Giảm tải môn Toán khối trung học cơ sở
Môn Toán giảm số tiết luyện tập, bỏ một số tiết thực hành ngoài trời; phần giới thiệu công thức tính chu vi, diện tích hình tròn chuyển sang tự học.
Phần kiến thức không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tiếp thu bài ở những phần sau, lớp sau cũng được khuyến khích học sinh tự đọc có hướng dẫn, như lớp chín là phần Góc trong và góc ngoài đường tròn, Cung chứa góc.
Mục điều chỉnh nữa là bỏ một số chứng minh tính chất, định lý, nhằm giảm thời gian làm việc trên lớp cho thầy cô, không tạo áp lực chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, theo quan điểm thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán tại Hệ thống giáo dục Học Mãi, điều này đáng tiếc bởi việc tìm hiểu định nghĩa, xây dựng tính chất, chứng minh định lý rất quan trọng, rèn học sinh thói quen tìm hiểu tận gốc vấn đề và tư duy phản biện. Qua những hoạt động đó, học sinh học được các kỹ năng cũng như khắc sâu hơn định nghĩa, tính chất, định lý.
Nội dung tinh giản môn Toán học khối THCS.
Thực tế, khi xây dựng chương trình qua các năm học, sách giáo khoa đã là một thể thống nhất, kiến thức hình thành theo đường xoáy ốc nên việc cắt gọt chỗ nào đó là rất khó. Việc giảm tải ở đây chủ yếu giảm bớt thời gian làm việc trên lớp của thầy và trò, giảm bớt mức độ yêu cầu vận dụng kiến thức đó để luyện tập một số bài nâng cao.
Như vậy, theo tinh thần giảm tải khung kiến thức so với các năm học trước gần như không thay đổi, chỉ có mức độ yêu cầu thấp hơn.
Video đang HOT
Lộ trình ôn thi vào lớp 10
Theo nội dung điều chỉnh, phần kiến thức không dạy của lớp chín gồm: Cắt hình trụ bởi một mặt phẳng, hình nón cụt. Những đề thi năm trước vào lớp 10 của Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng không thi phần này, như vậy phần kiến thức bỏ đi cơ bản không ảnh hưởng gì.
Một số phần điều chỉnh thành khuyến khích học sinh tự học như Cung chứa góc thì xác suất thi vào thấp hơn, học sinh có thể học nhanh phần này. Tuy nhiên những bạn muốn được điểm cao cần học kỹ và sâu, bởi với bài nâng cao thì việc thi vào là bình thường như những phần khác.
Nhìn chung, việc điều chỉnh nội dung gần như không thay đổi lớn nên lộ trình ôn của học sinh lớp chín không thay đổi nhiều, chỉ cần điều chỉnh lại các mốc thời gian theo sự điều chỉnh thời gian năm học, chọn giai đoạn tăng tốc cho phù hợp.
Những lưu ý cho học sinh THCS học kỳ hai
Bộ giáo dục điều chỉnh chương trình hợp lý, cắt bỏ một phần kiến thức chưa thực sự cấp thiết, bỏ một số phần luyện tập nâng cao.
Phần tự học có hướng dẫn thuộc hai loại: Kiến thức rất cơ bản, mang tính giới thiệu nên để học sinh tự đọc và kiến thức không quá cần thiết để tiếp thu bài học sau hoặc năm học sau như Góc trong và góc ngoài đường tròn, Cung chứa góc.
Theo thầy Hồng Trí Quang, với loại một, học sinh cần tự học nghiêm túc; với loại hai, thường thì xác suất xuất hiện trong các kỳ thi thấp hơn. Tuy nhiên ta vẫn phải tự học xem nó là gì. Bởi, những kiến thức đó đều xuất hiện dưới dạng ẩn trong các bài học về sau. Ví dụ: góc ngoài đường tròn thực chất là kiến thức góc nội tiếp kết hợp với góc ngoài của tam giác. Cung chứa góc sẽ xuất hiện trong dấu hiệu nhận biết tứ giác nội tiếp: hai góc ở hai đỉnh kề nhau cùng nhìn cạnh còn lại dưới hai góc bằng nhau.
