Giảm tải tối đa cho người dạy, người học
Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã được ngành GD-ĐT ở các địa phương chủ động lựa chọn những nội dung, những vấn đề cụ thể, phù hợp với thực tiễn ở địa phương để nâng cao chất lượng dạy học.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng tập huấn cho Bí thư Đoàn, Tổng phụ trách về tổ chức trò chơi dân gian trong trường học hè 2018
Rà soát, đánh giá lại hiệu quả những việc quản lý của ngành và mạnh dạn thay đổi, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đang nỗ lực giảm tải tối đa cho HS, GV để nâng cao chất lượng GD.
Giảm bớt sổ sách, hội họp
Hầu hết các trường học ở Đà Nẵng đã áp dụng hình thức sổ liên lạc điện tử. Mỗi phụ huynh có một mã số để theo dõi tình hình học tập của con ở trường. GV bộ môn không còn phải ghi chép và “ôm” nhiều sổ sách, hồ sơ. Riêng GV chủ nhiệm có thể theo dõi sự đánh giá, nhận xét của GV bộ môn qua sổ liên lạc điện tử chứ không nhất thiết phải trao đổi qua sổ điểm cá nhân như trước.
Từ năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo trong toàn ngành, “đối với những cuộc họp không cần thiết được trao đổi qua Internet, tin nhắn; tích hợp, lồng ghép một số cuộc họp với nhau để đỡ tốn thời gian, công sức đi lại của GV. Người chủ trì phải có sự chuẩn bị chu đáo để cuộc họp diễn ra hiệu quả nhất. Sở cũng đã xem xét loại bỏ các loại hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho GV đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy – học, quản lý GD để GV tập trung vào công tác chuyên môn” – ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết.
Hai năm gần đây, các giáo viên được tuyển dụng mới ở Đà Nẵng đều được bố trí nhiệm sở trước ngày tựu trường thay vì qua tháng 10 các trường mới được bổ sung giáo viên như trước đây. Sở GD&ĐT đã tham mưu nên đẩy sớm thời gian tổ chức thi tuyển viên chức, GV mới tiếp nhận nhiệm sở trước khai giảng để có một tâm thế chủ động trong công việc ngay khi năm học bắt đầu.
Trong kỳ thi tuyển viên chức năm 2018 này, Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức cho GV trúng tuyển được tự chọn nhiệm sở dựa trên kết quả của kỳ thi. GV trúng tuyển có điểm cao nhất sẽ được chọn trước cho đến người cuối cùng theo nhu cầu GV từng môn, từng trường. Việc GV được chọn nhiệm sở sẽ đảm bảo yêu cầu khách quan, công khai, tạo thêm động lực cho người dự tuyển, xóa đi suy nghĩ tiêu cực trong công tác bố trí nhiệm sở.
Những đổi mới sáng tạo vì người học
Ngành GD-ĐT thành phố đã thực hiện chủ trương mở cổng trường học, trường học sáng ánh đèn, xây dựng tủ sách mở… ở tất cả các cơ sở GD để HS, nhân dân được sinh hoạt, vui chơi, đọc sách, tập luyện thể thao, nhà trường thực hiện trách nhiệm phụng sự xã hội của mình.
Ba năm trở lại đây, Sở GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập trên địa bàn từ tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hình thức tuyển sinh cũng như chủ động thời gian tuyển sinh vừa tạo được sự bình đẳng trong tuyển sinh giữa hệ thống trường công và trường tư vừa tạo điều kiện cho phụ huynh, HS có thêm nhiều lựa chọn.
Video đang HOT
Qua rà soát, năm học 2017 – 2018, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã giảm khoảng 50% các cuộc thi mang tính chất phong trào đối với GV và HS; các cuộc thi còn lại như Hội khỏe Phù Đổng, An toàn giao thông được nghiên cứu để tổ chức khoa học, phân vùng phù hợp để các quận, huyện trên địa bàn tổ chức luân phiên tùy theo tính chất từng vùng hoặc theo thế mạnh của từng trường, cấp học chứ không như trước đây, tất cả các trường, các cấp học đều tham gia tất cả các cuộc thi. Kết quả các cuộc thi không được sử dụng để cộng điểm các kỳ thi tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho nhà trường, GV, phụ huynh và HS. Đội ngũ GV và HS được khuyến khích tham gia các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện nhằm phát huy năng khiếu, hình thành giá trị sống, kĩ năng sống cho HS.
