Giám sát thực phẩm học đường: Phải thực chất, không hình thức
Vào năm học mới, mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn là mối lo của các bậc phụ huynh. Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, với gần 2 triệu học sinh.
Trong đó gần 1.700 /khoảng 2.700 trường học tổ chức ăn bán trú. Vấn đề đặt ra lúc này là việc giám sát bữa ăn học đường phải tổ chức không hình thức.
Đoàn kiểm tra, giám sát ATTP tại trường học Quảng Trị.
Khuyến khích phụ huynh chủ động
Nhiều phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa quên vụ việc xảy ra dịp cuối năm học trước, khi đại diện phụ huynh của trường đi kiểm tra, giám sát đã phát hiện thịt gà phục vụ bữa ăn bán trú của các con có mùi ôi thiu…Lo lắng cho sức khỏe của các con, năm học này nhiều gia đình đã xin phép cho con không ăn bán trú. Nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện đưa đón con về buổi trưa, thành thử đại đa phần phụ huynh vẫn phải gửi con ăn bán trú ở trường trong mối lo phập phồng…
Trước đó, trong năm học 2018-2019, khi tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể gia tăng ở một số trường học, tại một số địa phương, cả Bộ GDĐT và Sở GDĐT Hà Nội đều khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú hàng ngày của học sinh. Văn bản của Bộ GDĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các sở GDĐT phối hợp với sở y tế và các cơ quan tại địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm. Bộ GDĐT đề nghị các địa phương huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học và ATTP. Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội chia sẻ, một trong các biện pháp tăng cường ATVSTP là phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tham gia giám sát bếp ăn trường học.
Video đang HOT
Tất nhiên, không phải cho đến bây giờ, việc giám sát ATTP vào trường học với sự tham gia của ban phụ huynh mới được đặt ra. Nhưng theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ thật khó mà xâm nhập bếp ăn tập thể của các trường. Thậm chí, phải có lý do rất đột xuất như đón con về buổi trưa thì mới có cớ để quan sát bữa ăn của các con. Những buổi kiểm tra bữa ăn học đường có thành phần là phụ huynh được tham dự, hoặc để truyền thông ghi hình, thường được nhà trường bố trí, xếp lịch chuẩn bị trước.
Như vậy việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường hiện nay vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Trong khi vấn đề đặt ra ở đây là giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không, có đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình học sinh hay không. Và điều đáng nói là việc ăn bán trú ở các trường hiện chỉ phục vụ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh, nên chưa có sự đầu tư chuyên nghiệp, thiếu cán bộ có chuyên môn. Hơn thế, không phải trường nào cũng có cơ chế “mở” với phụ huynh… Ghi nhận cho thấy, hiện chất lượng bữa ăn cho trẻ em ở các trường học tại Hà Nội đã được cải thiện và nâng lên, nhưng rõ ràng bữa ăn của các em vẫn bị thả nổi. Nhiều trường chưa chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm học đường, đơn cử như việc lưu mẫu thức ăn…
Làm rõ nguồn gốc thực phẩm
Mới đây, tại hội nghị giao ban tháng 8 của UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GDĐT đề nghị các nhà trường thực hiện nghiêm việc công bố, công khai nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung cấp thực phẩm tại các trường học và mời đại diện phụ huynh tham gia giám sát, theo dõi. Đây là một trong những việc cần làm ngay trong thời gian bắt đầu năm học mới 2019-2020.
Theo báo cáo của Sở GDĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.700 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh, trung bình một ngày toàn thành phố phục vụ khoảng hơn 800.000 suất ăn. Hàng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phục vụ trung bình gần 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1-4 bữa/ngày theo đặc thù từng trường. Như thế trước lượng suất ăn khổng lồ này, yêu cầu kiểm soát ATVSTP học đường càng cần được chú trọng.
Năm học mới, nhưng vẫn là băn khoăn cũ mà các phụ huynh gửi tới chúng tôi, rằng họ sẽ tham gia giám sát trước (tức là khi thực phẩm ở trang trại) hay sau khi thực phẩm đã được đưa vào bếp ăn nhà trường chờ chế biến… Bởi lâu nay, chỉ mỗi khi có sự việc mất ATVSTP xảy ra ở nơi này, nơi kia, thì việc siết ATTP bữa ăn bán trú mới được đề cập ráo riết. Sau đó, không ít nơi lại buông… Trong khi theo các chuyên gia về dinh dưỡng, vai trò của phụ huynh trong việc tham gia chuẩn bị bữa ăn cho con, cũng như giám sát bữa ăn học đường là cần thiết. Điều này cũng nhằm thể hiện trách nhiệm hai chiều giữa nhà trường- phụ huynh trước vấn đề dinh dưỡng của trẻ. Vì lẽ đó, cần một cơ chế thống nhất giữa các nhà trường và đại diện hội phụ huynh để cha mẹ các em có thể theo dõi, kiểm soát được bữa ăn hàng ngày của con em mình bất kể lúc nào mà không cần phải báo trước.
