ngữ, trong sách dùng từ "cái chén".
Đây là từ địa phương, chỉ phù hợp với người dân Nam Bộ. Còn với học sinh Ẳng Nưa sẽ hiểu "cái chén" là chén uống nước chứ không phải cái bát. Cân nhắc rất kỹ, chúng tôi thấy bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, học sinh và phụ huynh", cô giáo Vũ Thị Thoan nêu quan điểm.
Theo cô Thoan, bộ SGK trên hoàn toàn phù hợp với nhận thức của học sinh cũng như quá trình truyền thụ kiến thức của giáo viên. Đặc biệt đáp ứng với điều kiện kinh tế, xã hội tại địa phương. "Nếu những bộ sách đòi hỏi nhiều thiết bị phụ trợ trong giảng dạy, thiết bị, đồ dùng giảng dạy khác. Công cụ vượt quá điều kiện tại địa phương thì không phù hợp. Nên chúng tôi thực sự tâm đắc bộ SGK trên", cô Thoan lý giải.
Còn theo ông Lường Văn Luyến, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Ẳng Nưa, một trong những tiêu chí chọn sách phải dựa trên "túi tiền" của phụ huynh học sinh vùng cao.
"Chuyên môn tôi không dám can thiệp. Nhưng các thầy cô lựa chọn làm sao phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội tại địa phương để chúng tôi tạo điều kiện cho con em mình mua tất cả các tài liệu học tập cần thiết", ông Lường Văn Luyến nhận định.
Nội dung môn học đảm bảo tính hiện đại ngắn gọn, cơ bản, kiến thức gần gũi với cuộc sống. Chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh. SGK phải được chia rõ ràng cụ thể theo các mạch kiến thức phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lý học sinh. Trong các bài cụ thể được phân biệt bằng các logo thể hiện rõ ràng từng phần... - Cô Nguyễn Thị Hòa
Bài, ảnh: Minh Thịnh
Theo Giáo dục thời đại
Hà Nội 'chốt' cho học sinh đi học từ ngày 4.5 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định thời gian đi học trở lại của học sinh trên địa bàn là từ ngày 4.5. Học sinh THCS và THPT Hà Nội sẽ trở lại trường từ ngày 4.5 tới - ẢNH T.N Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 cuối giờ chiều nay, 29.4, ông...