Do đó, mặc dù thời gian học ở lớp bị rút ngắn, kiến thức có được giảm đi, để đạt kết quả tốt học sinh vẫn cần tăng cường khả năng tự học để đảm bảo đủ lượng kiến thức. Lộ trình của học sinh vẫn là : Nắm vững kiến thức cơ bản – Ôn tập chuyên sâu – Luyện đề – Rút kinh nghiệm trong quá trình luyện đề và tự tin đi thi. Sau giai đoạn dịch này, những bạn nào biết tận dụng thời gian học hiệu quả hơn, kết quả học sẽ tốt hơn. Hiện bạn nào còn hổng kiến thức thì tranh thủ củng cố, còn đa số các bạn nên dành thời gian đào sâu mỗi chuyên đề.
Học sinh có thể theo dõi chương trình học trên truyền hình địa phương, chương trình học online ở trường của các thầy cô, hoặc chọn chương trình đào tạo trực tuyến hiệu quả; lập các nhóm học online để trao đổi, thảo luận, giúp đỡ lẫn nhau.
Thế Đan
Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh Thông tư 58 đánh giá học sinh
Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, Bộ GD-ĐT cần có điều chỉnh đánh giá học sinh (HS) sao cho phù hợp với giảm tải chương trình học kỳ 2.
Học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19 nên việc kiểm tra đánh giá cũng cần điều chỉnh phù hợp - Đào Ngọc Thạch
Theo hướng dẫn của Bộ, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại HS tiểu học, THCS, THPT. Chỉ kiểm tra định kỳ sau khi HS đi học trở lại với bài kiểm tra định kỳ và học kỳ.
Như vậy việc đánh giá xếp loại học lực HS tiểu học, THCS và THPT vẫn thực hiện theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 12.12.2011. Với một số quy định sau: Về các loại bài kiểm tra: kiểm tra thường xuyên gồm kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết. Kiểm tra định kỳ gồm kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ.
Thông tư 58 tất nhiên áp dụng trong điều kiện bình thường, còn trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, Bộ cần có điều chỉnh sao cho phù hợp với giảm tải chương trình học kỳ 2 (đã có hướng dẫn). Nếu được có thể không thực hiện kiểm tra thường xuyên.
Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, việc học qua internet, truyền hình khi tất cả HS được tham gia học tập (100%) khó đảm bảo vì điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật từng địa phương, nhà trường, giáo viên, gia đình, HS không có sự đồng bộ cần thiết. Vì thế sẽ khó có sự công bằng khi thực hiện kiểm tra thường xuyên. Nhiều HS vùng sâu, xa... khó tiếp cận được kiến thức khi học từ xa.
Về tính khách quan, trung thực, để đảm bảo sự công bằng cho HS trong kiểm tra thường xuyên cần phải có sự giám sát của thầy cô giáo nhưng điều này khó thực hiện khi dạy học qua internet trên truyền hình và trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Như vậy yếu tố trung thực trong kiểm tra khó đảm bảo được.
Về thực tế, trước diễn biến của tình hình dịch bệnh hiện nay, HS nghỉ học dài ngày không biết được khi nào hết dịch trở lại trường học, thời gian của năm học không còn nhiều, vì vậy Bộ đã có hướng dẫn giảm tải các đơn vị kiến thức trong chương trình học ở học kỳ 2. Tuy nhiên, số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ vẫn giữ nguyên không thay đổi là rất áp lực cho HS. Ví dụ môn ngữ văn là 12 cột điểm/học kỳ, môn sử - giáo dục công dân ít nhất cũng 5 cột điểm/học kỳ và có mười môn học phải đánh giá bằng điểm số. Vậy Bộ cũng cần phải giảm số lượng bài kiểm tra theo chương trình giảm tải. Điều này là cần thiết và hợp lý với thực tế hiện nay.
Trước thực tế này, Bộ nên điều chỉnh Thông tư 58, không kiểm tra thường xuyên để đảm bảo sự công bằng và giảm áp lực trong kiểm tra cho HS trong mùa dịch này.
Nguyễn Văn Lực
Giảm tải nội dung môn Toán có ảnh hưởng tới việc thi vào lớp 10? Kiến thức "cắt hình trụ bởi một mặt phẳng, hình nón cụt..." được bỏ đi sẽ không ảnh hưởng đến đề thi vào lớp 10. Đánh giá chung của về điều chỉnh Trong tình hình học sinh tạm nghỉ học thì việc điều chỉnh nội dung dạy và học là cần thiết. Có các hình thức điều chỉnh như sau: Giảm bớt một...