Theo ông Trần Ngọc Tụ- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn bán trú cho học sinh là công việc thường xuyên. Các vi sai phạm đều phải chịu xử lý nghiêm và công khai danh tính đơn vị vi phạm. Nhưng quan trọng nhất là ngăn chặn các nguy cơ chứ không để xảy ra các vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh do sự cố về ATTP.
An Thái
Theo daidoanket
Ba Vì giám sát chặt bữa ăn bán trú
Xác định nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng trong các cấp học, nhiều năm qua ngành giáo dục huyện Ba Vì đã triển khai thực hiện các biện pháp tích cực đảm bảo ATTP trong trường học.
Bữa ăn bán trú tại trường Tiểu học Ba Trại A. Ảnh: Khuất Duyên
Lựa chọn nguồn thực phẩm chất lượng
Hiện nay, huyện Ba Vì có 62/80 trường tiểu học, mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có tổ chức bán trú cho học sinh với hơn 24.600 học sinh. Các bếp ăn bán trú chủ yếu cung cấp bữa ăn trưa cho hàng chục nghìn học sinh với tiêu chí "đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và ATTP".
Trường Tiểu học Ba Trại là mô hình được Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đánh giá nhiều năm liên tục làm tốt công tác đảm bảo ATVSTP cho học sinh. Nhà trường được đầu tư khu bếp nấu và khu chế biến, nhà ăn với các thiết bị gần 2 tỷ đồng, sạch sẽ, tiện nghi hiện đại. Nhà trường có nhà ăn riêng với 840 chỗ ngồi, có khu rửa tay riêng cho học sinh trước khi ăn cơm đảm bảo vệ sinh. Bếp ăn tập thể được thực hiện theo quy trình một chiều, trang thiết bị đồ dùng đảm bảo VSATTP. Các bữa ăn cho trẻ đều đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng, tỷ lệ học sinh có sức khỏe xếp loại A đạt trên 90%.
Trường thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình nghiêm ngặt như: Quản lý, sử dụng và chế biến thực phẩm đều có hợp đồng xác định rõ nguồn gốc thực phẩm sạch với các nhà cung cấp có đầy đủ hồ sơ, danh tính những người cung cấp thực phẩm, ký cam kết cung cấp thực phẩm sạch. Đặc biệt, nhà trường lựa chọn những nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Chị Trần Thị Khanh - phụ huynh học sinh Phan Anh Tú, lớp 5A1 trường Tiểu học Ba Trại chia sẻ: "Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con ăn bán trú ở trường bởi nguồn thực phẩm được nhập vào trường đều có sự giám sát của phụ huynh".
Ngoài ra, thực đơn, thực phẩm được thay đổi theo tuần, theo mùa và niêm yết công khai tại các lớp học. Quản lý nhà trường và nhân viên cấp dưỡng tại bếp ăn đều nắm vững kiến thức về ATTP, có chứng chỉ nấu ăn. Hiệu Trưởng trường Tiểu học Ba Trại Trần Văn Xuân cho biết: Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh ăn bán trú, ngoài đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhà trường đã phân công Phó hiệu trưởng hàng ngày giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến, lưu mẫu thức ăn, đảm bảo ATTP. Vì vậy, có tới 99,9% học sinh của nhà trường đăng ký ăn bán trú.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Không chỉ trường Tiểu học Ba Trại, nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Ba Vì đều có nội quy rõ ràng "không nhập thực phẩm không có nguồn gốc". Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các nhà trường trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giảm nỗi lo cho các bậc phụ huynh.
Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã chỉ đạo các trường có tổ chức bán trú cho học sinh thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP; thực hiện đầy đủ Thông tư 30 và Thông tư 1246 của Bộ Y tế về điều kiện ATTP, quy định về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn. Chỉ đạo các trường học có tổ chức ăn bán trú, có bếp ăn tập thể bố trí đầy đủ cơ sở vật chất các khu vực: Bếp nấu, khu chế biến thức ăn, khu để thức ăn chín... Đồng thời tuân thủ đúng quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn, thực phẩm hàng ngày.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, Phòng đã tham mưu với UBND huyện để ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP trong trường hợp. Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể. Qua kiểm tra, hầu hết các trường đều chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP, sử dụng nguồn gốc thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, người quản lý, nhân viên nuôi dưỡng bếp ăn có kiến thức về ATTP. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn nên một số trường vẫn còn thiếu các trang thiết bị dụng cụ, diện tích bếp còn chật hẹp. "Mong rằng, thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị để việc tổ chức bữa ăn bán trú trong các nhà trường trên địa bàn huyện được tốt hơn" - ông Oanh chia sẻ.
Theo kinhtedothi
Bữa ăn học đường đặc biệt của HS bán trú Bình Dương Nhờ phần mềm xây dựng ngân hàng thực đơn đa dạng thuộc Dự án Bữa ăn học đường, HS Trường tiểu học Đông Hòa B hưởng các bữa trưa không lặp lại theo 120 bộ thực đơn và 360 món ăn cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi. Ngân hàng thực đơn đặc biệt cho bữa trưa bán trú Việc mang...