Những hoạt động thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ của các bậc học, ngành học cũng được bố trí thời gian hợp lý, để những hoạt động cùng đồng thời diễn ra, không để trường hợp các hoạt động diễn ra trong suốt năm học, ảnh hưởng tâm lý học tập của HS.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh thẳng thắn: “Ngành GD-ĐT cũng không nên chỉ nói về những gì thuận lợi của mình và chúng tôi cũng không đặt ra mục tiêu phải đạt 100% trong các đề án, đó chỉ là ngưỡng để phấn đấu”.
Khó khăn nhất trong việc triển khai thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/TW, theo như chia sẻ của ông Nguyễn Đình Vĩnh, chính là thay đổi nhận thức. “Trước một thay đổi bao giờ cùng gặp phải nhiều khó khăn, ngoài sức ỳ thì còn là lực cản từ những thói quen cũ, kinh nghiệm cũ để phán xét và nhìn nhận những vấn đề mới. Do vậy, thay đổi nhận thức cần phải thực hiện một cách kiên trì thì hiệu quả mới đạt được như mong muốn. Trong tất cả những chương trình, đề án, kế hoạch của ngành, mục tiêu Vì người học được quán xuyến với những giải pháp đột phá, sáng tạo”.
Theo giaoducthoidai.vn
Giảm biên chế giáo viên thế nào khi đầu vào tăng lên?
"Vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm thế nào trong khi số học sinh đầu vào tăng lên?"
Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, đại diện các Sở GD-ĐT, UBND tỉnh thành trên cả nước đã đưa ra những đề xuất với Bộ GD-ĐT và Chính phủ xoay quanh những vấn đề: tinh giảm biên chế, chương trình sách giáo khoa mới, xã hội hóa giáo dục, tự chủ đại học...
Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 được tổ chức vào sáng ngày 2/8. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh tăng, tinh giảm giáo viên như thế nào?
Đại diện các tỉnh Phú Thọ, Cần Thơ, Kiên Giang đều chung quan điểm về vấn đề sắp xếp lại hệ thống trường lớp và tinh giảm biên chế giáo viên.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho rằng, thực tế ở các địa phương đây là một công việc rất khó khăn, cần phải có chỉ đạo tập trung của Chính phủ.
Mâu thuẫn ở đây là nhu cầu học tập của học sinh ngày càng cao, tỷ lệ học sinh lên lớp, kể cả mầm non, nhà trẻ ngày càng cao trong khi theo NQ19 của trung ương thì từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế.
Nếu giảm như vậy thì Phú Thọ phải cắt giảm trên 2.400 giáo viên, tuy nhiên hiện nay giáo viên mầm non của tỉnh thiếu nghiêm trọng giống như nhiều tỉnh thành trên cả nước.
"Rõ ràng là việc học tập của con em chúng ta phải đảm bảo nhưng lại không được đẩy các thầy cô ra đường. Việc tinh giảm giáo viên của Đắk Lắk, Cà Mau gây bức xúc trong dư luận. Như vậy, vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm thế nào trong khi số học sinh đầu vào tăng lên? Con đường duy nhất là chuyển từ trường công lập sang tư thục, nhưng chính sách của Nhà nước lại không rõ" - vị lãnh đạo này nói.
Ông đề nghị Chính phủ quy định rõ về việc chuyển đổi từ trường công sang trường tư, cơ chế chính sách ra sao, giải quyết vấn đề giáo viên như thế nào...
Tinh giảm biên chế cũng là vấn đề của tỉnh Kiên Giang. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết trong 3 năm qua, tỉnh luôn thiếu biên chế giáo viên - từ 700-1.000 suất, đặc biệt là giáo viên mầm non.
"Chúng tôi đứng trước ngưỡng: Không được sử dụng hợp đồng lao động nếu ở đó đã hết biên chế. Nhưng nếu không hợp đồng thì lấy giáo viên ở đâu dạy? Chúng tôi đã hỏi HDND tỉnh nhưng không ai trả lời được câu hỏi đó. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục làm. Như vậy có vi phạm pháp luật hay không?" - vị đại diện này đặt câu hỏi.
Bà đề xuất vấn đề biên chế giáo viên nên giao cho chính quyền địa phương quyết định.
Quảng Ninh là địa phương thực hiện tích cực tinh giảm biên chế, giao kiêm nhiệm công việc. Vì thế, đại diện tỉnh này đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành các quy định về kiêm nhiệm, bao gồm khối lượng công việc kiêm nhiệm, thời gian kiêm nhiệm, chế độ cho người kiêm nhiệm, yêu cầu về năng lực trình độ của người kiêm nhiệm...
"Tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ quy định về khung vị trí việc làm, số người làm việc tại các phòng giáo dục. Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính xem lại quy định về việc giao dự toán chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục, và nên giao dự toán theo định mức số người làm việc để các đơn vị tinh giảm biên chế có kinh phí để chi trả chế độ kiêm nhiệm, tăng thu nhập cho người lao động" - bà Vũ Liên Oanh, GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ninh nêu ý kiến.
Trước phản ánh của một số địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Nghị quyết 19 của trung ương không yêu cầu các địa phương cắt đi 10% giáo viên, mà là chia giai đoạn từ nay đến năm 2021 cắt giảm trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tức là nếu biên chế tự chủ được về lương thì không tính là biên chế theo nghĩa truyền thống nữa. Với các trường đại học cũng như vậy, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, biên chế giáo viên đại học khi trường đã tự chủ sẽ không tính vào biên chế theo khái niệm cũ.
Ông Đam cho rằng: "Việc thực hiện máy móc cắt 10% giáo viên là chưa chuẩn xác".
"Thứ hai, cắt giảm biên chế giáo viên cần chủ yếu tập trung vào biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là giáo viên vẫn phải đủ để dạy".
Xã hội hóa giáo dục công khai không e ngại lạm thu
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Hùng
Về chương trình phổ thông mới dự kiến sẽ được đưa vào nhà trường từ năm 2020, đại diện các Sở và UBND đề nghị Bộ sớm quy định danh mục thiết bị tối thiểu để địa phương chuẩn bị về mặt đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất.
"Đề nghị Bộ sớm ban hành kế hoạch triển khai đổi mới chương trình phổ thông để tỉnh xây dựng kế hoạch bài bản và đồng bộ" - ông Nguyễn Anh Ninh, GĐ Sở GD-ĐT Lào Cai đề xuất.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất Bộ bổ sung nội dung quy định về mức thu học phí, khung học phí với loại hình trường công lập tự chủ chi thường xuyên.
Đồng thời, đại diện Sở này cũng nêu vấn đề chung của các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội là khó khăn về đất đai để xây dựng trường học, và đề nghị được giải quyết.
Bàn về vấn đề xã hội hóa giáo dục, đại diện Sở Kiên Giang nêu thực tế: Thông tư 55 hiện nay không cho phép thu vì những e ngại lạm thu. Trong khi, trường học chỉ trông chờ vào nguồn xã hội hóa từ phụ huynh đóng góp để phục vụ con em mình.
"Chúng tôi mong muốn nguồn xã hội hóa này phải được khai thông: thu như thế nào, phục vụ cho ai, công khai ra sao.. thì nhân dân sẽ ủng hộ, không có gì đáng ngại" - vị này nói.
Phản hồi ý kiến của đại diện tỉnh Kiên Giang về câu chuyện xã hội hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thông tư của Bộ GD-ĐT đã vô hình chung do quản lý không tốt đã chặn hết nguồn xã hội hóa một cách đúng đắn, biến thành cào bằng trên danh nghĩa hội phụ huynh. Như vậy là không đúng tính chất và gây bức xúc.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay Bộ đang hoàn thiện Nghị định về cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó sẽ giải quyết vấn đề: một mặt ngăn không cho lợi dụng danh nghĩa của tất cả mọi tổ chức cơ quan để "bổ" đầu người, bắt phụ huynh đóng một cách "tự nguyện", mặt khác phải mở kênh để toàn xã hội tùy theo năng lực, tấm lòng của mình đóng góp cho giáo dục.
"Hướng khó nhất với các trường tự chủ là: hệ thống văn bản không nhất quán. Khá nhiều nội dung tự chủ trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ là tuân theo quy định hiện hành. Đã gọi là thí điểm tự chủ thì phải khác quy định hiện hành. Những quy định hiện hành về đầu tư công, chi tiêu công hiện nay rất ràng buộc đại học tự chủ. Rất mong đề án tự chủ sắp tới sẽ có những cơ chế khác biệt" - ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, một trong 3 đại học được Bộ GD-ĐT giao xây dựng đề án bỏ Bộ chủ quản, chia sẻ tại hội nghị.
Nguyễn Thảo
Theo vietnamnet.vn
Không còn tình trạng "cầm tay chỉ việc" các nhà trường Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã có hiệu ứng tích cực đến giáo dục của các địa phương, trong đó có công tác quản lý nhà trường. Đây cũng là cơ sở lý luận quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới trong thời gian tới. Tại...