Giảm sâu chỉ tiêu đào tạo cử nhân sư phạm
Những thí sinh có ý định đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm cần cân nhắc kỹ năng lực để tránh gặp rủi ro.
Bộ GD&ĐT vừa đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở GD&ĐT tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học (ĐH), ĐH, cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc địa phương.
Riêng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông năm 2017, Bộ GD&ĐT đề xuất có lộ trình giảm hợp lý so với năm 2016 để khắc phục tình trạng sinh viên (SV) sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
Chỉ nên giữ 20% trường sư phạm
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến tháng 12/2015, cả nước có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 SV sư phạm ra trường chưa biết về đâu.
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, chưa bao giờ ngành sư phạm lại rơi vào khủng hoảng thừa một cách trầm trọng như vậy. Nguyên nhân có phần do chính sách miễn, giảm học phí đã thu hút lượng lớn người học, trong khi hiện nay số học sinh phổ thông đang ngày một giảm dần.
Trong khi đó, quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH sư phạm hằng năm, cộng thêm hệ đào tạo từ xa tại một số trường đa ngành thì số lượng cử nhân sư phạm ra trường cũng đã lên tới con số 50.000.
Video đang HOT
Thí sinh thi THPT năm 2015 tạ ĐH Sài Gòn. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.
Riêng năm 2016 hệ chính quy của các trường ĐH, CĐ cả nước đã thông báo là 49.562. Nếu tính cả chỉ tiêu đào tạo trung cấp sư phạm chính quy khoảng 15.760 chỉ tiêu thì tổng chỉ tiêu chính quy năm 2016 là 65.322 chỉ tiêu.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM, không biết số dư thừa mà Bộ đưa ra có chính xác hay không, nhưng giống như các trường khác, SV ra trường tự tìm kiếm việc làm.
Nếu có số liệu tuyển mới giáo viên hằng năm và số liệu SV sư phạm ra trường thì có thể thấy được số không đi làm nghề dạy học do đã tìm việc khác (việc này ở trường nào cũng có không riêng gì các trường sư phạm) và cả số không thể xin được việc mới gọi là dư thừa.
Về việc dự báo nguồn nhân lực, ông Hồng cho biết hàng năm, trong hội nghị “khách hàng” các Sở GD&ĐT từ Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ đều có cung cấp cho nhà trường nhu cầu tuyển dụng giáo viên để nhà trường tham khảo.
Do vậy, TS Hồng cho rằng nếu nhu cầu sử dụng giáo viên ít hơn năng lực đào tạo thì phải giảm chỉ tiêu để điều tiết nhưng phải xem xét giảm trên nhu cầu của các địa phương.
“Hiện cả nước có tới 120 cơ sở đào tạo giáo viên trong khi số cơ sở đào tạo thật sự có chất lượng khá và tốt chỉ khoảng 15%-20%. Về lâu dài cần tính đến quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm theo hướng giảm quy mô xuống chỉ còn 20 cơ sở là đủ” – TS Hồng nói.
Giảm chỉ tiêu để tăng chất lượng
“Dự kiến đến năm 2018 số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm bậc tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.000. Cho dù tăng số học sinh trên giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì đến năm 2020 hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 đối với tiểu học, 12.200 với THCS và 16.900 với THPT”.
PGS BÙI VĂN QUÂN, Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế, cho rằng tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp phổ biến không chỉ ngành sư phạm mà hầu như ngành nào cũng có. Tuy nhiên, những người học ngành sư phạm được chú ý nhiều hơn do họ được hỗ trợ kinh phí học tập.
Từ thực tế này thời gian vừa rồi Bộ có một số chủ trương phù hợp như ngừng đào tạo chứng chỉ sư phạm đối với người học ngoài ngành; ngừng đào tạo giáo viên ngành sư phạm hệ từ xa; giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm ở các trường… Hiện có bảy trường sư phạm trọng điểm đang giảm chỉ tiêu tuyển sinh khá sâu so với trước đây.
Ông Thám đề xuất Bộ GD&ĐT nên khống chế chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh bậc cử nhân sư phạm, bởi các trường do Bộ quản lý thì giảm theo chỉ tiêu của Bộ còn các trường địa phương thì được tuyển tự do.
Song song với việc giảm chỉ tiêu là tăng chất lượng đầu vào. Tức các trường sư phạm phải yêu cầu đầu vào cao hơn các trường đào tạo ngành nghề khác, như vậy mới có đội ngũ giáo viên tốt và chất lượng giáo dục mới được nâng lên. Ngoài ra Bộ cần khảo tra thực trạng để có dự báo nhu cầu giáo viên đến năm 2020.
Còn theo GS.TS Lê Văn Thuyết, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Huế, yêu cầu đối với SV ngành sư phạm sẽ ngày càng được nâng cao. Do vậy, bên cạnh kiến thức các môn học thí sinh cần trau dồi ngoại ngữ, sử dụng thành thạo máy tính, các phần mềm thông dụng, kỹ năng nghiên cứu khoa học…
Các chuyên gia tuyển sinh cảnh báo trước tình hình như vậy, trong kỳ tuyển sinh sắp tới những thí sinh có ý định xét tuyển vào các ngành sư phạm cần cân nhắc kỹ năng lực trước khi quyết định để tránh gặp rủi ro.
PGS.TS Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng ĐH Quảng Bình, thông tin năm 2017 trường sẽ ngưng tuyển sinh CĐ sư phạm và đến năm 2020 sẽ giảm 50% chỉ tiêu đào tạo tất cả ngành sư phạm bậc ĐH.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM, cho hay trong ba năm gần đây, mỗi năm trường giảm khoảng 10% chỉ tiêu, tùy theo nhu cầu của mỗi ngành. Năm học 2016-2017, nhà trường chỉ có 1.730 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm, riêng hai ngành giáo dục tiểu học và mầm non thì không giảm.
ĐH Sư phạm Huế cho biết dù năng lực đào tạo 2.400 SV nhưng ba năm qua đã giảm dần xuống chỉ còn 1.600 chỉ tiêu trong năm học này. Chỉ tiêu ngành sư phạm của ĐH Sài Gòn năm 2017 chỉ còn 980. Trong đó giảm sâu nhất là đào tạo giáo viên bậc THCS, THPT…
Theo Phong Điền/Pháp Luật TP HC